Vào nội dung chính
PHÁP

Cộng đồng châu Á tại Pháp với mong muốn khẳng định vị trí trong xã hội

Tại Pháp hình ảnh của người châu Á vẫn còn khá mờ nhạt, cho dù đây là mảnh đất mà cộng đồng này đã cắm chân đã lâu với số lượng không phải là nhỏ. Giờ đây cộng đồng người châu Á tại Pháp đang « khát khao được mọi người biết đến ». Đó cũng là tựa đề của bài viết trên báo Le Monde về những gương mặt châu Á đang muốn chứng tỏ khả năng và vị trí của mình trong xã hội Pháp.

Quận 13, một khu phố '' Á Đông '' của Paris
Quận 13, một khu phố '' Á Đông '' của Paris dr
Quảng cáo

Quả thực là ở Pháp không hiếm người châu Á thành đạt trong nhiều lĩnh vực như học thuật, nghiên cứu, kinh doanh, nhưng dường như đây vẫn là một cộng đồng « ẩn dật ». Trên chính trường Pháp thì hầu như không thấy có bóng dáng một gưong mặt châu Á nào.

Theo Le Monde thì cộng đồng người gốc châu Á tại Pháp, vốn được đánh giá là một cộng đồng kín đáo, giờ đây đang muốn tiếng nói của mình được lắng nghe. Có nhiều hiệp hội cộng đoàn của người châu Á đang tích cực vận động để xóa đi cái định kiến đó.

Trước khi đi vào điểm qua các gương mặt người Á tiêu biểu trong các họat động chính trị xã hội ở Pháp tác giả bài báo đưa ra nhận định khá xác đáng rằng việc khẳng định vai trò của người gốc Á trong xã hội Pháp vẫn còn ở bên lề. Những tham vọng của họ nửa chính trị nửa mang tính khẳng định bản sắc.

Thế nhưng theo Le Monde : «Quan sát thấy các quan chức người gốc Phi như cựu bộ trưởng bộ Tư Pháp Rachida Dati hay cựu bộ trưởng bộ Thể thao Rama Yade nổi lên trên chính trường Pháp, thì cái cộng đồng nhỏ bé gồm người gốc Trung Quốc, Cam Bốt hay Việt Nam này bắt đầu tích cực họat động với ý nghĩ cho rằng người châu Á cũng làm được như vậy ».

Tác giả nhận định đây là một bước ngoặt đối với một cộng đồng mà cho đế giờ vẫn tin là thành công của mình là nhờ một phần vào đặc tính kín đáo của người Á.

Giờ đây với suy nghĩ mới, người châu Á tập hợp lại với nhau đủ các thành phần từ những « thuyền nhân » đến Pháp trong thập kỷ 70 », những người gốc Hoa là lãnh đạo chủ chốt trong các công ty hàng đầu của Pháp cho đến những người gốc Á thuộc thế hệ thứ 2… Tất cả họ không quen biết nhau nhưng dường như có một phong trào thể hiện mình đang hình thành trong nhóm dân cư này.

Le Monde đơn cử một số trường hợp điển hình :

Ông Chenva Tiêu, 48 tuổi sinh ở Cam Bốt, đến Pháp năm 1975 từ khi mới 12 tuổi. Hiện ông đang lãnh đạo công ty sản xuất các chương trình nghe nhìn « Online productions ». Ý thức được nguyện vọng của người gốc Á muốn khẳng định mình, ông đang có tham vọng xây dựng một chương trình truyền hình dành riêng cho người châu Á. Ngoài ra ông Tiêu còn tích cực tham gia các họat động chính trị. Gia nhập đảng cánh hữu UMP, đầu năm nay ông Tiêu được được tiến cử làm thư ký đảng phụ trách quan hệ với châu Á.

Một điển hình khác, Thu Vân Blanchard, cô gái 32 tuổi gốc Việt Nam này đang là trợ lý cho một dân biểu thuộc đảng cánh trung tại Quốc hội. Đến Pháp từ khi lên 7 tuổi, giờ đây cô gái mảnh mai kín đáo này cũng bộc lộ rõ ham muốn được dấn thân trên con đường chính trị. Khi còn đi học cô thú nhận chưa bao giờ tham gia các họat động cộng đồng, nhưng giờ đây thì cô nhận thấy « các nhà chính trị ít ra cũng phải lắng nghe tiếng nói của các cộng đồng châu Á ». Cùng với một số người khác, Thu Vân xúc tiến thành lập Hội đồng toàn quốc những người châu Á tại Pháp (CNAF), một hội đoàn có mục tiêu trở thành một cơ quan « tham vấn » cho các nhà chính trị trên nhiều vấn đề liên quan đến kiều dân Á.

