Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Tại Pháp, cánh tả và hữu tranh luận về dự luật chống chiếm dụng nhà ở

Đăng ngày:

Kể từ hôm ngày 28/11, Quốc Hội Pháp thảo luận về luật “anti-squat” - chống người chiếm dụng nhà vắng chủ. Đây không phải là vấn đề mới mẻ và đã gây tranh cãi tại Pháp từ lâu nay.

Người biểu tình phản đối luật anti-squat tại Paris, Pháp, ngày 27/11/2022.
Người biểu tình phản đối luật anti-squat tại Paris, Pháp, ngày 27/11/2022. AFP - THOMAS SAMSON
Quảng cáo

Trên các báo cánh hữu, không hiếm để thấy những tin tức như “Tại sao đuổi một người chiếm nhà mình lại khó đến thế?” hay “Tôi phạm pháp vì muốn lấy lại nhà mình”, “Chủ nhà phải đợi cho đến khi người chiếm nhà mình có chỗ ở khác, mới được lấy lại nhà”… Trong khi đó, những tờ báo thiên tả như Libération, thì lại đưa những tựa như “Không cần siết chắt luật chiếm dụng, mà phải giải quyết tình trạng thiếu nhà ở”, “Sinh viên ở những ngôi nhà vắng chủ để đối phó với khủng hoảng nhà ở”…   

Theo điều 226-4 của Bộ Luật Hình Sự Pháp, “squat” tức chiếm nhà vắng chủ, là “hành động đột nhập vào nhà người khác, bằng các thủ đoạn, đe dọa, bạo hành hoặc ép buộc”. Nói cách khác đó là những người chiếm dụng nhà người khác mà không ký hợp đồng thuê hoặc không nhận được đồng thuận từ chủ sở hữu. Hành động phạm pháp này có thể bị phạt từ 1 năm tù và 15 000 euro.     

Theo luật pháp hiện hành tại Pháp, chủ nhà không thể tự ý đuổi người chiếm nhà mà phải tiến hành các thủ tục pháp lý để lực lượng an ninh trục xuất hoặc cưỡng chế trục xuất. Nếu tự ý hành động thì có thể bị phạt 3 năm tù và 30 000 euro tiền phạt. Khi nhà bị chiếm dụng, vụ việc phải được can thiệp trong vòng 48 giờ, tức là tỉnh trưởng (đại diện Nhà nước ở địa phương) ra quyết định trục xuất và lực lượng thực thi pháp luật phải hành động.   

Nếu quá thời hạn 48 giờ, thừa phát lại phải đến tận nơi để đánh giá tình hình. Chủ nhà phải đệ đơn lên toà án. Thẩm phán sẽ đưa ra thời hạn phải rời đi cho người chiếm nhà. Quá thời hạn này thì lực lượng cảnh sát, hiến binh có thể tiến hành trục xuất. Thủ tục này có thể kéo dài hàng tháng đến vài năm, tùy theo loại hình nhà bị chiếm dụng và đối tượng chiếm dụng, (đặc biệt là đối với gia đình có trẻ nhỏ.) Báo Le Parisien trích dẫn trường hợp của cô Celia, đã cho một cặp vợ chồng thuê một căn hộ ở Boulogne và họ không trả tiền nhà từ 6 năm qua. Số tiền này đã lên đến 45 000 euro. Trong khi đó, tỉnh trưởng Hauts-de-Seine đã hai lần đình chỉ lệnh trục xuất vì cặp vợ chồng này gặp khó khăn về sức khỏe lẫn kinh tế.   

Nạn nhân của nạn chiếm dụng ?

Phát biểu trước Quốc Hội ngày 29/11, nghị sỹ Alexandre Loubet, thuộc đảng cực hữu, Tập Hợp Dân Tộc (RN) đặt câu hỏi : “ Còn bao lâu nữa thì những người chiếm dụng nhà vẫn được luật pháp bảo vệ nhiều đến thế ? Khi một quyết định pháp lý được đưa ra để cho phép trục xuất thì đáng lẽ ra phải được thực thi một cách nhanh chóng nhưng đáng tiếc là hiện nay điều này không được tuân thủ. Luật pháp cũng cho phép các thẩm phán có thể gia hạn thời gian trục xuất, và số lần gia hạn không bị giới hạn”.      

