Vào nội dung chính
THẾ VẬN HỘI PARIS 2024

Olympic Barcelona 1992: Thế Vận Hội đoàn kết giữa những biến động địa chính trị

Thế Vận Hội mùa hè Barcelona 1992 được đánh dấu bằng sự cởi mở và đoàn kết sau một giai đoạn tranh cãi và xung đột kéo dài : Những thay đổi chính trị trên thế giới vào cuối những năm 1980 và đầu thập niên 1990 đã cho phép các kỳ Thế Vận Hội diễn ra xuôn xẻ. Không còn chuyện tẩy chay, một hiện tượng nổi lên từ năm 1972. Olympic Barcelona được tổ chức như thế nào, trong bối cảnh nước Đức thống nhất, Liên Xô và Nam Tư tan rã?

Lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè 1992, ngày 25/07/1992, trên sân vận động Olympic Lluís Companys, Barcelona, Tây Ban Nha.
Lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè 1992, ngày 25/07/1992, trên sân vận động Olympic Lluís Companys, Barcelona, Tây Ban Nha. AP - Ed Reinke
Quảng cáo

Anne Morzine - RFI tiếng Nga

Ông Armando Calvo gia nhập Ban tổ chức Olympic Barcelona từ năm 1987, trước tiên với chức vụ Tổng Giám đốc Công nghệ và Cơ sở hạ tầng, sau đó là tổng giám đốc điều hành các hoạt động trong Thế Vận Hội với tư cách là tổng giám đốc làng Thế Vận Hội. Trước khi đến với Olympic, ông làm việc cho hãng Sony ở Tây Ban Nha. Theo ông, không ai trong ban tổ chức Barcelona 1992 có kinh nghiệm tổ chức các sự kiện thể thao lớn:

Armando Calvo : Thách thức chủ yếu là không ai trong ban tổ chức có kinh nghiệm tổ chức một sự kiện lớn như vậy. Chúng tôi đã nói chuyện với những người từng làm việc trong các ban tổ chức khác, thậm chí tôi còn sống ở Seoul ba tháng trước Thế Vận Hội Seoul 1988 để theo dõi công tác chuẩn bị. Nhưng trong ban tổ chức của chúng tôi không ai có kinh nghiệm như vậy.

Thế Vận Hội là một sự kiện có kế hoạch và được chuẩn bị trước, vận hành theo cách phân quyền. Đó cũng là một thách thức vì bạn phải hiểu rằng một khi bạn cử nhóm của mình vào thực địa, mọi thứ bạn lên kế hoạch và lên kế hoạch đều diễn ra một cách hỗn loạn. Do đó, điều quan trọng là phải tin tưởng vào nhóm của bạn và cho họ quyền đưa ra quyết định trên thực tế. Ví dụ, khi có chuyện gì đó xảy ra ở sân vận động, bạn không có thời gian để hỏi ý kiến ​​cấp trên. Vấn đề phải được giải quyết trong vài phút, vài giây. Do đó, phải chọn được nhóm làm việc tốt.

Lễ khai mạc Olympic Barcelona 1992 vào ngày 25 tháng 7 năm 1992. Kịch bản của buổi lễ theo chủ đề những huyền thoại và truyền thuyết về chiến công của Hercules, được coi là người sáng lập Barcelona. Theo kế hoạch, Freddie Mercury và Monserrat Caballé sẽ biểu diễn ca khúc "Barcelona" trong lễ khai mạc, nhưng do Mercury qua đời 8 tháng trước Thế Vận Hội, nên vào ngày 25 tháng 7, người ta đã phải phát bản ghi âm của cặp song ca này. Trong lễ khai mạc, một cặp song ca khác - Sarah Brightman và José Carreras - đã biểu diễn trực tiếp "Amigos Para Siempre" của Andrew Lloyd Webber và Don Black, một bài ca mang tính biểu tượng khác của Barcelona-1992.

Linh vật của Thế Vận Hội Olympic Barcelona là một chú chó con tên Cobi, đó là giống chó chăn cừu vùng Catalunya, tên được lấy cảm hứng từ từ viết tắt COOB'92 (Ban tổ chức Thế Vận Hội Barcelona 1992). Cobi do họa sĩ người gốc Valencia, Javier Mariscal vẽ. Còn biểu tượng chính thức của Thế Vận Hội, được thể hiện bằng hình ảnh trừu tượng của một người đàn ông nhảy qua hàng rào năm vòng tròn Olympic. Nó được thiết kế bởi nghệ sĩ Barcelona Josep Maria Trias.

Giống như tất cả các kỳ Thế Vận Hội, Barcelona1992 cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của bối cảnh địa chính trị và ngoại giao. Nhà sử học thể thao Thierry Terre giải thích rằng từ năm 1989 đến Thế Vận Hội Olympic 1992, dòng chảy lịch sử đã tăng tốc nhanh chóng: Bức tường Berlin sụp đổ, chế độ cộng sản sắp kết thúc ở Đông Âu, một tiến trình địa chính trị chuyển động trong vùng Balkan, các quốc gia độc lập mới hình thành,  các quốc gia mới đây còn đoàn kết nay trở thành đối thủ.

