Vào nội dung chính
VIỆT NAM - THAM NHŨNG

Việt Nam : Bắt trợ lý chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ bị nghi ngờ tham nhũng

Ông Phạm Thái Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội kiêm trợ lý chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, đã bị bắt ngày 22/04/2024 trong khuôn khổ mở rộng điều tra vụ tham nhũng tại tập đoàn Thuận An. Ông Hà tháp tùng chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ công du Trung Quốc từ ngày 07 đến 12 tháng Tư.

Ông Phạm Thái Hà phát biểu trong một sự kiện của Văn phòng Quốc Hội Việt Nam ngày 22/02/2024. Ảnh chụp từ cổng thông tin điện tử Quốc Hội Việt Nam
Ông Phạm Thái Hà phát biểu trong một sự kiện của Văn phòng Quốc Hội Việt Nam ngày 22/02/2024. Ảnh chụp từ cổng thông tin điện tử Quốc Hội Việt Nam © RFI/Tiếng Việt
Quảng cáo

Theo Cổng thông tin điện tử bộ Công An, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt giam đối với ông Phạm Thái Hà được ban hành ngày 21/04 với các tội « lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi ». Ông Hà là cán bộ thứ tư và là người giữ chức vụ cao nhất bị bắt, tình đến thời điểm này trong vụ Thuận An.

Quá trình công tác của ông Phạm Thái Hà, tiến sĩ kinh tế, luôn luôn gắn liền với sự nghiệp của ông Vương Đình Huệ, như thư ký tổng kiểm toán Nhà nước, thư ký bộ trưởng Tài Chính, thư ký của trưởng Ban Kinh tế Trung Ương, trợ lý phó thủ tướng, trợ lý bí thư Thành ủy Hà Nội. Và từ tháng 05/2022, ông là phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, kiêm trợ lý chủ tịch Quốc Hội.

Truyền thông trong nước cho biết, tuần trước, công an Việt Nam thông báo bắt 6 người về tội « vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ », trong đó có chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng và phó tổng giám đốc Nguyễn Khắc Mẫn của tập đoàn Thuận An. Được thành lập năm 2004, tập đoàn chuyên về xây dựng, kinh doanh bất động sản và đang tham gia nhiều dự án hạ tầng trọng điểm ở thành phố Hồ Chí Minh.

Văn phòng Quốc Hội Việt Nam chưa trả lời đề nghị bình luận của Reuters. Theo hãng tin Anh, chiến dịch trấn áp tham nhũng ở Việt Nam, còn được gọi là chiến dịch « đốt lò » đã đưa ra truy tố vài trăm quan chức cấp cao, nhân vật có tiếng và chủ doanh nghiệp. Nhiều lãnh đạo trên thượng tầng Nhà nước, trong đó có hai chủ tịch nước, hai phó thủ tướng và nhiều bộ trưởng bị buộc từ chức.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.