Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Thế Vận Hội Paris 2024 sẽ để lại cho nước Pháp những hạ tầng thể thao nào ?

Đăng ngày:

Trong bảy tháng nữa, Paris sẽ tổ chức Thế Vận Hội Olympic và Paralympic 2024, từ ngày 26-07-11/08 và nước Pháp đã chi hàng tỷ đô la để xây dựng các cơ sở hạ tầng thể thao, phục vụ cho sự kiện này. Liệu “hiệu ứng Olympic” có làm thay đổi diện mạo của nước chủ nhà, nhất là về mặt cơ sở vật chất thể thao ?  

En 2022 à Saint-Denis, sur le chantier du futur village des athlètes des JO de 2024.
Công trình xây dựng làng thể thao cho dịp Thế Vận Hội Paris 2024, tại Saint-Denis, Pháp, ngày 13/02/2023. © AFP/Anne-Christine Poujoulat
Quảng cáo

Để tổ chức một sự kiện thể thao quốc tế như Thế Vận Hội Olympic, nước Pháp không chỉ mất nhiều năm để chuẩn bị mà còn phải chi ra một khoản tiền lớn – theo ban tổ chức – hơn 8 tỷ euro, liên quan đến việc lên kế hoạch, xây dựng, chuẩn bị các địa điểm, tổ chức các cuộc thi đấu, tiếp đón các phái đoàn, chỗ ở và chuyên chở vận động viên, an ninh, lễ khai mạc và lễ bế mạc…     

Với 41 địa điểm thi đấu, Paris muốn tận dụng các cơ sở có sẵn để tiết kiệm chi phí, ví dụ sân vận động Stade de France, Rolland Garros,…Một số khu vực được tân trang lại, chẳng hạn như khu leo núi nhân tạo ở Bourget, sân vận động Yves du Manoir hay Marina de Marseille. Ngoài những khu vực được bố trí tạm thời, Pháp cũng cho xây dựng một số sân vận động để phục vụ riêng cho kỳ Thế Vận Hội này. Ví dụ, sân vận động l'Arena de la Porte de la Chapelle (Adidas Arena), được xây dựng để tổ chức các môn thi đấu như cầu lông, thể dục nhịp điệu, có sức chưa lên đến 8000 người. Trung tâm thể thao dưới nước Saint-Denis, được coi là công trình đắt đỏ nhất với chi phi phí xây dựng lên đến 174 triệu euro, sẽ là nơi tổ chức các môn như bơi nghệ thuật, lặn, và bóng nước. Thêm vào đó là khu “làng thể thao” được xây dựng trên 52 héc ta, ở vùng Saint-Denis, để tiếp đón hơn 20 000 vận động viên và phái đoàn thể thao của các nước.    

Trang mạng của chính phủ Pháp khẳng định rằng Thế Vận Hội kết thúc ngày 08/09/2024 nhưng những gì mà sự kiện để lại sẽ không biến mất khỏi cảnh quan của vùng Ile de France, đặc biệt là ở Seine-Saint-Denis khu vực được hưởng lợi nhiều nhất từ các hạ tầng thể thao. Các hạ tầng đắt đỏ này “sẽ không bị bỏ quên, sau khi sự kiện mà sẽ hữu dụng, phục vụ người dân Pháp”.    

Khu “làng thể thao” sẽ trở thành khu căn hộ sinh thái, các văn phòng và đặc biệt là hơn 4000 căn hộ, mà trong đó 40 % là nhà ở xã hội. Chủ tịch ủy ban tổ chức Thế Vận Hội và Paralympic 2024, Tony Estanguet trả lời đài phát thanh France Bleu, nhận định rằng “các công trình được xây dựng, trên hết là theo nhu cầu của khu vực đó. Chúng tôi đã chọn Saint-Seine-Denis là khu vực được hưởng lợi nhiều nhất từ sự kiện thể thao này. Ngoài 4000 căn hộ, còn có các thiết bị thể thao, khu leo núi nhân tạo, trung tâm bơi lội Olympic, ngay đối diện Stade de France. Chúng tôi thấy rất quan trọng để hỗ trợ khu vực này, nơi tổ chức một phần tư các môn thi đấu và được hưởng lợi khoảng 70 % các công trình được xây dựng trong Thế Vận Hội.”    

Trên khắp nước Pháp, khoảng 5500 sân chơi thể thao cũng đã được xây dựng. Đối với Île-de-France, hứa hẹn làm sạch sông Seine và sông Marne đạt tiêu chuẩn bơi lội, nếu được thực hiện, sẽ là một trong những thành quả quan trọng từ Thế Vận Hội Paris 2024 đối với công chúng, cũng như hạ tầng giao thông được xây dựng cho người đi bộ, và xe đạp, với làn đường dành riêng cho xe đạp dài 415 km.   

