Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp : Tranh cãi về báo cáo tháp Eiffel không được bảo tồn đúng quy cách

Đăng ngày:

Những báo cáo được thực hiện từ năm 2010 đến 2016, được tuần báo Pháp Marianne tiết lộ, chỉ ra tình trạng rỉ sét của tháp Eiffel. Sau nhiều lần tu sửa với các khoản chi phí khổng lồ, dường như sức khoẻ của tháp không được bảo đảm. Trước những chỉ trích về việc không có biện pháp xử lý trùng tu tốt, ban quản lý "Bà Đầm Thép" khẳng định tháp sẽ không sụp đổ ngay. 

Tháp Eiffel, Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 02/07/2022.
Tháp Eiffel, Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 02/07/2022. © Chi Phuong
Quảng cáo

Tháp Eiffel, biểu tượng của Paris, là một trong những địa điểm được du khách ghé thăm nhiều nhất khi đến thủ đô Pháp. Ngay từ khi được khởi công xây dựng vào năm 1887, để phục vụ cho Triển lãm Hoàn cầu năm 1889, tháp Eiffel thường xuyên trở thành tâm điểm, thu hút sự quan tâm của người dân thủ đô, cũng như quốc tế.  

Thời gian gần đây, nếu như khách du lịch đến thăm tháp Eiffel thất vọng vì khó tìm được góc chụp hình đẹp do tháp thường xuyên bị các tấm lưới che phủ một phần để phục vụ tu sửa, thì công luận lại lo lắng về sức khoẻ của "Bà Đầm Thép". Vào cuối tháng 6, tuần báo Marianne đã tiết lộ các bản báo cáo lưu hành nội bộ, được thực hiện vào năm 2010, 2014, 2016, liên quan đến việc trùng tu tháp. Cụ thể, các báo cáo chỉ ra rằng các dự án trùng tu không đảm bảo yêu cầu, nhiều khu vực bị han rỉ, và điểm đáng chú ý là lần trùng tư thứ 20, bắt đầu từ năm 2018, không hề cải thiện tình trạng của tháp.  

Nhà Thờ Đức Bà cháy, đến lượt tháp Eiffel đổ ?

Với khoản đầu tư khổng lồ lên đến 300 triệu euro, thành phố Paris muốn tu sửa tháp Eiffel, khoác màu áo mới cho tháp nhân dịp Thế Vận Hội Mùa Hè 2024, sửa chữa những chỗ rỉ sét, hư hại, những khu vực bị thời gian bào mòn. Thế nhưng, tuần báo Marianne đặt câu hỏi, sau khi Nhà Thờ Đức Bà bị cháy, liệu chúng ta vẫn sẽ “giương mắt nhìn” tháp Eiffel sụp đổ ? Trong báo cáo mà Marianne thu thập được, lần trùng tu thứ 20 này, bắt đầu từ năm 2018, đưa ra mục tiêu ban đầu là sơn lại 30 % diện tích tháp, nhưng cuối cùng chỉ sơn 5 %, tức là ‪245.000 m2 còn lại vẫn như cũ. 

Trong 130 năm qua, tháp Eiffel đã được sơn lại tổng cộng 19 lần, tức là 7 năm một lần. Theo ý kiến chuyên gia được Marianne trích dẫn, tháp Eiffel hiện được bao phủ bởi nhiều lớp sơn và thành phần đã bị thay đổi. Ngọn tháp nổi tiếng nhất của Pháp không thể chống chọi lại sức mạnh của thời gian, nhiều lớp sơn chồng lên nhau dẫn đến tình trạng bề mặt của sắt cấu tạo tháp xuống cấp nhanh hơn. “Những lớp sơn cuối cùng đã kéo căng các lớp trước đó, các lớp sơn bị nứt và bong tróc khắp nơi”, theo khẳng định của chuyên gia. 

