Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Hội nghị Công dân vì Khí hậu: Một "đột phá" của nền dân chủ Pháp

Đăng ngày:

Hội nghị Công dân vì Khí hậu (CCC) tại Pháp khép lại ngày 28/02/2021. Ngày 29/03, Quốc Hội Pháp bắt đầu thảo luận về một dự luật về khí hậu do chính phủ soạn thảo, dựa trên các đề xuất của CCC. Dự luật ngay lập tức bị giới bảo vệ môi trường lên án là không đủ tầm mức, tuy nhiên, bản thân việc tổ chức Hội nghị CCC đã được đông đảo các bên hoan nghênh. Vì sao CCC được coi là thành công, dù gây nhiều thất vọng với giới bảo vệ môi trường ?

Một cuộc họp của Hội nghị Công dân vì Khí hậu, Paris, ngày 20/03/2020.
Một cuộc họp của Hội nghị Công dân vì Khí hậu, Paris, ngày 20/03/2020. © RFI/Agnès Rougier
Quảng cáo

Từ khủng hoảng « Áo Vàng » đến Hội nghị Công dân

Quyết định thành lập Hội nghị Công dân vì Khí hậu (Convention Citoyenne pour le Climat) được đưa ra sau cuộc Thảo luận Toàn quốc (Grand débat national), một cơ chế tìm lối thoát cho khủng hoảng xã hội « Gilets Jaunes / Áo Vàng ». Cuộc Thảo luận Toàn quốc kéo dài ba tháng, khép lại vào tháng 4/2019. Đầu năm 2019 đã xuất hiện « Gilets Citoyens » (tạm dịch là Áo Công dân), một nhóm xã hội phi chính thức với khoảng 100 thành viên. Mục tiêu của nhóm « Gilets Citoyens » là cùng với chính quyền « nắm bắt cơ hội lịch sử », thúc đẩy một tiến trình dân chủ « chưa từng có », để mọi công dân có thể tích cực tham gia « sáng tạo nên nền dân chủ của tương lai » nhằm tìm ra các giải pháp cho khủng hoảng, với tiêu điểm là cuộc khủng hoảng về khí hậu, môi trường.

Sự ra đời của Hội nghị Công dân về Khí hậu, do tổng thống quyết định thành lập, có thể coi như kết quả của sáng kiến phối hợp giữa nhóm « Gilets Citoyens » với chính quyền của tổng thống Macron để tìm giải pháp không chỉ cho cuộc khủng hoảng xã hội Áo Vàng. Theo giới quan sát, Hội nghị Công dân vì Khí hậu có thể coi là một thể nghiệm dân chủ chưa từng có tại Pháp, « thể thức ra quyết định dân chủ dựa trên thảo luận » (deliberative democracy), với việc các công dân bình thường trực tiếp đối thoại, tranh luận và cùng nhau xây dựng các đề xuất nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến các lợi ích chung của toàn xã hội, mà cốt lõi là mục tiêu chuyển sang nền kinh tế Xanh, xã hội trung hòa về khí thải, thân thiện với môi trường.

Phong trào xã hội Áo Vàng là biểu hiện cho một cuộc khủng hoảng sâu xa hơn nhiều, gắn liền với mô hình xã hội kinh tế dựa trên việc sử dụng lãng phí các nguồn tài nguyên không tái tạo, năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm, khiến trái đất bị hâm nóng, và một « nền dân chủ đại diện », mà các điểm yếu trầm trọng ngày càng lộ rõ, trong bối cảnh thách thức bộn bề. Xét theo nghĩa này, Hội nghị Công dân vì Khí hậu là một lối thoát cho cuộc khủng hoảng kép. 

