Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

NIGHTMARE ALLEY - Đôi cánh bằng sáp nghiệt ngã

Đăng ngày:

Là một trong những bộ phim được liệt vào hàng “phải xem” trước thềm lễ trao giải Oscar 2022, Nightmare Alley - tạm dịch là “Con hẻm ác mộng” - của đạo diễn đình đám Guillermo del Toro (điện ảnh Hollywood) thật sự đã không khiến cho người ta thất vọng.

Đạo diễn phim Guillermo Del Toro đứng cạnh nhà văn Kim Morgan trong buổi ra mắt phim « Nightmare Alley », New York, Mỹ, ngày 01/12/2021.
Đạo diễn phim Guillermo Del Toro đứng cạnh nhà văn Kim Morgan trong buổi ra mắt phim « Nightmare Alley », New York, Mỹ, ngày 01/12/2021. Evan Agostini/Invision/AP - Evan Agostini
Quảng cáo

Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn W.Lindsay Greshem được viết vào năm 1946, kịch bản phim được sáng tạo lại từ chính Guillermo và vợ là Kim Morgan, mang đậm dấu ấn phong cách riêng có một không hai của ông. Vượt lên trên bản đầu tiên do Edmund Goulding làm vào năm 1947, “Nightmare Alley” của vợ chồng Guillermo được cho là trung thành với bản gốc hơn nhưng đồng thời cũng khiến cho người xem thấy được những nét riêng trong sự sáng tạo độc đáo về cả cốt truyện, cảnh quay, không gian và những sự ẩn dụ xâm chiếm.

Với những tín đồ của dòng phim tâm lí tội phạm giật gân, “Noir thriller”, thì màn mở đầu theo kiểu kinh điển với một cái xác bị kéo lê, một cảnh đốt nhà và một khung cảnh lễ hội diễn ra ngay sau đó, người ta biết rằng đã ngồi đúng rạp. Việc cần làm tiếp theo chỉ là thưởng thức bữa tiệc Điện Ảnh đúng nghĩa mà thôi. 

Truyện phim diễn ra vào khoảng những năm 40 của thế kỉ trước, kể về 2 năm cuộc đời của Stan, một người mà, theo như bác sĩ tâm lí Lilith đã gọi, là một gã nhà quê với hàm răng trắng đều tăm tắp, từ kẻ lang thang, giết cha, tự đốt nhà mình, trở thành một người biểu diễn thuật tâm linh, thậm chí, một thầy Đồng. Biết bao sự kiện đã xảy ra, để rồi sau đó, Stan đã phải trả giá cho những tham vọng ngông cuồng và dối trá ngu dốt của mình một cách cay đắng nhất. 

Những mơ hồ mộng tưởng

Kết cấu của “Nightmare Alley” được chia làm hai phần khá rõ ràng. Phần đầu tiên là lúc Stan bỏ trốn sau khi đã gián tiếp gây ra cái chết của người cha và tự đốt nhà mình. Anh ta lưu lạc tới đoàn xiếc của Clem và từ đây, những mộng tưởng mơ hồ bỗng chốc ngự trị cả bộ phim.

Phần một giống như là sự chuẩn bị cho những tương lai và lựa chọn sau này, đồng thời nó thể hiện một chút gì lấp lánh trong bản chất của Stan. Người ta mơ hồ về quá khứ, mơ hồ cả về con người của anh ta. Người ta thấy đó là một chàng trai nhanh nhẹn, tháo vát, thậm chí có chút lòng trắc ẩn khi tỏ ra cảm thông với “kẻ quái dị” cắn cổ gà sống trong đoàn xiếc. Dường như chỉ một mình Stan là chú ý và để tâm tới kẻ quái dị khốn khổ kia, nói chuyện với anh ta, cho anh ta hút thuốc cùng mình, không nỡ bỏ anh ta dưới màn mưa và đã thốt lên “ôi linh hồn đáng thương” một cách đồng cảm nhất. Cũng chỉ một mình Stan dành thời gian suy nghĩ làm mới màn trình diễn “cô gái điện” của Molly để thu hút khách hơn và cũng mình anh ta để tâm tới việc xin Pete dạy nghề biểu diễn tâm linh cho mình.

