Vào nội dung chính
FIFA - BÓNG ĐÁ - THAM NHŨNG

Qatar 2022 : Quả bóng tròn thu hút sự chú ý hơn thất bại chống tham nhũng của FIFA

Từ khi Qatar « trúng thầu » tổ chức World Cup 2022 vào năm 2010 đến khi giải đấu sắp diễn ra, nhiều lời kêu gọi tẩy chay đã được đưa ra vì lý do vi phạm nhân quyền của nước này, không chỉ trong cách đối xử với lao động nhập cư mà còn với cộng đồng LGBT. Trong khi đó, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức giải đấu liên tục bị cáo buộc nhận hối lộ tham nhũng để trao quyền tổ chức World Cup cho một số nước.

Cựu quan chức FIFA Sepp Blatter và Michel Platini tại phiên xét xử ở tòa án Thụy Sỹ, ngày 09/07/2022.
Cựu quan chức FIFA Sepp Blatter và Michel Platini tại phiên xét xử ở tòa án Thụy Sỹ, ngày 09/07/2022. REUTERS - ARND WIEGMANN
Quảng cáo

RFI xin giới thiệu bài phân tích đăng trên The Conversation (25/11/2022) của ông Daniel Hough, giảng viên tại University of Sussex, liên quan đến vấn đề tham nhũng tại FIFA.  

Những cáo buộc về tham nhũng trong quá trình xét chọn nước chủ nhà đã được thảo luận rất nhiều. Tuy nhiên, với sức nóng của Qatar, những vụ tham nhũng đã được chứng minh và sự thất bại của FIFA trong việc cải cách tổ chức này sau đó, có nguy cơ không thu hút được nhiều sự quan tâm. Các công tố viên Thụy Sỹ và bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã điều tra cáo buộc liên quan đến hành vi gian lận, lừa đảo và rửa tiền của những người trong nội bộ FIFA và có quan hệ với FIFA.     

Các cuộc điều tra từ phía Thụy Sỹ đặc biệt xét đến hành vi gian lận, quản lý yếu kém và biển thủ quỹ của các quan chức cấp cao của FIFA. Nhiều vụ xét xử đang diễn ra, một số người đã bị kết án, mặc dù cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter và phó chủ tịch Michael Platini đã được tha bổng (FIFA cấm tham gia hoạt động bóng đá chuyên nghiệp 8 năm). Giám đốc điều hành bóng đá Qatar, bộ trưởng chính phủ Qatar, ông Nasser al-Khelaïfi cũng đã được xử vô tội trong phiên tòa xét xử tham nhũng ở Thụy Sỹ.    

Tư pháp Hoa Kỳ đã điều tra hành vi của các quan chức FIFA trong nhiều thập kỷ, tập trung vào việc phân phối bản quyền phát sóng giải đấu, hối lộ và rửa tiền. Hơn 50 bị cáo, là cá nhân hoặc doanh nghiệp, đã bị buộc tội hình sự, chủ yếu liên quan đến các cáo buộc hối lộ và rửa tiền. 4 tập đoàn và 27 người đã nhận tội với tội danh nêu trên.    

Một số người đã bị kết án, một số khác thì đã được tha bổng. Một số vụ án đang diễn ra và phần lớn là các cá nhân phản đối việc dẫn độ sang Hoa Kỳ. Tư pháp Hoa Kỳ đã thu giữ hơn 201 triệu đô la từ tài khoản của các cựu quan chức có liên quan đến tham nhũng.  

Tư pháp Hoa Kỳ cũng cáo buộc 3 quan chức đã nhận hối lộ để trao quyền tổ chức World Cup cho Nga và Qatar. Hai trong số họ đã qua đời còn vị quan chức thứ ba là người Brazil Ricardo Teixeira, thì không thể bị dẫn độ. Ông Ricardo phủ nhận tất cả các cáo buộc nhưng FIFA đã cấm tham gia vào World Cup vĩnh viễn do các buộc nhận hối lộ liên quan đến các giải World Cup ở Nam Mỹ.    

