Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp: Dự luật về trợ tử gây nhiều tranh cãi

Đăng ngày:

Đối với những người bị bệnh quá nặng, vô phương cứu chữa, mà phải chịu đau đớn cùng cực, có nên giúp họ kết liễu cuộc sống để được ra đi một cách êm ái? Đây là câu hỏi đang gây nhiều tranh cãi, nếu không muốn nói là gây chia rẽ xã hội Pháp, kể từ khi tổng thống Emmanuel Macron thông báo sẽ đề nghị một dự luật về trợ tử. 

French President Emmanuel Macron poses with the document on the end-of-life options after a panel of citizens worked the issue in recent months, Monday, April 3, 2023 at the Elysee Palace in Paris.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cầm trên tay tài liệu tổng hợp ý kiến của các đại diện công dân về vấn đề trợ tử. Điện Elysée, Paris, Pháp, 03/04/2023. AP - Aurelien Morissard
Quảng cáo

 

Tổng thống Macron đã thông báo như trên vào tháng 04/2023, sau khi nhận báo cáo của Hội nghị công dân về vấn đề trợ tử. Từ tháng 12/2022, 184 công dân Pháp, được tuyển chọn qua rút thăm, đã thảo luận với nhau trong suốt mấy tháng về vấn đề này. Đến đầu tháng 4/2023, họ đã đi đến những kết luận, đa số ủng hộ trợ tử tích cực, nhưng kèm theo nhiều điều kiện quan trọng. 

Tuy nhiên, ngay sau khi tổng thống Macron thông báo sẽ sửa đổi luật hiện hành về chăm sóc cận tử, hàng trăm người đã xuống đường ở một số thành phố của Pháp, đặc biệt là tại Paris, để phản đối dự luật mới, vì họ muốn bảo vệ “một xã hội mà trong đó những người dễ bị tổn thương nhất không bị đe dọa bởi trợ tử tích cực". 

Do đây là một vấn đề quá nhạy cảm, chính phủ Pháp đã nhiều lần hoãn lại việc đệ trình dự luật. Dự luật theo lẽ đã được đệ trình từ mùa hè năm ngoái, nhưng cuối cùng thời điểm được dời cho đến tháng 2 tới. 

Hiện giờ tại Pháp, chiếu theo một đạo luật năm 2016, luật Claeys-Leonetti,đối với những bệnh nhân cận tử bị những cơn đau đớn không thể chịu đựng nổi, các bác sĩ y tá có quyền tiêm thuốc cho họ ngủ một giấc ngủ thật sâu và liên tục cho đến khi chết. Nhưng luật vẫn chưa cho phép trợ giúp cho việc tự tử ( bệnh nhân tự tiêm thuốc độc vào mình ) hoặc cho việc trợ tử ( bác sĩ y tá tiêm thuốc cho bệnh nhân ). 

Trong lúc vấn đề trợ tử gây tranh cãi ngày càng gay gắt ở Pháp, vào giữa tháng 12 vừa qua, nữ danh ca Françoise Hardy, nổi tiếng với những ca khúc như Tous les garçons et les filles, Comment te dire adieu, năm nay gần 80 tuổi, khi trả lời phỏng vấn tạp chí Paris Match, đã khẩn thiết yêu cầu cho bà được “ra đi sớm và một cách nhanh chóng”, sau nhiều năm chịu đau đớn triền miên với căn bệnh ung thư vòm họng.

Năm nay 94 tuổi, nữ diễn viên nổi tiếng Line Renaud, trên đài truyền hình France 2 vào tháng 04/2021 cũng đã từng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc trợ tử: 

“ Chúng ta có quyền chọn lựa cuộc sống. Cũng phải cho chúng ta quyền được chọn cái chết. Tôi không chấp nhận phải sống trong đau đớn cùng cực nếu biết rằng cái chết đang cận kề. Cần gì phải kéo dài cuộc sống trong đau đớn. 

Bản thân tôi đã từng trải nghiệm những điều đó, qua cái chết của mẹ tôi, của Loulou, chồng tôi, của rất nhiều bệnh nhân SIDA mà trong đó có một số người đã tự tử. 

