Vào nội dung chính
CHÂU Á

Trung Quốc ủng hộ việc BTT đối thoại vô điều kiện với Hàn Quốc

Hôm nay (6/1/2011), phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh ủng hộ việc hai nước Triều Tiên nối lại đối thoại nhằm xoa dịu căng thẳng trong khu vực và để cùng nối lại vòng đàm phán sáu bên trên hồ sơ phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.

Các đội lính tuần tra Hàn Quốc trên đảo Yeonpyeong (REUTERS)
Các đội lính tuần tra Hàn Quốc trên đảo Yeonpyeong (REUTERS)
Quảng cáo

Trong một thông cáo được công bố ngày 05/01/2011, Bình Nhưỡng tuyên bố sẵn sàng đối thoại « vô điều kiện và một cách cởi mở » với Seoul. Bắc Triều Tiên đồng ý « tiếp xúc với bất kỳ một ai, ở bất cứ nơi nào vào mọi thời điểm ».

Kêu gọi trên diễn ra vào lúc đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên đang công du châu Á : sau Seoul, ông Stephen Bosworth lần lượt đến Bắc Kinh và Tokyo tìm kiếm giải pháp làm dịu lại tình hình bán đảo Triều Tiên.

Theo các nhà phân chính, trước mắt Hàn Quốc và Washington còn hết sức thận trọng trước thiện chí của Bình Nhưỡng. Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết : Seoul không coi cử chỉ nói trên của Bình Nhưỡng là một "đề nghị đứng đắn và đáng tin cậy" mà đề nghị này chỉ nhằm chia rẽ thêm dư luận Hàn Quốc.

Viên chức nói trên cho rằng, trước hết chính quyền Bắc Triều Tiên nên tôn trọng những cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và chính thức xin lỗi về vụ đã tấn công một hòn đảo thuộc chủ quyền Hàn Quốc hôm 23/11/2010 hay vụ đánh chìm tàu chiến Cheonan hồi tháng ba năm ngoái. Về phía Hoa Kỳ, chính quyền Washington cũng đang chờ đợi Bình Nhưỡng đưa ra những bằng chứng cho thấy Bắc Triều Tiên thực lòng muốn cải thiện tình hình khu vực.

Riêng Trung Quốc, đồng minh hiếm hoi của Bắc Triều Tiên, thì đã hoan nghênh thái độ hòa hoãn của chính quyền Kim Jong Il. Bắc Kinh từ nhiều tháng qua đã cố gắng thuyết phục các bên trở lại vòng đàm phán sáu bên. Thông tín viên RFI từ Bắc Kinh gửi về bài tường trình :

« Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết luôn tin tưởng rằng đối thoại là phương pháp hữu hiệu nhất để giải quyết khủng hoảng liên Triều. Đây cũng là một cách hết sức khéo léo để Bắc Kinh chứng minh với cộng đồng quốc tế là Trung Quốc luôn ủng hộ Bắc Triều Tiên.

Bình Nhưỡng vừa đề nghị nối lại đàm phán vô điều kiện với Seoul. Lời lẽ mềm mỏng này trái ngược hẳn với những tuyên bố, những hành động hung hăng trong những tuần lễ vừa qua. Chẳng hạn như vụ tấn công đảo Yeongpyeong, hay việc tiết lộ hoạt động làm giàu chất uranium tại một cơ sở hạt nhân. Trên thực tế đường lối ngoại giao của ông Kim Jong Il không có gì thay đổi.

Trước hết, Bình Nhưỡng có những cử chỉ hù dọa, sau đó thì lại tỏ ra biết điều và nhũn nhặn hơn để chiếm lấy lợi thế trong các cuộc đọ sức với cộng đồng quốc tế. Lần này, cho dù Bắc Kinh không ưa gì thái độ ngạo mạn của Bình Nhưỡng nhưng vẫn che chở cho Bắc Triều Tiên sau vụ quân đội Bắc Triều Tiên nã pháo vào một hòn đảo Hàn Quốc.

Việc Trung Quốc tán đồng thái độ hòa hoãn của Bình Nhưỡng cũng dễ hiểu, do Bắc Kinh luôn chủ trương kêu gọi các bên nhanh chóng trở lại bàn đàm phán sáu bên, thúc đẩy trở lại hồ sơ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đề nghị trên đây đã bị cả Washington, Tokyo lẫn Seoul phản bác.

Trung Quốc và Bắc Triều Tiên thì đang nghiêng về giải pháp đối thoại và ngoại giao, trong lúc Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc thì lại tỏ thái độ cứng rắn và vẫn không loại trừ giải quyết vấn đề bằng quân sự ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.