Vào nội dung chính
PHÁP - UKRAINA - QUÂN ĐỘI

Tổng thống Pháp tái khẳng định phương Tây có thể cần đưa quân sang Ukraina “vào một ngày nào đó”

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái khẳng định rằng phương Tây có lẽ sẽ cần tiến hành hoạt động quân sự trên bộ ở Ukraina. Trả lời phỏng vấn nhật báo Pháp Le Parisien ngày 16/03/2024, sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Đức và Ba Lan tại Berlin để bàn về việc hỗ trợ Ukraina, ông Macron cho biết “có lẽ đến một lúc nào đó - tôi không muốn và cũng sẽ không chủ động - nhưng sẽ cần phải tiến hành các hoạt động trên bộ, bất kể là gì, để chống lại quân Nga”.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy (T) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) bắt tay sau cuộc họp báo, ngày 16/02/2024 tạ Điện Elysee, Paris.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy (T) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) bắt tay sau cuộc họp báo, ngày 16/02/2024 tạ Điện Elysee, Paris. AP - Thibault Camus
Quảng cáo

Khi được hỏi liệu bộ Tổng tham mưu đã chuẩn bị các kịch bản quân sự cho tình huống này hay chưa, ông Macron tin rằng họ đã “chuẩn bị cho mọi tình huống” và sẽ là “một sai lầm” nếu không làm như vậy. Ông đồng thời khẳng định Nga chỉ là “một cường quốc tầm trung có vũ khí hạt nhân, nhưng GDP của nước này thấp hơn nhiều so với châu Âu, và cũng thấp hơn Đức và Pháp”.

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng đồng tình với quan điểm của ông Macron. Hai bộ trưởng cánh hữu và cực hữu của Ý đã cho biết họ hoàn toàn không đồng tình với ý tưởng gửi quân tới hỗ trợ Ukraina do ông Macron đưa ra. Từ Roma, thông tín viên RFI Anne Le Nir cho biết cụ thể :

Với các bộ trưởng Ngoại Giao và bộ trưởng Quốc Phòng Ý, khả năng này không thể xảy ra. Ngoại trưởng Antonio Tajani tuyên bố với nhiều cơ quan truyền thông rằng “Việc gửi quân của NATO tới Ukraina đồng nghĩa với nguy cơ gây ra Thế chiến thứ ba” đồng thời nói thêm “Chúng ta phải giúp Ukraina tự vệ nhưng không gây chiến với Nga”.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo nổi tiếng La Repubblica, bộ trưởng Guido Crosseto đã tái khẳng định lời của ông Tajani, cho biết Roma sẽ “không bao giờ cử binh lính đến khu vực có xung đột”. Hơn nữa, ông chỉ trích mạnh mẽ cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Ba Lan được tổ chức vào ngày 15/03 tại Berlin. Theo ông, “châu Âu nên cố tránh đưa ra những đường lối bất đồng về cuộc chiến ở Ukraina. Đối mặt với “tảng đá” là Nga, Liên Hiệp Châu Âu cần có một chiến lược rõ ràng, không mâu thuẫn và có thể phải được hình thành với tư cách là một liên minh.

Tất cả những phát biểu trên nhằm mục đích chính là trấn an người Ý. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Cơ quan nghiên cứu Ipsos-Ý, 43% dân số quan ngại về một cuộc xung đột toàn cầu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.