Tham gia Hội nghị Công dân vì Khí hậu có 150 công dân tình nguyện, được lựa chọn qua thể thức bốc thăm. 150 công dân tham gia Hội nghị này có thể coi như một « nước Pháp thu nhỏ », với tỉ lệ đại diện cho toàn bộ dân cư Pháp, về giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, hay nơi cư trú. Cụ thể là 51% thành viên Hội nghị CCC là nữ, 49 % nam. Nhóm cư dân ít được đào tạo hiện diện trong Hội nghị với số lượng đông đảo, bao gồm 26% là người không có bằng cấp hay chỉ có bằng tốt nghiệp cấp 2. 13% sống tại các khu vực khó khăn. Hai người trong số 150 thành viên vốn là người vô gia cư...

150 thành viên tham gia Hội nghị Công dân vì Khí hậu có trách nhiệm các đúc kết đề xuất cụ thể cho tiến trình chuyển tiếp sang nền kinh tế Xanh, đặc biệt thông qua 5 chủ đề : đi lại, ở, ăn uống, tiêu thụ và công việc/sản xuất. Cụ thể sứ mạng của CCC là giúp nước Pháp giảm ít nhất 40% khí thải vào năm 2030, so với năm 1990, trên nguyên tắc phải bảo đảm công bằng xã hội.

Chính phủ gây thất vọng, nhưng CCC được ca ngợi

Sau khi Hội nghị Công dân vì Khí hậu đúc kết 149 đề xuất để chuyển giao cho chính phủ, hồi giữa năm ngoái, đã xuất hiện nhiều nghi ngờ về việc chính phủ sẽ loại bỏ phần lớn các đóng góp của Hội nghị Công dân (đặc biệt do áp lực của các nhóm lobby). Một thăm dò dư luận cho thấy đại đa số dân Pháp không tin tưởng là chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp do CCC đề xuất (73%, theo thăm dò của Odoxa-Dentsu, tháng 6/2020).

Theo một số nhà quan sát, dự luật Khí hậu của chính phủ với 69 điều khoản chỉ tiếp nhận khoảng 30% các đề xuất của Hội nghị CCC, và đa phần là tiếp nhận không hoàn chỉnh. Ngày 28/02/2021, phiên họp cuối cùng của Hội nghị Công dân vì Khí hậu đưa ra đánh giá chung về sự tiếp nhận của chính phủ đối với các đề xuất. Các thành viên đã cho chính phủ điểm 3,3 trên 10. Về viễn cảnh các tiếp thu của chính phủ có cho phép đạt được mục tiêu cắt giảm 40% khí thải vào năm 2030 hay không, 2,5/10 là số điểm mà chính phủ nhận được từ các thành viên CCC tham gia bỏ phiếu. Hơn 10 thành viên thất vọng đến mức cho điểm 0 nhất loạt trong mọi chủ đề, kể cả liên quan đến những đề xuất mà chính phủ lấy lại nguyên vẹn các đề xuất của CCC để đưa vào dự luật trình ra Quốc Hội.

Tuy nhiên, thái độ thất vọng nói trên tương phản rõ rệt với việc đa số thành viên CCC đánh giá cao bản thân việc Hội nghị Khí hậu vì Công dân đã diễn ra suôn sẻ. Trả lời cho câu hỏi : « Hội nghị CCC có ích cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại Pháp hay không », các thành viên cho điểm 6/10. Số điểm còn cao hơn đối với câu hỏi liên quan đến nền dân chủ tại Pháp nói chung. Hội nghị CC dành 7,7/10 điểm cho nhận định « các hội nghị công dân giúp cải thiện đời sống dân chủ ».

Về vấn đề này, báo cáo phiên họp cuối cùng của Hội nghị CCC tổng kết là hội nghị này đã « chứng minh với công chúng rộng rãi, với một quy mô chưa từng có, về ý nghĩa to lớn của trí tuệ tập thể ». Kinh nghiệm vừa qua có thể là một tham khảo rất bổ ích cho chính nước Pháp hoặc một quốc gia khác. Nhiều thành viên CCC cho rằng cần phải « rút ra các bài học từ Hội nghị Công dân này » để chuẩn bị cho các hội nghị công dân về các chủ đề khác.

