Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp : 10 tháng trước Thế Vận Hội Mùa Hè Paris 2024, rệp giường gây nỗi hoảng sợ trong xã hội

Đăng ngày:

10 tháng trước khi khai mạc Thế Vận Hội Mùa Hè Paris 2024, hình ảnh nước Pháp ở nước ngoài đang xấu đi do loài rệp giường. Ngay trong nước, các video quay loài bọ hút máu người hiện diện trên các phương tiện giao thông đã lan truyền với tốc độ nhanh chóng mặt trên mạng xã hội từ cuối tháng 09/2023, « phủ sóng » truyền thông, gây ra nỗi lo sợ lan rộng trong cộng đồng và thậm chí trở thành một đề tài được đề cập đến ở thượng tầng Nhà nước.

(Ảnh minh họa ) - Một chú chó nghiệp vụ đánh hơi, phát hiện rệp giường trong một căn hộ ở Nice, miền nam Pháp, ngày 18/10/2011.
(Ảnh minh họa ) - Một chú chó nghiệp vụ đánh hơi, phát hiện rệp giường trong một căn hộ ở Nice, miền nam Pháp, ngày 18/10/2011. AFP PHOTO VALERY HACHE
Quảng cáo

Theo trích dẫn của trang mạng đài France Info ngày 05/10/2023, tuần báo Mỹ Newsweek viết : « Trong khi Paris đón Tuần lễ thời trang Fashion Week, không phải Balenciaga, Dior hay Chanel là những ngôi sao tỏa sáng. Xu hướng quan trọng nhất có thể xuất hiện ở Mỹ thực ra không được mong chờ : đó là rệp giường ». Forbes báo động : « Paris đầy rệp giường ». The New York Times đặt câu hỏi : Paris là « kinh đô ánh sáng hay thành phố của những vết cắn » của rệp giường ? Nhật báo Anh Metro khẳng định : « Tại Pháp, có thể mọi người sẽ không bao giờ còn ngủ ngon được nữa khi tiếp tục bị một làn sóng rệp giường cắn, chích ».

Quả thực, không phải khủng bố, các vụ gây rối trật tự an ninh, hay các sự kiện thời tiết cực đoan mà là loài rệp giường nhỏ vài mm, ẩn trong giường, đệm, các đồ nội thất, ghế, thảm, màn che, quần áo, chăn màn ... chuyên hút máu, gây ngứa ngáy khó chịu thậm chí gây nhiễm trùng chỗ vết cắn, đã thu hút sự chú ý của công luận Pháp trong những ngày gần đây, nhất là bởi chúng rất khó diệt và chi phí xử lý rất tốn kém, có khi lên tới vài ngàn euro.

Nhìn lại lịch sử, theo AFP, rệp giường đã bị tiêu diệt từ những năm 1950, nhưng đã xuất hiện trở lại ở các nước phát triển từ những năm 1990 do lối sống di chuyển nhiều, mua đồ đã qua sử dụng và khả năng kháng thuốc diệt ngày càng tăng của loài rệp giường. Tại Pháp, theo một báo cáo ANSES, Cơ quan quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường và lao động, công bố hồi tháng 07/2023, từ năm 2017 đến năm 2022, 1/10 số hộ gia đình tại Pháp đã bị nhiễm rệp giường. Chi phí diệt rệp giường đã lên tới 230 triệu euro trong vòng 5 năm qua, gây ra gánh nặng tài chính lớn cho các hộ gia đình.

AFP ngày 04/10 trích dẫn chuyên gia Pascal Delaunay, nhà ký sinh trùng và côn trùng học y khoa của Bệnh viện đại học Nice, theo đó nạn rệp giường đặc biệt gây lo ngại bởi « vấn đề liên quan đến tất cả mọi người, bất kể tuổi tác, vị trí xã hội, người giàu cũng như người nghèo. Rệp giường không phải vecteur truyền bệnh, nhưng ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần ». Theo chuyên gia này, « có một thực tế khó phủ nhận. Từ 5-7 năm nay, chúng tôi thấy các ổ lây nhiễm gia tăng nhanh chóng ».

