Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

World Cup 2022 ở Qatar: Vé chợ đen ngất ngưởng, người hâm mộ điêu đứng

Đăng ngày:

Giống như nhiều giải đấu khác, việc mua vé vào phút cuối hoặc mua lại từ bên thứ ba không phải là điều mới mẻ với các cổ động viên. Tại Doha, nơi tổ chức World Cup 2022, bất chấp lệnh cấm bán vé chợ đen, loại hình kinh doanh này vẫn rất sôi nổi. Giá vé chợ đen bị đẩy cao ngất ngưởng khiến người hâm mộ trái bóng tròn điêu đứng. 

Cổ động viên Achentina cầm bảng ghi "Tôi cần một vé", trước một sân vận động ở Doha, Qatar, ngày 03/12/2022.
Cổ động viên Achentina cầm bảng ghi "Tôi cần một vé", trước một sân vận động ở Doha, Qatar, ngày 03/12/2022. © Reuters
Quảng cáo

Để đáp ứng nhu cầu đổi vé, chuyển nhượng lại vé vì nhiều lý do, Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA đã tạo một trang bán lại vé chính thức.  FIFAđã cảnh báo rằng tổ chức này có quyền từ chối hoặc cấm cho vào sân đối với tất cả những ai mua vé từ các trang không chính thức. 

Chính quyền Qatar cũng đã thông qua một đạo luật (N.10 năm 2021), cấm bán hoặc đổi vé không thông qua FIFA, tiền phạt có thể lên đến hơn 60 000 euro.Tại giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh này, khoảng 2,9 triệu vé xem 64 trận trong vòng 28 ngày đã bán hết từ tháng 10, theo trang The National News. Người hâm mộ chỉ được mua tối đa 6 vé cho mỗi trận và 60 vé cho cả giải đấu. 

Những quy định này để ngăn chặn những người mua vé với số lượng lớn rồi bán lại với giá cao, dường như không mấy hiệu quả. Thị trường chợ đen vẫn hoạt động sôi nổi, vé xem World Cup được rao bán không chỉ trên các trang mạng truyền thống như StubHub, Viagogo, Ticombo and Sports Events 365 hay trên mạng xã hội, mà còn ngay cả trước cửa các sân vận động ở Doha. 

Theo Reuters, trong khi trang mạng bán vé chính thức của FIFA đã hết vé, tại Trung tâm Hội Nghị Qatar, nằm ở trung tâm thủ đô Doha, nơi  FIFA đặt văn phòng bán vé trực tiếp, loa phát thanh nhắc đi nhắc lại nhiều lần “Ở đây đã hết vé, vui lòng kiểm tra trên trang FIFA.com/ticket”. 

Hãng tin Anh đề cập đến trường hợp của ông Ashraf Ali, đã đến sân vận động 974 từ sớm để xem trận đấu giữa Achentina và Ba Lan. Ông Ali giơ tấm biển bằng bìa carton “Tôi cần vé”, trong vô vọng. Có người đã đề xuất bán lại vé với giá 2000 đô la, cao gấp 9 lần giá của FIFA, nhưng giá này quá đắt đối với cổ động viên người Ai Cập. Cuối cùng, 30 phút trước trận đấu, Ali đã thành công mua vé với giá 500 đô la. 

Một cổ động viên khác người Achentina, ông Federico Criado trả lời Reuters rằng : “Ở đây, một số người đi lảng vảng xung quanh và giả vờ như không làm gì, nhưng khi bạn đến gần thì họ thì thầm vào tai “có vé, có vé”. Thế nhưng tôi không nghĩ rằng đây là cách an toàn nhất khi mua như vậy. Theo tôi, cách tốt nhất là mua từ người quen, hoặc người này đã bán cho ai đó mà tôi có quen biết”. 

Ngay từ đầu mùa giải trang The Peninsulaqatar cho biết chính quyền Doha đã bắt giữ 3 người bán vé qua các nền tảng không chính thức, như một lời đe dọa và nhấn mạnh đến độc quyền bán vé của FIFA. Doha cũng cho biết tăng cường tuần tra cũng như lắp đặt các thiết bị giám sát nhằm ngăn chặn các hành vi bán vé bất hợp pháp. Tuy nhiên, hoạt động bán vé chợ đen cho đến nay vẫn tiếp diễn, không chỉ tại sân vận động mà qua mạng xã hội. Một người hâm mộ khác, ông Luis Achtar cho biết trên Facebook hoặc Whatsapp, có rất nhiều nhóm bán lại vé và giá rất đắt, nhưng vấn đề là khó có thể tin tưởng được những người này. Ông giải thích với Reuters như sau: 

“Tôi đang muốn mua vé ở trên Facebook và cô Angela này bảo tôi rằng có vé cần bán. Cô ấy đến từ Brazil và muốn bán lại với giá 300 đô la nhưng tôi không nghĩ là cô ấy muốn lừa tôi. Cô ta hỏi tôi muốn bao nhiêu vé và tôi bảo chỉ cần một vé thôi. Tôi bảo rằng nếu cô ấy chuyển vé trước thì tôi mới trả tiền. Nếu như không thể chuyển nhượng được vé thì thường họ có thể đưa số tài khoản đăng ký khi mua vé để đăng nhập vào trang của FIFA và tự tải vé về.” 

Bên ngoài sân vận động Al Thumama, hãng tin Reuters ghi nhận một số người dùng tiền mặt mua vé. Ngoài những người “kinh doanh vé bóng đá chợ đen”, ngay cả các cổ động viên cũng tham gia vào hoạt động này để trả phí lưu trú đắt đỏ ở Qatar. Theo Forbes, tuỳ vào giá vé máy bay, trung bình một tuần đến Qatar xem bóng đá có thể tiêu tốn ít nhất 6000 euro cho hai người. Không chỉ chi phí lưu trú đắt đỏ, mà giá vé xem bóng đá bán qua trang của FIFA cũng tăng cao. 