Một thí dụ khác đó là trường hợp của ông Huong Tan, 51 tuổi, nguời gốc Cam Bốt. Từ năm 1980 là nhân viên của tòa Thị chính Paris. Đã từ lâu ông luôn mơ ước tập hợp được tất cả những người châu Á tại Pháp.

Tác giả bài viết còn đưa ra một trường hợp nữa cho thấy ước vọng được nhìn nhận còn có cả ở trong những người đã khá nổi tiếng. Đó là trường hợp của bà Anh Đào Traxel. Người phụ nữ 53 tuổi gốc Việt Nam này đã khá nổi tiếng là con đỡ đầu của vợ chồng cựu tổng thống Pháp Jaques Chirac. Bà đã có nhiều hoạt động đấu tranh chống phân biệt đối xử với người gốc Á. Hồi cuối năm 2010, trong kỳ cải tổ nội các, bà từng được phủ tổng thống Pháp triệu vào và đánh tiếng cho biết sẽ trao cho bà một chức vụ trong chính phủ, thế nhưng từ đó đến nay lời hứa đó đã đi vào quên lãng.

Bài viết kết luận với những lời tâm sự của bà Anh Đào Traxel : « Có phải người châu Á chúng ta chưa gây đủ tiếng vang, hay phải chăng chúng ta sống quá khép kín ? » và bà ngán ngẩm kết luận: « chúng ta ta có cảm giác làm tất cả để hội nhập, chúng ta là người lao động, không muốn để mặc con cái mình lang thang ngoài đường. Đó là điểm chung với với tổng thống Sarkozy. Tuy nhiên thì chúng ta không được bù đắp gì ».

Nhà máy điện Fukushima : Số phận những công nhân giờ mới được để ý

Một thời sự khác liên quan đến châu Á được báo Le Monde chú ý tới đó là tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật. Công nhân làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị nhiễm xạ vượt quá mức cho phép, trong khi còn rất đông chưa được xét nghiệm phóng xạ kỹ lưỡng.

Thông tín viên của Le Monde tại Tokyo cho biết sau khi phát hiện ra hai công nhân làm việc trong nhà máy điện Fukushima bị nhiễm xạ quá mức cho phép, bộ Y tế và Lao động Nhật đã yêu cầu Tepco, công ty quản lý khai thác nhà máy, từ nay đến cuối tháng 6 phải kiểm tra độ nhiễm phóng xạ của tất cả các công nhân làm việc gần các lò phản ứng.

Theo bộ Y tế Nhật thì trong số 7800 người làm việc tại nhà máy từ khi xảy ra sự cố hồi tháng 3 thì mới chỉ có 1800 người được kiểm tra xét nghiệm mức độ phóng xạ. Và theo cơ quan này thì nếu số người trên được kiểm tra sớm hơn thì sẽ giảm thiểu được việc phơi nhiễm phóng xạ. 

Tung tích vi khuẩn gây chết người ở Đức vẫn còn là một ẩn số 

Thời sự được các báo Pháp đặc biệt chú ý theo dõi từ nhiều ngày nay là bệnh tiêu chảy chết người lan tràn và gây hoang mang người tiêu dùng thực phẩm tại khắp châu Âu. Đã có 16 người chết và hàng trăm người nhập viện ở Đức vì loại vi khuẩn tả E. coli, nhưng đến giờ thì « nghi phạm » nguồn mang mầm bệnh vẫn không được xác định chắc chắn.

Báo Libération đăng trên trang nhất hình quả dưa chuột lớn với hàng tựa bằng ngôn từ rất pháp lý : « suy đoán vô tội ». Mấy ngày qua, nguồn gốc xuất xứ của lọai vi khuẩn chết người này ở châu Âu vẫn được người ta quy cho loại dưa chuột nhập từ Tây Ban Nha. Nhưng đến giờ, theo báo Liberation thì « sau cái chết của 16 người (chủ yếu tại Đức) do lọai vi khuẩn E. coli gây ra, các phân tích khoa học Đức chính thức minh oan cho loại dưa chuột Tây Ban Nha ».

Tờ báo nhận định : « chính quyền Đức sẽ phải lý giải cho việc quy kết vội vàng và có vẻ còn là thiếu cơ sở, cho các lọai rau quả trồng tại Tây Ban Nha, trong khi mà việc lây nhiễm này có thể bắt nguồn từ ngay trong chính nước họ ».