« Địa ngục » tại gia 

Các doanh nghiệp chuyên diệt rệp cũng ghi nhận là số khách hàng gần đây đã tăng. Đài RFI Pháp ngữ hôm 06/10 giới thiệu phóng sự của Victor Cariou tại một cơ sở diệt rệp ở Paris :

« Từ tuần trước, điện thoại của Victor Krief, quản lý cửa hàng Antipest, chuyên xử lý rệp giường, không ngừng đổ chuông. Victor Krief nói : « Chỉ riêng hôm nay tôi đã xử lý 4 vụ, chỉ ngay ở con phố này thôi đấy, tại quận 15. Ngày mai, riêng tôi sẽ xử lý 5 vụ, ngoài ra còn có 4 nhà thầu phụ hợp tác với tôi. Mỗi ngày tôi giao cho họ đi xử lý rệp ở 5-6 nhà. Như vậy là tổng cộng mỗi ngày chúng tôi xử lý 20-30 vụ nhiễm rệp ».

Lắng nghe khách phàn nàn, làm sạch xung quanh các cánh cửa, nệm giường, quần áo ... Mỗi lần, chi phí khách hàng phải trả dao động trong khoảng từ 250 euro đến 2.000 euro. Công ty của Victor Krief thu được món hời, nhưng không phải lúc nào ông và các kỹ thuật viên cũng thấy yên ổn trong quá trình can thiệp xử lý rệp.

Victor Krief cho biết thêm : « Đôi khi chúng tôi đến nhà khách hàng và thấy thực sự là rệp bò khắp nơi trên trần nhà. Chúng có thể rớt xuống đầu chúng tôi và trong những trường hợp này, thật không may là ở đó chúng tôi không bước đi trong một quả cầu quây kín xung quanh để tự bảo vệ mình.Vì thế, chúng tôi cũng khá sợ và phải luôn luôn chú ý, cẩn trọng. Chúng tôi cũng phải tìm cách khử trùng chính cơ thể mình. Đúng là chúng tôi cũng thường thấy sợ ».

Trước khi đi, Victor Krief dành thời gian khoác lên mình một bộ đồ bảo hộ màu trắng che kín toàn thân và che kín cả giầy. Rồi ông sẽ phải cẩn thận vứt bỏ bộ đồ bảo hộ đó nếu không muốn đến lượt chính mình bị nhiễm rệp giường ».

Tranh cãi chính trị

Loài bọ hút máu này nay không chỉ còn ẩn náu trong các ngôi nhà, căn hộ hay nhà trọ … mà thời gian qua được báo cáo xuất hiện ở nhiều nơi công cộng như rạp phim, tàu TGV, hệ thống metro ở Paris, sảnh chờ ở sân bay Roissy … Hồi tuần trước, một số trường học các cấp tại nhiều vùng trong cả nước trong những ngày qua cũng tạm thời đóng cửa vì có thông tin là một số nơi trong trường bị nhiễm rệp.

Dẫu không phải trường hợp nào cũng được xác nhận là đúng, nhưng điều này vẫn gây nhiều phản ứng trong công luận, buộc chính quyền phải vào cuộc. Ông Emmanuel Grégoire, trợ lý thứ nhất của đô trưởng Paris, Anne Hidalgo, trong thư gửi thủ tướng Elisabeth Borne coi rệp giường là một vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng, đề nghị chính phủ khẩn cấp có « một kế hoạch hành động » phòng chống rệp giường và có biện pháp tài chính hỗ trợ các gia đình bị nhiễm rệp giường.  

Thậm chí rệp giường đã trở thành đề tài chính trị gây tranh cãi gay gắt ở Hạ Viện Pháp. Cho rằng rệp giường đã đẩy hàng triệu người vào cảnh « địa ngục » mà không biết làm thế nào để thoát ra, bà Mathilde Panot, đứng đầu nhóm dân biểu của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise) tại Hạ Viện, đã đổ lỗi cho sự thụ động của chính phủ trong nhiều năm qua và gay gắt chất vấn thủ tướng Elisabeth Borne. Bài phát biểu được France Info đăng tải hôm 03/10 :

« Thưa chủ tịch Hạ Viện và thủ tướng, một làn sóng hoảng sợ đang bao trùm đất nước. Rệp giường đang sinh sôi nảy nở ở mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày, bệnh viện, trường học, nơi ở của người lao động, trung tâm dưỡng lão, nhà tù, xe lửa, thậm chí cả rạp phim. Chúng khiến hàng triệu công dân bị lây nhiễm phải khổ sở, làm họ mất ngủ, rối loạn tinh thần và cảm thấy bị cô lập về mặt xã hội.