Dự thảo luật này được áp dụng đối với các loại hình nhà để ở, dù là nhà ở chính hay phụ, nhưng không liên quan đến nhà kho, vườn hay các toà nhà trong tình trạng đổ nát. Là người chịu trách nhiệm trình bày dự luật trước Quốc Hội, nghị sĩ Guillaume Kasbarian, chủ tịch Tiểu Ban Kinh Tế của Hạ Viện, thuộc đảng Nền Cộng Hòa Tiến Bước (của tổng thống Emmanuel Macron), cho biết, hiện có 170 lệnh can thiệp, trục xuất trong vòng 48 giờ đối với các trường hợp chiếm dụng nhà ở. Theo ông, dự luật này bảo vệ những người “không phải nằm trên đống vàng” mà là những “nạn nhân của tình trạng chiếm dụng hoặc từ việc người thuê nhà không trả tiền.”   

Bảo vệ chủ nhà hay người đi thuê 

Mặt khác, văn bản này đề xuất tăng gấp 3 trừng phạt hiện hành đối với những người chiếm dụng nhà ở bất hợp pháp, tức 3 năm tù và 45 000 euro tiền phạt. 

Qua cuộc bỏ phiếu tối ngày 29/11, Quốc Hội Pháp đã thông qua một điều luật cho phép chủ nhà có thể đơn phương huỷ hợp đồng thuê nhà và không cần thực hiện bất cứ thủ tục pháp lý nào nếu người thuê không trả tiền nhà. Do đó có thể nhanh chóng trục xuất người thuê.  

Liên minh cánh tả NUPES kịch liệt phản đối, cho rằng đây là luật để bảo vệ chủ nhà chứ không phải người đi thuê. Theo nghị sỹ Stéphane Peu, thuộc đảng Cộng Sản Pháp, luật chống chiếm dụng nhà ở bất hợp pháp, trên thực tế chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Pháp vốn đã có đủ luật lệ để trừng phạt hành vi phạm pháp này. Do vậy, ông cho rằng luật này đúng hơn là nhằm trục xuất những người thuê nhà chưa trả tiền nhà một cách dễ dàng. Quay lưng với người thuê nhà và bảo vệ người cho thuê.”    

Nghị sỹ François Picquemal, thành viên đảng Nước Pháp Bất Khuất cũng đồng tình với quan điểm này và lên án dự luật hình sự hoá những người gặp khó khăn, không thể trả tiền thuê nhà. Tại Quốc Hội, hôm 29/11, ông Picquemal nhận định về dự luật như sau : “Đây hoàn toàn là lừa đảo khi nói rằng dự luật này hướng tới những chủ nhà nhỏ bé (vẫn nợ ngân hàng vì khoản tiền mua nhà). Thực tế không phải như vậy, luật này đánh đồng người chiếm dụng nhà - không hợp đồng, không giấy tờ, đột nhập vào nhà vắng chủ, với những người ở tại một căn hộ bỏ trống từ 10 năm. Dự luật dự trù coi những nạn nhân không có nhà ở, những người thuê nhà gặp khó khăn, là những kẻ ăn cắp, để họ lãnh án tù 3 đến 10 năm. Luật này chỉ khiến hàng triệu người phải ra đường”.     

4 triệu nhà bỏ trống tại Pháp

Không chỉ các nghị sỹ cánh tả và cực tả phản đối, với hơn 200 đề xuất chỉnh sửa luật, các tổ chức nhân quyền về nhà ở cũng lên tiếng. Hôm Chủ Nhật, ngày 27/11, theo AFP, khoảng 15 tổ chức bảo vệ người thuê nhà tập trung trước Quốc Hội biểu tình phản đối. Trong một thông cáo, tổ chức từ thiện của Cha Pierre (Fondation Abbé Pierre) lên án dự luật “đáng xấu hổ”, nhắm nhầm mục tiêu. Trong khi Pháp có 4 triệu người không có chỗ ở, 2 triệu người vẫn đang đợi có nhà ở xã hội thì Pháp có khoảng 3 triệu nhà trống không ai ở. “Cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở chứ không phải nhắm vào những nạn nhân”.    

