Vào nội dung chính
Ý - MAFIA

Ý : Vụ án « Mafia Capitale » bắt đầu được xét xử

Tại Ý, vụ án về tham nhũng hối lộ ở thủ đô Roma, được mệnh danh là « Mafia capitale », đã được đưa ra xét xử từ ngày 05/11/2015.

Giosue Naso, luật sư của Massimo Caminati trong vòng vây báo chí phía trước tòa án Roma, 05/11/2015.
Giosue Naso, luật sư của Massimo Caminati trong vòng vây báo chí phía trước tòa án Roma, 05/11/2015. REUTERS/Yara Nardi
Quảng cáo

Từ Roma, thông tín viên Huê Đăng tường trình : 

Ngày 05/11/2015 Tòa án thành phố Roma đã chính thức bắt đầu phiên xử về tham nhũng hối lộ nổi tiếng đã làm điên đảo toàn bộ Ủy ban quản trị thành phố Roma từ hồi cuối tháng 12 năm ngoái. 

Đây là một phiên xử tham nhũng, hối lộ có đến 46 can phạm đang bị tạm giam, hơn 100 can phạm được tại ngoại hầu tra, với đầy đủ các thành phần. Từ các chính khách đảng phái tả cũng như hữu đến các tay manager của các công ty của thành phố như công ty chuyên trách về chuyên chở công cộng, công ty vệ sinh, công ty môi trường cây xanh, hay các cơ quan tiếp quản người nhập cư. Từ những nhân viên cao cấp nhà nước đến các thành phần lưu manh băng đảng xã hội đen.

Tòa án cũng sẽ phải triệu tập hàng trăm nhân chứng trong thời gian tới. Báo chí Ý gọi đây là vụ án “Mafia capitale”, có nghĩa là “Mafia ở thủ đô”, ý muốn nói là Mafia từ các khu vực miền nam nước Ý đã “tiến sâu” vào thủ đô Roma.

Mafia đã ăn sâu vào chính quyền ? 

Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 12 năm 2014, khi tòa án Roma, dựa trên các kết quả điều tra theo dõi bằng các biện pháp như nghe lén điện thoại, đặt lén máy quay phim ở những nơi tình nghi, theo dõi chụp ảnh ngoài đường, của các lực lượng cảnh sát và hải quan Ý trong suốt hơn hai năm trời (kể từ năm 2012), đã ra lệnh tống giam để điều tra. Có 37 người (sau này lên đến 46 người) và hơn 100 người được tại ngoại hầu tra bị truy tố về  tội danh tham nhũng, hối lộ (trong đó có cả vị cựu Đô trưởng thành phố Roma (từ năm 2008 đến 2013), ông Gianni Allemano, người thuộc đảng hữu khuynh của Berlusconi. 

Điều đặc biệt đáng chú ý là băng đảng Mafia dính líu trong vụ điều tra này do một nhân vật cực hữu rất nổi tiếng từ giữa những thập niên 70 lãnh đạo: đó là Massimo Carminati (56 tuổi): một nhân vật nỗi tiếng trong các tổ chức chính trị cực hữu vào những thập niên 60-70, để rồi đến những thập niên 80 nhảy sang tham gia vào băng đảng cướp nổi tiếng ở Roma, đó là “banda Magliana” (nhóm băng đảng Magliana), một nhóm băng đảng xã hội đen lộng hành ở Roma từ giữa thập niên 60 với các hoạt động ăn cướp vũ trang, bắt cóc, buôn lậu ma phiến .. Magliana là tên của khu phố (trên đường ra phi trường Fiumicino) nơi thoát thai ra nhóm băng đảng này. 

Như thế để thấy là vụ án Mafia Roma chủ yếu là các hoạt động bất chánh đến từ phía các lực lượng quá khích cực hữu. 

Nhưng không phải chỉ là “cực hữu”. Bởi vì, nếu băng đảng của nhóm Mafia Roma do một tay anh chị xuất phát từ các nhóm bạo động cực hữu như Massimo Carminati cầm đầu, thì cánh tay phải đắc lực của Massimo Carminati lại là một nhân vật xuất thân từ các nhóm bạo động … cực tả, đó là Salvatore Buzzi. Buzzi khi còn trẻ đã từng gia nhập vào các nhóm cực tả, vào đầu những thập niên 80 hắn bị kết án tù 24 năm vì tội ám sát. Ở tù đến đầu tháng Tư năm 1991 thì được hưởng quy chế “tù tại gia” cho đến tháng Bảy năm 1992. 

