Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Hàn Quốc - một bức tranh du lịch đầy màu sắc

Đăng ngày:

“Mở mắt thấy đồi, mở nồi thấy kim chi” hay “địa ngục Choson” là những câu truyền miệng của người lao động nhập cư hoặc của chính người dân Hàn Quốc để thể hiện sự khó khăn khi sống và làm việc tại quốc gia này. Đối lập với hình ảnh đó, du lịch đến xứ sở kim chi lại tăng trưởng thần tốc qua các năm và luôn được yêu thích bởi mọi lứa tuổi và quốc gia.

Cảnh sắc mùa thu ở công viện Goyang, Hàn Quốc, ngày 01/11/2021.
Cảnh sắc mùa thu ở công viện Goyang, Hàn Quốc, ngày 01/11/2021. AP - Lee Jin-man
Quảng cáo

Để có được sức tăng trưởng vượt bậc so với các quốc gia khác ở châu Á, Hàn Quốc đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, từ marketing đến phát triển thị trường và hơn thế nữa là tập trung vào việc phát triển bền vững để du khách một đi muốn trở lại nhiều lần.

Hành trình trở thành cường quốc công nghiệp không khói

Trước khi được biết đến như một địa điểm du lịch hứa hẹn cho tất cả mọi người, từ những người cao tuổi đến những người trẻ tuổi, Hàn Quốc chỉ đón 10.000 khách du lịch vào những năm 1960, theo KBS. Tuy nhiên, con số khiêm tốn đó đã thay đổi, số khách du lịch đến Hàn Quốc liên tục tăng kể từ năm 1961 - năm được chỉ định là “Năm du lịch Hàn Quốc”. Không thể phủ nhận rằng số ngoại tệ thu được từ ngành du lịch đã một phần giúp xây dựng đất nước Hàn Quốc từ hoang tàn sau nội chiến liên Triều.

Để có được thành công trong quảng bá du lịch, marketing đã đóng góp một vai trò rất lớn. Bằng cách xếp hạng rất nhiều thắng cảnh địa phương, như núi Chirisan (지리산), hay công viên núi lửa Hallasan (한라산) thành các công viên quốc gia vào khoảng những năm 1970, điều này không những giúp tăng trưởng thị phần du lịch tại các tỉnh lẻ mà còn giúp bảo tồn thiên nhiên hoang sơ vô giá tại những khu vực này.

Bên cạnh đó, là nước đăng cai hàng loạt sự kiện thể thao quy mô thế giới như Olympic mùa hè 1988, World Cup 2002 và rất nhiều sự kiện thể thao có quy mô khu vực khác, Hàn Quốc đã chủ trương tổ chức một phần sự kiện tại các địa phương. Điều này gián tiếp giới thiệu phong cảnh thiên nhiên, con người Hàn ra toàn thế giới.

Tuy nhiên, nếu chỉ có như vậy, có thể khách du lịch sẽ chỉ đến Hàn Quốc một lần và khó có thể trở lại lần thứ 2. Hiểu rõ được nguy cơ này, Hàn Quốc đã đầu tư rất nhiều vào các sản phẩm dịch vụ, làm đẹp, mĩ phẩm, các sản phẩm thời trang hiện đại và mẫu mã được đổi mới liên tục. Chính điều này đã làm cho số lượng lớn khách du lịch quyết tâm phải quay trở lại Hàn Quốc nhiều lần sau đó.

Du lịch mua sắm

Còn gì tuyệt vời hơn khi chỉ đến với Hàn Quốc là đã được đắm chìm trong hàng loạt trung tâm mua sắm từ hiện đại như Lotte, Huyndai đến truyền thống như chợ sâm Kumsan, chợ thuốc Namdemun. Ngoài ra, đối với các tín đồ mỹ phẩm, con đường Myeodong là một trong những địa điểm buộc phải check-in nếu muốn chứng minh là đã tới Hàn Quốc.

