Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Áp lực gia tăng đòi trừng phạt ngành thể thao mùa đông Nga

Đăng ngày:

Vào năm 2018 tới đây sẽ diễn ra Thế Vận Hội Mùa Đông tại Pyeongchang (Hàn Quốc). Sau kết quả điều tra xác định một hệ thống doping được Nhà Nước Nga bảo trợ, nhiều tiếng nói đã vang lên đòi mạnh tay hơn với nền thể thao Nga. Ngày 20/01/2017 vừa qua, đến lượt chủ tịch Liên Đoàn Trượt Băng Nghệ Thuật Mỹ tuyên bố là cần phải cấm không cho Nga tham dự Olympic mùa đông 2018 để trừng phạt tội sử dụng doping được báo cáo McLaren nêu bật.

Vận động viên biathlon Pháp Martin Fourcade tại Thế Vận Hội Sochi 2014. Theo CIO, có 28 vận động viên Nga tại Sochi 2014 bị kỷ luật về tội doping.
Vận động viên biathlon Pháp Martin Fourcade tại Thế Vận Hội Sochi 2014. Theo CIO, có 28 vận động viên Nga tại Sochi 2014 bị kỷ luật về tội doping. REUTERS/Stefan Wermuth
Quảng cáo

Phát biểu nhân dịp khai mạc giải vô địch trượt băng nghệ thuật Mỹ tại Kansas City (tiểu bang Missouri), ông Sam Auxier nhắc lại : « Chương trình doping đó được Nhà Nước giám sát, trên quy mô lớn, được tổ chức tốt, với chủ ý gian lận ». Do vậy, theo chủ tịch Liên Đoàn Trượt Băng Nghệ Thuật Mỹ, Nga « phải nhận một hình phạt nặng nề », và việc trục xuất Nga ra khỏi Thế Vận Hội Mùa Đông tới đây là « giải pháp duy nhất để Ủy Ban Olympic Quốc Tế và Liên Đoàn Trượt Băng Nghệ Thuật Quốc Tế duy trì được sự trong sạch của mình ».

Bản phúc trình McLaren, mà phiên bản chung cuộc được công bố vào tháng Mười Hai (2016), đã làm rõ vụ hơn một ngàn vận động viên Nga trong hơn 30 bộ môn, đã can dự vào cả một định chế doping do chính quyền Matxcơva thiết lập.

Báo cáo do Cơ Quan Thế Giới Chống Doping yêu cầu thực hiện, cũng tố cáo các hành vi gian lận tại Thế Vận Hội Mùa Đông 2014 ở Sochi (Nga) do nhà chức trách Nga tiến hành nhằm giúp các vận động viên Nga dùng doping không bị kiểm tra dương tính với các loại thuốc kích lực bị cấm.

Tại Sochi, Nga đã thống trị môn trượt băng nghệ thuật với năm huy chương, trong đó có ba huy chương vàng.

Vào cuối tháng 12/2016, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế loan báo là có 28 vận động viên Nga tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông ở Sochi trong năm 2014 là đối tượng bị kỷ luật vì bị tình nghi sử dụng doping. Trong số « 28 nghi can » đó dường như có nhà vô địch thế vận 2014 về trượt băng nghệ thuật Adelina Sotnikova.

Liên Đoàn Biathlon Quốc Tế tránh trừng phạt Nga quá nặng

Họp lại tại thành phố Anterselva (Ý) ngày 21/01/2017 để xem xét hơn 30 trường hợp vận động viên Nga thuộc bộ môn biathlon – tức hai môn thể thao mùa đông phối hợp (trượt tuyết đường trường và bắn súng) – bị cáo buộc sử dụng doping, Liên Đoàn Biathlon Quốc Tế IBU xác định rằng 22 trên tổng số 29 cuộc điều tra mở ra nhắm vào các vận động viên Nga được khép lại vì thiếu bằng chứng. Bảy trường hợp còn lại vẫn trong vòng điều tra.

Hội nghị của Liên Đoàn Biathlon Quốc Tế đã được triệu tập để quyết định số phận của các vận động viên Nga, trong đó có 31 người bị bản báo cáo McLaren cáo buộc sử dụng doping. Có hai người trong số này đã đã bị IBU đình chỉ thi đấu từ đầu năm, 29 người còn lại thì đã được điều tra, với kết quả ban đầu như đã nói ở trên.