Những người trực tiếp tham gia vào chỉ đạo đấu thầu cho World Cup Qatar vẫn luôn phủ nhận mọi cáo buộc. Uỷ ban Tối cao về Chuyển giao và Pháp lý Qatar đã lập luận rằng « mặc dù nhiều năm bị cáo buộc một cách sai trái nhưng chưa bao giờ có bằng chứng chứng minh rằng Qatar đã giành quyền tổ chức World Cup 2022 một cách phi đạo đức hoặc trái với các quy tắc đấu thầu chặt chẽ của FIFA. »    

Như thế nào mới là tham nhũng ?   

Trên thực tế, không bao giờ có đồng thuận chung để định nghĩa tham nhũng là gì (sách Analysing corruption). Một thỏa thuận chính trị thông minh đối với người này nhưng lại là một hành động tham nhũng đối với người khác. Tuy nhiên, có 4 điều để hiểu tham nhũng bắt đầu và kết thúc ở đâu.    

Thứ nhất, tham nhũng là cố ý. Không ai vô tình tham nhũng. Tham nhũng không phải là một hành động quản lý yếu kém. Nó xảy ra vì mọi người muốn nó xảy ra. Thứ hai, tham nhũng liên quan đến một số loại hành vi lạm dụng.     

Để xác định hành vi « lạm dụng » bắt đầu và kết thúc ở đâu, chúng ta cần hiểu rõ các quy tắc để tham gia là gì. Chúng ta cần biết rõ mô tả cụ thể về công việc đó. Chỉ khi đó thì mới có thể chắc chắn rằng ai đã đi « quá đà », trong việc đưa ra quyết định.    

Thứ ba, tham nhũng liên quan đến quyền lực được giao phó. Quyền lực này có thể đến từ thùng phiếu của các chính trị gia hoặc từ sự bổ nhiệm đối với các công chức chẳng hạn như các quan chức FIFA.    

Cuối cùng, đó là một số lợi ích cá nhân. Phải có đầu ra, có thể là tiền, danh tiếng hoặc hoàn thành yêu cầu nào đó. Nếu không thì sẽ không có chuyện tham nhũng.     

Tất cả 4 điểm trên đều có thể hoặc thực sự gây tranh cãi. Nhưng đối với những người đưa ra các điểm trên, họ vẫn đưa ra một khuôn khổ để hiểu những quy trình thường khá phức tạp. Qua việc sử dụng định nghĩa nêu trên, không có một hành vi rõ ràng nào chỉ ra trực tiếp mối liên hệ giữa cuộc đấu thầu Qatar và hành vi tham nhũng giành quyền tổ chức World Cup 2022. Thậm chí, có những bằng chứng là Qatar cũng như Nga (2018), Brazil (2014) Nam Mỹ (2010) và Đức (2006), đã đơn thuần tuân thủ các quy tắc và logic làm cơ sở cho các quy tắc đó.    

FIFA đưa ra quy định « thúc đẩy » tham nhũng ?   

Cựu luật sư của Hoa Kỳ, ông Michael Garcia khi tiến hành điều tra độc lập về đạo đức đối với quy trình đấu thầu World Cup, đã chỉ ra rằng những người chỉ đạo quy trình đấu đầu của Qatar có thể đã đẩy các quy tắc đó đến giới hạn.     

Tuy nhiên, họ được cho là rất giỏi trong việc chơi trò chơi của FIFA. Các quy tắc có thể không phù hợp với mục đích hoặc bị phản đối về mặt đạo đức, nhưng không có nghĩa là Qatar có hành vi tham nhũng.    

Theo các cuộc điều tra của Thụy Sỹ và Hoa Kỳ, nhiều đại diện của FIFA đã cố tình lạm dụng vị trí của họ hoặc quyền lực được giao phó để tư lợi. Tất cả bốn tiêu chí tham nhũng trên đều đã được đáp ứng trong những trường hợp này. Ví dụ như hai cựu quan chức đã bị kết án vào năm 2017, Juan Ángel Napout của Paraguay, cựu phó chủ tịch FIFA, và José Maria Marin, cựu chủ tịch Hiệp hội bóng đá Brazil.    

