Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Hệ lụy nếu Pháp hủy bỏ AME - trợ cấp y tế Nhà nước - cho người nhập cư trái phép

Đăng ngày:

Ngày 07/11/2023, Thượng Viện Pháp, với đa số thuộc cánh hữu, trong khuôn khổ dự luật mới về nhập cư, đã thông qua việc hủy bỏ trợ cấp y tế Nhà nước cho người nhập cư bất hợp pháp (AME), thay thế vào đó là AMU - trợ cấp y tế khẩn cấp. Dù còn phải được Hạ Viện thông qua thì mới có hiệu lực, nhưng việc dự luật được thông qua ở Thượng Viện, đã gây nhiều phản ứng gay gắt từ các tổ chức bảo vệ nhân quyền và ngay trong giới y tế Pháp.

(Ảnh minh họa) - Một y tá lắp máy trợ thở cho bệnh nhân, tại bệnh viện Timone, Marseille, miền nam Pháp, ngày 12/11/2020.
(Ảnh minh họa) - Một y tá lắp máy trợ thở cho bệnh nhân, tại bệnh viện Timone, Marseille, miền nam Pháp, ngày 12/11/2020. AP - Daniel Cole
Quảng cáo

Mục đích nhân đạo và phòng bệnh

Trong phiên thảo luận, được trang web của Thượng Viện ngày 07/11 đăng tải, nghị sĩ đảng Xanh, Yannick Jadot, bức xúc nói : «Chúng ta không thể đột ngột đùa giỡn với sức khỏe của người dân Pháp. Sau Covid, một dịch bệnh nghiêm trọng, làm sao chúng ta có thể để mặc mọi người trong cảnh không được chăm sóc, không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế và rất có thể trở thành kênh truyền bệnh giữa họ với nhau, hay từ họ sang gia đình và cho cả người dân Pháp.

Không thể bỗng dưng để lợi ích chính trị của các đảng phái và tham vọng cá nhân gây phương hại đến lợi ích chung. Chúng ta hãy quan tâm chú ý đến sức khỏe của người dân Pháp và người nước ngoài, và chúng ta hãy từ bỏ ý định xóa bỏ trợ cấp y tế Nhà nước AME».

Bộ trưởng Firmin Le Bodo, chuyên trách Tổ chức lãnh thổ và các ngành nghề y tế, trước Nghị Viện đã nhấn mạnh là luật hành động xã hội và gia đình quy định AME là một phương tiện y tế công, vận hành bảo đảm 3 yếu tố : tình nhân ái, y tế và kinh tế, nên không thể đưa ra xem xét trong khuôn khổ cải tổ luật kiểm soát di dân.

Tạm gạt sang một bên các yếu tố chính trị, trên thực tế, AME - Aide Médicale d’Etat - là trợ cấp y tế của Nhà nước Pháp dành cho người nhập cư bất hợp pháp, chưa có thẻ cư trú, không phải người xin tị nạn, đã sống liên tục hơn 3 tháng trên lãnh thổ Pháp, có thu nhập dưới ngưỡng quy định. Chẳng hạn, theo trang Dịch vụ công của chính phủ Pháp, nếu chỉ có một mình và đang ở Pháp lục địa, để được hưởng chế độ trợ cấp y tế AME thì thu nhập tối đa của người đó phải ở mức dưới 9719 euro/năm. Tuy nhiên, chế độ trợ cấp AME không được áp dụng ở lãnh thổ hải ngoại Mayotte của Pháp.

AME có giá trị trong vòng 1 năm. Hết thời hạn đó, họ phải xin gia hạn. Riêng trẻ vị thành viên thì không cần đáp ứng điều kiện sống liên tục tại Pháp trên 3 tháng. Khi một người đã được cấp AME thì người vợ/chồng, người ký hợp đồng chung sống PACSE, con dưới 16 tuổi hoặc con từ 16 đến 20 tuổi nhưng còn đang đi học, đều được hưởng chung chế độ.

Về cơ bản, AME cho phép người thụ hưởng được miễn 100% phí khám chữa bệnh, mua thuốc men và nằm viện theo mức thông thường theo quy định của Bảo hiểm y tế. Nếu chi phí khám bệnh vượt mức quy ước thì họ phải tự chi trả phần vượt mức đó, có thể là rất cao. Một số chi phí như hỗ trợ sinh sản bằng can thiệp y khoa (điều trị vô sinh, hiếm muộn), trị liệu bằng nước khoáng nóng, những loại thuốc hiệu quả điều trị thấp … thì không được Nhà nước chi trả.