Dân Pháp ngày càng thiện cảm hơn với thể thức Hội nghị Công dân  

So sánh một số thăm dò dư luận trước và sau Hội nghị Công dân vì Khí hậu có thể thấy một sự chuyển biến lớn trong công luận. Theo một thăm dò dư luận của Elab cho nhật báo kinh tế Les Echos, Radio Classique và Viện Montaigne, công bố đầu tháng 10/2019 (tức vào lúc Hội nghị Công dân vì Khí hậu chuẩn bị nhóm họp lần đầu tiên), 55% người Pháp « không hy vọng » là Hội nghị Công dân, với 150 thành viên được chọn ra theo thể thức bắt thăm này, có thể mang lại những giải pháp có ích (ngược lại với tỉ lệ chung, đa số giới trẻ vẫn có xu hướng đặt niềm tin nhiều hơn vào Hội nghị CCC, với 64% người trẻ ở lứa tuổi 18 đến 24 và 57% ở lứa tuổi 25 đến 34). 

Ngược lại, theo một thăm dò của Odoxa-Dentsu cho đài FranceInfo và báo Le Figaro, công bố cuối tháng 6/2020, tức vào lúc Hội nghị CCC công bố 149 đề xuất, « ba biện pháp chủ yếu » mà CCC đề xuất được đại đa số dân Pháp tán đồng. Cụ thể là đề xuất đưa nguyên tắc bảo vệ môi trường vào Điều 1 của Hiến pháp (82% đồng ý), quy định bắt buộc cải thiện việc giữ nhiệt nhà cửa (74%) và xác lập tội danh « gây tổn hại môi sinh » (52%). 81% dân Pháp ủng hộ việc tổ chức trưng cầu dân ý về các đề xuất chủ yếu của Hội nghị CCC. Một thăm dò dư luận của Opinion Ways cho Trung tâm Cevipof - Học viện Chính trị Paris, tháng 2/2021, thậm chí cho thấy đa số người Pháp ủng hộ việc chính phủ « có nghĩa vụ » thực thi những khuyến nghị do các hội nghị công dân, như kiểu Hội nghị CCC, đề xuất.

« Trường học công dân »

Hội nghị Công dân vì Khí hậu vừa qua đã để lại những bài học quan trọng nào về xây dựng thiết chế dân chủ ? Đài France Info có một chương trình thú vị về vấn đề này, với tựa đề « "Nous, on a fait notre boulot" : l'expérience de la Convention citoyenne sur le climat racontée de l'intérieur » (Chúng tôi đã làm xong công việc của mình : kinh nghiệm của Hội nghị Công dân về Khí hậu do người trong cuộc kể lại) (đăng tải ngày 28/03/2021, một ngày trước khi dự luật Khí hậu trình ra Quốc Hội).

Chương trình của France Info nhấn mạnh đến đóng góp hoàn toàn khác biệt của Hội nghị Công dân trong việc xây dựng một quyết định tập thể. Đây là một « mô hình chính trị » hoàn toàn khác. Nếu như tại Quốc Hội, đối kháng về quan điểm là nét chủ đạo, bởi Quốc Hội luôn là nơi đối đầu giữa một bên là đảng cầm quyền hoặc liên minh cầm quyền, và bên kia là các đảng phái đối lập, thì tại Hội nghị Công dân, đi tìm đồng thuận là ưu tiên. Tại Hội nghị CCC, các thành viên ưu tiên lắng nghe các quan điểm khác biệt của nhau, tìm cách đưa ra quyết định chung dựa trên việc phối hợp quan điểm, bổ sung tri thức, thay vì quan tâm trước hết đến mục tiêu tranh cử.

