Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Kế hoạch đầu tư France 2030 : Mục tiêu số 1 là phát triển công nghệ lò hạt nhân nhỏ SMR

Đăng ngày:

Sáu tháng trước kỳ bầu cử tổng thống, trong bối cảnh nước Pháp đang đối phó với tình trạng năng lượng, chất đốt tăng giá mạnh khiến chính phủ lo ngại nguy cơ tái bùng phát phong trào đấu tranh xã hội Áo Vàng, ngày 12/10/2021, tổng thống Emmanuel Macron công bố kế hoạch đầu tư France 2030 trị giá 30 tỉ euro, đặc biệt chú trọng phát triển công nghệ điện hạt nhân.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố kế hoạch đầu tư France 2030, ngày 12/10/2021, tại điện Elysée, Paris.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố kế hoạch đầu tư France 2030, ngày 12/10/2021, tại điện Elysée, Paris. Ludovic Marin Pool/AFP
Quảng cáo

Kế hoạch đầu tư France 2030 : Mục tiêu số 1 là phát triển công nghệ lò hạt nhân nhỏ SMR

Đại dịch Covid-19 làm cho nước Pháp đã thấy rõ những điểm yếu kém, dễ bị tổn thương, sự lệ thuộc vào nước ngoài về sản xuất, đơn cử là tình trạng khan hiếm khẩu trang hồi đầu dịch Covid-19, việc chưa thể tự điều chế vac-xin ngừa virus corona … Mục tiêu của kế hoạch France 2030 là phát triển khả năng cạnh tranh của nước Pháp về công nghiệp và các công nghệ trong tương lai, thúc đẩy nền kinh tế Pháp phát triển, giành lại sự độc lập về sản xuất, « giành lại vị thế của một dân tộc lớn mạnh về sáng chế, phát minh và nghiên cứu » như nước Pháp từng tự hào với tàu cao tốc TGV, máy bay Rafale, máy bay siêu thanh Concorde, lĩnh vực hạt nhân …

Ngoài công nghệ chế biến thực phẩm, dược phẩm sinh học, thiết bị y tế, chíp bán dẫn, kim loại quý hiếm, công nghệ số, robot, giải mã gien, lĩnh vực chuyển đổi năng lượng đặc biệt được chú ý. Với khoản đầu tư 8 tỉ euro, nước Pháp có tham vọng vươn lên dẫn đầu thế giới về « hydrogène xanh » để thay thế các loại năng lượng hóa thạch, cho phép « phi cac-bon hóa nền công nghiệp », nhất là trong lĩnh vực sản xuất thép, xi măng, hóa chất và giao thông vận tải. Thế nhưng, tổng thống Pháp không ngần ngại khẳng định « mục tiêu số 1 » của Kế hoạch France 2030 phải là phát triển công nghệ lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ SMR - Small Modular Reactor - để sản xuất điện, với số tiền đầu tư 1 tỉ euro.

Trong bài phát biểu công bố kế hoạch đầu tư France 2030 trước 200 lãnh đạo doanh nghiệp và sinh viên, từ điện Elysée, tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 12/10 nhấn mạnh :

« Mục tiêu số 1 là từ nay đến năm 2030 phát triển tại Pháp các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ mang tính đổi mới và cho phép xử lý rác thải hạt nhân dễ hơn. Tại sao lại đặt chủ đề này lên trên hết ? Bởi vì việc quan trọng hàng đầu là sản xuất năng lượng. Để sản xuất năng lượng, nhất là điện, chúng ta có một điều may mắn về mô hình phát triển trong quá khứ : mang lưới các nhà máy điện nguyên tử (…)

Cần nói rõ điều này, nhắc lại điều này : có 200.000 người Pháp làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân là một điều may mắn, bởi điều này cho phép chúng ta trở thành quốc gia châu Âu phát thải ít khí CO2 nhất trong sản xuất điện. »

Phục vụ trong nước hay chỉ để xuất khẩu ?

Các lò SMR mà nước Pháp hướng đến có công suất từ 25 đến 600 MW, trong khi công suất của thế hệ lò phản ứng hạt nhân EPR (lò phản ứng công suất cao) mà công ty điện lực Pháp EDF đang phát triển có công suất tới 1.600 MW. Nếu EPR phục vụ cho việc sản xuất điện đại trà, quy mô quốc gia thì SMR lại hướng tới đáp ứng như cầu cấp địa phương. Vấn đề là hiện nay, mới chỉ có một lò phản ứng EPR đang được EDF xây dựng ở Flamanville (Manches) nhưng việc xây lắp đang bị chậm tiến độ rất nhiều với chi phí phát sinh lên rất cao. Chính quyền của tổng thống Macron cũng dự kiến lắp đặt thêm 6 lò phản ứng công suất cao EPR nhưng vì nhiều lý do quyết định chính thức vẫn chưa được đưa ra.