Tôi đã từng nói với mẹ tôi: “ Mẹ thật can đảm chịu đựng”.  Mẹ tôi trả lời: “ Mẹ có thể làm gì khác hơn ngoài việc nằm chờ chết!”. Trong khi thật dễ mà giúp cho bà ấy được chết. Khi chúng ta biết rõ là không còn hy vọng gì nữa, tại sao cứ phải cố duy trì cái sống?”

Nhưng ngay cả trong giới y tế, nhiều y tá, bác sĩ cũng không đồng tình với một số điểm trong dự luật về trợ tử, mà nội dung đã được báo chí Pháp tiết lộ gần đây. Ngày 18/12 vừa qua, khoảng hai mươi công đoàn và tổ chức của nhân viên y tế đã bày tỏ thái độ bất bình về cách thức mà chính phủ tham khảo ý kiến của họ dự luật về trợ tử. Họ cũng chỉ trích nội dung dự luật tạm thời mà tờ Le Figaro tiết lộ, bởi vì theo văn bản, bác sĩ là người duy nhất lãnh trách nhiệm chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của bệnh nhân được trợ tử.  

Về phía những người ủng hộ việc sửa đổi luật, bác sĩ Denis Labayle, đồng chủ tịch hiệp hội Le Choix ( Sự chọn lựa ), trả lời RFI Pháp ngữ ngày 03/10/2023, cho biết: 

“Chính các bệnh nhân đã giúp tôi hiểu điều đó, vì họ có những yêu cầu rất khác biệt nhau nếu chúng ta biết lắng nghe họ. Có những người muốn được chăm sóc giảm nhẹ ở bệnh viện, vì họ cảm thấy thoải mái bên cạnh các bác sĩ, y tá, hộ lý, những cũng có những người muốn được ra đi nhanh chóng.   

Tại sao có những chọn lựa khác biệt như vậy? Thật ra có một vấn đề căn bản mà chúng ta ít khi nào đề cập đến, đó là trong những trường hợp bệnh nan y, khi không có thể chữa trị được nữa, bây giờ chỉ chăm sóc giảm nhẹ, mỗi người có một sự lựa chọn. Có những người muốn kéo dài cuộc sống bằng mọi giá, có những người muốn bảo vệ quyền chống lại sự đau đớn.

Thường là do quan điểm tôn giáo mà chúng ta chọn con đường này hay con đường kia. Toàn bộ các tôn giáo độc thần đều chủ trương duy trì sự sống bằng mọi giá. Đó là quyền của họ, chúng ta phải tôn trọng. Nhưng cũng có rất nhiều người không tín ngưỡng hoặc không tin vào một điều huyền bí nào đó thì nói: ‘Không, tôi không muốn chịu đựng đau đớn, tôi muốn ra đi thanh thản trong vòng tay của những người thân’ ”.

Bác sĩ Denis Labayle càng có lý do để ủng hộ một luật mới, bởi vì theo ông, luật hiện hành, tên chính thức là "Luật về các quyền của bệnh nhân cận tử", có quá nhiều hạn chế nghiêm ngặt:  

“ Mang tên như vậy, văn bản luật được xem là có thể giúp giải quyết nhiều yêu cầu, tức là gây ngủ sâu liên tục cho đến khi bệnh nhân qua đời. Vấn đề là khi đọc kỹ luật này và khi đọc nghị định hướng dẫn thi hành luật do Cơ quan Y tế Cao cấp soạn thảo, dựa theo ý kiến của Hội Chăm sóc giảm nhẹ của Pháp, chúng ta lại phát hiện những điều khác, chẳng hạn như vấn đề về phương pháp, mà một số bác sĩ không chấp nhận được.

Từ 15 năm nay, luật Claeys-Leonetti vẫn yêu cầu là không tiếp nước cho bệnh nhân cận tử, trong khi tôi vẫn được học là phải luôn tiếp nước cho bệnh nhân, cho dù dĩ nhiên là không thể ép họ ăn uống. Những người tuyệt thực vẫn uống nước, vì họ biết là cơ thể thiếu nước thì sẽ rất đau đớn.