Với chính sách bán hàng hoàn thuế cho khách ngoại quốc có visa du lịch, rất nhiều người đã đến Hàn Quốc chỉ để mua hàng miễn thuế và nhiều khi tiền hoàn thuế với tất cả món hàng họ mua còn cao hơn cả chi phí tour du lịch. Chính sách hoàn thuế đa dạng và nhanh gọn từ hoàn thuế ngay tại cửa hàng, hoàn thuế tự động tại sân bay đã khiến cho những người nghiện mua sắm điên đảo khi đến đất nước này.

Và chị Hạnh, một “tín đồ mua sắm”, không phải là trường hợp ngoại lệ :

Cá nhân tôi, tôi bị hấp dẫn bởi hai nhóm sản phẩm là mỹ phẩm và thực phẩm chức năng của Hàn Quốc. Tôi sẽ không chỉ đến Hàn Quốc một lần mà sẽ còn đến nhiều lần chỉ để mua những thứ đó. Ví dụ về mỹ phẩm, tôi đã từng nghĩ phải có rất nhiều tiền để mua được món đồ hợp lý, nhưng khi sang Hàn, mới thấy rằng kể cả với số tiền ít thì vẫn có thể mua đươc những món hàng hợp với da của mình.

Đặc biệt là con đường mua sắm Myeodong - hàng hóa được sắp xếp cực kỳ bắt mắt. Và một điểm đặc biệt nữa là những nhân viên bán hàng thực sự là những nhân viên cực kỳ xuất sắc. Họ biết được túi tiền của mình, họ khen mình và đưa ra những món sản phẩm hợp lý. Và đặc biệt là tâm lý bầy đàn, khi mà những người đi cùng mình mua thì mình cũng sẽ mua, tuy nhiên khi về đến nhà thì vẫn thấy thiếu và lại mong muốn được quay lại Hàn để mua tiếp”.

Cảnh sắc mùa xuân tại trường Đại học Khoa học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc.
Cảnh sắc mùa xuân tại trường Đại học Khoa học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc. © RFI / Trần Công

Du lịch thẩm mĩ

Bên cạnh việc là một thiên đường mĩ phẩm của châu Á, Hàn Quốc gần đây còn nổi lên như là một nơi đầy hứa hẹn cho những bạn trẻ muốn lột xác để trở thành một người có ngoại hình bắt mắt bằng phương pháp phẫu thuật thẩm mĩ.

Hàng loạt công ty du lịch ở Trung Quốc, Việt Nam hay Cam Bốt đã liên kết với các bệnh viện phẫu thuật thẩm mĩ nổi tiếng của Hàn Quốc. Với mối quan hệ "win-win" (đôi bên cùng có lợi), khách hàng có nhu cầu được các công ty kết nối với bệnh viện tại Hàn, sau đó được du lịch sang Hàn Quốc để thăm khám và nhận tư vấn trực tiếp từ các bác sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mĩ hay phẫu thuật tạo hình. Sau khi thăm khám xong, khách du lịch sẽ được đưa đi một vòng thăm quan các danh thắng nổi tiếng tại Hàn để họ có thời gian suy nghĩ và quyết định có trở lại Hàn Quốc lần nữa để bước vào cuộc phẫu thuật kéo dài nhiều giờ và mất nhiều tháng để khôi phục lại sức khỏe hay không.

Điệp, một bạn gái từng sang Hàn Quốc để phẫu thuật thẩm mĩ, cho biết:

Em chọn phẫu thuật thẩm mĩ ở Hàn Quốc là do tin tưởng kinh nghiệm và chuyên môn của các bác sĩ Hàn. Ở Hàn Quốc, em được tư vấn rất kỹ, ví dụ khi em phẫu thuật mũi, các bác sĩ tư vấn cho em là đi dáng mũi như thế nào cho hài hòa với gương mặt, chứ không có chạy theo thị hiếu như là dáng mũi phải cao như tây, làm quá như vậy thì bác sĩ cũng nói là nó sẽ làm mất dáng mũi của con người mình”.

