Vào nội dung chính
NGA - ĐỨC - CHIẾN TRANH THÔNG TIN

Nga đã tận dụng vụ nghe lén cuộc họp của quân đội Đức thế nào?

Vụ Nga hôm 01/03 tiết lộ đoạn ghi âm cuộc họp của không quân Đức vẫn chưa hết làm dậy sóng dư luận. Đó đúng là món quà bất ngờ mà hệ thống tuyên truyền của Nga có thể tận dụng để gieo rắc bất hòa ở Đức và đặt Berlin vào thế khó xử trước các đồng minh chống Matxcơva.

Tên lửa hành trình Taurus KEPD 350, được trưng bày tại tập đoàn quốc phòng Đức MBDA  tại Schrobenhausen, Đức, ngày 05/03/2024.
Tên lửa hành trình Taurus KEPD 350, được trưng bày tại tập đoàn quốc phòng Đức MBDA tại Schrobenhausen, Đức, ngày 05/03/2024. AP - Karl-Josef Hildenbrand
Quảng cáo

Đối với Dmitri Peskov, người phát ngôn của tổng thống Vladimir Putin, "đây là bằng chứng mới về sự can dự của phương Tây vào cuộc xung đột ở Ukraina". Cựu Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thậm chí còn quả quyết “Đức đang chuẩn bị một cuộc chiến chống Nga”.

Kể từ hôm 01/03, khi hãng truyền thông Nga RT cho phổ biến đoạn ghi âm một cuộc họp của các sĩ quan cấp cao không quân Đức, giọng điệu ở Matxcơva tỏ ra hiếu chiến rõ rệt.

“Món quà tuyệt vời cho tuyên truyền của Nga”

Cuộc trao đổi bị nghe lén đó thực tế diễn ra hôm 19/02, trong đó đề cập đến khả năng cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraina. Đây cũng là chủ đề đã làm bùng lên các cuộc tranh luận chính trị ở Đức từ nhiều tuần qua.

Vụ “rò rỉ” nội dung các cuộc thảo luận rất nhạy cảm ở cấp cao nhất của không quân Đức đã chuyển thành vụ bê bối chính trị-quân sự ở Đức. Chính phủ tố cáo việc làm này nằm trong cuộc “chiến tranh thông tin” của Nga. Nhưng phe đối lập ở Đức phẫn nộ trước việc trao đổi thông tin giữa các quan chức quân sự bị coi nhẹ một cách không thể chấp nhận được, đồng thời kêu gọi ông Olaf Scholz phải giải trình  trước Quốc Hội.

Trong khi đó, ở Matxcơva người ta đang hân hoan. Joanna Szostek, chuyên gia về truyền thông Nga tại Đại học Glasgow, nhận định ngắn gọn : “Đó là một món quà tuyệt vời dành cho hệ thống tuyên truyền của Nga”.

Các kênh truyền hình Nga hối hả cho phát sóng phiên bản ghi âm mà Đức cho là đã  bị "cắt ghép".  Quân đội Đức bảo đảm rằng các sĩ quan trong cuộc họp chỉ nêu ra những kịch bản giả định về việc cung cấp tên lửa Tarus cho Ukraina và những hệ lụy của việc đó. Đó cũng là giả thuyết mà thủ tướng Olaf Scholz đã chính thức bác bỏ nhiều lần.

Ở Nga, “đoạn ghi âm này chủ yếu được đưa ra làm bằng chứng cho thấy Đức đang chuẩn bị oanh kích cây cầu Crimée bằng tên lửa Taurus của họ”, Yevgeniy Golovchenko, chuyên gia về vấn đề bóp méo thông tin của Nga, tại Đại học Copenhagen, nhấn mạnh.

Trong bản ghi âm được truyền thông Nga đăng tải trên các trang mạng, giới quân sự Đức thắc mắc liệu có phải tên lửa của họ có thể được sử dụng để phá hủy "cây cầu" (không nêu rõ là cầu nào). « Nhưng dù sao thì đó cũng là nguồn lợi bất ngờ cho các nhà tuyên truyền Nga. Họ trình bày vụ này như là  phương Tây chuẩn bị tấn công vào mục tiêu dân sự trong vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát » chuyên gia Joanna Szostek giải thích.  

Gợi lại hình ảnh Đức Quốc Xã

Cầu Crimée có giá trị biểu tượng lớn đối với người Nga. Joanna Szostek nhắc lại: “Nó thường được Matxcơva mô tả như là bằng chứng về hệ quả tích cực của chính sách của Nga đối với người dân ở Crimée [từ khi sáp nhập năm 2014], tức là người dân trên bán đảo vẫn có được gắn kết trực tiếp với nước Nga. Bằng chứng về tầm quan trọng của cây cầu này: Chính Vladimir Putin đã đích thân lái xe qua cầu hồi tháng 5 năm 2018 trong lễ khánh thành”.

