Vào nội dung chính
VIỆT NAM - NHÂN QUYỀN

Việt Nam bắt giữ một quan chức thúc đẩy phê chuẩn công ước quốc tế về quyền lao động

Truyền thông Việt Nam hôm nay, 09/05/2024, đồng loạt loan tin vụ trưởng vụ Pháp Chế bộ Lao Động Nguyễn Văn Bình bị khởi tố, và bị tạm giam. Theo Reuters, ông Bình bị bắt vào lúc đang nỗ lực thúc đẩy phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao Động Quốc tế (ILO) bảo đảm quyền thành lập công đoàn độc lập ở Việt Nam.

Workers assemble electric cars at a Vinfast factory in Hai Phong, Vietnam, on Sept. 29, 2023.
Ảnh minh họa: Một xưởng lắp ráp xe hơi điện của tập đoàn Vinfast tại Hải Phòng, Việt Nam, ngày 29/09/2023. AP - Hau Dinh
Quảng cáo

Theo trang mạng của chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình, 51 tuổi, bị khởi tố về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”, chiếu theo Luật Hình sự. Truyền thông nhà nước Việt Nam cũng cho biết Cơ quan An ninh điều tra ‘‘đang tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ vụ án’’. Reuters dẫn lại thông tin trên trang nhà của bộ Lao Động Việt Nam, cho biết vụ trưởng vụ Pháp Chế Nguyễn Văn Bình là người ‘‘được giao nhiệm vụ giám sát các cải cách luật lao động phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế’’.

‘‘Lần đầu tiên từ nhiều năm, một nhà cải cách bị bắt’’

Trang Project88 của giới quan sát quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam nhấn mạnh đây là ‘‘lần đầu tiên từ nhiều năm trở lại đây, một nhà cải cách trong chính quyền Việt Nam bị bắt giam’’. Project88 ra một báo cáo hơn 10 trang, ngày 06/05/2024, về vụ bắt giữ diễn ra ngay trước phiên điều trần của bộ Thương Mại Mỹ ngày 08/05 về khả năng công nhận Việt Nam là một nền ‘‘kinh tế thị trường’’. Trong các tiêu chuẩn để được công nhận quy chế "kinh tế thị trường", có quyền đàm phán về lương và quyền thành lập công đoàn độc lập.

Theo trang web của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE), ông Nguyễn Văn Bình chính là ‘‘người chủ trì đề xuất ban hành luật Lao Động Việt Nam năm 2019, thúc đẩy phê chuẩn một số công ước căn bản của Tổ chức Lao động Quốc tế, trong đó có Công ước 98 về ‘‘quyền tổ chức và thương lượng tập thể’’, Công ước 105 chống lao động cưỡng bức, và nhiều công ước  khác’’. Vụ trưởng vụ Pháp Chế là một quan chức‘‘có thâm niên công tác lâu năm và kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực pháp luật lao động, phong trào lao động và quan hệ lao động’’, với hơn 10 năm làm chuyên gia pháp lý cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và và 5 năm làm việc với Tổ chức Lao động Quốc tế. Ông ‘‘đã dành thời gian và nỗ lực để thúc đẩy quyền lao động của người lao động Việt Nam và bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm người nghèo, trẻ em và người khuyết tật…’’.

Theo Project88, từ ngày 15/04, đã không còn liên lạc được với ông Nguyễn Văn Bình.

HRW: Chính quyền Việt Nam đưa ‘‘tin sai lạc’’ 

Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW) hôm qua ra một thông báo chỉ trích ‘‘Việt Nam đưa ra các thông tin sai lạc hoặc dễ gây hiểu lầm cho phía Hoa Kỳ và các đối tác kinh tế khác để đạt được hay duy trì các quy chế ưu đãi thương mại’’. Ông John Sifton, giám đốc truyền thông Ban Á Châu của HRW, nhấn mạnh ‘‘ở Việt Nam không hề tồn tại bất kỳ một công đoàn độc lập nào hay các khung pháp lý khả thi cho việc thành lập công đoàn hoặc cho người lao động có thể đòi thi hành các quyền của mình’’, và ‘‘nói rằng người lao động Việt Nam có thể thành lập công đoàn hay mức lương của họ là kết quả của sự thỏa thuận tự nguyện giữa người lao động và người sử dụng lao động là tuyên bố sai lạc trắng trợn’’

HRW cũng nhấn mạnh đến ‘‘vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, một quan chức cấp cao của Bộ Lao động Việt Nam từng vận động cho các cải cách hữu hiệu hơn về lao động và tạo một mức độ độc lập cho công đoàn’’

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.