Rỉ sắt lan rộng, ban quản lý tháp "làm ngơ"

Ngoài ra, theo Marianne, báo cáo mà công ty Dekra thực hiện vào năm 2010 cho rằng doanh nghiệp khai thác tháp Eiffel (SETE), “cần phải có cái nhìn khác về tháp và cần nghiên cứu lại toàn bộ chính sách tu sửa liên quan đến việc kiểm tra cấu trúc kim loại đang già đi”. Vào năm 2014, báo cáo do cơ quan Expiris thực hiện ghi nhận các hiện tượng nứt và rỉ sét, và kết luận rằng “không thể tiến hành một dự án thi công với một lớp sơn mới’. Và trong bản báo cáo năm 2016, công ty SLH Ingénierie đã xác định 844 điểm khiếm khuyết, trong đó 68 điểm liên quan đến việc sửa đổi cấu trúc, đặt ra nghi ngờ về độ bền của tháp Eiffel. 

Tháp Eiffel được xây dựng bằng sắt rèn, một loại vật liệu được xem là có độ bền cao và gần như vĩnh cửu nếu được sơn lại thường xuyên. Trong cuốn sách La Tour de trois cents mètres, Gustave Eiffel đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sơn : “Đó là yếu tố cốt yếu để bảo tồn một công trình bằng kim loại và việc tu sửa là cách duy nhất để bảo đảm độ bền của tháp”, đặc biệt là phải có biện pháp chống lại mọi dấu hiệu sắt bắt đầu han rỉ. 

Thế nhưng, kẻ thù của sắt là nước và không khí. Sau 130 năm, “rỉ sét đã lan rộng và ăn mòn một số vị trí của tháp”. Marianne trích dẫn một người am hiểu về tháp Eiffel cảnh báo rằng “tháp sẽ không đổ ngay ngày mai, nhưng thực sự là tình trạng không có gì khả quan”. 

Ai sẽ đến Paris nếu không còn tháp Eiffel ?

Hiện nay, khách tham quan tháp Eiffel nếu để ý, có thể dễ dàng nhìn thấy rỉ sét bằng mắt thường. Tác giả của một trong các bản báo cáo trên là ông Bernard Giovannoni, giám đốc công ty chuyên về sơn kim loại. Công ty của ông đã hoàn thiện việc sơn sửa 2,5 triệu đinh tán và 18 000 tấm sắt tạo nên tháp Eiffel vào năm 2014. Sau khi các bản báo cáo được tiết lộ, ông xác nhận trên đài phát thanh Pháp RMC : “Chúng tôi đã kiểm tra nhiều lần, đúng là đã phát hiện có bong tróc, có những lớp sơn bị tách rời, phồng rộp, rải rác khắp nơi trên kết cấu kim loại của tháp”. 

Thông tin mà Marianne loan tải ngay lập tức đã thu hút công luận Pháp và quốc tế. Được ví như một trong những di tích mang tính biểu tượng của hành tinh, tháp Eiffel có thể khó giữ được hơn 6 triệu khách du lịch mỗi năm, nếu không còn nữa, nhật báo Đức Der Westen nhấn mạnh. “Tất cả những ai dự tính đến Pháp du lịch để ngắm tháp Eiffel, có lẽ sẽ phải nghĩ lại hai lần bởi vì kỳ nghỉ ở Paris sẽ không bao giờ mang cùng hương vị nếu như Bà Đầm Thép biến mất.” Nhật báo Daily Mail của Anh thì quan ngại về khoản thu khổng lồ từ du lịch mà Pháp sẽ mất nếu như biểu tượng của Paris bị lung lay. 

Tháp Eiffel sẽ không đổ ngay ngày mai

Dưới sức ép dư luận, công ty khai tháp tháp Eiffel (SETE) đã lên tiếng sau gần một tuần giữ im lặng, khẳng định rằng chưa bao giờ tháp được “bảo tồn tốt như hiện nay”. (Trước đó, Marainne đã không liên lạc được với SETE). Giám đốc của SETE, ông Patrick Branco Ruivo trả lời trên TF1: “Trong số 68 vị trí đáng báo động mà báo cáo liệt kê, đó là những điểm mà trên thực tế, chúng tôi đã xử lý và chúng tôi đang xử lý những chỗ khác.”  