Do đó, việc phá hủy cây cầu sẽ là một đòn nặng nề đối với dân thường. Yevgeniy Golovchenko lưu ý: “Truyền thông Nga thậm chí còn đăng các bài báo bình luận rằng việc Đức oanh kích cây cầu sẽ vi phạm luật nhân đạo”.

Ngoài ví dụ về cây cầu, tất cả các phương tiện truyền thông đưa tin xung quanh vụ trích đoạn ghi âm này "hoàn toàn đồng thanh với ý đồ tuyên truyền của Nga nhằm so sánh cuộc chiến của họ ở Ukraina với cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống lại Đức Quốc xã", Huseyn Aliyev, chuyên gia về chiến tranh ở Ukraine tại Đại học Glasgow nhận định.

Như năm 1941, người Đức là kẻ xâm lược. Và giờ đây, họ đến để giải cứu những “kẻ quốc xã cai trị Ukraina”, theo thuật ngữ tuyên truyền của Nga. Như vậy cũng đủ để gợi ý cho người dân Nga rằng cuộc chiến tranh của họ ở Ukraina là chính nghĩa … giống như trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Vụ này cũng là một ví dụ mới về nỗ lực của Nga nhằm vào Đức. Các cơ quan Châu Âu cũng như nhiều tổ chức giám sát tình trạng bóp méo thông tin đã xác định Berlin định là "mục tiêu ưu tiên" ở châu Âu trong các chiến dịch bóp méo thông tin của Nga từ nhiều năm qua. Xu hướng này vẫn tiếp diễn sau khi Nga tấn công vào Ukraina vào năm 2022.

“Đức, mắt xích yếu” của Châu Âu

Yevgeniy Golovchenko khẳng định: "Theo cách nhìn của Matxcơva, Đức là một mắt xích yếu ở châu Âu. Đất nước này sẽ là mảnh đất màu mỡ nhất cho hoạt động tuyên truyền của Nga". Đối với Joanna Szostek, điều này là bắt nguồn từ sự có mặt của một cộng đồng nói tiếng Nga với gần 3,5 triệu người, nhưng cũng là do chủ trương hiếu hòa của Đức muốn mở rộng cửa với nước Nga, được khởi xướng vào cuối những năm 1960. Có nhiều yếu tố để hoạt động tuyên truyền Nga có thể gieo mầm bất hòa, dễ dàng chia rẽ nước Đức hơn bất kỳ nước nào khác.

Yevgeniy Golovchenko cho biết thêm, điều này sẽ càng quan trọng hơn đối với Matxcơva vì “sức mạnh kinh tế và quân sự của Đức có thể giúp ích rất nhiều cho Kiev, và vì thế phải làm mọi cách để khiến Đức bị chia rẽ nhất trong việc hỗ trợ cho Ukraine”.

Trong trường hợp này, việc Nga tiết lộ nội dung cuộc họp "là tin xấu đối với Ukraina, vốn luôn hy vọng nhận được tên lửa của Đức", như nhận xét của Huseyn Aliyev. Theo chuyên gia này, vụ này trong một thời gian nhất định sẽ củng cố "quyết tâm của Đức không giao tên lửa Taurus " cho Ukraina. Nếu Berlin thay đổi ý định về vấn đề giao tên lửa này, Matxcơva sẽ có thể tố cáo rằng đoạn ghi âm chứng minh rằng Đức luôn có kế hoạch chuyển giao Taurus.

Một trong những mục tiêu của chiến dịch tuyên truyền này là "cho người dân Nga thấy rằng Đức, và nói rộng ra là các nước NATO, là những kẻ đạo đức giả và không nên tin những gì họ nói", Joanna Szostek nhấn mạnh.

Đối với các chuyên gia được France 24 phỏng vấn, vụ việc này còn có thêm tác dụng cho Matxcơva là gieo rắc sự nghi ngờ giữa các nước phương Tây và Ukraina. Huseyn Aliyev bảo đảm là vụ việc sẽ khiến giới quân sự Đức lúng túng với câu hỏi về tính bảo mật của thông tin được chuyển tới họ. Vụ việc có thể cũng khiến Ukraina chán nản khi tự hỏi không biết những thông tin quân sự mà họ đã chia sẻ với nhau đã bị gián điệp Nga chặn được đến mức độ nào. Nói rộng hơn, lỗ hổng trong hệ thống bảo mật thông tin liên lạc của quân đội Đức trong vụ này có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa các đối tác phương Tây. Dư luận báo chí Đức đã tỏ nghi ngại các đồng minh như Hoa Kỳ hay Anh tới đây sẽ chia sẻ ít hơn các thông tin quan trọng với nước Đức.  Và câu hỏi chính lúc này là vụ rò rỉ thông tin có khiến thủ tướng Đức Olaf Scholz thay đổi ý kiến về chuyện cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraina ?

(Theo france24.com)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.