Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Việt Nam - Pháp : Quan hệ ngoại giao thúc đẩy gắn kết văn hóa

Đăng ngày:

Cách đây 50 năm, 12/04/1973, Việt Nam và Pháp chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức tại hai nước để đánh dấu sự kiện này, một trong số đó là bàn tròn về "Đối chiếu nhãn quan văn hoá Pháp-Việt" do bảo tàng Quai Branly Jacques Chirac tổ chức ngày 14/03/2023. 

Bàn tròn "Đối chiếu nhãn quan văn hóa Pháp Việt", được tổ chức tại bảo tàng Quai Branly Jacques Chira, ngày 14/03/2023, Paris, Pháp
Bàn tròn "Đối chiếu nhãn quan văn hóa Pháp Việt", được tổ chức tại bảo tàng Quai Branly Jacques Chira, ngày 14/03/2023, Paris, Pháp © Chi Phuong
Quảng cáo

Không giống như những bàn tròn có chủ đề tranh luận rõ ràng, sự kiện diễn ra tại bảo tàng Quai Branly Jacques Chirac, Paris, hôm 14/03, đúng hơn là một buổi giao lưu, đối thoại trực tiếp giữa diễn giả và công chúng quan tâm đến văn hóa Pháp-Việt. Ban tổ chức đã mời những nhân vật tiêu biểu góp phần thúc đẩy giao lưu, trao đổi văn hoá giữa hai nước như Eva Nguyễn Bính, giám đốc Viện Pháp (Institut Français) tại Paris, họa sĩ Hom Nguyễn và nhà văn Clément Baloup, được biết đến với tác phẩm Little Sai Gon.  

Giám đốc về nghiên cứu và giảng dạy ở bảo tàng Quai Branly Jacques Chirac, ông Philippe Charlier cho rằng nội dung của cuộc giao lưu này, trên hết là“nói về con người”, về những chặng đường đến với thành công của mỗi cá nhân mang trong mình hai nền văn hóa, nhưng đó lại là một phần quan trọng, cho phép mỗi người phát triển nghề nghiệp của họ một cách xuất sắc. Ông nhận định với RFI Tiếng Việt : “Chúng tôi quan tâm đến việc tái tạo lại lịch sử, về nguồn gốc và cách một cá nhân, đôi khi được tạo ra từ những chấn thương (traumatisme), bởi thất bại, khó khăn, mà cuối cùng những cá nhân này đã vượt qua. Chặng đường đến với thành công của những khách mời trong bàn tròn đúng là có nhiều cạm bẫy và không dễ dàng, chính vì vậy mà chúng tôi coi đó là những tấm gương, về cuộc đời của những người mang trong mình hai, ba hay bốn nền văn hoá khác nhau.”   

Đọc thêm Quốc phòng, năng lượng, văn hóa, đào tạo : Những dự án hợp tác thúc đẩy quan hệ Pháp - Việt

Từ nhiều năm qua, bảo tàng Quai Branly Jacques Chirac, có trụ sở ngay dưới tòa tháp Eiffel tại Paris, là một trong những nơi giao lưu văn hóa, nghệ thuật Pháp-Việt. Bảo tàng đã tổ chức nhiều triển lãm của các nghệ sỹ Việt Nam, hay gốc Việt, tiêu biểu như triển lãm tranh của họa sĩ Lê Quang Đỉnh vào năm 2022. Ngoài ra còn có các hoạt động văn hóa khác như trình diễn võ cổ truyền Việt Nam (2020), giới thiệu các công dụng của tre Việt (2020). 

"Hướng đến một tương lai chung"

Bà Eva Nguyễn Bính, từng là tham tán văn hóa, giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam trong 4 năm, nguyên là Đại sứ Pháp tại Campuchia (2017-2020) và hiện là giám đốc Viện Pháp tại Paris. Đến dự bàn tròn, bà khẳng định“sợi dây gắn kết giữa Pháp và Việt Nam rất đặc biệt”, bởi đó là những mối quan hệ giữa những con người qua nhiều thế hệ. Bà giải thích thêm :“Tôi cho rằng câu chuyện lịch sử chung giữa hai nước liên quan đến giai đoạn thuộc địa, và được tiếp nối bởi những giai đoạn sau đó. Ngay chính bản thân tôi, bố tôi là người Việt, đến Pháp học tập và lấy mẹ tôi. Tôi được sinh ra và lớn lên ở Pháp, nhưng sau đó tôi đã quay trở lại Việt Nam, tôi không quay trở lại để sống ở đó nhưng để tìm hiểu về đất nước, về nguồn gốc của tôi. Có rất nhiều đứa trẻ được sinh ra từ các cặp cha mẹ Pháp - Việt. Tôi cũng biết nhiều người Việt trẻ đến Pháp du học, một số đã lựa chọn ở lại Pháp. Cũng có những người Pháp đến Việt Nam. Chính họ là những đại sứ văn hóa giữa hai nước. Viện Pháp tại Việt Nam cũng như các hiệp hội đã làm tất cả những gì có thể để gắn kết sợi dây này (bền chặt) hơn nữa. Pháp và Việt Nam từng có chung một câu chuyện lịch sử và không nên lãng quên quá khứ thuộc địa đó nhưng cũng cần phải hướng đến tương lai, một tương lai chung.” 