Rệp giường là vấn đề sức khỏe cộng đồng quốc gia, nhưng quý vị (ý nói chính phủ và thủ tướng) chưa làm gì cả. Hồi năm 2017, có 200.000 nơi bị nhiễm rệp giường. Tôi đã cảnh báo, nhưng quý vị đã cười vào mặt tôi và không làm gì cả.

Năm 2019, có 540.000 địa điểm bị nhiễm rệp giường. Chúng tôi đã kiến ​​nghị, đệ trình dự thảo yêu cầu có kế hoạch khẩn cấp. Quý vị chỉ cười vào mặt tôi và rồi chẳng làm gì cả.

Đến năm 2020, số địa điểm nhiễm rệp giường lên tới 950.000. Chúng tôi đã yêu cầu chính phủ khẩn cấp hành động. Quý vị lại cười vào mặt tôi, không làm gì hết hoặc gần như là vậy. Một số điện thoại xanh và một nền tảng (liên quan đến nạn rệp giường) cũng biến mất.

Rồi vào năm 2022, có tới 1,1 triệu nơi bị nhiễm rệp. Quý vị đã hành động và nói dối về một kế hoạch liên bộ, mà chẳng có một biện pháp nào mang tính bắt buộc. Một đài quan sát về nạn rệp giường được thông báo thành lập nhưng chưa bao giờ hình thành.

Thưa bà thủ tướng, sau 6 năm, chính sự thiếu vắng hành động của chính phủ đã làm bùng nổ tình hình như hiện nay. Bà càng để lâu thì tình hình càng trở nên không thể kiểm soát nổi. Cuối cùng thì đến khi nào bà mới cấm các loại hóa chất không hiệu quả khi 90% rệp giường có khả năng kháng lại thuốc. Đến khi nào thì bà mới ngưng để các công dân tự xử lý hay phải tìm đến các công ty tư nhân vốn đòi rất nhiều tiền ?

Chúng tôi đòi hỏi phải có một cơ quan nhà nước chuyên diệt rệp giường miễn phí, hiệu quả, bảo đảm sức khỏe và môi trường. Thưa bà thủ tướng, những con bọ nhỏ này đang gieo rắc nỗi tuyệt vọng trong đất nước chúng ta. Phải chăng cần đợi đến khi điện Matignon (phủ thủ tướng Pháp) bị nhiễm rệp giường thì bà mới chịu hành động ? »

Phản bác lại người đứng đầu nhóm dân biểu của phe đối lập Nước Pháp Bất Khuất tại Hạ Viện, dù nói đến những hành động của chính phủ trong việc phòng chống rệp trong những năm qua, nhưng chính thủ tướng Borne cũng công nhận rệp giường là nỗi hoảng sợ đối với người dân Pháp, khiến họ phải chịu đựng, biến nhà họ thành địa ngục và gây tốn kém. Nhưng thủ tướng Pháp kêu gọi « không nên có sự chia rẽ về chủ đề này », « cần có quyết tâm của tập thể để hành động ».

Khi chính phủ vào cuộc

Thủ tướng Bore khẳng định chính phủ quyết tâm tiếp tục và tăng tường hành động. Bà thông báo tổ chức một cuộc họp với tất cả các bộ có liên quan để tìm ra giải pháp dài hạn về việc phát hiện sự lây nhiễm và hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng.Cuộc họp liên bộ về chống rệp giường đã diễn ra hôm 06/10, một nguồn tin chính phủ nói với Le Figaro là chính phủ đang theo dõi rất sát tình hình để có thể nhanh chóng đưa ra các giải pháp hiệu quả.

Trước đó, để trấn an công luận, bộ trưởng Giao Thông Pháp, Clément Beaune, cũng đã họp với các doanh nghiệp về giao thông. Tại cuộc họp báo sau cuộc họp nói trên, hôm 04/10, bộ trưởng Giao Thông Pháp, Clément Beaune nhấn mạnh việc yêu cầu thông tin minh bạch từ các doanh nghiệp khai thác các phương tiện giao thông :

« Tính minh bạch là then chốt, chính sự minh bạch hoàn toàn sẽ mang lại lòng tin tuyệt đối. Do đó, cứ 3 tháng 1 lần, các nhà khai thác các phương tiện chuyên chở sẽ công bố các trường hợp có báo cáo (nhiễm rệp) và các trường hợp được chứng minh (nhiễm rệp), bởi vì chúng tôi thấy rằng không phải trường hợp báo cáo nào cũng được chứng minh là bị nhiễm rệp, và thường thì không phải là nhiễm rệp.