Reuters trích dẫn nghiên cứu của Keller Sports, chỉ ra rằng vé xem bóng đá World Cup Qatar cao hơn 40% so với mùa World Cup năm 2018. Trung bình cổ động viên phải trả khoảng 248 euro tại Nga cách đây 4 năm, thì tại Qatar con số này lên đến 331 euro cho một ghế. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng World Cup Qatar 2022 được coi là kỳ World Cup đắt đỏ nhất từ 20 năm qua. Tiền bán lại vé đôi khi có thể chi trả cho cả mùa World Cup ở Doha. Hãng tin Reuters trích dẫn trường hợp của một người hâm mộ Pháp, xin ẩn danh : 

“Với trận đấu với Achentina, giá vé mua vào dao động từ 62 đến 250 euro và được bán lại khoảng 90 euro. Tôi thì bán với giá 700 euro. Tôi chọn mua vé các trận đấu có thể thu được nhiều lợi nhuận nhất. Ví dụ như trận bóng của Achentina hay những trận có sự tham gia của các siêu sao như Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi. Trận bóng của Mêhicô cũng đáng quan tâm vì các cổ động viên Mêhicô sẵn sàng trả giá cao. Để bán được vé, thì cần phải có cách thông minh và không thể làm bừa. Ngay bây giờ đây, tôi không rõ mọi người có thể nhìn rõ không, nhưng những người đằng kia đang cố hoà vào trong đám đông cổ động viên người Achentina.” 

Trang The Atlantic thì nêu ra một nghịch lý, mặc dù trang bán vé chính thức của FIFA đã hết vé từ lâu, nhưng tại nhiều trận đấu của mùa giải, có thể thấy rõ ràng cả ngàn  ghế còn trống tại sân vận động, như trong trận giữa Ghana và Bồ Đào Nha. 

Hôm 05/12 vừa qua, một ngày trước khi trận đấu giữa Maroc và Tây Ban Nha diễn ra, nhiều cổ động viên người Maroc than phiền trên mạng xã hội về việc FIFA thiếu hành động can thiệp trong việc bảo đảm vé không bị rao bán với giá đắt ở chợ đen. Trang Moroccoworldnews chia sẻ lại bình luận của một người dùng Twitter than vãn rằng “một người đàn ông Ấn Độ ngồi cạnh tôi, cố gắng muốn bán vé chợ đen cho tôi. Ông ta có 4 vé trong khi tôi là người Maroc thì chẳng có vé nào”.  

Bước sang vòng tứ kết, nhiều người hâm mộ cho biết vé ngày càng khan hiếm. Đối với trận đấu giữa đội Pháp và Anh, diễn ra vào thứ Bảy, ngày 10/12 tại sân vận động Al Bayt, theo trang Daily Mail, giá tại chợ đen đã bị đẩy lên khoảng 12 000 euro, tức là cao gấp 28 lần so với giá của FIFA (600 euro). Tuy nhiên điều này không làm nản lòng các cổ động viên trung thành với đội Tam Sư. Nhật báo Anh cho biết ít nhất 9500 cổ động viên Anh đã có vé trên khán đài cho thứ Bảy này. 

Phát ngôn viên của FIFA trả lời Reuters rằng “mục tiêu cuối cùng của FIFA đó là ưu tiên sự an toàn của tất cả người hâm mộ và đưa ra giá hợp lý cho World Cup”. Tuy nhiên, trang Ticketnews cho rằng việc thị trường chợ đen có cơ hội phát triển là do ban tổ chức sự kiện cố gắng kiểm soát chặt chẽ việc bán lại và áp đặt giá trần, thay vì tạo ra một thị trường cạnh tranh, nhiều lựa chọn. 

Giá cả trên thị trường chợ đen được quy định theo quy luật cung - cầu. Nếu cầu tăng, giá vé sẽ tăng theo. Câu hỏi đặt ra là người hâm mộ chịu trả bao nhiêu để thoả mãn cơn sốt trái bóng tròn. Vì giá bán ở thị trường thứ cấp hay còn gọi là chợ đen, là do người bán và người mua thoả thuận chứ không có mức giá trần nào cả. 

Theo một nghiên cứu của đại học Victoria tại Canada, thị trường chợ đen tồn tại, bởi vì ban tổ chức sự kiện có thể đã định giá sai hoặc định giá thấp giá vé bán ra, hoặc không đủ linh hoạt để nắm bắt chênh lệch giá giữa các ghế. Một lý do quan trọng khác nữa là số vé cung cấp có thể quá ít. Trên thực tế, khi mua giá cao từ những nơi “không chính thức”, người hâm mộ có thể phải đối mặt với khả năng mua phải vé giả. Cơn sốt thể thao đôi khi cũng có thể là một trải nghiệm đau thương cho nhiều người. 

Cách đây không lâu, trong trận chung kết Cúp C1 giữa câu lạc bộ Liverpool và câu lạc bộ Real Madrid, hình ảnh các cổ động viên Anh cầm vé đứng đợi hàng giờ trước cửa sân vận động Pháp ở Seine-Saint-Denis, không được vào trong vì vé không hợp lệ. Sau đó là vụ bạo loạn, cổ động viên có vé hoặc không có vé tràn vào trong sân vận động, theo sau đó là sự can thiệp bạo lực của cảnh sát địa phương. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.