Vào nội dung chính
VIỆT NAM - THẾ VẬN HỘI

Helsinki 1952: Thế Vận Hội mùa hè giữa chiến tranh lạnh

Từ ngày 19/07 đến 03/08/1952, thủ đô Helsinki của Phần Lan đón Thế vận hội mùa hè lần thứ 15, trong kỷ nguyên Olympic hiện đại. Tuy nhiên, sự kiện thể thao lớn nhất trong hòa bình sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 lại được tổ chức trong bầu không khí chiến tranh lạnh đang hình thành.  

Sân vận động Olympic Helsinki với 70 nghìn khán giả trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè 1952, ngày 19/07/1952. Trong ảnh: Đoàn Nga (trắng) dưới màu cờ Liên Xô lần đầu tham dự Olympic.
Sân vận động Olympic Helsinki với 70 nghìn khán giả trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè 1952, ngày 19/07/1952. Trong ảnh: Đoàn Nga (trắng) dưới màu cờ Liên Xô lần đầu tham dự Olympic. AP
Quảng cáo
Sân vận động Olympic Helsinki với 70 nghìn khán giả trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè 1952, ngày 19/07/1952.
Sân vận động Olympic Helsinki với 70 nghìn khán giả trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè 1952, ngày 19/07/1952. AP

Thủ đô của Phần Lan đã được Ủy Ban Olympic Quốc Tế (CIO) chọn để tổ chức Thế Vận Hội mùa hè 1940 thay cho Olympic, Nhật Bản. Do Chiến tranh thế giới thứ 2, sự kiện đã bị hủy bỏ. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, CIO, vào năm 1946, đã quyết định phục hồi phong trào Olympic hiện đại với việc tổ chức kỳ Thế Vận Hội mùa hè thứ 14 tại Luân Đôn, Anh Quốc. Sau chiến tranh, Anh Quốc cũng như cả châu Âu mới bắt tay vào công cuộc tái thiết đầy khó khăn. Olympic Luân Đôn 1948 được tổ chức rất đơn sơ. Cơ sở hạ tầng, địa điểm thi đấu cũng như các làng vận động viên thiếu thốn. Chỉ có 59 quốc gia với hơn 4000 vận động viên tham dự thi đấu ở 136 nội dung của 17 môn thể thao. Nhật Bản và Đức không được tham dự vì là những nước gây ra chiến tranh thế giới. Liên Xô được mời nhưng tẩy chay. 

 

Vận động viên điền kinh Phần Lan Paavo Nurmi châm đuốc thắp đài lửa trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè Helsinki 1952, ngày 19/07/1952.
Vận động viên điền kinh Phần Lan Paavo Nurmi châm đuốc thắp đài lửa trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè Helsinki 1952, ngày 19/07/1952. AP - OLYMPIC POOL

 

Mùa hè Helsinki giữa chiến tranh lạnh

Helsinki 1952 là kỳ Thế Vận Hội đông đủ hơn với sự góp mặt của 4955 vận động viên đến từ 69 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh sự trở lại của Nhật Bản và Đức, còn có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ lần đầu tiên tham dự, trong đó đáng chú ý là đoàn thể thao của Liên Xô, hoặc Israel, Nhà nước mới thành lập và được Liên Hiệp Quốc công nhận năm 1948 và Việt Nam, đất nước còn đang trong những biến động lịch sử và chính trị.  

Trên tinh thần sự kiện thể thao Olympic phải là ngày hội lớn của nhân loại trong hòa bình, nước chủ nhà Phần Lan mong muốn mời được các đoàn đến dự đông đủ nhất có thể. Vì thế đoàn Liên Xô đã trở lại tham dự Thế Vận Hội sau 40 năm vắng mặt. Từ sau cuộc Cách mạng Bolchevik 1917, Liên Xô coi Thế Vận Hội là sân chơi của tư bản nên đã rút khỏi các sự kiện Olympic. 