Lợi thế của lò hạt nhân nhỏ so với lò quy mô lớn EPR là chi phí thấp hơn, lắp đặt đơn giản và nhanh chóng hơn, cũng như có nhiều cơ hội để xuất khẩu, góp phần khẳng định sức mạnh công nghệ cho nước Pháp. Sau bài phát biểu của tổng thống Macron, ông Francis Sorin, Công ty Năng lượng Hạt nhân Pháp (SFEN) giải thích trên đài RFI :

« Modular có nghĩa là lò phản ứng có thể được sản xuất từ nhà máy, có thể được lắp đặt các bộ phận chính tại nhà máy rồi sau đó được vận chuyển đến các địa điểm, điều này khiến các hoạt động công nghiệp trở nên đơn giản hơn và giảm chi phí sản xuất. Đối với rất, rất nhiều nơi trên thế giới, có những lò phản ứng hạt nhân như vậy là cực kỳ quý giá, chẳng hạn các vùng ven biển nằm cách xa các vùng trung tâm ở chính quốc và cần có điện. Như quý vị thấy đấy, các lò phản ứng hạt nhân nhỏ không chỉ dành để sản xuất điện, mà còn có thể dùng để khử mặn nước biển, sản xuất hydrogène, cung cấp nhiệt cho các hệ thống sưởi.

Ngoài ra, tôi cũng nghĩ rằng khi các nhà máy nhiệt điện than ngưng hoạt động, khi chúng ta không khai thác chúng nữa, việc xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nhỏ công suất 100MW hoặc 200 MW để bù đắp cho các nhà máy nhiệt điện than có thể là điều sáng suốt, đúng đắn ».

Trên trang Tribune, ông Philippe Stohr, giám đốc năng lượng của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pháp CEA, khẳng định về lâu dài Pháp có thể sử dụng SMR để sản xuất hydrogène, sản xuất nhiệt phục vụ công nghiệp, thậm chí là sản xuất nhiên liệu tổng hợp, chẳng hạn trong ngành chế tạo máy bay …

Kế hoạch phát triển điện hạt nhân đương nhiên được các doanh nghiệp trong lĩnh vực gây nhiều tranh cãi này hoan nghênh. Thế nhưng, phát biểu của tổng thống Macron về phát triển điện hạt nhân lại bị các đảng phái đối lập và nhất là các tổ chức bảo vệ môi trường chỉ trích. Trên đài RFI, ông Mathieu Orphelin, dân biểu đảng Xanh lưu ý các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ SMR không phải là giải pháp tích cực để nước Pháp có thể đáp ứng nhu cầu kép - bảo đảm năng lượng của nước Pháp và chống biến đổi khí hậu :

« Mối ưu tiên thực sự hiện nay liệu có phải là phát triển một thế hệ lò phản ứng hạt nhân mới được giới thiệu là nhỏ hơn, an toàn hơn các lò phản ứng thế hệ trước - như mỗi lần người ta phát biểu - hay không ? Thật bất ngờ khi thấy là trong khi Đài quan sát về tình trạng bấp bênh về năng lượng cho chúng ta biết là trên thực tế số người dân Pháp gặp khó khăn để có thể được sưởi ấm đã tăng gấp đôi thì tổng thống Pháp lại nói về những ảo tưởng công nghệ.

Tốt hơn là phải dành thêm nhiều thời gian cho công tác cải tiến năng lượng và các câu hỏi tương tự hơn là lúc nào cũng tìm cách lẩn tránh vấn đề. Việc đất nước chúng ta khởi động kế hoạch 2030 chẳng có tác dụng gì. Từ nay đến lúc đó, chúng ta không thể đáp ứng các yêu cầu cấp bách về khí hậu cũng như không thể đáp ứng nhu cầu của người dân Pháp »

SMR - Trận chiến địa chính trị

Trên đài Europe 1, giám đốc điều hành chuyên trách các dự án về hạt nhân mới của công ty điện lực Pháp EDF giải thích mục tiêu của EDF là « nhắm tới thị trường quốc tế » và hướng tới các lò phản ứng có công suất tương đương công suất của phần lớn các nhà máy nhiệt điện than trên thế giới và có thể là cần phải được thay thế nhanh chóng trong thập niên 2030-2040.

Trang Tribune ngày 13/10 dẫn lời ông Nicolas Goldberg, nhà tư vấn năng lượng của Colombus Consulting, phân tích các lò phản ứng nhỏ SMR sẽ không phải được sử dụng để phi cac-bon toàn bộ nền kinh tế Pháp, mà đó là một phương tiện để tiếp tục tham gia « cuộc chơi », để chứng minh là nước Pháp đầu tư vào công nghệ hạt nhân tương lai. Nước Pháp đang tham gia vào một trận chiến địa chính trị về lĩnh vực này. Thực ra, vốn là một trong những quốc gia phát triển về điện hạt nhân trên thế giới, nhưng Pháp lại đang « chậm chân » hơn nhiều nước như Nga, Mỹ, Canada trong « cuộc đua lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ SMR ».  