Trong thời gian ở tù, Salvatore Buzzi đã bắt đầu nghĩ đến những dự án trên danh nghĩa để tạo điều kiện cho những tù nhân có khả năng hội nhập lại vào xã hội, đó là việc lập ra những “hợp tác xã” (cooperative) dùng những tù nhân như những công nhân (đã mãn tù hay còn ở tù nhưng được hưởng quy chế ra ngoài làm việc mỗi ngày) để làm các công tác ích lợi xã hội. Và sau khi ra tù, Salvatore Buzzi đã bắt tay ngay vào việc lập các hợp tác xã này.

Quan trọng nhất là phải tìm cách thắng thầu trong các công trình phúc lợi xã hội do Ban quản trị Roma tổ chức đấu thầu, vì đó là những nguồn tài chánh rất dồi dào để nuôi các hợp tác xã. Rồi từ các hợp tác xã chuyên lo về tù nhân, Salvatore Buzzi phát triển vào lãnh vực “quản trị người nhập cư, người tị nạn” … vẫn dưới các chiêu bài hợp tác xã và tham dự các cuộc đấu thầu về các công trình tiếp quản người tị nạn do Roma tổ chức.

Và nếu muốn thắng thầu … thì cần phải có sự “hậu thuẫn” của các “quan chức” trong ban quản trị thành phố. 

Thế là băng đảng Mafia Roma thâm nhập và lũng đoạn giới chính trị, không phân biệt tả hữu: cần mua chuộc và hối lộ để thắng được các cuộc đấu thầu. 

Báo chí đưa ra nhận xét là so với Mafia “truyền thống” của khu vực miền nam nước Ý, tổ chức Mafia này ở Roma đã có một thay đổi sâu sắc về chiến lược hoạt động: áp lực lên giới chính trị quyền thế không phải bằng đe dọa, ám sát … mà bằng hối lộ tiền bạc. 

Hoạt động của nhóm băng đảng Mafia ở Roma lần này cũng thay đổi địa bàn hoạt động: chủ yếu không phải là các vụ buôn lậu cần sa ma túy, hay bắt cóc, cướp giật. Băng đảng Mafia Roma tập trung vào lãnh vực quản lý người nhập cư và tị nạn. 

Người nhập cư, món hàng mới của mafia 

Vấn đề quản lý người nhập cư và tị nạn thuộc thẩm quyền cấp nhà nước là Bộ Nội vụ. Và chính ngay trên bàn của Bộ Nội vụ, băng đảng Mafia Roma đã mua chuộc được Luca Odevaine, một quan chức cao cấp trọng yếu trong Bộ Nội vụ có nhiệm vụ “điều phối cấp quốc gia về vấn đề tị nạn” (tức là các quyết định về con số người tị nạn được phân tán ra các tỉnh, quyết định tài trợ cho các kế hoạch tiếp nhận người tị nạn, quyết định về tài chánh để đầu tư hạ tầng cơ sở để tiếp quản người tị nạn...). Và như thế có nghĩa là Bộ Nội Vụ “điều tiết” các hoạt động quản lý người nhập cư và tị nạn theo các yêu cầu của băng đảng Mafia Roma, cho phép băng đảng này thắng thầu tất cả các công trình hay dịch vụ quản lý nhập cư. 

Công việc làm ăn trên vấn đề nhập cư và tị nạn đã đem đến cho băng đảng Mafia Roma lợi nhuận to tát đến độ mà trong một cuộc điện đàm giữa hai nhân vật đầu nảo của băng đảng là Massimo Carminati và Salvatore Buzzi chúng đã “khoe” với nhau là “business nhập cư tị nạn thu lời gấp trăm lần đi mua bán thuốc phiện”. 