Năm 1952, cuộc chiến tranh lạnh định hình, thế giới phân cực chia thành hai khối, giữa một bên là phương Tây với Hoa Kỳ và các đồng minh. Khối phương Đông, với Liên Xô dẫn đầu và các quốc gia vệ tinh của họ. Bên cạnh cuộc chạy đua vũ trang tổng lực, hai khối tìm mọi cách có thể chiếm vị thế thống trị trong các lĩnh vực cực kỳ đa dạng: khoa học, văn hóa, quân sự, không gian và cả thi đấu thể thao.  

 

Đoàn vận động viên Mỹ diễu hành trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè Helsinki 1952, ngày 19/07/1952
Đoàn vận động viên Mỹ diễu hành trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè Helsinki 1952, ngày 19/07/1952 AP - Anonymous

 

Trả lời phỏng vấn RFI, nhà nghiên cứu sử học thể thao và đặc biệt về phong trào Olympic, ông Thierry Terret nhận định: “Helsinki 1952 là kỳ Thế Vận Hội có rất nhiều thách thức chính trị”.  Chính vì thế mà các sân vận động ở Helsinki 1952 đã trở thành nơi phô trương sức mạnh của hai thế giới Đông-Tây. Theo chuyên gia Thierry Terret, “xuất phát từ chiến tranh lạnh, hai khối so kè nhau từng nhà vô địch. Lần đó ưu thế thuộc về Hoa Kỳ”.  

Bên ngoài các cuộc thi đấu thuần túy thể thao, sự phân cực Đông–Tây còn đặt ra thách thức mới cho các nhà tổ chức, đặc biệt về việc phân chia làng vận động viên. Nhà sử học Thierry Terret cho biết: 

Làng vận động viên Olympic là phát kiến từ kỳ Thế Vận Hội Paris 1924 với ý tưởng đó là một biểu tượng của hòa bình và đoàn kết các vận động viên thuộc mọi nguồn gốc. Ở Helsinki 1952, Liên Xô không chấp nhận biểu tượng này, yêu cầu các vận động viên của họ phải có làng riêng. Nước chủ nhà đã dành cho họ khu làng riêng nằm bên bờ biển Baltic, sau này trở thành trường Đại học Công nghệ Helsinki.  Các đoàn thể thao của 5 nước vệ tinh cũng theo chân Liên Xô và một lá cờ mang hình Stalin đã được kéo lên thay vào vị trí của lá cờ Olympic. Rõ ràng chúng ta đang ở giữa một cuộc chiến tranh lạnh.”  

Việt Nam lần đầu trên đấu trường Olympic

Nếu như Thế Vận Hội Helsinhki 1952 diễn ra trong bối cảnh chia rẽ địa chính trị nổi bật, thì Việt Nam, lần đầu tiên cử một phái đoàn tham dự Thế Vận Hội, đang ở trong một hoàn cảnh chính trị rất đặc biệt. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Nhật đang chiếm đóng Đông Dương, bại trận, đầu hàng đồng minh. Ngày 02/09/1945, chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Mặt trận Việt Minh, với nòng cốt là đảng Cộng Sản Việt Nam, đã tuyên bố Việt Nam độc lập và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời. Tuy nhiên, Pháp không công nhận chính phủ này. Ngày 19/12/1946, cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai bùng nổ. Chính phủ Hồ Chí Minh rút lên Việt Bắc, vùng rừng núi ở phía bắc Việt Nam.

Ở miền Nam Việt Nam, Pháp duy trì chế độ bảo hộ ở Việt Nam, cho thành lập một Nhà nước Việt Nam nằm trong Liên Hiệp Pháp. Chính quyền Quốc gia Việt Nam tồn tại từ năm 1948 cho đến khi ký hiệp định Genève 1955.