Du lịch theo trào lưu Hanryu

Một yếu tố quyết định đến sự phát triển của du lịch Hàn Quốc đó là làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hàn lưu - Hanryu - 한류). Các bộ phim như Bản tình ca mùa đông, Vườn sao băng, Thế hệ Itaewon hay bộ phim Vì sao đưa anh tới đã được quay tại các địa điểm du lịch nổi tiếng như đảo Nami, Jeju, phố Hongdae hay làng văn hóa Pháp. Những hình ảnh đầy màu sắc, không tì vết kèm theo những dấu ấn không thể phai mờ của bộ phim đã in sâu vào lòng khán giả một Hàn Quốc xinh đẹp, quyến rũ trong mùa xuân, mạnh mẽ trong mùa hè, đượm buồn trong mùa thu và trắng xóa trong mùa đông lạnh.

Gần đây nhất, bộ phim ăn khách của Netflix Squid game đã khéo léo lồng ghép và giới thiệu những trò chơi truyền thống của Hàn Quốc tới bạn bè quốc tế. Trào lưu “trò chơi con mực” diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là trên mạng xã hội, theo New York Times ngày 29/09/2021, hơn 14 tỉ video với hashtag “Squid game” đã được phát hành trên nền tảng video trực tuyến Tiktok, hay một bức tượng búp bê quản trò cao 3 mét trong trò chơi “đèn đỏ-đèn xanh” đã được trưng bày tại đại lộ Ortigas - Philippines. Với sức hút lớn như vậy, chắc chắn các fan của bộ phim này sẽ lên một kế hoạch chi tiết nhất để du lịch Hàn Quốc ngay sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc.

Khách du lịch cầu bình an tại chùa Yogesa, Hàn Quốc.
Khách du lịch cầu bình an tại chùa Yogesa, Hàn Quốc. © RFI / Trần Công

Tầm nhìn của chính phủ Hàn Quốc về du lịch trong và sau đại dịch

Đại dịch Covid-19 ập tới gây ra những tác động vô cùng tiêu cực đến thị trường du lịch toàn cầu. Hàn Quốc là một trong số những quốc gia đầu tiên buộc phải đóng cửa với phần còn lại của thế giới vì lý do dịch bệnh lây lan với tốc độ nhanh và mất kiểm soát trên toàn quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc lại trở thành một điểm sáng và là tấm gương cho các quốc gia phát triển noi theo trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Cho tới hiện tại, với tỉ lệ tiêm chủng cao, lên tới 75,5% tổng số dân, Hàn Quốc đã quyết định ký các thỏa thuận “bong bóng du lịch” với một số quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao như Singapore, và đảo Saipan.

Với những thỏa thuận này, các du khách sẽ được miễn cách ly và du lịch tự do nếu họ có hộ chiếu vac-xin và kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành từ quốc gia xuất phát, và xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 sau khi nhập cảnh vào nước đến. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đã có lộ trình miễn cách ly với tất cả khách du lịch có hộ chiếu vac-xin và kết quả xét nghiệm PCR âm tính từ cuối tháng 11 đến hết năm 2021.

Để có được sự phát triển thần tốc và mạnh mẽ như ngày hôm nay, người dân Hàn Quốc đã phải đánh đổi rất nhiều thứ. Từ những năm 1970, trên truyền hình chỉ có hai chương trình là “dạy làm người”“dạy làm ăn”. Những hành động nhỏ như nụ cười thế nào, chào đón khách ra làm sao đều có thể được tìm thấy trên tivi. Những sinh viên ưu tú nhất đã được gửi đi khắp nơi để học phương pháp làm phim, thời trang và du lịch để quay về xây dựng tổ quốc. Có lẽ tất cả những điều đó đã làm lên một Hàn Quốc đầy hứa hẹn, xinh đẹp và lộng lẫy trong mắt khách du lịch quốc tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.