Vào nội dung chính
HY LẠP - NÔNG NGHIỆP - KHỦNG HOẢNG

Khủng hoảng nông nghiệp : 8.000 nông dân Hy Lạp đổ về thủ đô biểu tình

Hôm qua, 20/02/2024, khoảng 8.000 nông dân từ nhiều vùng tại Hy Lạp đổ về thủ đô Athens, tập hợp trước trụ sở Quốc Hội, để phản đối các chính sách về nông nghiệp. Giá bán nông phẩm quá rẻ mạt và thuế xăng là hai trong số các phản đối chủ yếu của giới nông dân.

Greek farmers, with their tractors, protest in front of the Greek parliament over rising energy costs and competition from imports in Athens, Greece, February 20, 2024
Nông dân biểu tình trước tòa nhà Quốc Hội Hy Lạp ở Athens, ngày 20/02/2024. REUTERS - LOUISA GOULIAMAKI
Quảng cáo

Các nông dân đã rời thủ đô sau cuộc tập hợp gần 24 giờ. Phong trào phản kháng của nông dân Hy Lạp diễn ra từ hơn một tháng nay và còn tiếp tục, vào lúc giới nông dân nhiều nước châu Âu cũng biểu tình, phản đối.

Về cuộc biểu tình hôm qua tại Athens, thông tín viên Joël Bronner từ thủ đô Hy Lạp gửi về bài phóng sự :

Ở quảng trường Syntagma, trung tâm thủ đô Athens, mùi đồ nướng lan tỏa có thể gợi nhắc đến món thịt nướng barbecue dân dã tại các vùng quê. Trên thực tế, đây là một cuộc tập hợp của những người lái xe máy kéo và nông dân. Họ có mặt tại đây để nhắc nhở rằng nếu không có họ thì sẽ hoàn toàn không có thực phẩm.

Ông Thanassis Prasask, đại diện cho các nông dân vùng Thessallie, nơi vừa hứng chịu các đợt lũ lớn, vùng trồng hạt óc chó, hạnh nhân, hạt dẻ cười, cũng như bông và ngô, cho biết : ‘‘Đến Athens, đối với chúng tôi là một cách để tỏ rõ quyết tâm. Chúng tôi muốn toàn nước Hy Lạp và toàn thể châu Âu biết rằng chúng tôi sẽ phong tỏa mọi tuyến đường, trong vòng bốn tuần lễ, kể từ bây giờ. Chúng tôi có mặt tại đây bởi vì vấn đề của chúng tôi là rất lớn. Chúng tôi biết rõ những gì diễn ra giữa các cánh đồng nơi canh tác và các gian hàng tại các siêu thị. Chúng tôi thấy rõ là đã buộc phải bán các sản phẩm của mình dưới giá thành sản xuất, nhưng tiếp theo đó, các sản phẩm này đã được bán với giá đắt hơn từ 10 đến 12 lần.’’ 

Các nông dân có mặt tại đây nhất trí ở một điều : Vấn đề chủ yếu hiện nay là giá xăng. Điều mà họ đòi hỏi là bãi bỏ thuế xăng. Ông Dimitris Dalas nói : ‘‘Về xăng, thuế hiện nay là khoảng 50%. Hiện tại, chúng tôi được hưởng một chút bù giá cho khoản thuế này, nhưng điều mà chúng tôi muốn là xăng không phải chịu thuế.’’

Nông dân Hy Lạp hy vọng sẽ được bảo vệ tốt hơn để chống lại các cạnh tranh từ các nước khác, nơi mà lương của người lao động thấp hơn, và đặc biệt là các tiêu chuẩn về vệ sinh và môi trường được kiểm soát lỏng lẻo hơn nhiều.

Trước thềm Hội chợ Nông nghiệp, nông dân Pháp cũng chờ đợi

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal sáng hôm nay, 21/02, khẳng định nông nghiệp bảo đảm ‘‘các lợi ích nền tảng’’ của đất nước, tương tự như an ninh và quốc phòng. Ông Attal cam kết đưa ‘‘mục tiêu bảo đảm chủ quyền về nông nghiệp và thực phẩm’’ vào dự luật về nông nghiệp. Nghiệp đoàn số một của giới nông dân FNSEA hoan nghênh ‘‘một số bước tiến’’ của chính phủ, nhưng kêu gọi đưa ra lộ trình cụ thể.

Theo AFP, đông đảo nông dân chờ đợi tổng thống Emmanuel Macron đưa ra các cam kết vào ngày khai mạc Hội chợ Nông nghiệp, 24/02 tới tại Paris. Nhiều hoạt động phản kháng vẫn tiếp diễn. Hôm nay, khoảng 70 km của xa lộ A62 bị đóng, do người biểu tình rải phân bón lên mặt đường. Nghiệp đoàn FNSEA và Nông gia Trẻ dự kiến tuần hành tối thứ Sáu 23/02 tại Paris ngay trước thềm Hội chợ Nông nghiệp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.