Chương trình của France Info dẫn lại trải nghiệm của Sylvain Burquier, thành viên của Hội nghị Công dân vì Khí hậu, một người làm việc trong nghề tiếp thị, cư trú tại Paris. Trả lời France Info, khi hồi tưởng lại những trải nghiệm đặc biệt vừa qua, Sylvain Burquier đặc biệt nhớ đến những yếu tố quan trọng làm nên thành công cho giai đoạn ban đầu của Hội nghị, đó là các thành viên CCC đã được học hỏi với các chuyên gia hàng đầu, chuyên gia về khí hậu, môi trường, kinh tế gia, các nhà nghiên cứu về xã hội, chính trị. Đây là thời gian mà những người trong cuộc gọi là giai đoạn « trong ổ kén ».

Không khí bước sang một giai đoạn khác vào cuối tháng 6/2020, sau khi báo cáo 149 đề xuất mang tính lý tưởng được hoàn tất, và đệ trình lên tổng thống. Đây là giai đoạn mà các thành viên học cách xây dựng một dự luật về khí hậu cùng với các thành viên chính phủ. Giai đoạn này gây nhiều bỡ ngỡ nhất. Có một sự tương phản ghê gớm, có thể nói đến một « hố sâu ngăn cách » ngăn cách giữa một bên là « những tìm tòi suy nghĩ của các công dân, nơi hoàn toàn không có giới hạn nào đặt ra » với bên kia là « đời sống chính trị hiện thực của nước Pháp ». Đối diện với giới quan chức chính trị và truyền thông, Sylvain Burquier cũng như nhiều thành viên khác của Hội nghị CCC cảm thấy họ không được trang bị các hiểu biết để có thể có các ứng xử phù hợp. Ông Sylvain Burquier ví von : Ở đây chúng tôi chỉ có máy bắn đá để tác động, trong lúc họ thì có đầu đạn hạt nhân.

« Gáo nước lạnh » của tổng thống Macron

Đối với ông Sylvain Burquier cũng như nhiều thành viên khác của Hội nghị CCC, ngày 04/12/2021, là một bước ngoặt, một trải nghiệm khó quên. Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố các đề xuất của 150 thành viên không phải là « Kinh Thánh hay Kinh Coran », chính phủ không có nghĩa vụ phải tuân thủ. Ít hôm sau đó, 150 thành viên nhận được phản hồi từ phía chính phủ, trong dự luật Khí hậu được trình ra khác rất xa với những gì mà Hội nghị CCC kỳ vọng. Sylvain Burquier và nhiều thành viên khác của CCC cảm thấy họ như « bị phản bội ».

Giải thích về điểm này, trả lời đài France Culture, chuyên gia về các vấn đề chính trị - môi trường Daniel Boy, trung tâm Cevipof, Học viện Chính trị Paris, thừa nhận tuyên bố trước đây của tổng thống về việc áp dụng sẽ đưa các khuyến nghị của CCC áp dụng vào thực tế không qua các « bộ lọc » (sans filtre) dễ tạo ra sự hiểu lầm, nhưng về nguyên tắc, Hội nghị Công dân vì Khí hậu trên thực tế chỉ là một cơ chế tư vấn do tổng thống lập ra. Mọi khuyến nghị của CCC phải được chính phủ hay Quốc Hội xem xét cụ thể trước khi thực hiện.  Dù sao theo chuyên gia Daniel Boy, việc chính quyền tham vấn rộng rãi xã hội dân sự như trên « đã là điều tốt ».

Trả lời France Info, bà Mathilde Imer (*), được coi là « kiến trúc sư » của Hội nghị CCC, người đã trực tiếp thảo luận với các cố vấn của tổng thống về phương thức tổ chức tiến trình này, nhận định : « Ngay từ đầu chúng tôi cũng đã rất cảnh giác trước việc các cam kết hứa hẹn (của tổng thống) chỉ mang tính đạo lý và chính trị, nhưng rồi rốt cục tất cả sẽ được quyết định bằng tương quan sức mạnh. Ngay từ đầu, chúng tôi đã hiểu rằng chúng tôi đang thực hiện một thử nghiệm về chính trị, và thử nghiệm này có thể đạt đến mục tiêu thể chế hóa về mặt pháp lý đối với cơ chế này. Nhưng điểm yếu của Hội nghị Công dân CCC là bản thân tiến trình này chưa được bảo đảm về mặt pháp lý ».

