Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Thách thức từ cuộc đình công quyết liệt trong ngành xe hơi Mỹ

Đăng ngày:

Ngành công nghiệp xe hơi Mỹ rối loạn vì phong trào đình công kéo dài từ ngày 15/09/2023 đang lan rộng. Được công luận và cả tổng thống Joe Biden hậu thuẫn, nghiệp đoàn UAW với 145.000 thành viên, đòi tăng 40 % lương cho nhân viên trong 4 năm. Hơn một năm trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, đây không đơn thuần là một cuộc đọ sức giữa người lao động và giới chủ của ba hãng xe lớn nhất nước Mỹ.

Lao động trong lĩnh vực ô tô đình công, biểu tình tại Khu liên hợp lắp ráp Stellantis Toledo, ở Ohio, Hoa Kỳ, ngày 02/10/2023.
Lao động trong lĩnh vực ô tô đình công, biểu tình tại Khu liên hợp lắp ráp Stellantis Toledo, ở Ohio, Hoa Kỳ, ngày 02/10/2023. AP - Kurt Steiss
Quảng cáo

Hoa Kỳ đang trải qua một đợt đình công « lịch sử » bởi chưa bao giờ cả ba tập đoàn xe hơi « truyền thống », biểu tượng của nền công nghiệp Mỹ, Ford, General Motors và Stellantis cùng bị xáo trộn vì một bộ phận nhân viên đình công. Phong trào đang lan rộng đến nhiều bang. Tính đến ngày 01/10/2023, 25 ngàn trong số 146 ngàn thành viên UAW - Liên đoàn nhân viên ngành xe hơi Mỹ - bãi công. Nhiều nhà máy của nhóm Big Three tại các bang Ohio, Missouri, Michigan phải đóng cửa, cả ngàn nhân viên không bãi công tạm thời bị cho nghỉ việc vì dây chuyền sản xuất tắc nghẽn.

Tuần trước, trong hai ngày liên tiếp tổng thống Joe Biden và cựu tổng thống Donald Trump lần lượt đến bang Michigan « hòa mình » với công nhân biểu tình trước các nhà máy xe hơi Mỹ. Michigan là một bang « then chốt » trên con đường vào Nhà Trắng của các ứng viên tổng thống.

Lãi 37,2 tỷ đô la, công nhân không được tăng lương

Dưới sự dẫn dắt của ông thợ điện Shawn Fain, từng làm việc cho hãng xe Chrysler đã bị tập đoàn Pháp Stellantis mua lại, công đoàn UAW đang thách thức cả giới chủ lẫn chính giới Hoa Kỳ với những đòi hỏi được cho là « đầy tham vọng »

« Chúng tôi đòi tăng lương, tăng nhiều và ngay từ bây giờ chứ không phải đợi thêm 4 năm nữa ». Đó là khẩu hiệu thường được nghe thấy trước các nhà máy ở Toledo hay Wayne và Wentzville…

Thông tín viên của báo kinh tế Les Echos tại Hoa Kỳ, Solveig Godeluck trong chương trình La Story giải thích vì sao UAW lao vào cuộc đọ sức với giới chủ vào thời điểm này :

« Người lao động có trong đầu những con số tiền lãi kỷ lục của ba đại tập đoàn xe hơi Mỹ. 2021-2022, sau thời gian các hoạt động bị đóng băng vì đại dịch Covid chuỗi cung ứng bị xáo trộn, thì nay các hãng xe đã phục hồi. Chẳng những thế, họ còn toàn quyền ấn định giá cả. Cho nên là lãi của các hãng xe tăng vọt. Tập đoàn Stellantis – tức là hậu thân của Chrysler, lãi 17 tỷ đô la năm ngoái, mức lời của hãng này như vậy tăng 26 % trong một năm. Lương trả cho công nhân viên thì vẫn vậy và thậm chí là sức mua của người lao động còn bị sụt giảm vì lạm phát trong cùng thời gian tăng quá mạnh. Trái lại, lương của giới lãnh đạo thì tăng nhanh vô cùng : Năm ngoái lương của bà Mary Barra, tổng giám đốc General Motors là 29 triệu đô la, tăng 25 % so với thời điểm 2019 ».