Nhà sử học cho biết : “Vào thời điểm đó, Thế Vận Hội được tổ chức ở Barcelona, ​​​​tức là ở một đất nước không gặp khó khăn địa chính trị nghiêm trọng, nhưng thế giới xung quanh đang hừng hực trong quá trình tự tái thiết”.

Các quốc gia mới

Tại Barcelona, nước ​​​​Đức lần đầu tiên có một đoàn thể thao duy nhất kể từ khi thống nhất. Armando Calvo nói rằng về mặt chuẩn bị cho Thế Vận Hội Olympic, việc thống nhất nước Đức cộng sản và nước Đức tư bản không gây bất kỳ khó khăn đặc biệt nào:

Armando Calvo : Tôi còn nhớ, chúng tôi đã họp với Ủy ban Olympic Quốc gia khác nhau. Khi đó tôi đã gặp đại diện Ủy ban Olympic Quốc gia của Cộng Hòa Liên Bang Đức và của Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Nhưng cuối cùng, mọi việc diễn ra hết sức đơn giản. Đến thời điểm, họ đơn giản thông báo cho chúng tôi sự hợp nhất và việc đó không gây ra bất kỳ vấn đề nào về tổ chức.

Thánh thức lớn nhất, như ông Calvo nhắc lại, là sự xuất hiện của những nước mới trên bản đồ Olympic sau khi Liên Xô sụp đổ và cuộc chiến tranh vùng Balkan.

Armando Calvo : Chiến tranh đang diễn ra trong vùng Balkan và Nam Tư đã không còn tồn tại nữa. Với chúng tôi, điều đó có nghĩa là mất hết các liên lạc bình thường của chúng tôi, bởi chúng tôi đã làm việc với Ủy ban Olympic Quốc gia Nam Tư. Và rồi Ủy ban Olympic Quốc gia của Croatia, Slovenia, Bosnia-Herzegovina xuất hiện.

Theo nhà sử học Thierry Terret, đối với các quốc gia mới độc lập, sự tồn tại ủy ban Olympic riêng của họ và sự tham dự Thế Vận Hội là tín hiệu hồi sinh của họ trên trường quốc tế. Ủy Ban Olympic Quốc Tế trong trường hợp này giữa vai trò gần như người cầm trịch : Việc đăng ký của Ủy ban Olympic Quốc gia thường làm trước khi quốc gia đó được Liên Hiệp Quốc công nhận.

Lần đầu tiên, Bosnia-Herzegovina, Croatia và Slovenia hiện diện ở Thế Vận Hội 1992 với tư cách là những quốc gia độc lập. Ông Armando Calvo nhớ lại : «  Hãy thử tưởng tượng vào thời kỳ đó, ban đầu sự kiện, chúng tôi đã không có quốc ca của Cratia hay Bosnia-Herzegovina. Chúng tôi chỉ quốc kỳ và quốc ca của Nam Tư ».

Ngoài ra Barcelona là kỳ Thế Vận Hội đầu tiên mà các nước Estonia, Litva, Latvia tham dự với tư các là các quốc gia độc lập, có đoàn vận động viên riêng sau khi Liên Xô sụp đổ. Khác với các nước cộng hòa khác thời kỳ hậu Liên Xô, các nước vùng Baltic đã nộp đơn xin đăng ký Ủy ban Olympic Quốc gia của họ đúng hạn, việc gia nhập vào phong trào Olympic, bị gián đoạn trước Thế chiến thứ 2, đã được tái lập. Kết quả là đoàn thể thao của các nước này đã tới Barcelona.

Các vận động viên trung lập

Về phần Serbia, nước này đã có thể cử đoàn vận động viên của mình đến dự Thế Vận Hội với điều kiện các vận động viên thi đấu và tôn trọng tính trung lập Olympic. Armando Calvo, phụ trách làng vận động viên của Barcelona, giải thích rằng các nhà tổ chứ lo ngại chiến tranh trong vùng Balkan sẽ gây ra xung khắc giữa các đoàn thể thao và thế là một khu đặc biệt đã được chuẩn bị trong làng Thế Vận Hội dành cho các vận động viên Serbia. Nhưng quan hệ qua lại giữa các đội tuyển quốc gia thuộc Nam Tư cũng đã không gây ra vấn đề gì trong Thế Vận Hội.

Ông Calvo nhớ lại : « Tại làng Olympic, trong thời gian thi đấu, tôi có thể nói chắc chắn là không có vấn đề gì. Bản thân tôi đã chứng kiến các vận động viên Serbia và Croatia trao đổi với nhau. Tôi đã thế ở căng tin họ đã ngồi cạnh nhau trong cùng bàn như thế nào. Không hề có chuyện gì xảy ra. »

Trái lại các vận đông viên những nước này lại không có quốc kỳ hay quốc ca ở Thế vận hội Barcelona.