« Gáo nước lạnh » của tổng thống Macron đã buộc các thành viên Hội nghị CCC phải trở lại đối diện với thực tế. Theo chuyên gia về chính trị - môi trường Daniel Boy, tổng thống Macron bên cạnh việc đáp ứng các nguyện vọng của phong trào môi trường, đòi hỏi các biện pháp kiên quyết (mà việc tổ chức Hội nghị CCC là câu trả lời), cũng không thể đi ngược lại lập trường của các cử tri của ông, với đa số là những người theo quan điểm « thực dụng về mặt môi trường ». Tổng thống Macron sẽ tái ứng cử và rất cần đến sự ủng hộ của nhóm cử tri có học vấn cao và đời sống thường là khá giả này, thường ủng hộ quan điểm chỉ ra các quyết định khi có đủ điều kiện. Ví dụ như trong vấn đề thuốc trừ sâu glyphosate, họ chỉ chấp nhận xóa bỏ, với điều kiện phải có biện pháp thay thế sẵn sàng. Có nghĩa là rất nhiều chủ trương, mà giới bảo vệ môi sinh mong muốn sớm ban hành, sẽ bị trì hoãn.

Thách thức là hết sức lớn, bởi trong lúc nước Pháp đang hoàn tất dự luật giảm 40% khí thải vào năm 2030, thì 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu cuối tháng 12/2020 vừa qua đã nâng mức cắt giảm, từ 40% lên 55%, để hướng đến mục tiêu toàn châu lục trung hòa khí thải vào năm 2050.

Đấu trường chính trị dân chủ, dân trí và xã hội công dân

Hướng đến lý tưởng, nhưng không thoát ly khỏi các điều kiện hiện thực cũng là bài học mà Hội nghị CCC rút ra. Sau khi Hội nghị hoàn thành nhiệm vụ, 150 thành viên CCC thành lập hiệp hội riêng (hiệp hội « Les 150 »). Hiệp hội 150 tự đặt ra cho mình sứ mạng tiếp tục đưa các tri thức và giải pháp về khí hậu đến với đông đảo người dân Pháp, cùng các kinh nghiệm xây dựng đề xuất và đưa ra quyết định một cách dân chủ, như trong Hội nghị Công dân vừa qua.

Đối với những người hoạt động môi trường, như bà Alma Dufour (hiệp hội Những người bạn của Trái đất), Hội nghị CCC là một thành công lớn. Với CCC, giới môi trường đã giành được một thắng lợi quan trọng trong « cuộc chiến văn hóa ». Tiếng nói của giới môi trường giờ đây đã trở thành tâm điểm chú ý của công luận, trong lúc trước đây họ chỉ được coi là một thiểu số.  

Còn với đạo diễn Cyril Dion (*), một trong ba nhà bảo trợ hội nghị CCC, cũng là người thúc đẩy cho sự ra đời của CCC, hội nghị này chính là một cơ hội làm rõ bộ mặt thật của giới lobby, giới tài phiệt, chống lại đến cùng, chống quyết liệt các biện pháp khẩn cấp mà nước Pháp cần kịp thời đưa ra, để góp phần cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, theo đúng cam kết của Pháp với cộng đồng quốc tế. Theo đạo diễn Cyril Dion, nước Pháp cần đến một « đột phá về dân chủ » để thực hiện được mục tiêu này, và Hội nghị Công dân vì Khí hậu chính là điểm khởi đầu.

Ghi chú

(*) Bà Mathilde Imer, đồng chủ tịch hiệp hội Démocratie Ouverte, và đạo diễn Cyril Dion là những người khởi xướng phong trào Gilets Citoyens.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.