Vào nội dung chính
VIỆT NAM - CHÂU PHI

Liên Hiệp Quốc hoan nghênh hợp tác Việt Nam - Châu Phi

Hôm nay, 17/08/2010, Hội thảo "Việt Nam - Châu Phi" lần thứ hai mở ra tại Hà Nội với chủ đề "Hợp tác cùng phát triển bền vững". Tham gia hội nghị lần này có đại diện của hơn 20 nước châu Phi, cùng nhiều tổ chức quốc tế và đại diện các quốc gia như Pháp hay Nhật có dự án hợp tác ba bên hay bốn bên với Việt Nam và châu Phi.

Một cánh đồng lúa ở ngoại thành Hà Nội.
Một cánh đồng lúa ở ngoại thành Hà Nội. Reuters
Quảng cáo

Chiều hướng tăng cường hợp tác đang kể giữa Việt Nam và Châu Phi đã được ghi nhận, nhất là trong lãnh vực nông nghiệp. Theo hãng tin Pháp AFP, sự hiện diện của Việt Nam tại Châu Phi không thể so sánh được với láng giềng Trung Quốc đồng ý thức hệ. Tuy nhiên, trao đổi thương mại và sự giúp đỡ của Việt Nam cho các nước Phi châu đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt trong lãnh vực nông nghiệp.

Theo Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Cheick Sidi Diarra : "Quan hệ ngày càng tăng giữa Châu Phi và Việt Nam được hoan nghênh vì góp phần rất lớn vào việc giúp Châu Phi tăng cường năng lực sản xuất, tăng trưởng bền vững, và xóa đói giảm nghèo". Theo ông, những bài học thành công của Việt Nam sẽ vô cùng bổ ích với các quốc gia Châu Phi.

Theo Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Gia Khiêm, trao đổi mậu dịch giữa Việt Nam và Châu Phi từ 360 triệu đô la năm 2003 (năm diễn ra Hội Nghị Việt Nam - Châu Phi đầu tiên) đă tăng lên thành 2,1 tỷ đô la vào năm ngoái 2009.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, Việt Nam đã gởi hơn 300 chuyên gia nông nghiệp qua Châu Phi công tác.

Điểm quan trọng được phía Việt Nam nêu bật là từ một nước phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo và cà phê đứng hàng thứ hai trên thế giới. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu được nhiều mặt hàng nông sản khác cũng như lâm sản hay thủy sản.

So sánh với tình hình bản thân nước mình, ông Antonio Limbau, thứ trưởng nông nghiệp Mozambique cho biết là hiện nay quốc gia này vẫn chưa sản xuất đủ lương thực cơ bản để nuôi dân, và hiện vẫn có 35% dân số bị lâm vào tình trạng "bất an lương thực thường trực". Việt Nam có kế hoạch giúp Mozambic đào tạo nông dân trồng lúa.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.