Ngoài ra, Pháp cũng cam kết khiến cuộc sống của người khuyết tật trở nên dễ dàng hơn. Trong khuôn khổ Thế Vận Hội Paralympic, lần đầu được tổ chức ở Paris, dự trù tiếp đón hơn 350 000 du khách khuyết tật và hơn 4400 vận động viên, chính phủ Pháp cho biết đã triển khai hơn 300 triệu euro để cải thiện khả năng tiếp cận của người khuyết tật đến các địa điểm công cộng, cửa hàng, giao thông…  

Thể thao gắn với hình ảnh Paris cổ kính

Thế Vận Hội cũng được cho là sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh nước Pháp, thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng khách du lịch sẽ tránh đến Paris vào mùa hè tới vì kinh đô ánh sáng sẽ trong tình trạng quá tải với Thế Vận Hội. Trên RFI Pháp Ngữ, bà Marie Barsacq, giám đốc ủy ban “Impact et Héritage de Paris 2024”, thì lại nhận định rằng “sau mỗi kỳ Thế Vận Hội đều tạo ra một sức hút du lịch những năm sau đó, chẳng hạn như ở Luân Đôn hay Rio. Với những cơ sở thể thao mà chúng tôi đã xây dựng hay cải tạo lại,…sẽ vẽ ra một hình ảnh Paris hiện đại cho công chúng quốc tế. Paris vốn được coi là một đô thị cổ xưa, với những bảo tàng lâu năm bụi bặm, những hạ tầng thể thao đặt cạnh những công trình kiến trúc nổi tiếng của Paris, sẽ khiến thủ đô Pháp trở nên thu hút hơn”.   

Nếu như ban tổ chức hứa hẹn, trong một báo cáo về “di sản của Thế Vận Hội Paris 2024”rằng tất cả các công trình được xây dựng trong khuôn khổ này là “có ích” và “bền vững” thì cần phải đợi ít nhất 7 năm sau đó mới có thể đánh giá được, theo như nhận định của nhà xã hội học Hugo Bourbilleres trên báo Ouest-France.     

Nhìn lại di sản của các kỳ Thế Vận Hội trước đó, đặc biệt là Thế Vận Hội 2012 ở Luân Đôn, các hạ tầng được xây dựng phục vụ Olympic đã thay đổi diện mạo của cả một khu phố Stradford của thủ đô Anh. Cầu trượt vòng xoắn màu đỏ Orbit, dài 178 mét, được coi biểu tượng của sự kiện, đã trở thành một địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch. Khu phức hợp thể thao trở thành một địa điểm tản bộ yêu thích của nhiều người, sân vận động Olympic trở thành trụ sở của CLB West Ham. Làng thể thao được chuyển thành nơi cư trú của 6000 cư dân với nhiều cửa hàng quán ăn, quán cà phê xung quanh. Báo Le Monde đặt câu hỏi liệu đây có thể được coi là một “hình mẫu” mà Paris có thể noi theo, khi cải tạo khu Saint-Seine-Denis ?    

Tại Thế Vận Hội mùa hè Barcelone ở láng giềng Tây Ban Nha năm 1992, sự kiện này được cho là đã thành công khiến nền kinh tế địa phương trở nên năng động hơn, biến đổi diện mạo của đô thị với nhiều bãi biển nhân tạo được xây dựng. Hầu như tất cả các hạ tầng phục vụ Thế Vận Hội đều được chuyển đổi mục đích sử dụng. Còn tại Pháp, như Thế Vận Hội mùa đông Albertville vào năm 1992. Sự kiện này đã làm hiện đại hóa các khu trượt tuyết, cải thiện hệ thống giao thông trong vùng cũng như khiến khu vực này trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn vào mùa đông. 

Chi phí khổng lồ nhưng lại bị "bỏ hoang" ?

Tuy nhiên, nói đến những gì mà Olympic mang lại cho nước chủ nhà thường là chủ đề gây tranh cãi. Trong bài đăng trên The Conversation, Pierre-Olaf Schut, giảng viên về môn khoa học thể thao tại trường đại học Université Paris-Est Créteil Val de Marne (UPEC) cho rằng, “những gì mà sự kiện thể thao lớn để lại, từ lâu, thường tập trung vào các hạ tầng thể thao, nhưng lại không cân xứng với nhu cầu của địa phương, tại Albertville đó là đường trượt băng ở La Plagne, hay hội trường Olympic ở Albertville, dù nhiều dự án cải tạo cách sử dụng được đưa ra, nhưng vô ích. Olympic cũng là một món nợ. 5 năm sau lễ bế mạc, Nhà nước Pháp vẫn phải trả số số lên đến 28 triệu franc (5,41 triệu euro)”.     

Thành phố Albertville cũng từ chối tổ chức nghi thức rước đuốc Olympic vì chi phí quá cao, lên đến 180 000 euro cho “một buổi chiều, chỉ để truyền lửa từ vùng Haute-Savoie đến Grenoble”.    

Về Thế Vận Hội ở Luân Đôn, ban tổ chức khẳng định đã thành công đạt mục tiêu “bền vững”, nhưng lại bỏ quên lời hứa “khu nhà có giá cả phải chăng”, khi chuyển đổi làng thể thao thành các khu chung cư “cao cấp” ở Stradford. Giá thuê nhà ở khu phố từng được coi là bình dân lại ở cao ngất ngưởng, khoảng 3500 euro cho một căn hộ 50 m2, theo ghi nhận từ France Info. Và không thể không nhắc đến những hình ảnh gây bàng hoàng dư luận về các hạ tầng thể thao ở Rio de Janeiro, Brazil, “trở thành những khu đất bỏ hoang” dù đã phải chi một khoản khổng lồ cho xây dựng. Một số sân vận động không được bảo trì, bị rò nước, phải đóng cửa.     

Còn bảy tháng nữa là Thế Vận Hội Paris 2024 diễn ra, nhưng Pháp hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tổ chức một trong những sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, đặc biệt là về vấn đề an ninh, giao thông hay nhà ở khi phải tiếp đón hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới.    

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.