Ông Ruivo khẳng định, những báo cáo trên không có gì đáng lo ngại, vì các báo cáo đều đánh giá về tổng thể là tháp Eiffel vẫn trong tình trạng tốt. Tóm lại, tháp Eiffel đúng là có tình trạng han rỉ và cần phải được tu sửa sớm nhất có thể, nhưng sẽ không bị sụp đổ ngay ngày mai. 

Về phần mình, tác giả của một trong những bản báo cáo nêu trên, ông Bernard Giovannoni thì lại phủ nhận nội dung của thông tin được Marianne trích dẫn, theo France Info. “Tôi chưa bao giờ viết rằng tháp Eiffel có nguy cơ sụp đổ”, ông Giovannoni xác nhận. Tuy nhiên ông cũng chứng thực rằng vào thời điểm đó, ông có kêu gọi thi công nhanh chóng nhất, nếu không, trong những năm tới, hậu quả sẽ không lường được do việc sử dụng sơn chì và các chính sách thắt chặt quy định sử dụng sẽ đẩy chi phí tu sửa lên cao. 

Chi phí tu sửa bị đội giá

Bà Đầm Thép được sơn lại lần gần đây nhất là năm 2019, với chi phí 4 triệu euro. Nhưng lần tu sửa này, dù chỉ tước bỏ 5 % lớp sơn cũ và sơn lại toàn bộ theo một màu khác, chi phí ước tính ban đầu là 40 triệu euro và bị đội lên 82 triệu euro. Nguyên do được đưa ra là bởi đại dịch và tình trạng ô nhiễm chì đã trì hoãn việc thi công.  

Ông Giovannoni khuyến cáo, để bảo tồn tháp tốt thì cần phải loại bỏ các lớp sơn cũ, làm sạch bề mặt thép và sơn lớp mới và nếu như vậy thì có lẽ sẽ phải đóng cửa tháp Eiffel. Thời gian để thực hiện quy trình này có thể lên đến 5 năm, thay vì 15 đến 17 tháng khi chỉ sơn phủ lên lớp sơn cũ.  

Tuy nhiên, sau hơn 11 tháng đóng cửa vì đại dịch, một trong những công trình được ghé thăm nhiều nhất Paris ( sau Euro Disney, Bảo tàng Louvre và Lâu đài Versailles), với hơn 20 000 khách mỗi ngày, khó mà xét đến phương án này, chưa kể những nhân viên làm việc tại đây được thêm tiền thưởng tùy theo số lượng khách.  

Dự án tu bổ tháp Eiffel, kéo dài 3 năm, đáng lẽ ra phải kết thúc vào năm 2021, bị chậm tiến độ. Tuy nhiên, công ty khai thác công trình khẳng định rằng tháp sẽ sẵn sàng đón khách nhân dịp JO 2024, với màu vàng nâu, một loại màu được sử dụng vào năm 1907.  


Ban đầu tháp Eiffel chỉ được phủ bằng một lớp sơn bảo vệ vào năm 1889, với màu nâu đỏ. Lần đầu tiên tháp đổi màu là vào năm 1892, chuyển sang màu nâu đất. 

Năm 1899, tháp được sơn 5 lớp màu khác nhau, từ màu vàng, đến cam và vàng tươi, để tạo ra một màu tươi mới cho Bà Đầm Thép. Kể từ đây, tháp được sơn lại theo chu trình 7 năm một lần. 

Từ năm 1907 đến 1947, tháp có màu vàng nâu. Sau đó, từ 1954 đến 1961, màu đỏ nâu được sử dụng. Và kể từ 1968 cho đến nay, tháp mang màu nâu. 
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.