Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Nghị Viện Châu Âu thông qua nghị quyết chống « can thiệp của nước ngoài »

Ngày 25/04/2024 Nghị Viện Châu Âu đã biểu quyết với 429 phiếu thuận, 29 phiếu chống, thông qua một nghị quyết khuyến cáo 27 nước thành viên Liên Âu « đề cao cảnh giác và cứng rắn trước các hình thức can thiệp của nước ngoài », sau khi một số nghị viên bị điều tra vì bị nghi ngờ nhận tiền của Qatar, Nga hay Trung Quốc. Nghị quyết này không mang tính ràng buộc.

Members of the European Parliament take part in a voting session at the European Parliament in Strasbourg, eastern France, on 13 March, 2024.
Các thành viên của Nghị Viện Châu Âu tham gia vào một cuộc biểu quyết tại trụ sở ở Strasbourg, Pháp, 13/03/2024. © AFP - Frederick Florin
Quảng cáo

Vài tuần lễ trước bầu cử châu Âu, cuộc bỏ phiếu hôm qua diễn ra trong bối cảnh, trợ lý của nghị viên người Đức Maximilian Krah, đứng dầu danh sách ra tranh cử của đảng cực hữu AfD(Alternative for Germany), bị bắt hôm 23/04/2024 vì bị tình nghi cung cấp cho Trung Quốc  các thông tin về Nghị Viện Châu Âu và liên quan đến các nhà đối lập Trung Quốc sống lưu vong tại Đức.

Bản nghị quyết vừa được thông qua yêu cầu đảng AfD minh bạch về « những mối liên hệ tài chính của đảng với điện Kremlin », đề nghị mở một cuộc « điều tra nội bộ để thẩm định về khả năng Nga và một số quốc gia khác đã can thiệp vào Nghị Viện Châu Âu ».

Đọc thêm : Qatargate: Các lỗ hổng cho tham nhũng và tội phạm ở Nghị Viện Châu Âu

Văn bản lưu ý châu Âu cần « cứng rắn », các nghị viên cần ý thức được rằng, họ là những « mục tiêu tiềm tàng » mà các đối thủ của Liên Âu có thể nhắm tới. Theo lời nghị viên Hà Lan đại diện cho đảng Xanh Châu Âu, Bas Eichkhout được AFP trích dẫn, các công dân trong khối châu Âu cần được bảo đảm rằng « các nghị viên họ bầu ra là để phục vụ lợi ích của Liên Hiệp Châu Âu chứ không vì quyền lợi của Trung Quốc, Nga hay bất kỳ một chế độ chuyên chế nào khác ». 

Cuối tháng 3/2024 Cộng Hòa Séc và Bỉ tiết lộ cả một « hệ thống điệp viên Nga liên lạc và dùng tiền mua chuộc nhiều nghị viên châu Âu » với mục đích « tuyên truyền cho chính sách của Matxcơva, làm phương hại đến toàn vẹn lãnh thổ của Liên Âu, đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina ».

Tháng 12/2022 vụ tai tiếng Qatargate bị phơi bày ra ánh sáng : nhiều nghị viên trong đó có phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu bị phát hiện nhận tiền của Qatar, Maroc để im lặng về những vi phạm nhân quyền của Qatar trước Cúp Bóng đá Thế giới, hay để bảo vệ quyền lợi của Maroc trong vùng sa mạc Tây Sahara.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.