Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Việt Nam : Không vay vốn IMF để giải quyết nợ xấu

Hôm qua, 07/09/2012, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng khẳng định là không có chuyện Việt Nam vay vốn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế để giải quyết nợ xấu, như một trong những khuyến nghị của Ủy ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam.

Ảnh : imf.org
Ảnh : imf.org
Quảng cáo

Trong một báo cáo công bố trên trang web của Ủy ban Kinh tế Qưốc hội Việt Nam ngày 05/09/2012, ủy ban này cho rằng Việt Nam có thể phải cần đến sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và giải quyết nợ xấu, nợ quá hạn, nếu không kinh tế Việt Nam có nguy cơ trì trệ lâu dài. 

Nhưng trả lời phỏng vấn Cổng Thông tin Điện tử của chính phủ Việt Nam hôm qua, ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tuyên bố rằng thông tin Việt Nam có nguy cơ xin cứu trợ của IMF để giải quyết nợ xấu là là « không chính xác ». Theo ông, tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam hiện nay « đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực » và cho tới nay IMF và chính phủ Việt Nam chưa từng bàn tới hoặc có ý định thảo luận về kế hoạch IMF cấp tín dụng cho Việt Nam. 

Trả lời hãng tin Bloomberg News ngày 06/09, ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cũng cho rằng tình hình chưa tuyệt vọng đến mức Việt Nam phải nhờ sự cứu trợ của IMF. Theo ông, đây chỉ là một trong những khuyến nghị với chính phủ trong trường hợp cần thiết. 

Ngoài khuyến nghị nhờ IMF trợ giúp, trong bản báo cáo nói trên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội còn đề nghị là quỹ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng có thể sử dụng tiền tiết kiệm từ chi tiêu chính phủ hoặc từ việc bán trái phiếu của chính phủ. Ủy ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam thẩm định rằng cần phải bơm thêm ít nhất 12 tỷ đôla vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, hiện đang có mức nợ xấu được thẩm định là cao nhất Đông Nam Á.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.