Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Nông dân biểu tình khắp nước Pháp: Nguồn căn của cơn thịnh nộ

Đăng ngày:

Tuy chính phủ đã ra một số biện pháp nhằm xoa dịu cơn phẫn nộ của giới nông dân, phong trào biểu tình vẫn tiếp diễn khắp nước Pháp từ nhiều ngày qua. Họ phong tỏa các trục lộ, đổ phân bón, rác thải trước các cơ quan hành chính, yêu cầu chính phủ có biện pháp cụ thể hơn để giải quyết tình trạng lạm phát, thu nhập thấp, hay cạnh tranh không công bằng với nông sản nhập khẩu… Không chỉ ở Pháp mà nông dân nhiều nước châu Âu cũng có hành động tương tự.

Agricultores bloqueiam a rodovia A16 durante uma manifestação convocada por sindicatos de agricultores franceses para protestar contra uma série de questões que afetam seu setor, incluindo impostos e
Nông dân Pháp biểu tình, lái máy kéo chặn đường cao tốc A16, gần Amblainville, phía bắc Paris, Pháp, ngày 26/01/2024. AFP - DIMITAR DILKOFF
Quảng cáo

Tại Paris, cuộc huy động lực lượng của nông dân được so sánh với một chiến dịch quân sự, gọi là “chiến dịch bao vây Paris”. Hàng trăm nông dân đã lái xe kéo, máy gặt, dựng rào chặn nhiều tuyến đường cao tốc dẫn vào thủ đô Pháp từ thứ Hai. Bộ trưởng Nội Vụ Pháp Gérald Darmanin đã huy động khoảng 15 000 cảnh sát và hiến binh, ra lệnh “bố trí phòng thủ” quan trọng để bảo vệ thủ đô và các sân bay. Vào cuối tuần vừa qua, ngày 28/01, một số xe bọc thép được điều đến xung quanh khu chợ đầu mối nông sản Rungis ở vùng Paris để bảo đảm an ninh, vì đây được cho là đích đến của nhiều nông dân trên khắp nước Pháp.

Một số người biểu tình đã chuẩn bị nước uống và thức ăn, dựng lều cạnh rào chắn đường, để chuẩn bị cho “một cuộc chiến dài”, nếu chính phủ Pháp không nhượng bộ. Tại Longvilliers, hình ảnh từ hãng tin Reuters cho thấy những người biểu tình lái xe kéo, chở các kiện rơm, rạ chặn cả hai chiều của đường cao tốc A1, buộc các phương tiện giao thông phải chuyển hướng. Robert Fremy, một nông dân có mặt tại đây trả lời hãng tin Reuters: “Chúng tôi đang đợi và trong lúc chờ thủ tướng  ra quyết định mới, chúng tôi chặn đường cao tốc A1. Chúng tôi muốn gây áp lực với ông Attal và hy vọng rằng hành động của chúng tôi sẽ buộc thủ tướng phải nhanh chóng ra những quyết định có lợi cho nông dân.”

Nếu như cuộc huy động “bao vây Paris” cho đến nay vẫn chưa có các vụ đụng độ bạo lực, mà chỉ có một số lốp xe và các kiện rạ bị đốt cháy, thì nhiều vụ hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra tại nhiều khu vực khác ở Pháp. Tại Agen, phía tây nam nước Pháp, hôm 24/01, nông dân đã phun phân vào sở cảnh sát, đốt lốp xe, rơm rạ và rác thải nông nghiệp trước tòa nhà hành chính. Một nhà hàng của chuỗi thức ăn nhanh McDonald đã bị rải cỏ khô, một siêu thị của chuỗi Leclerc đã bị làm cho sập một góc mái. Các hành động phá hoại tương tự cũng xảy ra ở nhiều tỉnh thành khác như Bordeaux, Montpellier hay Narbonne. Vào tuần trước, khoảng 400 km đường cao tốc A7 và A9 ở miền nam nước Pháp đã bị chặn.

Thu nhập không đủ sống

Bà Mathilde Hignet, đảng viên Nước Pháp Bất Khuất, trước khi trở thành nghị sĩ Quốc Hội vào năm 2022, từng làm nông nghiệp ở vùng Bretagne. Trả lời RFI Pháp ngữ, bà Hignet cho rằng một trong những lý do chính dẫn đến phong trào phản kháng, bày tỏ bất bình của giới nông dân hiện nay là do thu nhập thấp, không đủ để chi trả cuộc sống : “Ngày nay, cứ mỗi tuần có khoảng 200 nông trại biến mất, (bị bỏ hoang, không còn ai làm việc). Trong 10 năm nữa, tôi cho rằng một nửa số nông dân hiện nay sẽ nghỉ hưu và cũng sẽ có những người bỏ nghề, bởi vì họ không thể sống đàng hoàng với công việc của họ. Chúng ta không thể để các nông dân làm việc vất vả nhiều giờ trong ngày nhưng đến cuối tháng chỉ kiếm được 500 euro.”