Nhưng để tăng cường bảo vệ, thì cần phải tăng cường hành động. Do đó, tôi cũng yêu cầu các nhà điều hành các phương tiện giao thông cải thiện hơn nữa thể thức và can thiệp nhanh hơn, chẳng hạn triển khai các đội chó nghiệp vụ là cách tốt nhất để phát hiện rệp giường. Các quy trình làm sạch cũng có thể được tăng cường và cải thiện. Chúng tôi rất coi trọng chủ đề này.

Một lần nữa xin nhắc lại là chúng ta không nên để rơi vào tình trạng hoảng loạn. Nạn rệp giường chưa tái phát mạnh, nhưng chúng ta phải đáp ứng trước mối quan tâm thực sự. Đối với những người bị ảnh hưởng trong cuộc sống hàng ngày, điều này đã xảy ra với nhiều người Pháp, thì rệp giường là địa ngục. Chính vì thế, chúng ta phải xử lý vấn đề một cách có phương pháp, nghiêm túc. Chính sự minh bạch và thông tin là những điều cần thiết. »

Vấn đề không phải của riêng nước Pháp

Theo trang mạng BFM TV ngày 06/10, các nước láng giềng của Pháp, như Đức, Ý, Tây Ban Nha … trong thời gian qua từ chế giễu nước Pháp đã chuyển sang lo ngại việc rệp giường « xuyên biên giới ». Thế nhưng, rệp giường liệu có phải là vấn nạn riêng của nước Pháp ? David Cain, nhà vi khuẩn học và người sáng lập doanh nghiệp Bed Bugs Ltd, trả lời kênh truyền thông SkyNews của Anh : « Tôi nghĩ rằng vấn đề ở Luân Đôn có thể cũng giống như ở Paris hiện giờ ».

Nhìn sang Bỉ, nhật báo Pháp ngữ La Libre cũng dẫn lời nhà côn trùng học Anne-Catherine Mailleux, nói đến « một vấn đề tương tự » như ở láng giềng Pháp : « Đó là một vấn đề tại Bỉ, nhưng đó là một vấn đề được giấu tương đối kỹ ở đất nước chúng ta. Chúng ta che giấu giỏi hơn nước Pháp ». Hai nơi được chuyên gia này nêu đích danh là thành phố Anvers và thủ đô Bruxelles.

Còn tại Đức, rệp giường cũng được đưa lên trang nhất báo Frankfuter Allgemeine, theo đó rệp giường « cũng đang lây lan ở Đức » và Paris không phải một trường hợp cá biệt tại Tây Âu. Liên quan đến Thụy Sĩ, nhật báo Le Temps tiết lộ nỗi lo ngại về rệp giường đã xuất hiện từ lâu trước cả khi truyền thông Pháp rầm rộ nói về vấn đề này.

National Geographic lưu ý toàn châu Âu có thể sẽ bị rệp giường tấn công giống như hồi Đệ Nhị Thế Chiến. Nếu thực sự rệp giường lây lan ở Pháp, thì sẽ có thể lan rộng ra các nước láng giềng, bởi các chuyến đi xuyên biên giới của hành khách. Rệp trú ẩn trong vali hành lý, khi khách nghỉ qua đêm ở khách sạn, nhà trọ và cứ thế theo hành trình của mọi người cho đến khi họ trở về chính ngôi nhà của mình. Theo BFMTV, hồi năm 2022 có 44 triệu khách du lịch đã đến Paris. Các du khách ngoại quốc có thể mang rệp từ Paris về nhà hoặc ngược lại, cũng có khả năng là chính họ đã mang rệp đến Paris.

Chính những điều kể trên đã làm tăng mối đe dọa trong dịp Thế Vận Hội Paris 2024, khi có hơn 15 triệu cổ động viên được dự báo đến Pháp tham dự sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. BMFTV nhắc lại là hồi năm 2012, tại Thế Vận Hội Luân Đôn, nhiều khách du lịch đã phàn nàn về loài bọ hút máu này. Để đối phó với nguy cơ kể trên, bộ trưởng Giao Thông Pháp Clément Beaune hôm 03/10 đã thông báo sẽ tổ chức một chiến dịch quy mô lớn về phòng chống rệp, cọ rửa vệ sinh các hệ thống tàu lửa, metro và tàu điện tramway, nhất là ở Paris và vùng phụ cận vào mùa xuân năm tới, trước khi diễn ra Thế Vận Hội Mùa Hè Paris 2024.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.