Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Xuất khẩu tôm của Việt Nam : Giá tăng nhưng không đủ nguyên liệu để chế biến

Đối với thủy sản của Việt Nam vốn đề ra mục tiêu xuất khẩu 4,5 tỉ đô la trong năm nay, khu vực này đang có nguy cơ thiếu nguyên liệu chế biến. Phân tích của Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ông Trương Đình Hòe.

Ngành xuất khẩu tôm của Việt Nam
Ngành xuất khẩu tôm của Việt Nam Reuters
Quảng cáo

09:11

Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe- TP HCM

Tổng thư ký VASEP, ông Trương Đình Hòe :

Theo số liệu của chúng tôi thì cho đến nay, 7 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã có sản lượng khoảng 720 ngàn tấn, với tổng giá trị khoảng 2,5 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu. Trong đó mặt hàng tôm khoảng 120 ngàn tấn, giá trị xấp xỉ 1 tỉ đô. Bên cạnh đó, sản phẩm cá tra cũng có con số tương đối khích lệ là 360 ngàn tấn, giá trị khoảng 780 triệu đô la Mỹ xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm.

Những con số này cho thấy khả năng đạt được con số như kỳ vọng của đầu năm cũng có nhiều hiện thực. Trong đó sản phẩm tôm chúng tôi dự kiến xuất khẩu khoảng 2 tỉ, thì có khả năng sẽ đạt được con số đó vào cuối năm. Cũng như sản phẩm cá tra có thể đạt được khoảng 1,5 tỉ đô la xuất khẩu. Như vậy tổng cộng cả năm dự kiến con số xuất khẩu chung sẽ khoảng 4,5 tỉ ; như đặt ra từ đầu năm cũng có nhiều khả năng.

Đương nhiên những con số này nói chung cũng khá bất ngờ với tình hình chung của thị trường, tuy nhiên cũng có một số nguyên nhân.

Đầu tiên, giá xuất khẩu trên thị trường cũng có một số biến động theo chiều hướng tăng do thiếu hụt nguồn cung cấp, không chỉ của Việt Nam mà còn của các nước khác đối với nguồn tôm, khiến cho giá tôm tăng lên, làm cho giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, một số thị trường của chúng tôi cũng đã có sự phục hồi sau khủng hoảng tài chính, cũng đã bắt đầu mua bán trở lại bình thường.

Như vậy theo ông dự đoán, thì nhìn chung cả năm 2010 như thế nào ?

Dự kiến từ đây đến cuối năm tình hình có thể diễn biến theo hướng hiện nay đang vào đợt thu hoạch của đợt nuôi tôm sau Tết, cho nên lượng nguyên liệu có dồi dào hơn so với trước một chút. Tuy nhiên chúng tôi cũng đang lo ngại rằng sau đợt thu hoạch kéo dài cả tháng này có thể tình hình nguyên liệu cung cấp đối với con tôm có thể bắt đầu có sự thiếu hụt, do nhu cầu vẫn đang tăng cao, trong khi đó nguồn cung cấp từ việc họ nuôi trong niên vụ vừa rồi có giảm sút do tác động của giá thành, nên cũng có thể khiến cho tình hình nguyên liệu tôm hơi thiếu hụt.

Bên cạnh đó sản phẩm cá cũng có thể nói ở tình trạng tương tự. Tháng 10 này chúng tôi dự kiến lượng cung cấp sẽ bắt đầu thiếu hụt do lượng nuôi ở đầu năm đến lứa thu hoạch thì lại do việc người nuôi người ta tính toán cái giá thành nó không ra được.

Bên cạnh đó là tác động của phía cung cấp nông sản phục vụ cho nuôi thủy sản biến động quá lớn về tỉ giá, rồi một số các yếu tố như mất mùa ở một số quốc gia cung cấp nguồn nông sản thực phẩm chủ yếu, nên đã khiến cho giá thành tăng lên, làm cho ở giai đoạn sau Tết nguyên đán năm 2010 rất nhiều hộ không tiến hành thả nuôi. Đến nay bắt đầu đến kỳ thu hoạch sản lượng không dồi dào như mọi năm.