Vậy Stan là người tốt hay xấu? Anh ta vốn sinh ra đã là kẻ ngông cuồng hay cái gì xô đẩy anh ta? Hay ma lực của con hẻm ác mộng, ma lực của đồng tiền, của danh vọng đã cuốn anh ta đi, tha hóa cùng cực con người thông minh đầy khao khát này, biến anh ta thành kẻ mà không ai muốn trở thành?

Cái không gian mơ hồ không chỉ ở Stan mà còn hiện diện ở khắp thế giới nhỏ bé mà anh ta vừa lọt vào. Đó là Clem, một ông chủ gánh xiếc chuyên sưu tập những cái quái thai trong những chiếc lọ thủy tinh kì quái và sở hữu thứ rượu gỗ mê hoặc. Là Pete và Zeena, hai vợ chồng người biểu diễn ảo thuật tài hoa nhưng không bao giờ dám tỉnh rượu chỉ vì sợ mình sẽ lao vào cái vòng luẩn quẩn của sự lừa đảo và dối trá. Là Bruno, Mayjor tận tâm nhưng sợ sự thay đổi. Và là một Molly khao khát cuộc sống mới bên ngoài đoàn xiếc.

Tình yêu khởi nguồn của Stan và Molly có vẻ là điều duy nhất “Thật” xuyên suốt bộ phim. Ban đầu là cứu cánh, là lối đi mới với đầy những hi vọng cho Stan nhưng rồi, cuối cùng, vẫn bị những mơ hồ ngông cuồng cuốn trôi trong tích tắc.

Đôi cánh sáp của Icarus

Cái độc đáo của Guillermo là như vậy. Không cần những cảnh máu me hiểm họa ghê gớm, chính câu chuyện và những chi tiết ông đưa ra khiến cho người ta phải trầm trồ hoảng sợ. Có nhà phê bình phim đã ví Stan như là hình tượng Icarus trong thần thoại Hy Lạp cổ xưa, kẻ quá ngạo mạn và tự tin vào khả năng của mình, giang thẳng đôi cánh vươn tới mặt trời mà không hề nhớ rằng những chiếc lông chim trên đôi cánh ấy chỉ được dính với nhau bằng Sáp. Mặt trời của những khát khao sai lầm đã hạ gục Stan, cái năng lượng của sự tham lam và thù hận vụn vặt đã tước đôi cánh trên lưng anh ta, vứt anh ta từ trên trời xuống vực thẳm cay nghiệt.

Phần hai của phim trở nên gay cấn hấp dẫn hơn, là một cách thể hiện khác với nhịp điệu nhanh và nhiều thắt mở hơn khi Stan bước ra khỏi đoàn xiếc, mang theo Molly và những gì đã học được từ Pete để làm mới cuộc đời họ. Nhưng số phận đã dẫn anh ta tới đối diện với Lilith, nhà tâm lí học lắm mưu nhiều mẹo và… rõ ràng… Stan đã “làm điều xấu với đúng người”, theo như cái cách mà Lilith đã cảnh báo anh ta. “Cô không đủ mạnh mẽ” – câu nói có vẻ chỉ để làm màu cho màn trình diễn bóc mẽ Lilith của Stan lại là khởi nguồn của mọi hận thù trong Lilith, người đàn bà cao ngạo tài trí.

Bắt nguồn từ bước ngoặt khi Stan cứu thua cho đoàn xiếc khỏi sự giải tán của cảnh sát, bằng vào trí thông minh và tài ứng phó nhanh nhạy của mình, Stan tự tin bước vào thế giới với tương lai tươi sáng cùng Molly sát cánh ở bên. Nhưng cái mơ hồ tham lam và tham vọng quá lớn khiến Stan mờ mắt. Anh ta bắt tay với bác sĩ Lilith hòng bước xa hơn. Anh ta rơi vào cái mà ông Pete vốn vẫn hoảng sợ né tránh, đó là mê cung của sự dối trá không có đường ra. Stan thề không uống rượu, không bao giờ, tuy nhiên, anh ta không thể né tránh bản chất của mình, bản chất của một gã lưu manh đã ăn vào máu. Thì ra, cái lòng trắc ẩn mà Stan dành cho gã “quái nhân” trong đoàn xiếc chỉ là một đốm lấp lánh nhỏ mà chỉ một cơn sóng trào của tiền tài danh vọng có thể dập tắt nó nhanh chóng.