Về 7 trường hợp đang xem xét, Liên Đoàn Biathlon Quốc tế đã kỳ hạn cho Liên Đoàn Biathlon Nga là từ nay cho đến ngày 05/02 là phải giải thích về vai trò của họ trong trong vụ bê bối doping có ảnh hưởng đến nhiều môn thể thao ở Nga.

Chủ tịch của Liên Đoàn, ông Anders Besseberg công nhận : « Quả là chúng tôi có một vấn đề lớn cần xem xét, đó không phải là một bí mật... Nhưng chúng tôi cũng có nhiệm vụ bảo vệ các vận động viên, cho đến khi nào có bằng chứng về việc họ đã vi phạm các quy định chống doping ».

Theo các nhà quan sát, quyết định của Liên Đoàn Biathlon Quốc tế là một tin vui đối với Nga. Do việc thời gian rất gấp rút trước khi khai mạc giải vô địch biathlon thế giới vào ngày 09/02 tại Hochfilzen (Áo), khả năng Nga không bị cấm tham gia giải vô địch thế giới gần như là chắc chắn, vì IBU không thể nào xem xét nghi án doping tại Nga trong vòng một vài ngày.

Quyết định có thể gọi là hoãn binh của Liên Đoàn Biathlon Quốc Tế như vậy đã đi ngược lại nguyện vọng của các nhà vô địch biathlon nổi tiếng. Hôm 20/01 vừa qua, một lần nữa, nhà vô địch người Pháp Martin Fourcade đã lại lên tiếng đòi Liên Đoàn IBU phải dứt khoát thái độ đối với các vận động viên Nga bị tố cáo sử dụng doping trong bản báo cáo McLaren.

Trả lời hãng tin Pháp AFP, Fourcade đã đe dọa : « Tôi sẽ lắng nghe những gì IBU nói và nếu tôi, và các vận động viên khác, thấy là không thỏa đáng, chúng tôi sẽ cho họ biết một cách rõ ràng quyết định của mình ». Quyết định đó có thể là tẩy chay các cuộc thi đấu có vận động viên Nga tham gia.

Ý kiến của vận động viên Pháp Martin Fourcade (29 tuổi) rất có trọng lượng, vì anh đã 10 lần đoạt chức vô địch thế giới ở môn biathlon, liên tục đoạt Cúp Vô Địch từ năm 2011 đến nay, đồng thời hai lần là Vô Địch Thế Vận.

Ở phái nữ, nhà nữ vô địch người Đức Laura Dahlmeier cũng có những tuyên bố thẳng thắn, cho rằng cần phải làm ngay một điều gì đó thật dứt khoát để làm gương trước giải vô địch thế giới vào tháng Hai ở Áo.

Một vận động viên Đức khác, Erik Lesser, hai lần vô địch thế giới năm 2015, đã đồng ký tên vào một lá thư cùng với 170 vận động viên biathlon khác, yêu cầu cấm thi đấu trong vòng 8 năm đối với những ai dùng doping.

Biathlon là một môn thể thao Olympic cổ điển kết hợp sức bền bỉ của môn trượt tuyết đường trường, và sự trầm tĩnh cần thiết của môn bắn súng.

Quan chức Nga : Sex và hôn có thể làm sai lệch kết quả thử nghiệm doping

Chính quyền Nga như không từ một lập luận nào để biện minh cho các vận động viên của mình bị xét nghiệm dương tính với chất kích lực bị cấm. Chính phó thủ tướng Nga phụ trách thể thao Vitaly Mutko, đã lên tiếng cho rằng quan hệ tình dục của các vận động viên có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm doping, đặc biệt là đối với phụ nữ, mà theo ông, có thể giữ trong người chất « DNA của nam giới » sau khi có quan hệ tình dục.

Trang web thông tin thể thao của Nga Sport-Express, tối thứ Năm 19/01 đã trích lời phó thủ tướng Nga như sau : « Bạn biết đấy, nếu bạn có quan hệ tình dục năm ngày trước khi xét nghiệm doping, họ có thể tìm thấy DNA của nam giới trong người bạn ».

Tuyên bố này được ông Vitaly Mutko, cựu bộ trưởng Thể Thao đưa ra ít lâu sau khi báo cáo McLaren được công bố, nêu bật cả một chương trình doping được chính quyền Nga thể chế hóa từ năm 2011 đến năm 2015, dùng cho hơn 1.000 vận động viên Nga.

Bản báo cáo có nêu lên trường hợp của hai nữ vận động viên khúc côn cầu trên băng, đã cung cấp trong một lần kiểm tra doping hai mẫu có chứa DNA nam, điều không thể có về mặt sinh lý học, chứng tỏ rằng họ đã gian lận, lấy mẫu của người khác.