Điểm thứ hai, các hướng dẫn điều trị là theo từng bước rất chậm khiến cho cơn hấp hối của bệnh nhân kéo dài quá lâu. Anh tôi đã qua đời tháng 01/2021 và đã hấp hối suốt một tháng ở khoa chăm sóc giảm nhẹ, một tháng thật kinh khủng đối với ông ấy và đối với cả gia đình. Một điểm khác trong luật mà chúng tôi không đồng ý, đó là nó rất hạn hẹp, tức là phải đợi đến giai đoạn tột cùng, phải đợi đến khi bệnh nhân đau đớn cùng cực không thể giảm nhẹ được nữa, thì mới có thể yêu cầu trợ tử. Nhưng sự đau đớn cùng cực ấy phải được tính từ khi nào? Tôi đã chọn nghề bác sĩ chính là để giúp cho bệnh nhân không đau đớn, chứ không phải đợi đến khi thuốc giảm đau không còn hiệu nghiệm nữa thì mới hành động.”

Giới tôn giáo dĩ nhiên không chấp nhận một dự luật mới về trợ tử. Hội đồng Giám mục Pháp vào tháng 12 vừa qua đã mời gọi các giáo xứ đọc một bài cầu nguyện đặc biệt trong thánh lễ đêm Giáng Sinh “ để soi sáng tâm trí những người soạn thảo và biểu quyết dự luật”. Trong một bài viết đăng trên tờ Le Figaro, phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Vincent Jordy đã cảnh báo: “ Một đạo luật như vậy sẽ là một sự đảo lộn đối với nền văn minh của chúng ta, vốn dựa trên nguyên tắc căn bản: “ Chớ giết người”. Còn Liên Hội Tin Lành Pháp ngay từ tháng 4 năm ngoái đã công bố ý kiến của họ, nhấn mạnh là nhiều tín đồ Tin Lành, đủ mọi hệ phái, không đồng ý ghi vào luật bất cứ điều nào cho phép kết thúc cuộc sống của một người khác. 

Về phần giới chính trị, trong khi bên phía cánh tả, đa số ủng hộ trợ tử với một số điều kiện, thì cánh hữu và cánh cực hữu chống dự luật mới về vấn đề này, trong khi phe đa số của tổng thống Macron thì có một số bất đồng nội bộ.

Trả lời RFI Pháp ngữ, bác sĩ Denis Labayle tóm lược những tranh cãi tại Pháp chung quanh luật dự trợ tử: 

“Thật sự là ở Pháp có ba quyền lực rất mạnh đó là giới y tế, giới chính trị và giới tôn giáo. Cả ba quyền lực này đôi khi rất tương đồng với nhau. Trong giới y tế, có ba tổ chức vẫn chống lại việc sửa đổi luật, hoặc chủ trương sửa đổi luật theo từng bước rất chậm, tức là trì hoãn thêm 20 năm nữa việc giải quyết vấn đề. Trong số này có Y sĩ đoàn, mà kể từ khi ra đời chưa bao giờ đóng góp vào việc thích ứng với những thay đổi xã hội, và Ủy ban tham vấn về đạo đức, vẫn giữ lập trường gần như cách đây 20 năm, không có thay đổi gì đáng kể.

Quyền lực của tôn giáo, bất kể là tôn giáo nào, thường xuyên xen vào các cuộc tranh luận, như những bài viết của Hội đồng Giám mục Pháp mà tôi đọc được trên tờ Le Monde gần đây. 

Tôi rất tôn trọng quan điểm của những thành phần đó, nhưng tôi muốn họ cũng phải tôn trọng ý kiến khác biệt của những người khác. Bản thân tôi đã nhận được nhiều lời dọa giết. Trong văn bản luật hiện hành, bất cứ ai giúp cho người khác được chết, tức là đáp ứng nguyện vọng của bệnh nhân, đều bị xem như là kẻ sát nhân, kẻ đầu độc. Họ sẽ bị trừng trị ở hai cấp độ, thứ nhất là bị tòa án phạt tù, thứ hai là có thể bị Hội đồng Toàn quốc Y sĩ đoàn cấm hành nghề. Cho nên, giới y tá bác sĩ vẫn rất sợ. Nỗi sợ hãi này không hề có khi tôi bắt đầu học ngành y. Tất cả bác sĩ nội trú đều được dạy là trong những trường hợp như vậy có thể sử dụng kết hợp  thuốc gây mê và morphine. Mọi người đều chấp nhận như vậy. Thế rồi, luật Claeys-Leonetti lại đưa ra những hạn chế nghiêm ngặt hơn, coi như đi thụt lùi.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.