Nguồn gốc của trận dịch này vẫn là một bí ẩn và nguy cơ lây lan thì vẫn la một thực tế không hề thuyên giảm. Về phần nhà sản xuất rau quả cũng như người tiêu dùng thì đang chờ đợi mọi việc phải được sáng tỏ và được thông tin chính xác. Từ nhiều ngày qua, các cơ quan quản lý y tế của châu Âu đang chạy đua với thời gian, lao vào một cuộc điều tra thực sự nhằm tìm ra được xuất xứ nguồn gốc của căn bệnh dịch.

Từ khi bệnh dịch chết người bùng phát, 15 người Đức và một người Thụy Điển bị chết cùng hàng ngàn người phải nhập viện. Thủ phạm rõ ràng là khuẩn E coli, nhưng việc quy kết nguồn gốc cho các loại dưa chuột Tây Ban Nha đang khiến cho các nhà sản xuất rau quả Tây Ban Nha sống dở chết dở.

Theo La Croix, mỗi tuần nhà sản xuất rau của nước này mất đi 200 triệu euros vì hàng trăm nghìn tấn rau quả của họ không bán được phải đổ đi. Là nơi trồng dưa chuột lớn nhất châu Âu, trong đó 25% sản lượng được xuất sang Đức, đến lúc này thì các mặt hàng rau quả khác như ớt ngọt, xà lách, cà chua của nhà nông Tây Ban Nha cũng bị vạ lây. Cần phải biết là ngành rau quả thu hút 300.000 lao động ở Tây Ban Nha và cũng không quên là Tây Ban Nha thì đang phải lao đao chống chọi với nợ nần chồng chất. Trước tổn thất này, các nhà sản xuất rau quả Tây Ban Nha hy vọng nước Đức sẽ giúp họ phục hồi lại hình ảnh của các sản phẩm Tây Ban Nha đồng thời yêu cầu Liên hiệp châu Âu đền bù cho họ theo giá thị trường. 

Thông báo của OMS tác động mạnh đến ngành công nghiệp viễn thông

Một thông tin liên quan đến sức khỏe con người được các báo nhất lọat quan tâm đó là Tổ chức Y tế Thế giới ngày hôm qua ra thông báo khẳng định tần số sóng vô tuyến của điện thoại di động có thể gây bệnh ung thư cho con người.

Tờ báo kinh tế Les Echos nhận định thông tin này quả là một tiếng sét lớn đánh vào ngành công nghiệp điện thoại di động, một sản phẩm đang ngày càng trở nên thiết yếu đối với sinh hoạt của con người.

Theo Les Echos, một thông báo như vậy có thể gây tác động mạnh về mặt y tế nhưng cũng có thể gây hậu quả lớn về kinh tế đối với ngành công nghiệp viễn thông thế giới, trong khi mà hiện có tới 5 tỷ chiếc máy điện thoại di động đang lưu hành trên hành tinh này. Riêng trong năm nay thôi dự tính sẽ có 1,7 tỷ chiếc điện thoại di động được bán ra.

Mặc dù vậy thì các nhà khoa học của OMS vẫn khẳng định họ đang ngày càng tích thêm được nhiều cứ liệu khoa học chứng minh mối liên hệ giữa điện thọai di động và bệnh ung thư. Tuy nhiên giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Ung thư (CIRC) vẫn cho rằng các chuyên gia cần phải tiến hành thêm các nghiên cứu về việc sử dụng điện thọai di động.

Marion Bartoli lần đầu vào đến bán kết Roland Garros

Phần cuối mục điểm báo hôm nay xin được dành cho một tin vui đối với quần vợt Pháp. Hôm qua, Marion Bartoli, tay vợt nữ duy nhất của Pháp còn sót lại ở giải quần vợt Roland Garros đã giành quyền vào bán kết sau khi chiến thắng tay vợt Nga Svetlana Kuznetsova ở 2 séc đấu với tỷ số 7-6 và 6-4. Đây là thành tích cao nhất của tay vợt Pháp sau 10 giải Grand Chelem trên sân nhà và từ sau Mary Pierce 2005 cô cũng là tay vợt nữ đầu tiên của Pháp vào đến bán kết.

Ngày mai, tại bán kết, Bartoli sẽ gặp tay vợt Ý Francesca Chiavone, đương kim vô địch Roland Garros 2010. Chiến thắng của cô đã tạo sự hứng khởi mới trong người hâm mộ quần vợt Pháp. Le Figaro gọi Marion Bartoli là « ngọn lửa màu lam » của Pháp. Trong khi đó, cũng trong chiều qua bên phần sân của nam, Gael Monfils, cây vợt Pháp cuối cùng rời khỏi Roland Garros khi không thể vượt qua tay vợt Thụy Sĩ Roger Federer trong trận tứ kết.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.