Theo một báo cáo của IFOP, thu nhập trung bình của một hộ gia đình nông dân là 52.400 euro mỗi năm, nhưng chỉ khoảng một phần ba là đến từ hoạt động nông nghiệp, tức là khoảng 17 700 euro. Phần lớn thu nhập của họ đến từ các hoạt động khác, có thể là từ tài sản của vợ hoặc chồng, hoặc dưới dạng tiền thuê nhà. Khoảng 18 % trong số họ sống dưới ngưỡng nghèo đói. Những người chăn nuôi gia súc có thu nhập thấp nhất.

Trong bối cảnh lạm phát, giá nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng cao, luật Egalim, vốn được đưa ra nhằm bảo đảm thu nhập cố định cho nông dân và người chăn nuôi tại Pháp, lại không được tuân thủ. Các công ty phân phối bán lẻ bị cáo buộc lách luật để ép giá nông dân, bán nông sản với giá rẻ.

Ông Jérôme Despey, phó chủ tịch Liên đoàn quốc gia và Nghiệp đoàn nông dân Pháp (FNSEA), trên France Info, nhận định rằng “các chi phí tăng hơn 20 % nhưng giá bán sản phẩm của nông dân chúng tôi lại không tăng mà thậm chí còn giảm”. Ông bày tỏ bất bình: “Giá nông sản luôn thấp và như hiện nay là không thể chấp nhận được ! Mọi người muốn chúng tôi làm thế nào để nuôi sống người dân Pháp bằng những sản phẩm chất lượng tốt, nhưng chúng tôi lại phải chịu khoản đầu tư lớn.”

Cân bằng giữa mục tiêu sinh thái và phát triển nông nghiệp ? 

Nhiều nông dân cũng không hài lòng với chính sách nông nghiệp chung châu Âu (CAP), được đưa ra vào năm 2023, yêu cầu các trang trại có diện tích hơn 10 ha phải “bỏ hoang” 4% đất. Nghị Viện Châu Âu muốn tiến xa hơn, đưa con số này lên 10% vào năm 2030.

Đọc thêm : Chính Sách Nông Nghiệp Chung Châu Âu: Cội nguồn khủng hoảng nông nghiệp Pháp

Nông dân Pháp coi điều này là một gánh nặng, làm mất đi thu nhập, vì như vậy khả năng nuôi trồng, sản xuất của họ sẽ bị giảm. Cô Stéphanie Flament, một trong những nông dân tham gia biểu tình, chặn đường cao tốc ở ngoại ô Paris trả lời hãng tin AP : “Chúng tôi bị bắt buộc phải bỏ hoang một số diện tích làm nông nghiệp, nhưng chúng tôi lại được yêu cầu sản xuất nhiều hơn. Làm sao chúng tôi có thể sản xuất nhiều hơn nếu chúng tôi có ít diện tích đất trồng hơn. Thêm vào đó, chúng tôi cũng không được phép sử dụng một số sản phẩm hóa học, thuốc trừ sâu… Tôi cho rằng có quá nhiều điều bó buộc và chúng tôi  không thể sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu”.

Lệnh cấm sử dụng một số loại thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ mà Liên Hiệp Châu Âu quy định trong khuôn khổ Thỏa thuận xanh “Green Deal” cũng là một trong những lý do khiến nông dân phẫn nộ. Pháp đã dự tính giảm một nửa việc sử dụng thuốc trừ sâu từ nay đến năm 2030 để đảm bảo mục tiêu sinh thái. Năm 2023, cựu thủ tướng Pháp đã lập ra danh sách 75 hoạt chất hóa học bị cấm sử dụng trong những năm tới, nhưng không đưa ra sản phẩm thay thế dùng trong nông nghiệp. Ví dụ, lệnh cấm sử dụng thuốc trừ sâu chống bọ rệp (neonicotinoids) trong củ cải đường đã khiến nhiều nông dân bối rối, vì như vậy không còn sản phẩm thay thế nào khác để diệt bọ, đảm bảo cây sinh trưởng tốt.

