Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - HOA KỲ

Thủ tướng Nhật Bản đến Washington siết chặt hợp tác quân sự với Mỹ

Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida, hôm nay, 08/04/2024, lên đường đến Washington, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tại Mỹ, kéo dài đến ngày 13/4. Sau Washington, lãnh đạo chính phủ Nhật Bản sẽ đến thăm Bắc Carolina.

Japanese Prime Minister Fumio Kishida shakes hands with U.S. President Joe Biden during a joint press conference with South Korean President Yoon Suk Yeol (not pictured) during the trilateral summit
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (P) bắt tay tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn, tại Camp David, gần Thurmont, Maryland, Hoa Kỳ, ngày 18/08/2023. REUTERS - Evelyn Hockstein
Quảng cáo

Theo lịch trình, một ngày trước khi Mỹ, Nhật, Philippines họp thượng đỉnh, thủ tướng Fumio Kishida và tổng thống Joe Biden hội đàm với nhau vào thứ Tư 10/4. Nhân cuộc gặp song phương này, lãnh đạo Nhật và Mỹ sẽ thông báo công cuộc cải tổ quan trọng nhất đối với liên minh an ninh của hai nước, kể từ khi ký hiệp ước phòng thủ chung năm 1960.

Từ Tokyo, thông tín viên đài RFI, Frédéric Charles giải thích :

« Nhật Bản và Hoa Kỳ muốn nâng cấp liên minh an ninh tại một quần đảo tập trung nhiều căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Đối với hai nước đồng minh này, cần phải tăng cường hợp tác trên phương diện chỉ huy và quyền lực.

Một ban thường trực hỗn hợp bao gồm nhiều sĩ quan cấp cao Mỹ - Nhật có thể được lập ra ở Nhật Bản. Hiện tại, Tokyo phải xử lý công việc với Bộ Chỉ Huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, đóng tại căn cứ ở Hawai. Điều này làm trì hoãn các quyết định.

Từ cuộc chiến xâm lược Ukraina do Nga tiến hành, Nhật Bản đã quyết định tăng gấp đôi chi tiêu quân sự từ đây trong vòng năm năm trước nguy cơ Trung Quốc xâm lược Đài Loan.

Bất chấp các hạn chế của Hiến Pháp chủ hòa, Nhật Bản cũng quan tâm đến việc hợp tác với liên minh phòng thủ AUKUS, tập hợp các nước Mỹ, Anh và Úc. Cột trụ đầu tiên của liên minh này bao gồm việc trang bị cho Úc các chiếc tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nhật Bản có thể tham gia vào cột trụ thứ hai, liên quan đến chiến tranh tin học, trí tuệ nhân tạo và phát triển tên lửa siêu thanh tầm xa. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.