Eva Nguyen Binh, giám đốc Viên Pháp tại Paris. Ảnh chụp ngày 14/03/2023, Paris, Pháp.
Eva Nguyen Binh, giám đốc Viên Pháp tại Paris. Ảnh chụp ngày 14/03/2023, Paris, Pháp. © Chi Phuong

“Hợp tác văn hóa trên mọi phương diện”,trang điện tử của đại sứ quán Pháp tại Việt Nam khẳng định: “Việt Nam là một trong những quốc gia mới nổi ở châu Á, nơi mà hợp tác của chúng tôi phong phú và đa dạng nhất. Vì lịch sử chung của hai nước và mối quan hệ gắn kết giữa hai dân tộc, hợp tác văn hóa chiếm một vị trí đặc biệt”. Mỗi năm, Pháp chi khoảng 5 triệu euro riêng cho hợp tác văn hoá với Việt Nam, để hỗ trợ các hoạt động quảng bá văn hóa Pháp của các Viện Pháp có trụ sở tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng.Trên tinh thần hợp tác và quảng bá văn hóa qua sách, điện ảnh cũng như âm nhạc Pháp, các viện Pháp tại Việt Nam đã thúc đẩy các hoạt động giao lưu giữa hai nền văn hóa, và được tăng cường đáng kể với sự ra đời củachương trình trình ngh sĩ lưu trú“Villa Sài Gòn”.Cụ thể mỗi năm, 12 nghệ sĩ người Pháp đến Việt Nam lưu trú nghệ thuật, trong vòng một hay nhiều tháng để sáng tạo. Đổi lại, những nghệ sĩ Việt cũng có thể đến Pháp, sáng tạo tại trụ sở của tổ chức lưu trú nghệ thuật hàng đầu của Pháp Cité Internationale des Arts (Paris).  

 

Cây cầu hòa bình

Trong số các nghệ sĩ Pháp-Việt tiêu biểu, Hom Nguyen, họa sĩ người Pháp gốc Việt có mặt tại bàn tròn“Đối chiếu nhãn quan nghệ thuật”, ở bảo tàng Quai Branly Jacques Chirac. Theo ban tổ chức, Hom Nguyễn là một gương mặt tiêu biểu, đại diện cho cộng đồng các nghệ sĩ, góp phần quảng bá cầu nối hai nền văn hoá. Hom Nguyễn từng nhn đưc Huân chương Công trng Quc gia (Ordre National du Mérite), do Pháp trao tng. Những tác phẩm của ông chủ yếu là những bức họa chân dung phụ nữ hoặc trẻ em, được ẩn sau những sợi màu sắc đa dạng. Trong buổi trao huân chương, bộ trưởng phụ trách chính sách đô thị (Ministre de la Ville), bà Nadia Hai cảm ơn nghệ sĩ vì là“một người truyền cảm hứng, một chân dung của nước Pháp, một tấm gương cho giới trẻ học tập, noi theo, sáng tạo và tin vào giấc mơ của mình”. 

Tại bàn tròn, Hom Nguyen chia sẻ với khán giả tại Paris về tuổi thơ nhiều gian truân vì khó khăn ở trường học, cũng như những éo le trong gia đình ông, về hành trình không đơn giản để trở thành một họa sỹ mà không qua trường lớp nào, và nhất là với điều kiện kinh tế khó khăn. Họa sĩ bộc bạch những tâm tư, những trải nghiệm cá nhân, ví như khó khăn để dung hòa cả hai nền văn hoá trong mình, làm sao để thích ứng và phát triển sự nghiệp nghệ thuật mà vẫn giữ họ Nguyễn trong bút danh hành nghề nghệ thuật tại Pháp, giữ gìn được cội rễ của mình, và tự hào về nó”. 

Nói đến quan hệ giữa Pháp và Việt Nam, hoạ sĩ Hom cho rằng :“Những câu chuyện chiến tranh đã là quá khứ và ngày nay chúng ta đang đứng trên một cây cầu hòa bình, Pháp-Việt và 50 quan hệ hữu nghị, trên thực tế mối quan hệ này sẽ tiếp tục kéo dài và trong 100 năm nữa, 1 thế kỷ nữa sẽ vẫn như vậy. Rồi những sự kiện kỉ niệm như thế này cũng giống như bao nhiêu sự kiện khác. Những thế hệ tiếp theo cũng sẽ như vậy, đó là một sợi dây gắn kết hai bên mà cả hai cùng phải nắm giữ, tạo thành một cây cầu chắc chắn”. 

Pháp - Việt : Đối tác chiến lược song phương

Ngoài sự kiện tại bảo tàng Quai Branly Jacque Chirac, nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Pháp Việt, cũng trong ngày 14/03, một hội thảo chuyên đề về“Quan hệ Pháp-Việt: từ hội nghị Fontainebleau năm 1946 đến chuyến thăm lịch sử năm 2018 của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tới Việt Nam”, diễn ra tại Fontainbleau, ngoại ô Paris. Đây cũng là một trong những hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện kỷ niệm này. Trang báo điện tử của đài tiếng nói Việt Nam VOV cho biết, vào những năm 1980, Việt Nam gặp nhiều khó khăn vì lệnh cấm vận, Pháp là nước phương tây duy nhất, tiếp tục duy trì quan hệ với Việt Nam, thông qua hợp tác khoa học, kỹ thuật và trao đổi văn hoá. Năm 1993, tổng thống Pháp François Mitterand là nguyên thủ phương tây đầu tiên đến thăm Việt Nam.  

Năm thập kỷ qua, từ quan hệ ngoại giao đến đối tác chiến lược song phương, Pháp và Việt Nam đã hợp tác trên nhiều lĩnh vực: an ninh, quốc phòng và kinh tế. Kim ngạch thương mại giữa hai nước vào năm 2022, đạt hơn 5,3 tỷ euro, tăng hơn 10 % so với năm 2021. Hiện Pháp là nhà nhập khẩu từ châu Âu lớn thứ tư của Việt Nam và cũng là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất. Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước châu Á nhận nhiều tài trợ nhất từ Cơ quan Phát triển Pháp (Agence Français du Développement - AFD). 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.