Vào nội dung chính
LIÊN ÂU - UKRAINA

Nhập khẩu vũ khí của châu Âu tăng gần gấp đôi do chiến tranh Ukraina

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) hôm nay, 11/03/2024, cho biết nhập khẩu vũ khí của châu Âu đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua, một phần do chiến tranh Ukraina, trong khi xuất khẩu vũ khí của Nga giảm một nửa.

Lính Đức thực hành sử dụng máy gây nhiễu, để vô hiệu hóa drone, trong quá trình triển khai hệ thống phòng thủ Patriot ở Gubkow, Đức, ngày 11/05/2023.
Lính Đức thực hành sử dụng máy gây nhiễu, để vô hiệu hóa drone, trong quá trình triển khai hệ thống phòng thủ Patriot ở Gubkow, Đức, ngày 11/05/2023. © AP / Jens Buettner
Quảng cáo

Theo báo cáo của SIPRI được AFP trích dẫn, nhập khẩu vũ khí của châu Âu đã tăng 94% trong giai đoạn 2019-2023 so với giai đoạn 5 năm trước đó.

Ukraina đã trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới, sau khi nhận được viện trợ quân sự từ ít nhất 30 quốc gia kể từ tháng 02/2022, trong khi Pháp thế chân Nga trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ nhì thế giới sau Hoa Kỳ.

Ngoài Ukraina, các quốc gia châu Âu khác cũng tăng cường nhập khẩu vũ khí, đa phần là của Mỹ. Trong giai đoạn 2019-2023, 55% lượng vũ khí châu Âu nhập khẩu là của Mỹ, so với 35% trong giai đoạn 2014-2018. Việc nhập khẩu ồ ạt vũ khí của Mỹ cho thấy nhiều quốc gia châu Âu muốn nhanh chóng nhận được vũ khí "có sẵn", thay vì tự sản xuất và phát triển các hệ thống mới.

Trong khi đó, xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm 53% trong giai đoạn 2019-2023 so với 2014-2018. Matxcơva chỉ xuất khẩu vũ khí sang 12 quốc gia vào năm 2023, so với 31 quốc gia vào năm 2019.

Nhà nghiên cứu Katarina Djokic của SIPRI cho biết thêm : Khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga là Trung Quốc đang có những thay đổi lớn về chính sách vũ khí. Vốn mua rất nhiều vũ khí của Matxcơva, Bắc Kinh giờ đây có xu hướng tự sản xuất vũ khí trong nước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.