Chính từ những chỗ đó chế biến cũng phải tính toán để làm sao có thể cân đối được lượng chế biến hàng ngày. Bên cạnh đó nguồn cung cấp cho thị trường cũng sẽ giảm. Tức là do vấn đề nhu cầu, rồi tác động của các mùa vụ, rồi do tình hình chung các nước trong khu vực, các nước cung cấp thủy sản cho thế giới cũng đang có thiếu hụt, nên nói chung là chúng tôi đánh giá từ đây đến cuối năm về mặt xuất khẩu có lẽ các doanh nghiệp vẫn còn phải tiếp tục vừa làm đồng thời vừa phải quan tâm đến việc đầu tư thêm cho nguyên liệu cho niên vụ 2011, bằng cách phải vận động để cùng với người nuôi để làm sao chủ động nguyên liệu một chút, bằng cách gia công hay một số hình thức khác để có thể tạo được sự cân bằng hơn về vấn đề cung cầu trong năm 2011 để tiếp tục phát triển xuất khẩu của mình.

Thưa ông khó khăn nhất của người nuôi là gì, có phải là thức ăn chăn nuôi không ?

Vâng. Hiện nay giá thành thức ăn chăn nuôi cũng bị phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố cung cấp ở thị trường. Không phải ở Việt Nam mà kể cả của thế giới. Trong khi đó trong năm 2010 sự biến động này không theo một quy luật nào cả, khó mà xác định được có ổn định hay không. Cho nên nhiều khi chính từ chỗ đó khiến mặt bằng giá thành của thức ăn cho nuôi trồng cũng bị ảnh hưởng.

Thứ hai, nó tạo tâm lý cho người nuôi không thể nào chủ động tính toán được giá thành nuôi của mình. Chính từ chỗ đó khiến người nuôi cũng gặp một số khó khăn khi quyết định có nuôi tiếp hay là thu hoạch rồi nghỉ, chờ đợi hay là như thế nào. Thì nó cũng ảnh hưởng đến mùa vụ thu hoạch, sản lượng cung cấp cho thị trường, rồi vấn đề giá cả nữa.

Thưa ông, thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm trong giá thành ? Và ông có nói là các nước xuất khẩu tôm khác cũng bị ảnh hưởng tương tự ?

Như hiện nay thức ăn chăn nuôi chiếm ít nhất cũng phải cỡ 65 đến 70% giá thành của thủy sản.

Ví dụ như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ thì sản xuất tôm của họ năm nay cũng sụt giảm. Không chỉ sụt giảm về sản lượng mà về kích cỡ nữa. Trước đây họ nuôi cỡ lớn nhiều, nhưng bây giờ thì cỡ lớn cũng khan hiếm. Cân đối cung cầu trên thị trường chung thì có những cái tạo ra vấn đề khan hiếm, khiến cho giá cả cứ thay đổi suốt thôi. Nhiều khi những thay đổi này cũng là cái khó cho nhà chế biến và xuất khẩu. Ký xong chưa kịp giao hàng thì có khi giá đã lên rồi. G iá lên thì cũng mừng, tuy nhiên cũng là mối lo cho các nhà chế biến nếu mình không có khả năng hoàn thành các hợp đồng đã ký trước đó.

Thế mạnh của Việt Nam là gì, hình như là tôm cỡ lớn ?

Vâng. Tôm của Việt Nam chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh, có kích cỡ lớn và được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là cho hệ thống các nhà hàng. Ngoài ra hiện nay Việt Nam cũng phát triển xuất khẩu tôm thẻ chân trắng cỡ nhỏ. Qua hai năm 2009 -2010 thì chúng tôi thấy khuynh hướng đó đang tiếp tục gia tăng, vì giá rẻ hơn và việc nuôi cũng đỡ rủi ro hơn nuôi tôm sú công nghiệp, nên một số địa phương chọn làm mô hình phát triển. Vùng Cà Mau thì có cả tôm organic. Một số nông trường có điều kiện phát triển tôm sinh thái đều được khuyến khích. Có một số công ty ở Cà Mau có vùng nuôi sinh thái rộng lớn vài ngàn hecta thì thu hoạch hàng năm vài trăm tấn cho đến vài ngàn tấn để cung cấp cho thị trường, đặc biệt là thị trường châu Âu.

Như vậy nhìn chung ngành xuất khẩu thủy sản năm nay cũng có không ít rủi ro ?

Thực sự ra nói rủi ro thì cũng không hẳn, trong khó khăn thì mình tìm kiếm cơ hội thôi. Về khía cạnh nào đó chúng tôi cho rằng, thị trường thì mình đã mở ra, nhu cầu thì có, vấn đề là mình phải tìm cách làm thế nào để triển khai các bước đó, và trong phạm vi để giúp cho hoạt động xuất khẩu có được chất lượng. Trên cơ sở đó mình có thể duy trì được thị trường, trên cơ sở đó tạo được vị trí trên thị trường thế giới.

Xin chân thành cảm ơn ông Trương Đình Hòe.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.