Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Bóng đá Việt Nam, cuộc chơi của các ông chủ ?

Đăng ngày:

Bóng đá Việt Nam đã có 10 mùa giải đi vào chuyên nghiệp, nhưng đến nay từ cách làm cho đến chất lượng chuyên môn cầu thủ chưa thể nói giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã thực sự đạt tiêu chí chuyên nghiệp. Từ ngoài nhìn vào người ta có cảm giác sân cỏ bóng đá Việt Nam là nơi diễn ra cuộc chơi của các ông chủ nhiều hơn là cuộc cạnh tranh chuyên môn của các cầu thủ hay huấn luyện viên.

Bóng đá Việt Nam chưa bao giờ đoạt huy chương vàng của Seagames. Trong ảnh, Việt Nam - Singapore, Seagames 25, 2009, Lào
Bóng đá Việt Nam chưa bao giờ đoạt huy chương vàng của Seagames. Trong ảnh, Việt Nam - Singapore, Seagames 25, 2009, Lào Photo : Hồng Long
Quảng cáo

Cách đây 10 mùa giải, khi bóng đá Việt Nam chuyển sang hướng chuyên nghiệp hóa thì bóng đá cũng nhanh chóng trở thành một trào lưu đầu tư của những ông chủ giàu có. Các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp lần lượt ra đời với nguồn tiền đầu tư khổng lồ của các chủ doanh nghiệp. Những tên gọi của đội bóng cũng luôn gắn với tên của doanh nghiệp sở hữu. Các ông bầu, với ý đồ dùng bóng đá để quảng bá, đánh bóng thương hiệu sản phẩm của mình, đã không tiếc tiền đổ vào nuôi đội bóng riêng. Không thể phủ nhận việc các chủ doanh nghiệp nhảy vào đầu tư trong bóng đá cũng phần nào đã làm thay đổi diện mạo của làng bóng đá Việt Nam. Hình ảnh các cầu thủ đến từ khắp thế giới thi đấu ở giải V-League đã trở nên quen thuộc đã là một nguồn kích thích cạnh tranh của các cầu thủ trong nước. Nhiều vụ tuyển dụng chuyển nhượng đình đám với các khoảng lương thưởng lót tay hàng tỷ đồng.

Dư luận thể thao tại Việt Nam đều có chung một nhận định bóng đá Việt Nam đang mang một giá trị ảo. Một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam hàng năm vẫn ngốn cả trăm tỷ đồng mà không hề mang lại được nguồn thu nào.

Quan sát các diễn đàn báo chí về bóng đá tại Việt nam, người ta chủ yếu chỉ thấy bàn về những vụ ông bầu này tung tiền thưởng bao nhiêu tỷ, ông bầu khác chạy theo thế nào, rồi tính khí, phát ngôn các phi vụ chuyển nhượng, lót tay cầu thủ với số tiền khổng lồ của các ông bầu chơi ngông… Hiếm khi đề tài chuyên môn bóng đá được đề cập trên các tờ báo thể thao ở Việt Nam.

Một ông bầu mới nổi trong làng bóng đá Việt Nam mới đây đã khẳng định, ở vào thời điểm hiện nay, không có ông chủ nào làm bóng đá theo đúng nghĩa, theo ông phải gọi là "chơi bóng đá", mà để thỏa mãn thú chơi đó thì phải tốn rất nhiều tiền. Thực tế qua hơn chục mùa bóng chuyên nghiệp, các ông bầu ở Việt Nam không thu được một đồng nào từ bóng đá và hàng tháng vẫn phải đổ vào cho đội bóng của mình tiền tỷ. 

Chắc hẳn sẽ có rất nhiều người tự đặt câu hỏi tại sao các ông chủ bóng đá Việt Nam lại dễ dàng chấp nhận thua lỗ lớn kéo dài như thế, trong khi họ đều là những nhà kinh doanh thành đạt ? Câu trả lời để tạm thỏa mãn là : có thể họ làm như vậy là vì tình yêu với bóng đá chăng. Nhưng cuộc chơi của họ kéo dài được bao lâu thì cũng chẳng ai biết, các nhà quản lý bóng đá của Việt Nam dường như cũng chưa bao giờ quan tâm đến vấn đề này.

Trong khi đó, trình độ chuyên môn ở các trận đấu dậm chân tại chỗ từ nhiều năm nay. Bóng đá Việt Nam thường xuyên bị tụt hạng trong bảng xếp hạng của FIFA (Tháng 7 tụt 26 hạng từ 120 xuống hạng 146), trong khi thành tích trong khu vực Đông Nam Á vẫn « ổn định » trong tốp 3.

Còn một yếu tố không thể thiếu của bóng đá là khán giả, thì các trận đấu ở V-League vẫn luôn vắng người xem, thậm chí một số sân không thể bán vé, phải mở cửa tự do cũng chẳng mấy ai đến xem thi đấu. Chỉ đơn cử một ví dụ, trận cuối cùng của V-League 2012 hôm nay (19/8) giữa câu lạc bộ Sài Gòn Xuân Thành và Hà Nội T&T, trên sân Thống Nhất thành phố HCM được coi là trận « chung kết » tranh chức vô địch quốc gia mùa bóng năm nay. Để thu hút khán giả đến sân, ban tổ chức và nhà tài trợ là hãng bia Sài Gòn đã điều bốn chiếc xe bồn chở bia đến đậu trước cửa sân bóng cùng với 100 cô gái tiếp thị, để mời khán giả uống bia miễn phí trước khi vào sân xem bóng đá. Một cách làm độc đáo chưa ở đâu có. Nhân đây cũng xin được nói thêm là ở các nước châu Âu cổ động viên không những bị cấm mang bia rượu vào sân, mà trong phạm vi bán kính 1 km quanh sân vận động trước 2 tiếng trận đấu diễn ra, tất cả các cửa hàng đều bị tạm ngừng bán các đồ uống có cồn.

Nhân dịp mùa giải bóng đá chuyên nghiệp 2012 tại Việt Nam hạ màn. Để tìm hiểu thêm về bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam, Tạp chí Thể thao Chủ nhật phỏng vấn ông Trần Văn Mui, chuyên gia bóng đá tại Thành phố Hồ Chí Minh.

"Thực ra chúng ta biết từ sau mùa giải 2011, những người đang nắm giữ các câu lạc bộ cũng mong muốn có một quyết tâm xây dựng một giải bóng đá, mà họ muốn chất lượng phải tốt hơn, rồi tiêu chí thứ hai là nó phải sạch, có nghĩa là trong đó những toan tính manh tính chất tiêu cực hay có sự dàn xếp thì phải không có. Thứ ba nữa, họ cũng mong muốn đội ngũ làm công tác chuyên môn, đặc biệt là giới trọng tài phải được đãi ngộ tốt hơn và làm nhiệm vụ tốt hơn. Đó là những cái khát khao của những người làm bóng đá trong các giải chuyên nghiệp. Người ta cũng mong muốn, qua đó thì sẽ có được một đội tuyển với những cầu thủ của Việt Nam có chất lượng cao hơn thông qua một cái giải mà họ đầu tư khá là tốn kém.

Tuy nhiên qua mùa giải này, chúng ta có thể thấy được mấy điều……"

12:22

Huấn luyện viên Trần Văn Mui (Sài Gòn)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.