AME bị chỉ trích chệch hướng

Nhìn lại lịch sử, chế độ trợ cấp y tế Nhà nước AME dành cho người nước ngoài sống bất hợp pháp tại Pháp được triển khai từ năm 1999-2000, dưới thời thủ tướng Lionel Jospin, thuộc đảng Xã Hội, chủ yếu vì mục đích nhân đạo và dự phòng dịch bệnh lây lan từ người nhập cư sang cộng đồng. Thế nhưng, trong suốt hơn 20 năm tồn tại, AME đã chịu nhiều chỉ trích từ cánh hữu và cực hữu là gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước hàng tỉ euro/năm.

Về điều này, trên trang mạng đài France Info ngày 08/11, kinh tế gia Paul Dourgnon, giám đốc nghiên cứu của Viện nghiên cứu Kinh tế Y tế (IRDES) giải thích : «Số tiền này hiện là khoảng 1,2 tỷ euro (một năm). Về giá trị tuyệt đối, con số này không lớn, chỉ chiếm 0,5% tổng số chi mà Nhà nước phân bổ cho y tế hàng năm, nhưng con số này tăng đều đặn khoảng 5% mỗi năm. Mức tăng này tỷ lệ thuận với số người thụ hưởng chế độ, nay là 400.000 người. Con số này không phải là không đáng kể, nhưng cho đến thời điểm này thì không gây nguy cơ làm thâm hụt ngân sách an sinh xã hội ».

Một chỉ trích khác là chính sách nhân đạo, hào phóng của chính quyền Pháp đã bị những người nhập cư lạm dụng. Nhiều người cho rằng AME đã chệch hướng, thậm chí làm giảm cơ hội được khám chữa bệnh của chính người dân Pháp và cổ súy người nước ngoài nhập cư trái phép vào Pháp. Chính vì thế mà lần này, nhân dự luật mới về nhập cư của chính phủ được đệ trình lên Thượng Viện, nhóm dân biểu cánh hữu chiếm đa số đã lồng vào đó việc xóa bỏ chế độ trợ cấp y tế AME cho người nhập cư trái phép.

Về phía chính quyền, trước Thượng Viện, bộ trưởng Agnès Firmin Le Bodo khẳng định : « Bản thân AME không phải là một yếu tố thu hút người nước ngoài đến Pháp. Đó cũng không phải là yếu tố hàng đầu cổ súy du lịch y tế như thi thoảng mọi người vẫn nói. Trên thực tế, 50% số người có quyền được hưởng AME đã không làm thủ tục để hưởng chế độ. Cũng có thể nói rằng đa phần những người hưởng trợ cấp AME được chi trả tiền khám chữa các bệnh cấp tính, tức là không phải các bệnh mà họ mắc từ trước và không khai báo khi đến Pháp. Chính vì thế, tôi xin nhắc lại là lồng ghép trợ cấp y tế AME vào cuộc thảo luận về kiểm soát nhập cư là điều vô nghĩa.

(…) Hồi năm 2019, chúng tôi đã cải cách AME, thay đổi định mức và phạm vi chi trả. Nhờ đó đã có những tiến triển và nay, AME đã được đưa vào quy củ, hạn chế được những sự chệch hướng nghiêm trọng, chẳng hạn sự lạm dụng những dịch vụ không phải là để chữa trị bệnh tật mà thi thoảng vẫn bị mọi người nhắc tới. Việc chi trả là do bảo hiểm y tế quản lý, nên tỉ lệ kiểm tra giám sát cũng cao hơn ». 

Thế nhưng, rốt cuộc, với kết quả 200 phiếu thuận và 136 phiếu chống, Thượng Viện Pháp đã thông qua việc hủy bỏ AME và thay thế bằng AMU - trợ cấp y tế khẩn cấp, siết chặt hơn chế độ trợ cấp, theo đó người thụ hưởng AMU chỉ được miễn những chi phí khám thai kỳ, tiêm chủng, chi phí kiểm tra y tế dự phòng, khám chữa cơn đau cấp, bệnh hiểm nghèo. Ngay lập tức, việc thông qua dự luật đã bị cánh tả, giới bảo vệ nhân quyền và nhiều y bác sĩ chỉ trích là « sai lầm », « đáng xấu hổ », « đi ngược lại các giá trị của nước Pháp »

Phong trào bất tuân” trong giới y bác sĩ

Ngày 11/11/2023, 3500 bác sĩ làm việc hưởng lương hoặc hành nghề tự do đã ký tên vào một diễn đàn, cam đoan sẽ tham gia phong trào « bất tuân » : « Là bác sĩ, tôi tuyên bố sẽ tiếp tục chăm sóc miễn phí cho bệnh nhân không giấy tờ theo nhu cầu của họ, phù hợp với Lời thề Hyppocrate mà tôi đã tuyên thệ (…) Tôi sẽ không xét theo điều kiện xã hội, tài chính, hay ngôn ngữ và quốc tịch của họ ». Các bác sĩ gọi dự luật hủy bỏ chế độ AME mà Thượng Viện vừa thông qua là một « tội lỗi về đạo đức »« sai lầm về y tế ».   