Những “quy chế” điển hình để băng đảng Mafia mua chuộc được các giới lãnh đạo chính trị (tả cũng như hữu) là hai cách: hoặc “trả lương” hàng tháng (lương đen), theo báo chí thì một số nhân vật chính trị trong các ban bệ của ban quản trị thành phố có thể nhận được từ 5 đến 10 ngàn euro mỗi tháng. Cách thứ hai được gọi là “una tantum”, tức là đưa một số tiền nào đó, không có tính cách liên tục, chẳng hạn để hỗ trợ một kỳ tranh cử, hay dưới danh nghĩa ủng hộ một “sáng kiến chính trị”. Báo chí cũng tiết lộ thí dụ như cựu Thị trưởng Gianni Alemanno đã nhận 70 ngàn Euro được đưa vào “quỹ tranh cử” của ông ta. 

Đô trưởng Roma từ chức có liên quan đến « Mafia Capitale » ? 

Ông Đô trưởng Roma vừa mới phải từ chức hôm tuần vừa qua là Marino Ignazio, người của đảng PD (Partito Democratico – Đảng Dân Chủ), đảng của đương kim Thủ tướng Ý ông Matteo Renzi. Chuyện tham nhũng hối lộ của băng đảng Mafia Roma thực ra không có dính dáng gì đến ông Đô trưởng Marino Ignazio cả. Nhưng cũng chính vì “không dính dáng” gì đến mà ông bị tai tiếng: theo nghĩa là ông Đô trưởng này đã lên cầm quyền từ năm 2013, và từ đó cho đến cuối năm 2014 khi nổ ra các vụ điều tra, nhóm băng đảng Mafia Roma vẫn tiếp tục lộng hành ở ngay trong Ủy ban quản trị Roma mà ông thị trưởng chẳng hề hay biết.

Công luận đánh giá Marino Ignazio là một người có thể trong sạch nhưng … bất tài. Ông đã để cho những nhân viên trong ban quản trị thành phố tiếp tục làm việc cho băng đảng Mafia mà ông không hề mảy may hay biết. Bao nhiêu đó cũng đủ làm cho vị trí Đô trưởng của ông Marino Ignazio bị chỉ trích.

Nhưng điều đáng chú ý là cách đây một tháng, tòa án Roma lại điều tra ông Marino Ignazio về tội “lạm dụng công quỹ”: một số hóa đơn chứng từ của những buổi tiệc ăn uống mà ông đưa cho văn phòng tài chính của thành phố để được hoàn trả với lý do đó là những buổi tiệc để “chiêu đãi hay làm việc” với người có quyền. Nhưng một số hóa đơn, sau khi xét lại, không có được sự xác định của những nhân vật đối tác, trong đó có cả một hóa đơn mà ông Marino Ignazio nói là để chiêu đãi ông Đại sứ Việt Nam ở Roma, nhưng khi tòa án điện thoại đến Đại sứ quán Việt Nam thì phía Việt Nam đã phủ nhận chuyện chiêu đãi đó. Hóa ra, như thế là ông Đô trưởng đã “lạm dụng công quỹ”.

Thực ra thì con số tiền lạm dụng cũng không đáng bao nhiêu (so với những vụ lạm quỹ hay hối lộ tham nhũng lớn lao mà người ta biết), chỉ trên dưới khoản 20 ngàn euro. Nhưng, trong tình hình chính trị khó khăn hiện nay, ông Đô trưởng vốn đã bị xem là bất tài, lại thêm tì vết lạm dụng công quỹ.

Đó là chưa nói đến những quan hệ khó khăn giữa ông Marino Ignazio và Tòa thánh Vatican, vì ông Đô trưởng này đã có những quyết định về quyền lợi dân sự đi ngược lại ý muốn của Vatican như chuyện nhìn nhận tính pháp lý của các cặp đồng tính. Tháng 12 sắp tới là bắt đầu năm Thánh của Vatican, một ông Đô trưởng bất tài, không được lòng công dân, xa rời ngay chính đảng của mình, và lại không được lòng Tòa thánh .Thế là dưới áp lực của công luận và của các đảng chính trị đối lập, đảng PD đã phải áp lực để ông Đô trưởng từ chức. 

Hiện nay quyền thị trưởng Thành phố Roma tạm thời do ông Đô trưởng Francesco Paolo Tronca được Bộ Nội vụ điều động từ Milano đến trong khi chờ đợi Roma sẽ đi bầu Đô trưởng mới, có thể vào mùa xuân năm 2016.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.