Ngoài ra, các quy định đối với các nông sản của Pháp và châu Âu được cho là quá chặt chẽ và quá nhiều tiêu chuẩn cần phải tuân thủ. Nghiệp đoàn nông dân Pháp lên án sự cạnh tranh không công bằng từ các nước khác, chưa kể đến thoả thuận tự do thương mại mà châu Âu đang thảo luận để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập thêm nhiều thịt bò từ Brazil hay Achentina.

Vào năm 2022, Bruxelles đã tạm ngưng thu thuế quan đối với sản phẩm nhập từ Ukraina vào khối và quy định này được gia hạn đến tháng 06/2024. Theo một báo cáo được BFM trích dẫn, số lượng gà nhập khẩu từ Ukraina vào Liên Âu đã tăng gấp đôi trong 6 tháng đầu năm 2023. Mặc dù không có căn cứ cụ thể, nhưng nhiều cáo buộc được đưa ra lên án các sản phẩm của Ukraina tràn ngập, “đe doạ nông dân châu Âu”.

Ông Jean-Baptiste Benoit, tham gia biểu tình, chặn đường cao tốc ở Jossigny, phía nam Paris, cách Disneyland khoảng 15 km, lên án các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraina : “Củ cải đường của Ukraina đã xâm nhập vào thị trường Pháp, hiện chưa nhiều, nhưng vào năm sau có thể lên đến 700 000 tấn. Chắc chắn là điều này sẽ tác động đến thị trường Pháp. Ở Ukraina, họ không phải tuân thủ tiêu chuẩn của châu Âu. Họ vẫn được phép sử dụng một số loại chất hóa học mà châu Âu đã cấm. Họ không phải trả các chi phí xã hội như chúng tôi. Dĩ nhiên là sản phẩm của họ sẽ rẻ hơn của chúng tôi”.

Theo AFP, nông dân Pháp cũng phải trả thêm 47 triệu euro mỗi năm cho việc tiêu thụ nước, bên cạnh các thủ tục hành chính phức tạp khiến họ rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Hôm 30/01, thủ tướng Pháp Gabriel Attal thông báo trước Quốc Hội “sẽ giải tỏa gói trợ giúp tài chính khẩn cấp cho nông dân”, trong khuôn khổ chính sách nông nghiệp chung Châu Âu (PAC), tuy nhiên biện pháp này được cho là chưa đủ để giải quyết các vấn đề và nông dân khẳng định sẽ tiếp tục phong trào biểu tình. 

Tỷ lệ nông dân tự tử cao hơn các nghề khác

Còn tại vùng Haute Garonne, miền nam nước Pháp, hàng trăm nông dân chặn đường cao tốc A64 từ ngày 16/01. Đài France 3 cho biết một số người treo hình nộm để “nhắc nhớ mọi người về số nông dân tự tử đáng lo ngại”. Theo cơ quan bảo hiểm trong ngành nông nghiệp của Pháp, Mutuelle sociale agricole (MSA), nông dân có nguy cơ tự sát cao hơn những người làm nghề khác. Vào năm 2016, MSA cho biết 529 người mua bảo hiểm của MSA đã tự sát. Làm nông nghiệp là một nghề được cho là bị cô lập về địa lý cũng như tinh thần. Michel Bini, một nông dân vùng Gers, nhận định với France 3 : “Một số nông dân không thể trả tiền ăn căng tin cho con họ. Một số khác thì bị mất đi người thân bạn đời…Lúc đó, phải đối mặt với nhiều thứ cùng lúc là điều không thể”. Ông Bini cho biết cũng đã từng có ý định tự tử khi phải đối mặt với khoản nợ an sinh xã hội lên đến 30.000 euro vào năm 2017. Dù ông đã được cứu  kịp thời và vượt qua được nghịch cảnh, nhưng cảm giác bất an dường như vẫn chưa biến mất.

Không chỉ tại riêng Pháp, cơn thịnh nộ của giới nông dân cũng bùng nổ khắp châu Âu trong những tháng gần đây. Hôm thứ Hai, 29/01, để ủng hộ hành động bao vây Paris, các nông dân đã chặn một tuyến đường chính dẫn vào thủ đô Bruxelles của Bỉ và cảng Hamburg ở Đức. Tại Berlin, cách nay 2 tuần, nông dân lái máy kéo từ khắp nước Đức tập trung tại trung tâm thủ đô, gần Brandenurg, chặn lối vào Quốc Hội, để bày tỏ phẫn nộ trước kế hoạch của chính phủ loại bỏ trợ cấp giá nhiên liệu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.