Vào cuối năm 2020, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA thống kê trên thế giới có 72 dự án SMR ở 18 nước đang được phát triển hoặc đang trong giai đoạn xây dựng. Các lò phản ứng hạt nhân nhỏ có thể do các doanh nghiệp Nhà nước phát triển, chẳng hạn ở Trung Quốc hay Nga, hoặc cũng có thể do các công ty khởi nghiệp thực hiện, như ở Bắc Mỹ. Hiện nay, mới chỉ có hai SMR đang hoạt động : hai lò phản ứng hạt nhân SMR nổi do tập đoàn Nga Rosatom lắp đặt và khai thác từ năm 2020.

Dù có tham vọng từ nay đến năm 2030 Pháp đi tiên phong về công nghệ SMR và trở thành quốc gia xuất khẩu lò phản ứng điện hạt nhân nhỏ ra thế giới, nhưng trên thực tế, hiện nay, nước Pháp mới chỉ có một dự án đang được phát triển : Nuward (Hạt nhân tiến bước). Đây là dự án do công ty điện lực Pháp EDF thực hiện phối hợp với các đối tác khác của Pháp như tập đoàn công nghiệp Naval Group, công ty kỹ thuật nguyên tử TechnicAtome, Ủy ban năng lượng hạt nhân CEA.

Mục tiêu đề ra là đến năm 2030 sản xuất được ngay trên lãnh thổ Pháp một mô hình lò phản ứng SMR để rồi sau đó phục vụ cho công tác xuất khẩu. Vấn đề là Nuward cũng dựa theo công nghệ hạt nhân nước áp lực như đối với các lò phản ứng hạt nhân thế hệ 3 - EPR, điều đó có nghĩa là cũng không giảm lượng rác thải hạt nhân so với công nghệ lò EPR như tổng thống Pháp Macron kỳ vọng. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến kế hoạch phát triển SMR bị các tổ chức bảo vệ môi trường phản đối.  

Greenpeace : SMR là giải pháp sai lầm

Green Peace chi nhánh Pháp gọi kế hoạch của tổng thống Macron là « các giải pháp sai lầm » bởi chính quyền « không ngừng trì hoãn sự chuyển đổi (năng lượng) thực sự và tiếp tục sản xuất cứ như thể các nguồn tài nguyên của hành tinh là vô tận ». Theo tổ chức này, sớm nhất thì cũng phải đến năm 2035 thế hệ lò SMR mới sẵn sàng đi vào hoạt động và như vậy là quá muộn để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp về chống biến đổi khí hậu và SMR cũng không mang lại giải pháp thực thụ trong xử lý rác thải có chứa chất phóng xạ. Ông Yanick Rousselet, chuyên trách mảng hạt nhân của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace chi nhánh Pháp 13/10 đặc biệt lưu ý đến vấn đề an toàn và rác thải hạt nhân :

« Bây giờ, điều mà ông Macron đề xuất là tiếp tục phát triển một công nghệ mà đối với chúng tôi đó thực sự là công nghệ của quá khứ, và nhất lại là phát triển các lò phản ứng hạt nhân nhỏ SMR mà giá thành điện tính theo KW sẽ không thể đạt mức thấp cạnh tranh với các loại năng lượng tái tạo.

Dẫu sao đi chăng nữa thì điều mà cho đến nay chúng ta được biết là các lò phản ứng hạt nhân quy mô rất lớn đã được phát triển nhằm tìm cách giảm giá thành điện. Trên thực tế, các lò phản ứng hạt nhân nhỏ mà chúng ta có thể đặt rải rác nhiều nơi có thể dẫn tới việc sau này chúng ta sẽ phải chịu giá thành điện cao bùng nổ, bởi chúng ta sẽ phải lắp đặt rất nhiều lò phản ứng như vậy trong trường hợp chúng ta muốn chúng phát huy tác dụng, và như vậy chúng ta sẽ làm các chất hạt nhân phân tán khắp nơi.

Điều đó có nghĩa là có mối nguy làm gia tăng sự mất an toàn. Đó thực sự là một vấn đề. Thêm vào đó, chúng ta sẽ tiếp tục tạo ra nhiều rác thải hạt nhân. Hiện nay, rác thải hạt nhân đã có ở khắp nơi và đã quá tải. Vì thế, chúng ta không thể tính tới việc phát triển các lò phản ứng hạt nhân mới mà không nói tới mối nguy hiểm của rác thải hạt nhân ».  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.