Vậy công nhân Mỹ đòi hỏi những gì ?

Đàm phán lại về một thỏa thuận khung cho 4 năm với giới chủ, đại diện công đoàn UAW đưa ra hai nhận xét : một là mức lãi của Ford, General Motors và Stellantis cộng lại đang từ 4,8 tỷ đô la năm 2020 đã được nhân lên hơn gấp 5 lần, đạt 37,2 tỷ vào năm ngoái. Tiền lãi chia cho các cổ đông cũng « đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác ». Do vậy UAW đòi được tăng lương 40 % trong 4 năm sắp tới, đòi được lãnh tiền thưởng như trước khi nổ ra khủng hoảng hồi cuối 2008. Khi đó ngành công nghiệp xe hơi Mỹ bên bờ vực thẳm, chính phủ phải rót hàng tỷ đô la để cứu nguy ngành công nghiệp xe hơi Hoa Kỳ. Hệ quả kèm theo là nhân viên bị cắt tiền thưởng, mất các khoản đóng đóng góp của công ty cho các quỹ an sinh xã hội, cho quỹ lương hưu, nhân viên mất bảo hiểm y tế. Giờ đây, UAW cho rằng đã đến lúc công nhân trong ngành xe hơi Mỹ phải được quyền « giành lại những gì đã mất ».

Một chủ trương đấu tranh mới 

Đương nhiên giới chủ đồng loạt cho rằng những đòi hỏi đó là quá đáng. Trong suốt hai tháng hè vừa qua, cả ba hãng xe Ford, General Motors và Stellantis đều đã chần chừ trước khi bắt đầu đàm phán với chủ tịch nghiệp đoàn UAW trong 4 năm sắp tới. Các cuộc thương lượng chỉ mới thực sự bắt đầu khi « căng thẳng đã dâng cao » và các hãng xe chỉ đưa ra những đề nghị bị coi là quá « khiêm tốn » so với yêu sách của bên công đoàn. Chẳng ngờ UAW với ông Shawn Fain trong lai trò lãnh đạo đã phát huy ra một chiến thuật mới như nhà báo Solveig Godeluck giải thích :

« Shawn Fain lãnh đạo nghiệp đoàn xe hơi Mỹ chủ trương 'đình công từng bước' có nghĩa là ban đầu chỉ một số ít nhân viên bãi công, để đàm phán với giới chủ. Đàm phán mà thất bại thì phong trào mới lan rộng ra thêm. Nhân viên đình công sẽ đóng cửa thêm các nhà máy … cho đến khi những yêu sách của giới công nhân được thỏa mãn. Công đoàn UAW có hẳn một quỹ chừng độ 825 triệu đô la để hỗ trợ nhân viên đình công. Tính trung bình nếu toàn bộ nhân viên ngành công nghiệp xe hơi Mỹ đồng loạt bãi công cùng một lúc và mỗi đầu người nhận được 500 đô la một tuần từ quỹ đó, thì họ có thể cầm cự được trong 11 tuần lễ ».

Theo thăm dò của viện Gallup, hơn 10 ngày từ khi bắt đầu đình công vẫn có tới 75 % công luận Mỹ ủng hộ. Bất ngờ hơn cả là hôm 26/09/2023 lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm đến gặp công nhân đình công và tuyên bố là họ có lý khi đòi được tăng tương, khi đấu tranh vì quyền lợi xã hội.

Dao hai lưỡi và thiệt hại hàng tỷ đô la

Nhưng bên cạnh những tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ giới đình công, Joe Biden cũng thận trọng và theo dõi sát tình hình, bởi Nhà Trắng ý thức được rằng nếu phong trào đình công kéo dài sẽ đè nặng lên các vùng công nghiệp của Mỹ, vào lúc kinh tế Hoa Kỳ phải đối mặt với lạm phát. Theo thẩm định của ngân hàng Đức Deutsche Bank trong trường hợp tất cả các nhà máy ở Mỹ phải đóng cửa thiệt hại mỗi ngày ước tính lên tới hơn nửa triệu đô la. Ngành công nghiệp xe hơi chiếm 3 % sản xuất của Hoa Kỳ, chỉ riêng ba tập đoàn trong nhóm « Big Three », mỗi tháng sản xuất 500.0000 chiếc xe đủ loại.