Armando Calvo : Trên phương diện thể thao, tôi nhớ là đội tuyển bóng rổ Nam Tư đã qua vòng loại cho Olympic, nhưng Nam Tư không còn nữa, Liên đoàn Bóng rổ quốc tế đã phải tìm một đội thay chỗ đội Nam Tư. Vận động viên Serbia dự Thế Vận Hội 1992 trên tư cách các vận động viên độc lập, điều này có nghĩa là họ chỉ có thể tranh tài trong các môn thể thao cá nhân, không được trong các môn thể thao đồng đội. Khi họ vào các sân vận động hay giành được huy chương, chúng tôi sử dụng lá cờ và bài ca của phong trào Olympic.

Ngoài ra, trong cuộc chiến ở Balkan, Ủy ban tổ chức Thế Vận Hội Barcelona và người dân thành phố đã cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân của thành phố Sarajevo, từng là chủ nhà Thế Vận Hội mùa đông năm 1984.

Đội tuyển thống nhất

Năm 1991, Liên Xô sụp đổ. Không phải tất cả các quốc gia mới độc lập đều có thời gian nộp đơn xin đăng ký Ủy ban Olympic của riêng mình. Vì lý do này, IOC đã đưa ra một quyết định đặc biệt: Cho phép các quốc gia thi đấu như một đội tuyển thống nhất từ ​​Liên Xô cũ. Đội tuyển có thành phần đại diện từ Armenia, Azerbaijan, Belarus, Gruzia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraina và 'Uzbekistan. Trong thể thức thi đấu chính thức, đội mang tên “EUN”, viết tắt của Đội Thống nhất. Cờ Olympic được kéo lên để chào mừng chiến thắng của các thành viên EUN trong các nội dung đồng đội và quốc kỳ của quê hương vận động viên được kéo lên khi họ giành chiến thắng ở các nội dung cá nhân.

Armando Calvo : Trong lễ khai mạc, mỗi đội (đội thống nhất - RFI) diễu hành với lá cờ riêng, nhưng phía trước có một lá cờ chung - cờ Olympic. Tại Làng Olympic, mỗi khi có một phái đoàn mới đến, chúng tôi lại tổ chức tiệc chiêu đãi chính thức để chào đón những người mới đến, có bài phát biểu ngắn, có kéo cờ và cử quốc ca. Trong trường hợp của Liên Xô cũ, chúng tôi đã tổ chức một phái đoàn gồm 12 nhóm, mỗi nhóm đại diện cho một nước cộng hòa cũ, mỗi nhóm có lá cờ riêng. Để chào đón phái đoàn này, chúng tôi đã kéo lá cờ của phong trào Olympic và cử bài ca Olympic.

Di sản Olympic

Bình luận về di sản mà Thế Vận Hội 1992 để lại, Armando Calvo cho rằng : “ Một cách nào đó, chúng tôi đã đưa Barcelona lên bản đồ thế giới”. Thật vậy, Thế Vận Hội mùa hè Barcelona thường được coi là một ví dụ tích cực về ảnh hưởng của Olympic đối với thành phố chủ nhà. Nhân Thế Vận Hội, thành phố đã tiến hành hiện đại hóa và cải tạo toàn bộ các khu dân cư. Ví dụ nổi bật nhất về sự chuyển đổi đô thị Olympic là khu vực cảng Barcelona. Người ta quyết định xây dựng làng Olympic gần bờ biển. Các khu dân cư mới Villa Olímpica, Poblenou và Forum trên thực tế đã tạo ra một hình ảnh mới về Barcelona như một thành phố biển.

Cảng công nghiệp trước đây đã có hệ thống nước được lọc và các bãi biển cũng như khu giải trí mới đã được hình thành. Đây là lý do khiến khu vực này trở thành khu dân cư sôi động và là điểm thu hút khách du lịch lớn. Thuyền du lịch đang neo đậu tại bến cảng được xây dựng cho Thế Vận Hội Olympic. Armando Calvo khẳng định kể từ Thế Vận Hội Olympic, lượng khách du lịch đến Barcelona đã tăng lên đáng kể, nhưng ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của du lịch biển với sự xuất hiện của các tàu du lịch tại cảng Barcelona. Với bản thân ông Calvo, nguồn tự hào chính khi ông tham gia tổ chức và điều hành Thế Vận Hội Olympic 1992 là cơ hội làm được điều gì đó tốt đẹp cho địa phương:

Armando Calvo : « Tôi tham gia ban tổ chức sau khi làm việc ở một công ty tư nhân, và sau Thế Vận Hội, tôi quay trở lại khu vực tư nhân. Tôi tự hào vì được làm việc cho thành phố. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng trong sự nghiệp của mình, tôi lại có cơ hội làm việc cho mọi người. Và trong Ủy ban tổ chức, tôi đã có cơ hội tạo ra điều gì đó cho mọi người, cho người dân Barcelona. Tôi rất tự hào về điều đó ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.