Vào nội dung chính
VIỆT NAM - ASEAN

Thượng đỉnh ASEAN khai mạc trong bối cảnh Miến Điện sắp tổng tuyển cử

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Hà Nội hôm nay 28/10, trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải giữa một số nước châu Á với Trung Quốc ngày càng gay gắt, cùng với nguy cơ "chiến tranh tiền tệ" do đồng nhân dân tệ được xem là dưới giá trị thực. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Miến Điện chuẩn bị tổng tuyển cử nên nước này được báo chí quốc tế rất chú ý.  

Thủ tướng Miến Điện Thein Sein (trái) khi vừa đến sân bay Nội Bài ngày 27/10/2010.
Thủ tướng Miến Điện Thein Sein (trái) khi vừa đến sân bay Nội Bài ngày 27/10/2010. Reuters
Quảng cáo

Hôm nay 28/10, các lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN khai mạc cuộc họp thượng đỉnh tại Hà Nội trong bối cảnh các tranh chấp lãnh hải giữa một số nước châu Á với Trung Quốc càng thêm gay gắt. Hiệp hội ASEAN cũng sẽ bày tỏ mối quan ngại về nguy cơ “chiến tranh tiền tệ”, vào lúc mà Trung Quốc vẫn bị tố cáo cố tình kềm giá đồng nhân dân tệ, trong khi đồng tiền của nhiều nước tăng giá rất cao, làm suy yếu ngành xuất khẩu của những nước này.

Nhưng hội nghị thượng đỉnh Hà Nội cũng diễn ra trong bối cảnh Miến Điện chuẩn bị tổng tuyển cử, cho nên nước này lại càng thu hút sự chú ý của báo chí quốc tế. Từ Hà Nội, đặc phái viên Đức Tâm gởi về bài tường trình:

Vào lúc 13h45, hôm nay 28/10, lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 17 đã chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Theo như thông lệ của các hội nghị cấp cao khối các nước Đông Nam Á, mở đầu các đoàn đại biểu cùng quốc ca ASEAN, sau đó, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, chủ tịch ASEAN, đã đọc diễn văn khai mạc.

Sau lễ nghi chính thức, các lãnh đạo thành viên ASEAN rút vào họp kín. Theo chủ tịch ASEAN, cuộc họp tập trung thảo luận một số chủ đề như xây dựng cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại của khối …

Trong cuộc họp báo chiều nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết là lãnh đạo các nước ASEAN đã chính thức thông qua quyết định mời Nga và Hoa Kỳ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, kể từ năm 2011. Tối nay, các lãnh đạo ASEAN cùng ăn tối làm việc, thảo luận một số vấn đề quốc tế và sẽ thông qua bản thông cáo chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 17.

Một trong những vấn đề quốc tế mà các lãnh đạo ASEAN thảo luận, thu hút sự chú ý của giới báo chí quốc tế, đó là Miến Điện. Bởi vì chỉ còn vài ngày nữa, Miến Điện sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử, vào lúc lãnh đạo đối lập,  bà Aung San Suu Kyi vẫn bị quản thúc tại gia.

Trong thời gian qua, phương Tây đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi ASEAN gây sức ép đối với chính quyền Miến Điện thực hiện dân chủ hóa và bầu cử tự do. Bản thân nội bộ ASEAN cũng có những ý kiến khác nhau trong hồ sơ này. Một bên là Thái Lan, Cam Bốt, Việt Nam, luôn luôn nêu ra nguyên tắc của ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ các nước thành viên. Còn bên kia là Indonesia, Philippines, thì tỏ ra bức xúc.

Cách nay vài ngày, một số nguồn tin cho biết là trong bản dự thảo thông cáo chung của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác cũng sẽ chỉ kêu gọi Miến Điện tổ chức bầu cử một cách tự do, công bằng, góp phần vào sự ổn định và phát triển của đất nước.

Tại Hà Nội, ngày hôm qua, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa vẫn cố gắng tỏ ra lạc quan khi nhận định rằng mọi người có cảm giác là cuộc bầu cử tại Miến Điện thiếu hụt sự tin tưởng, nhưng vẫn chưa quá muộn để các nước ASEAN quan tâm giải quyết.

Một giờ trước khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, hôm nay, nói chuyện với các nhà báo, ông Ricky Carandang, Bộ trưởng Thông tin Philippines đã nói thẳng về sự bất lực của Philippines cũng như của ASEAN trong việc thúc đẩy Miến Điện thay đổi, thực hiện cải cách dân chủ.

« Thực ra, tôi cũng không biết làm thế nào để chúng tôi thay đổi điều này. Chúng tôi đã nhiều lần nói chuyện. Chúng tôi vui mừng là chính phủ Myanmar đã làm được một việc gì đó, ví dụ như lập lộ trình dân chủ hóa. Nhưng, tôi xin nhắc lại rằng ASEAN là một tổ chức được xây dựng trên nguyên tắc đồng thuận chung. Tôi không biết là cần bao nhiêu thời gian để chúng tôi có thể có được những thay đổi tại Miến Điện. Không nhất thiết là chỉ có một mình ASEAN phải làm việc này mà là cả cộng đồng quốc tế ».

Được hỏi là đến khi nào thì lãnh đạo đối lập Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi sẽ được trả tự do, bộ trưởng Thông tin Philippines chỉ nói ngắn gọn như sau :

« Chúng tôi chỉ có thể hỏi điều này mà thôi, vì đây là thẩm quyền của chính phủ Myanmar.»

Như để làm quà cho các đồng nghiệp ASEAN, trong bữa ăn tối ngày hôm qua, Ngoại trưởng Miến Điện đã nói một cách không chính thức là bà Aung San Suu Kyi có thể sẽ được trả tự do sau cuộc tổng tuyển cử. Thực ra, đây không phải là thông tin gì mới vì cuối tháng chín, một số quan chức Miến Điện xin giấu tên đã tiết lộ thông tin này với giới báo chí quốc tế. Hơn nữa, án quản thúc tại gia đối với bà Aung San Suu Kyi cũng sẽ chấm dứt vào thời điểm giữa tháng 11 tới.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.