Năm 2019 trong đợt bãi công 6 tuần lễ, thiệt hại đối với tập đoàn General Motors lên đến 2,9 tỷ đô la Hơn một năm trước bầu cử tổng thống và đã chính thức thông báo ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai, ông Biden tương tư như đối thủ chưa chính thức của bên đảng Cộng Hòa là cựu tổng thống Donald Trump, bắt buộc phải tranh thủ lá phiếu của tầng lớp công nhân tại những khu công nghiệp, song đương kim chủ nhân Nhà Trắng cũng ý thức được những khó khăn và thách thức đang đặt ra cho nền công nghiệp xe hơi Hoa Kỳ. Nhà báo của tờ Les Echos, Solveig Godeluck phân tích : 

 « Đây là một thời điểm khá phức tạp đối với nền công nghiệp xe hơi Mỹ, do số lượng xe bán ra liên tục giảm, thế rồi Hoa Kỳ lại đang hướng tới việc chuyển đổi từ xe chạy bằng xăng dầu sang ô tô điện. Đó là cả một vấn đề và đặt ra nhiều thách thức cho các nhà sản xuất : họ phải đầu tư nhiều hơn, phải mở thêm các nhà máy mới, phải hướng tới công nghệ chế tạo bình điện … Bên cạnh tất cả những thách thức đó thì vấn đề chính là xe Mỹ càng lúc càng bị xe ngoại quốc cạnh tranh, từ Toyota của Nhật đến Kia, Hyundae của Hàn Quốc » …

Một cuộc trắc nghiệm về đời sống công đoàn ở Mỹ

Về phía lãnh đạo nghiệp đoàn UAW Shawn Fain, đợt đình công lần này cũng là một cuộc trắc nghiệm quan trọng trong sự nghiệp của ông thợ điện ba đời gắn bó với nền công nghiệp xe hơi Mỹ. Solveig Godeluck phân tích tiếp :  

 « UAW là một công đoàn có ảnh hưởng lớn với hơn 1 triệu thành viên và đã bắt rễ sâu vào Detroit. Tuy nhiên nghiệp đoàn này cũng đang gặp nhiều khó khăn : hơn 60 % các thành viên là những người lao động đã về hưu. Hơn nữa trong thời gian gần đây UAW cùng bị nhiều tai tiếng, chẳng hạn như vụ một vài lãnh đạo của công đoàn này nhập nhằng trong việc sử dụng quỹ công và họ đã bị kiện vì những vụ bê bối này ».

Không biết đợt đình công lần này của ngành ô tô ở Hoa Kỳ đến khi nào kết thúc nhưng rõ ràng, người lao động ở Mỹ từ sau đại dịch đang « có giá » : nghiệp đoàn tài xế xe tải của UPS vừa được tăng lương 18 % sau một cuộc đàm phán ngay go hồi mùa hè vừa qua.

Nghiệp đoàn phi công được tăng lương 40 % trong bốn năm. Một phần nhân viên ở phim trường Hollywood đã được toại nguyện và vừa chấm dứt đình công sau 5 tháng đấu tranh đòi lương… Nhiều cửa hàng, hiệu ăn, siêu thị phải giảm nhịp độ hoạt động vì không đủ nhân viên. Cũng có những hãng xưởng treo giải thưởng khuyến khích nhân viên giới thiệu người thân vào làm việc. Mức lương ở Hoa Kỳ có khuynh hướng được đẩy lên cao.

Đành rằng các cuộc đình công liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây ở Hoa Kỳ tạo cảm giác là các nghiệp đoàn ở Mỹ có trọng lượng hơn, nhưng theo thống kê của bộ Lao Động Mỹ thì tương tự như tại Pháp, cũng chỉ có 10 % người lao động ở Mỹ tham gia vào các nghiệp đoàn và con số này đã liên tục giảm mạnh từ thập niên 1990 tới nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.