Vào nội dung chính
Y TẾ

Nỗi ám ảnh chất độc da cam của thai phụ Việt Nam

Trên tờ The Guardian hôm nay 11/04/2013 có bài « Chất độc Da cam vẫn còn ám ảnh thai phụ Việt Nam ». Bài báo nêu lên hiện tượng nhiều phụ nữ Việt Nam mang thai đổ đi làm siêu âm, vì lo hãi con mình có thể bị dị tật bẩm sinh. Một trong những nguyên nhân của nỗi lo bào thai dị dạng gắn liền với những hậu quả của chất độc Da cam, mà quân đội Mỹ từng sử dụng rất nhiều tại Việt Nam trong thời gian chiến tranh.  

Rất nhiều phụ nữ Việt Nam đi siêu âm vì lo ngại thai nhi bị dị dạng bẩm sinh.
Rất nhiều phụ nữ Việt Nam đi siêu âm vì lo ngại thai nhi bị dị dạng bẩm sinh. AFP
Quảng cáo

Bài báo cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc làm siêu âm thường xuyên không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai nhi, nhưng việc gia tăng kiểm soát quá trình mang thai có thể gây nên áp lực vô ích đối với các thai phụ. Tại miền bắc Việt Nam, theo truyền thống, đối với nhiều gia đình, việc sinh con giúp cho người phụ nữ có vai trò quan trọng hơn trong gia đình nhà chồng. Tuy nhiên, một đứa bé bị dị tật bẩm sinh có thể gây một tác động ngược lại. Bài báo dẫn ra trường hợp của chị Hương, 26 tuổi, làm việc cho một doanh nghiệp đồ họa tại Hà Nội, có con trai hai tuổi. Chị tâm sự : « Trước khi có con, mẹ chồng tôi không bao giờ tử tế với tôi cả, nhưng bây giờ thì bà ấy rất tốt ». Hương cho biết, cô đã đi làm siêu âm tới 10 lần trong quá trình mang thai vì lo sợ.

Theo nhà nhân học và nghiên cứu về Việt Nam Tine Gammeltoft (đại học Copenhagen), tại Việt Nam, việc siêu âm thai nhi là chuyện phổ biến. Nhiều cha mẹ sử dụng siêu âm để xác định giới tính của đứa con trong bụng, nhưng để làm việc này thì chỉ cần một hoặc hai lần, ngoài ra các lần siêu âm khác chủ yếu là do nỗi sợ bào thai bị các dị tật bẩm sinh.

Nhà nghiên cứu Tine Gammeltoft nhận xét là, trung bình một phụ nữ ở Hà Nội đi siêu âm 6,7 lần trong quá trình mang thai, thậm chí có người đi siêu âm đến hơn 30 lần. Chắc chắn những người cung cấp dịch vụ siêu âm có vai trò trong việc thúc đẩy một làn sóng đi siêu âm, tuy nhiên, nỗi sợ thai nhi bị các dị tật bẩm sinh có phần nào gốc rễ trong lịch sử Việt Nam đương đại.

Trong thời gian khoảng 10 năm trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải xuống miền trung và miền nam Việt Nam khoảng 11 triệu gallon (tương đương 40 triệu lít) thuốc diệt cỏ hay còn gọi là chất Da cam, với mục tiêu hủy diệt các rừng cây, thảm cỏ, nơi ẩn náu của binh sĩ đối phương. Trong chất lỏng màu da cam này, có chất độc dioxin TCDD, tích đọng lâu dài trong đất và trong chuỗi thực phẩm. Một số chuyên gia khẳng định TCDD làm biến dạng gen, gây ra quái thai. Theo Hội chữ thập đỏ Việt Nam, có khoảng 150.000 trẻ em bị dị dạng bẩm sinh do chất độc Da cam.

Cuộc tranh luận về vấn đề này chỉ được tăng cường kể từ năm 2004, khi hiệp hội các nạn nhân chất độc Da cam của Việt Nam (Vava) đâm đơn khiếu kiện các công ty Mỹ, sản xuất chất diệt cỏ trước kia, phải chịu trách nhiệm về các hậu quả để lại. Vụ kiện bị bác sau đó một năm.

Theo bài báo, trong hiện tại, nguy cơ bị nhiễm chất độc Da cam là rất khó xảy ra. Ông Charles Bailey, giám đốc chương trình chất độc Da cam thuộc Viện Aspen, có trụ sở tại Washington cho biết rằng, một hiệp hội về y tế của Việt Nam đã dành nhiều năm để chứng minh các nguy cơ của việc tiêu thụ các thực phẩm và sử dụng nước bị nhiễm độc đối với bào thai. Tổ chức này cũng đưa ra các biện pháp phòng tránh.

Lời khuyên của tổ chức này là : « Đừng lo lắng, đừng sợ hãi, chỉ cần tỉnh táo và cẩn thận !».

Các nhà tranh đấu vì nạn nhân chất độc Da cam cho rằng việc phổ biến các hình ảnh bào thai dị dạng (rất kinh khủng) có thể giúp cho công chúng ý thức rõ hơn về tác động của chất độc Da cam đối với các nạn nhân. Nhà nghiên cứu Tine Gammeltoft thì ghi nhận một sự việc là, nỗi sợ sinh ra đứa con dị dạng khiến nhiều phụ nữ đau khổ, dù nhiều người biết rằng gia đình họ không hề có nguy cơ bị nhiễm chất độc Da cam. Theo nhà nhân học Gammeltoft, ngay cả khi các phụ nữ biết rằng nguy cơ có một đứa con dị dạng là thấp, thì họ vẫn bị những hình ảnh gây lo hãi. Nhà nghiên cứu cho rằng, bộ Y tế nên có các hướng dẫn để giảm stress đối với các thai phụ.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.