Vào nội dung chính
NGA - CHIẾN TRANH-KINH TẾ

Kinh tế Nga trụ vững thế nào sau 2 năm chiến tranh tại Ukraina?

Rơi vào suy thoái năm 2022, nền kinh tế Nga đã phục hồi đáng kể vào năm sau, với mức tăng trưởng 3,6%, vượt xa tăng trưởng của khu vực đồng euro. Một thành tích có được nhờ nỗ lực chiến tranh, được tổng thống Vladimir Putin tán dương, tuy nhiều khu vực vẫn khó khăn và lạm phát dai dẳng. Giới chuyên gia phân tích thế nào về thực trạng kinh tế Nga sau hai năm theo đuổi cuộc chiến tại Ukraina?

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) thăm một nhà máy chế tạo xe tăng tại Nizhny Tagil, Nga, ngày 15/02/2024.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) thăm một nhà máy chế tạo xe tăng tại Nizhny Tagil, Nga, ngày 15/02/2024. AP - Ramil Sitdikov
Quảng cáo

Từ ngày 15 đến ngày 17/033, bầu cử tổng thống diễn ra tại Nga sẽ chỉ nhằm xác định chiến thắng của Vladimir Putin cho nhiệm kỳ thứ năm. Trong những tuần gần đây, tổng thống Nga một lần nữa công kích “thất bại” của các biện pháp trừng phạt của phương Tây kể từ khi điện Kremlin bắt đầu cuộc xâm lược quy mô lớn vào Ukraina.

Trong một bài phát biểu gần đây ở Matxcơva, khi so sánh thành tích kinh tế của Nga với các nước đồng minh của Ukraina, ông Putin châm biếm nói : “Chúng ta có tăng trưởng còn họ thì suy sụp”.

Sau năm 2022 suy thoái, đến năm 2023, kinh tế Nga tăng trưởng ổn định, trái với dự báo của nhiều chuyên gia. Quỹ Tiền Tệ Quốc tế IMF cho biết tỷ lệ này vào cuối tháng 1 là 3%, do đó đã tăng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nga cho cả năm 2024 từ 1,5 lên 2,6%. Đến đầu tháng 2, cơ quan thống kê quốc gia Nga Rosstat đánh giá tăng trưởng kinh tế lên đến 3,6% trong năm 2023.  Igor Delanoë, phó giám đốc Cơ quan Quan sát Pháp-Nga, nhận định: « Tăng trưởng kinh tế Nga đã khiến những dự báo lạc quan nhất, kể cả nhưng dự báo của các định chế Nga, bị sai lệch ».

Nỗ lực chiến tranh và thu nhập từ dầu mỏ

Kinh tế Nga bật dậy trong bối cảnh các đầu tư công gia tăng ồ ạt, đặc biệt là các chi tiêu quân sự. Chính phủ Nga dự trù tăng ngân sách quốc phòng lên 119 tỷ đô la cho năm 2024, tức là tăng 90% so với năm 2021. Ngoài các chi tiêu liên quan đến sản xuất vũ khí, chiến tranh tại Ukraina đã kích thích nhiều khu vực công nghiệp. Đó là trường hợp của ngành xây dựng, với tuyến công sự phòng thủ mà Nga dựng ở miền đông Ukraina và phía tây nam nước Nga- hay ngành công nghiệp chế biến, theo giải thích của Julien Vercueil, chuyên gia kinh tế Nga, giảng viên tại Viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông của Pháp (INALCO).

Chuyên gia này phân tích : "Các công ty trong tổ hợp công nghiệp-quân sự đã hoạt động hết công suất kể từ tháng 2/2022. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng, những người lao động liên quan đã được miễn động viên. Tăng lương, hỗ trợ cho tiêu thụ của các hộ gia đình, đó là một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế Nga ».

Chuyên gia Julien Vercueil nhấn mạnh: “Mặc dù đã giảm so với mức đỉnh năm 2022, giá dầu lửa trên thế giới vẫn ở mức cao, cho nên, bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga vẫn có một nguồn thu nhập từ xuất khẩu lớn ».

Tuy là quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Ả Rập Xê út, đồng thời là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai, trong năm 2023, Nga ghi nhận doanh thu từ dầu lửa giảm 24% so với năm trước do các lệnh trừng phạt của phương Tây và do xuất khẩu sang châu Âu giảm. Nga dự kiến tình hình​​ sẽ trở lại bình thường vào năm 2024, đồng thời tuyên bố từ nay chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ.

Trừng phạt không hiệu quả?

Cuối tháng 2 vừa qua, vào dịp đánh dấu 2 năm Nga xâm lược Ukraina trên quy mô lớn, Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và Canada đã thông báo một loạt trừng phạt mới nhắm vào Matxcơva. Đó là loạt trừng phạt thứ 13 được Liên Âu ban hành từ tháng 2/2022. Vài tuần trước, những số liệu tăng trưởng thế giới được IMF công bố đã làm dấy lên tranh luận về tính hiệu quả của những biện pháp trừng phạt nói trên.