Trong bối cảnh lịch sử và chính trị đầy biến động, có hai chính phủ cùng song song tồn tại ở hai miền đất nước, chính phủ quốc gia Việt Nam (ở miền Nam) đã cử đoàn vận động viên lần đầu tiên tham dự Thế Vận Hội Helsinki 1952. Để chuẩn bị cho sự kiện này, vào tháng 11/1951, Ủy ban Olympic Quốc gia của Việt Nam cũng đã được thành lập và được CIO công nhận. Lần đầu tiên lá cờ vàng ba sọc đỏ của Quốc Gia Việt Nam được kéo lên bên cạnh cờ của 68 quốc gia khác trên thế giới tham dự Thế Vận Hội Helsinki.

Đoàn Việt Nam đến đấu trường Olympic gồm có 8 vận động viên, tham gia 7 nội dung thi đấu của 5 môn thể thao: điền kinh có Trần Văn Lý, thi đấu ở cự ly 10 000 mét nam, Phi Tiến Vinh thi đấu ở môn quyền anh hạng dưới 54 kg, anh bị loại ngay trận đầu tiên, Tôn Thất Hải thi đấu ở môn kiếm 3 cạnh, cũng thua ngay từ vòng 1, Nguyễn Văn Phan, ở môn bơi, thi đấu ở 2 nội dung 100m và 400m tự do, nhưng cũng thất bại ngay vòng đầu. Cuối cùng là môn xe đạp, có 4 vận động viên, đều là những tay đua nổi tiếng ở Việt Nam thời bấy giờ, gồm Nguyễn Đức Hiền, Châu Phước Vĩnh, Lê Văn Phước và Lưu Quần, tham gia vào nội dung đua xe đạp đường trường 190,4 km cá nhân và đồng đội. Ngoài Lưu Quần về đích thứ 47, ba tay đua Việt Nam không hoàn thành cuộc đua, phải bỏ cuộc giữa chừng.   

Tuy trình độ thể thao còn hạn chế, các vận động viên Việt Nam đến tranh tài ở đấu trường Thế Vận Hội với niềm tự hào dân tộc và tinh thần hội nhập quốc tế. Dù không đạt được thành tích nào đáng kể nhưng sự tham dự của họ đã tạo tiền đề cho những lần tiếp. Các vận động viên, với số lượng và môn thi đấu nhiều hơn, dưới mầu cờ của Việt Nam Cộng Hòa đã liên tục tham dự các kỳ Thế Vận Hội, từ 1956 ở Melburne (Úc), 1960 Roma ( Ý), 1964 Tokyo (Nhật), 1968 Mêhico (Mêhicô) và cuối cùng là Olympic Munich (Đức) 1972.

Trong suốt thời gian đó, từ năm 1954, ở miền Bắc, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không được tham dự các hoạt động thể thao trong khuôn khổ phong trào Olympic. Phải đợi một năm sau khi hoàn thành thống nhất đất nước, tháng 12/1976, thủ tướng Phạm Văn Đồng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (quốc hiệu mới đổi từ tháng 7/1976) mới quyết định cho phép thành lập Ủy Ban Olympic Quốc Gia Việt Nam. Và đến năm 1980, CIO mới chính thức công nhận Ủy Ban Olympic Quốc Gia Việt Nam là thành viên của phong trào Olympic thế giới.

Kể từ đó, thể thao Việt Nam mới tham dự các Thế Vận Hội cũng như các đại hội thể thao châu lục hay khu vực trong khuôn khổ phong trào Olympic quốc tế. Đó cũng là mốc thời gian đánh dấu sự hội nhập trở lại của thể thao Việt Nam vào các hoạt động thể thao quốc tế với sự kiện mang tính biểu tượng là tham dự Thế Vận Hội Matxcova 1980 Liên Xô cũ, một kỳ Thế Vận Hội còn mang đậm dấu ấn cạnh tranh địa chính trị còn hơn cả Helsinki 1952 bởi sự tẩy chay của nhiều nước phương Tây.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.