Đối với ông Mutko, kết quả kiểm tra doping cũng có thể bị bóp méo nếu các vận động viên trước đó đã « hôn một cô gái có dùng ma túy ». Và quan chức Nga tố cáo « Vận động viên nước khác thì được khôi phục trong trường hợp đó, trong khi người Nga thì lại bị trừng phạt ».

Theo hãng AFP, vào năm 2009, tay vợt tennis Pháp Richard Gasquet bị xét nghiệm dương tính với chất cocaine. Anh đã không nhận tội, cho biết là đã hôn một người phụ nữ trẻ trong một hộp đêm, mà không biết là cô gái này đã dùng ma túy. Gasquet đã được Tòa Trọng Tài Thể Thao minh oan hoàn toàn.

Gần đây hơn, vào năm ngoái, vận động viên nhảy sào người Canada Shawn Barber, vô địch thế giới năm 2015, đã được phép tham gia Thế Vận Hội Rio 2016, một tháng sau khi anh bị kiểm tra doping dương tính với cocaine.

Giải Vô Địch Bóng Ném Thế Giới : Pháp mở được cửa vào tứ kết

Trên sân nhà, quả là đội tuyển Pháp đã không phụ lòng người hâm mộ. Trong trận đấu loại trực tiếp đầu tiên ngày 20/01/2017 với đội tuyển Iceland nhân vòng 1/8, các « Chuyên Gia » – biệt danh của đội tuyển bóng ném quốc gia Pháp - đã thắng thuyết phục với tỷ số rõ rệt 31-25. Trong vòng đấu bảng, đội Pháp cũng đã lập được thành tích đấu năm trận, thắng cả năm, kể cả trước một đối thủ sừng sỏ là Na Uy. Đà thắng lợi ròn rã này dự báo tốt cho kỷ lục mà đội Pháp muốn thiết lập : Đoạt chức Vô Địch Thế Giới lần thứ sáu.

Phải nói là trong vòng bảng đội tuyển Pháp đã hoàn thành tốt bước đi chiến lược là giành lấy vị trí đầu bảng để có một đối thủ yếu ở vòng 1/8. Chính vì vậy cho nên, dù đã có vé vào vòng trong sau ba trận thắng đầu tiên trước các đội Brazil (31-16), Nhật Bản (31-19), và Na Uy (31-28), ngày 17/01 vừa qua, các tuyển thủ Pháp đã tiếp tục đả bại đội Nga (35-24) để giành vị trí đầu bảng, tránh được các đội mạnh như Slovenia hay Đan Mạch ở vòng sau.

Trận cuối cùng với đội Ba Lan chỉ là thủ tục, vì dù có thua, Pháp cũng đứng đầu bảng, trong lúc các tuyển thủ Đông Âu dù có thắng cũng phải cuốn gói về nhà. Trong trận đấu đó, đội Pháp đã cho các tuyển thủ dự bị ra sân, để các tuyển thủ chính dưỡng sức. Kết quả cũng phấn khởi vì đội tuyển bis vẫn chiến thắng, dù tương đối khó khăn (25-24), giúp các « Chuyên Gia » bước vào vòng trong với khí thế « ngũ chiến, ngũ thắng ».

Với chiến thắng trước đội tuyển Iceland ngày 20/01, các tuyển thủ Pháp đã có vé vào tứ kết, tranh đua hoặc là với đội tuyển bắc Âu Thụy Điển, một đối thủ sừng sỏ, hoặc là với đội tuyển đông Âu Bélarus, nhẹ ký hơn. Nhưng có một điều chắc chắn là trong trận so tài với Iceland ở sân vận động Pierre Mauroy, thành phố Villeneuve d’Ascq gần Lille, thủ phủ miền Bắc Pháp, đội tuyển Pháp đã phá được kỷ lục thế giới về lượng khán giả đến xem một trận bóng ném.

Theo số liệu chính thức, đã có đến 28.010 khán giả vào xem trận đấu, điều chưa từng thấy đối với một trận bóng ném. Trận đấu Pháp-Iceland như vậy đã phá vỡ một kỷ lục từ năm 1999, khi một trận bóng ném tại Cairo đã thu hút được 25.000 khán giả.

Đối với ban tổ chức Pháp của Giải Vô Địch Bóng Ném Thế Giới 2017, chỉ tiêu 500.000 khán giả trực tiếp đến xem thi đấu có lẽ không phải là xa vời, nhất là khi các « Chuyên Gia » tiếp tục chiến thắng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.