Trên đài RFI Pháp ngữ ngày 12/11/2023, giáo sư Frédéric Adnet, trưởng một khoa tại Cơ quan điều phối cấp cứu SAMU tại Paris giải thích thêm:

« Là bác sĩ, trước hết chúng tôi sẽ tôn trọng lời thề Hippocrate, theo đó chúng tôi phải chăm sóc cho mọi bệnh nhân không phân biệt thu nhập, chủng tộc và địa vị xã hội của họ. Đó là phần đầu tiên của lời thề Hippocrate. Cần nhắc lại là các bác sĩ làm việc là để chăm sóc mọi người và nhất là không được phân biệt đối xử với bệnh nhân theo đẳng cấp xã hội của họ. Việc loại bỏ trợ cấp này là vô đạo đức và cũng không đóng góp được gì cho sức khỏe cộng đồng.

Chúng tôi biết rằng những bệnh nhân này thường mang các bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn bệnh lao phổi, nên nếu chúng tôi không nhanh chóng chữa trị những căn bệnh đó thì thứ nhất là sẽ có nguy cơ bệnh lây lan rộng, và thứ hai là khi bệnh đã nặng hơn, việc chữa trị khi đó sẽ tốn kém hơn rất nhiều cho xã hội so với các hoạt động y tế dự phòng và việc chữa trị cho họ hay từ giai đoạn đầu của bệnh ».

Đối với nhiều người, việc thay thế AME bằng AMU hạn chế khả năng được khám chữa bệnh của người nước ngoài không có giấy tờ hợp lệ, kéo theo đó là nhiều hệ lụy cho hệ thống y tế Pháp, vốn đã quá tải, nhất là ở khoa cấp cứu của các bệnh viện công.

Bộ trưởng chuyên trách Tổ chức lãnh thổ và các ngành nghề y tế, Agnès Firmin Le Bodo, cũng lưu ý :

« Chuyển đổi từ AME thành AMU không đơn giản chỉ là sự thay đổi mà còn kéo theo những nguy cơ thực sự cho hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân. Tất cả chúng ta phải cùng có ý thức về những rủi ro, nguy cơ này. Trước tiên, về mặt y tế, có một nguyên tắc khá cơ bản mà chúng ta đều biết : đó là phòng bệnh hơn chữa bệnh, hay nói cách khác, tốt hơn là nên chữa trị từ khi bệnh còn nhẹ, trước khi bệnh trở nặng và thậm chí là từ trước khi mầm bệnh lây lan. Làm như vậy sẽ giảm bớt được các nguy cơ, trước tiên là đối với chính người bệnh, sau đó là đối với toàn thể cộng đồng.

Chuyển đổi từ AME thành AMU tức là có nguy cơ làm tăng mạnh sức ép đối với hệ thống bệnh viện và dịch vụ cấp cứu của chúng (…) Trên thực tế, các bệnh nhân đến khoa cấp cứu có nhiều cơ hội được khám chữa hơn. Hệ quả là chi phí cho hệ thống y tế sẽ tăng, bởi vì chi phí khám chữa bệnh ở bệnh viện cao hơn so với chi phí ở các phòng khám nhỏ thông thường ».

Để thể hiện nỗ lực hợp tác nhằm duy trì chế độ trợ cấp Nhà nước AME cho người nhập cư trái phép tại Pháp, chính phủ đã lập một nhóm công tác đánh giá lại để xem có cần điều chỉnh tiếp chế độ AME hay không. Báo cáo được công bố vào 04/12 đánh giá về tổng thể, AME đã được kiểm soát nhưng vẫn cần có thêm những điều chỉnh.

Về phía Hạ Viện, hôm 29/11, ủy ban pháp luật đã tạm thời bác bỏ biện pháp thay thế trợ cấp y tế nhà nước cho người nhập cư trái phép bằng trợ cấp y tế khẩn cấp đã được Thượng Viện thông qua. Trong khi chờ đợi phiên họp toàn thể của Hạ Viện để dự luật chính thức được thông qua và có hiệu lực, báo thiên hữu Le Figaro nhận định cuộc đấu vẫn chưa khép lại, bởi cả đảng cánh hữu và cực hữu đều có thể sẽ đề xuất những sửa đổi mới để thuyết phục Hạ Viện khai tử AME.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.