Chẳng mấy chốc, Stan bị Lilith dắt mũi từ kế hoạch này sang kế hoạch khác. Anh ta nhắm mắt bước đi vì tin rằng đã có cô ả là Đôi Mắt của mình, không quan tâm tới hậu quả từ những việc mình làm. Và rồi, cái gì đến cũng phải đến. Sự trả thù của đàn bà mới ghê gớm làm sao. Molly đã rời bỏ Stan, tiền tài rời bỏ anh ta, chỉ còn lại lòng hận thù của Lilith bắn anh ta một phát đạn chí mạng, tước đi tất cả và dồn đẩy anh ta đến với một đoàn xiếc khác, kết thúc với nụ cười cay đắng vang vọng và thân phận của một kẻ quái dị sẽ sống trong lồng.

Tuyệt tác của những ẩn dụ

Không mấy khó khăn để nhận ra “Nightmare Alley” là một tác phẩm tuyệt vời với những hình ảnh mang tính ẩn dụ sâu sắc. Đây chính là dấu ấn mà Guillermo tạo nên và ấn định mình vào bộ phim. Ấn tượng nhất, có lẽ là hình ảnh Con mắt lặp đi lặp lại trong phim. Người ta có thể thấy hình ảnh con mắt ở khắp mọi nơi, từ đầu tới cuối, lúc Stan bước chân vào Nhà Ma để tìm gã Quái nhân, lúc anh ta dùng cái bịt mắt có hình con mắt để biểu diễn và cái bào thai mang tên Enoch quỷ quyệt của Clem cũng có một con mắt ngay giữa trán. Chưa hết, một số cảnh quay trong phim cũng giống như là có ai đó – một người thứ ba – dõi theo Stan. Con mắt này hẳn là muốn nói tới “cái nhìn khác”, là Nhân quả, là “trời biết, đất biết” những việc mà Stan cho rằng chỉ là bí mật của riêng anh ta, là cái giá mà trước sau gì anh ta cũng phải trả cho những hành động sai lầm của mình.      

Để có được tới 4 đề cử Oscar, “Nightmare Alley” không chỉ sở hữu những cảnh quay đẹp, hình ảnh mang tính biểu trưng với ánh sáng tuyệt mỹ mà còn là bữa tiệc diễn xuất tuyệt vời của nam diễn viên chính Bradley Cooper trong vai Stan và những xuất thần của Cate Blanchett trong vai bác sĩ Lilith. Nếu Bradley Cooper hóa thân trọn vẹn theo từng giai đoạn của phim, từ lúc là kẻ tiểu nhân hại chết cha ruột, đốt nhà, cho tới người thanh niên nhanh nhạy ham học hỏi và sáng tạo, cho tới một Stan sang trọng bí ẩn trên sân khấu lớn và kẻ tàn tạ sắp trở thành quái nhân trong rạp xiếc… thì Cate Blanchett lại khiến người ta sởn da gà với gương mặt lạnh lùng đẹp hoàn hảo như một pho tượng sáp nhưng ánh mắt vô cùng biểu cảm long lanh chất chứa những huyền bí khó tả. Đây là nhân vật duy nhất không có quá khứ cũng hầu như không có tương lai. Bao bọc xung quanh cô ả chính là sự mơ hồ không rõ ràng, khi tối khi sáng khó đoán biết. Có lẽ, đây chính là hình ảnh ẩn dụ lớn nhất trong phim, là “con hẻm ác mộng” mà Stan đã lỡ bước chân vào và không thể rút ra. Khi Lilith cầm khẩu súng trong tay và thốt lên rằng “Giờ tôi đã đủ mạnh mẽ với anh chưa” thì người ta hiểu đâu là cái kết dành cho Stan.

“Khi mà người ta tin vào điều dối trá mà họ nói ra thì đó là lúc họ đánh mất mình”. Bài học lớn nhất mà Pete cố dạy Stan thì anh ta đã không thể học được và đôi cánh Sáp cuối cùng vẫn chỉ là một thứ giả tạo đi mượn không hơn.   

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.