Theo số liệu từ Quỹ hỗ trợ gia đình (CAF), hiện nay, hơn 280 000 hộ gia đình trong tình trạng không thể trả được tiền thuê nhà. Tổ chức Quyền có nhà ở (DAL) cho biết vào năm 2018, khoảng 16 000 gia đình đã bị cưỡng bức trục xuất vì không trả được tiền thuê nhà.     

Pháp và chủ nghĩa dân túy

Nhà xã hội học Yankel Fijalkow, chuyên nghiên cứu về các điều kiện nhà ở tại Pháp nhận định với RFI Tiếng Việt rằng, việc đưa ra một dự luật để đối phó với khoảng hơn 100 vụ kiện về chiếm dụng nhà ở thì không đáng. Trong khi đó, Pháp có những vấn đề cấp bách hơn cần giải quyết.    

“Ngày nay, chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lạm phát, cũng như vấn đề về sưởi ấm và làm sao để thanh toán hoá đơn năng lượng. Các tổ chức xã hội cũng như các đồng nghiệp của tôi đều lo lắng vì dự luật này hình sự hoá những người chỉ đơn giản là không đủ khả năng trả tiền thuê nhà. Điều này rất nghiêm trọng và theo chủ nghĩa dân tuý? Tại sao lại là chủ nghĩa dân tuý, vì nó đánh vào cảm xúc và nỗi sợ hãi của những chủ sở hữu, khiến họ tưởng tượng ra ngày mà nhà của họ bị phá cửa, bị đột nhập, bị chiếm dụng. Nhưng thực tế chỉ có 120 vụ chiếm dụng và đây là con số nhỏ so với dân số 70 triệu tại Pháp”. Chủ nghĩa dân tuý cũng tương tự như trong chế độ của Trump, Bolsonaro, …những lãnh đạo thao túng thông tin”.     

Liệu đây có phải là một luật của cánh hữu, cho thấy cánh hữu và cực hữu đang dần chiếm ưu thế trên chính trường Pháp. Nghị sỹ đảng Hồi Sinh (Renaissance), ông José Gonzale bác bỏ điều này và khẳng định với RFI Tiếng Việt : « Chúng tôi phân biệt rất rõ sự khác biệt giữa một người thuê nhà, có thể đang gặp khó khăn, và những người chiếm dụng tài sản, lợi dụng các quy định, luật pháp lỏng lẻo, đến ở tại một nhà nào đó mà không cần phải trả tiền nhà. Với những trường hợp này, nhiều khi cần hàng tháng để trục xuất họ. Tôi thấy đây là một thiệt hại lớn đối với những chủ nhà”.  

Cân bằng trong luật pháp

Là tác giả của nhiều nghiên cứu liên quan đến chính sách nhà ở, cũng như cuốn sách De gré et de force. Comment l’État expulse les pauvres (Tạm dịch : Tự giác hay cưỡng chế. Nhà nước trục xuất những người nghèo như thế nào - xuất bản vào tháng 01/2023), nhà xã hội học François Camille lo ngại rằng Pháp đang dần dần làm mất cân bằng giữa quyền của chủ nhà và người thuê nhà. Ông nhấn mạnh đến đề xuất hình sự hóa những người đã không đủ khả năng trả tiền thuê nhà, cho rằng Pháp đang đi ngược lịch sử, quay về thế kỷ 19.  

Khi nhắc đến Cha Pierre, nhà sáng lập tổ chức nhân đạo Emmaus, biểu tượng của Pháp trong việc đấu tranh vì quyền có nhà ở, để “không để ai phải ngủ ngoài đường” từ những năm 1950, nhà xã hội học François nhận định với RFI Tiếng Việt rằng nước Pháp đang phải đối diện với một nghịch lý.         

“Hiện nay Pháp giàu có hơn, tạo ra nhiều giá trị gia tăng mỗi năm và giàu có hơn nhiều thời đại của Abbé Pierre. Song, Pháp cũng phải đối mặt với tình trạng nghèo đói ngày càng trầm trọng, không chỉ liên quan đến nhà ở. Tôi cho rằng đây là một nghịch lý khi lật lại (remmettre en cause) những quyền xã hội đã giành được, nhất là nhờ vào thành quả mà Abbé Pierre đã tranh đấu cách đây 50 năm. Dự thảo luật chỉ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở Pháp – một quốc gia giàu có nhưng ngày càng nhiều người nghèo khó và có nguy cơ phải ra đường ở.”  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.