Trong khi kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng 2,5%, khu vực đồng euro trung bình chỉ đạt 0,55%, do nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức rơi vào suy thoái trong năm 2023.

Igor Delanoë phân tích : «Tình hình kinh tế của các nước châu Âu chỉ có thể được phân tích qua lăng kính quan hệ của các nước này với Nga. Nhưng đúng là quyết định cắt nguồn khí đốt Nga đã ảnh hưởng nặng nề đến Đức, vốn rất lệ thuộc vào Nga và điều đó đã tác động đến nền kinh tế của khu vực đồng euro ».

So với tốc độ tăng trưởng của Nga, những con số này dường như chứng minh Vladimir Putin đúng khi ông nói rằng các lệnh trừng phạt gây hại cho chính tác giả của chúng nhiều hơn là cho nước ông. Về phần mình, ông Julien Vercueil khẳng định rằng cảm giác này là sai lệch.

Ông nhấn mạnh: Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào hệ thống tài chính ngân hàng Nga, lệnh cấm vận linh kiện điện tử và thậm chí cả những hạn chế giá dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga "đã có tác động đáng kể đến nền kinh tế Nga".

"Giống như tất cả các lệnh trừng phạt kinh tế trong lịch sử, trừng phạt của phương Tây cũng đã tạo ra phản ứng thích nghi từ phía các thực thể kinh tế Nga bị tác động. Nhưng Nga bị ảnh hưởng bởi tác động tức thời của lệnh trừng phạt nhiều hơn so với châu Âu. Chúng ta có thể nhận thấy Nga đã bị mất hai năm tăng trưởng mạnh và tác động của các biện pháp trừng phạt vẫn chưa kết thúc."

Đảo lộn khung cảnh kinh tế

Trong số những tác động này có lạm phát. Theo Rosstat, tỷ lệ lạm phát ở Nga đã tăng 7,4% trong tháng 1/2024, so với 2,8% ở khu vực đồng euro. Giá cả tăng như vậy, đặc biệt là giá một số mặt hàng như thịt bò hoặc thịt gà, đã gây ra cơn sốt mua trứng trong những tháng gần đây, đẩy giá mặt hàng này tăng vọt, buộc chính phủ phải thực hiện các biện pháp. Về công nghiệp, một số lĩnh vực như công nghiệp ô tô vẫn đang bế tắc, bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc ngăn chặn xuất khẩu linh kiện điện tử.

Một số ngành khác, như nông nghiệp, gặp tình trạng khan hiếm nhân lực nghiêm trọng. Vấn nạn này của Nga càng trầm trọng thêm vì nhiều người bị động viên và hàng nghìn người Nga đã di tản ra nước ngoài do cuộc xâm lược Ukraina.

Chuyên gia Igor Delanoë nhấn mạnh,« nhìn chung các con số tăng trưởng tất nhiên làm chính quyền Nga hài lòng, nhưng mức độ tăng trưởng này được phân bổ không đồng đều. Các vùng có những tổ hợp công nghiệp quân sự được ưu ái hơn nhiều. Đó là trường hợp của Matxcơva, Lenigrad hay các vùng nằm sát Ukraina ở phía tây nam. Trong số này có những vùng đạt mức tăng trưởng hai con số. Một số vùng công nghiệp khác bị bỏ lại phía sau, như vùng Kalouga, nơi Trung Quốc định khôi phục lại các nhà máy chế tạo xe hơi, nhưng vẫn chưa thực hiện được ».

Cuối tháng Hai, trong diễn văn hàng năm trước hai viện Quốc Hội, Vladimir Putin đã trình bày quan điểm của ông về phát triển đất nước khi gần đến ngày bầu cử tổng thống. Ông đã thông báo một kế hoạch đầu tư ồ ạt trong 10 năm, đặt trọng tâm vào các cơ sở hạ tầng. Ông cũng xác định ưu tiên là phải giảm nhập khẩu, đồng thời kêu gọi tăng tỷ lệ sinh đẻ. Cuối cùng, ông ca ngợi những công dân đã tham gia vào nỗ lực chiến tranh, gọi họ là những người con « ưu tú thực thụ » của đất nước. Ông hứa ưu tiên cho các quân nhân giải ngũ được đào tạo nghề nghiệp.

Ông Julien Vercueil giải thích, « trong chiến tranh, nhà nước đứng vững trong nhiều lĩnh vực kinh tế quốc gia và có ý định đóng vai trò rộng hơn trước ».  Theo chuyên gia này, khả năng duy trì nỗ lực này của Nga phụ thuộc vào nguồn tài chính của họ, chủ yếu vào biến động động của giá dầu, « nền kinh tế hẳn nhiên được huy động bởi nỗ lực chiến tranh. Sự ủng hộ chính trị của đa số người dân đối với cuộc chiến và lãnh đạo của họ là một nhân tố quan trọng ».  

(Theo france24.com)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.