Vào nội dung chính
VIỆT NAM - ĐẢNG CỘNG SẢN

Quốc Hội Việt Nam chính thức chấp nhận cho chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức

Một ngày sau khi Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đồng ý để chủ tịch nước Võ Văn Thưởng « thôi giữ các chức vụ », trong phiên họp bất thường hôm nay 21/03/2024, Quốc Hội Việt Nam đã chính thức chấp nhận cho ông Thưởng từ chức.

Ảnh minh họa : Một phiên họp của Quốc Hội Việt Nam tại Hà Nội ngày 21/03/2016.
Ảnh minh họa : Một phiên họp của Quốc Hội Việt Nam tại Hà Nội ngày 21/03/2016. REUTERS/Kham
Quảng cáo

Theo báo chí trong nước, các đại biểu Quốc Hội đã thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và đại biểu Quốc Hội Khóa 15 của ông Võ Văn Thưởng, sau khi « nghe trình bày báo cáo, tờ trình và ý kiến phát biểu của ông Võ Văn Thưởng ». 

Trong thông cáo hôm 20/03/2024, Văn Phòng Trung Ương Đảng giải thích, theo báo cáo của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương và các cơ quan chức năng, ông Thưởng đã « vi phạm » nhiều quy định của Đảng. « ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, nhà nước và cá nhân ông ». Ý thức được điều đó, ông Võ Văn Thưởng đã  xin « thôi giữ các chức vụ và nghỉ công tác ».

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại ông Võ Văn Thưởng, 53 tuổi, bị hạ bệ chỉ sau một năm giữ chức vụ chủ tịch nước vào lúc đang có nhiều biến động trên chính trường Việt Nam. Cách nay hơn một năm, người tiền nhiệm của ông Thưởng là Nguyễn Xuân Phúc cũng đã buộc phải từ chức. Trong những năm gần đây, nhiều bộ trưởng đã bị bắt giam vì cáo buộc tham nhũng. 

Quốc Hội Việt Nam chỉ định phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân giữ chức quyền chủ tịch nước cho đến khi có người thay thế ông Thưởng. Theo hãng tin Anh Reuters, nhiệm kỳ chủ tịch nước kéo dài đến 2026, cho nên có nhiều khả năng Việt Nam sẽ chỉ định một người thay thế ông Võ Văn Thưởng cho hai năm còn lại trong nhiệm kỳ. Tân chủ tịch nước có thể sẽ được bầu trong kỳ họp Quốc Hội Việt Nam vào tháng 5/2024.

Theo nhiều chuyên gia được Reuters trích dẫn, những ứng viên có triển vọng giữ chức chủ tịch Việt Nam là bà Trương Thị Mai, ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương, ủy viên Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, bộ trưởng bộ Công An Tô Lâm, bộ trưởng Quốc Phòng Phan Văn Giang hay bí thư thành ủy Thành Phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên. Reuters bình luận ông Nguyễn Văn Nên và bà Trương Thị Mai có thể có lợi thế là người miền Nam. Chủ tịch nước vừa bị bãi nhiệm Võ Văn Thưởng là người miền Nam duy nhất trong « tứ trụ », tức là bốn chức vụ chủ chốt của chế độ, gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc Hội.

Giải thích về thay đổi nhân sự lãnh đạo tại Việt Nam, AFP trích lời nhà nghiên cứu Pháp Benoit de Tréglodé, Viện Nghiên Cứu Chiến Lược thuộc Trường Quân Sự Paris, cho rằng nguyên nhân rất có thể là Việt Nam đang chuẩn bị tìm người « thay thế tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.