Ông Napout buộc phải nộp lại 3,3 triệu đô la tiền hối lộ đã nhận và phải nộp phạt 1 triệu đô la. Ông bị kết tội có âm mưu gian lận và tội âm mưu lừa đảo qua đường dây. Marin bị kết án 4 năm tù và bị phạt 1,2 triệu đô la đồng thời bị tịch thu 3,3 triệu đô la.    

Có những người đang chờ tuyên án như cựu thành viên của hội đồng điều hành FIFA, ông Luis Bedoya, đã bị kết tội vì có hành vi gian lận trong các giao dịch ngân hàng và âm mưu hối lộ. Ông Bedoya đã nhận tội vào tháng 11/2015 nhưng việc công bố bản án vẫn bị trì hoãn.    

Vẫn còn nhiều trường hợp pháp lý khác, trong đó rõ ràng nhất là vụ của một cựu phó chủ tịch FIFA Jack Warner. Tư pháp Hoa Kỳ đã cáo buộc Warner được trả 5 triệu đô la Mỹ từ các nhiều công ty vỏ (shell companies), để bầu cho Nga tổ chức World Cup 2018. Phía Hoa Kỳ đang cố gắng dẫn độ ông về Hoa Kỳ từ Trinidad. Ông Warner phủ nhận mọi cáo buộc.    

Ngầm loại bỏ cơ quan điều tra tham nhũng trong nội bộ   

Trong khi đã thu được bằng chứng tham nhũng ở trong nội bộ FIFA, nhưng có vẻ như văn hoá tổ chức vẫn giữ nguyên. FIFA đã tạo ra một loạt định chế mới để giám sát công việc của tổ chức này năm 2012. Tuy nhiên, tại đỉnh điểm các bê bối tham nhũng năm 2017, FIFA đã sa thải một lãnh đạo độc lập, chịu trách nhiệm điều tra và xét xử của Ủy ban đạo đức và chủ tịch của Ủy quan quản trị. Vụ sa thải này đã khiến một số thành viên còn lại của ủy ban từ chức để phản đối FIFA.     

Hai người bị sa thải nêu trên đã tuyên bố rằng họ đang trong quá trình điều tra hàng trăm vụ tham nhũng. Các vụ này sẽ bị đình trệ trong nhiều năm và việc bãi nhiệm họ đã làm vô hiệu hoá các cuộc điều tra tham nhũng của FIFA.    

Hiện uỷ ban đạo đức này vẫn tồn tại, nhưng không có tác động lớn như mong đợi. Điều này phản ánh trong các trường hợp mà FIFA đã thụ động, hoặc không đưa ra lập trường đối với các hành vi vi phạm đạo đức kể từ đó. Ví dụ như lệnh cấm Nga tham gia Thế Vận Hội vì sử dụng chất kích thích cấm trong thể thao (doping). 

 Sự thiếu thay đổi này có thể là vì FIFA đã đưa ra lập luận rằng tổ chức này là nạn nhân của tham nhũng chứ không phải là bên thực hiện, gây ra tham nhũng. Khi Napout và Marin bị kết án, FIFA đã khẳng định « ủng hộ mạnh mẽ và khuyến khích giới chức Mỹ nỗ lực, buộc những cá nhân đã lạm dụng chức vụ và mua chuộc giải bóng đá quốc tế vì lợi ích cá nhân, phải chịu trách nhiệm. »  

Tuy nhiên, có vẻ như ngay cả những người bị buộc tội tham nhũng đã rời đi, FIFA vẫn cần có thay đổi trong văn hoá tổ chức theo hướng minh bạch và có trách nhiệm giải trình hơn.   

Các nhà lãnh đạo của tổ chức này không hiểu được vấn đề mà họ phải đối mặt. Do đó, FIFA khó có thể thực hiện các cải cách có ý nhĩa. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.