Vào nội dung chính
VIỆT NAM - HOA KỲ

Việt Nam và Mỹ cảnh báo việc "sử dụng vũ lực" ở Biển Đông

Ngày 11/09/2023, trong ngày công du thứ hai, tổng thống Joe Biden ca ngợi quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam đã « bước vào một thời kỳ mới ». Hai nước cảnh báo « mọi mối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực » ở Biển Đông, dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng đây là một thông điệp rõ ràng gửi tới Bắc Kinh.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (P) tiếp tổng thống Mỹ Joe Biden, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 11/09/2023.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (P) tiếp tổng thống Mỹ Joe Biden, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 11/09/2023. REUTERS - EVELYN HOCKSTEIN
Quảng cáo

Ngoài ra, Hoa Kỳ « cam kết tiếp tục ủng hộ sự phát triển của Việt Nam về năng lực phòng vệ » trong bối cảnh Trung Quốc đòi chiếm gần hết Biển Đông, thường xuyên quấy nhiễu tầu thuyền và hoạt động của các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền. Đây là một trong những điểm chính trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên tầm « Đối tác Chiến lược Toàn diện » được tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo ngày 10/09/2023.

Thông tín viên RFI Frédéric Noir tại thành phố Hồ Chí Minh tường trình :

« Cuối cùng Việt Nam đã quyết định dấn thân và trao cho Hoa Kỳ quy chế « đối tác chiến lược toàn diện ». Đây là mức cao nhất trong lĩnh vực ngoại giao mà cho tới giờ Việt Nam mới chỉ dành cho bốn nước : Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Một thông báo mang tính biểu tượng cao đi cùng với hàng loạt thỏa thuận thương mại, trong đó có lĩnh vực linh kiện bán dẫn.

Về chủ đề nhân quyền nhạy cảm, được nêu trong thông cáo chung, không ai lại trông đợi đến những tiến bộ lớn như vậy. Cuối cùng Việt Nam đã chấp nhận trả tự do cho một nhà đối lập chính trị.

Nhưng ngoài những thông báo về thiện chí và các mối quan hệ hợp tác khác nhau, chẳng ai ngây thơ cả : mục đích của Mỹ là chống lại những tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là một chủ đề quan trọng đối với Việt Nam, nước thường xuyên lên án tầu thuyền Trung Quốc thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tuy vậy, Việt Nam cũng thận trọng không quay lưng lại với nước láng giềng khổng lồ, đồng thời vẫn trung thành với chính sách ngoại giao được gọi là « ngoại giao cây tre » được đích thân tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng định nghĩa : « gốc phải khỏe, thân phải chắc nhưng cành phải mềm dẻo ». Hà Nội sẽ phải giữ cân bằng vì muốn trở thành đối tác đáng tin cậy của Hoa Kỳ, nhưng vẫn khôn khéo với Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Việt Nam ».

Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Mỹ bao trùm nhiều chủ đề, như chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại - đầu tư, hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo, hợp tác khí hậu, năng lượng, môi trường và y tế, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác văn hóa - giao lưu nhân dân - thể thao - du lịch, hợp tác quốc phòng - an ninh, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Tuy nhiên, trong ngày công du thứ nhất, tổng thống Joe Biden khẳng định chuyến thăm Việt Nam của ông không nhằm mục đích khơi mào một « cuộc chiến tranh lạnh » với Trung Quốc mà thể hiện mối quan hệ bền chặt hơn với Hà Nội tạo lập « nền tảng cho sự ổn định » toàn cầu qua việc xây dựng các mối quan hệ của Mỹ ở khắp châu Á. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.