Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - QUÂN SỰ

Trung Quốc: Hiện đại hóa quân sự, thu hẹp khoảng cách với Mỹ

Cho đến nay, quân đội Trung Quốc vẫn giữ bí mật về các chương trình quân sự trong lúc ngân sách giành cho quốc phòng tăng đều đặn khoảng 10% mỗi năm. Việc Trung Quốc đầu tư và phát triển các thiết bị quân sự tối tân đe dọa ưu thế của Mỹ tại Thái Bình Dương, gây lo ngại cho các nước láng giềng và góp phần thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á. 

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20  xuất hiện hôm 5/01/2001, biểu tượng của quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 xuất hiện hôm 5/01/2001, biểu tượng của quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc REUTERS/Kyodo
Quảng cáo

Vài ngày trước khi chủ tịch Hồ Cẩm Đào công du nước Mỹ và ngay trong lúc bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates đang có mặt tại Bắc Kinh, hôm thứ ba, 11/01 vừa qua, quân đội Trung Quốc đã tiến hành thử máy bay tiêm kích tàng hình J-20.

Phải chăng đây là một lời cảnh báo đối với Mỹ hay chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên ? Giới chuyên gia quân sự ngạc nhiên bởi vì động thái này càng làm nổi bật mối đe dọa quân sự của Trung Quốc.

Ông Arthur Ding, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan nhận định, qua dự án chế tạo máy bay tàng hình J-20, Trung Quốc muốn đưa ra một thông điệp rõ ràng đối với Mỹ và các nước trong khu vực rằng hiện đại hóa quân đội Trung Quốc là một tiến trình không thể cưỡng lại được và Bắc Kinh quyết tâm trở thành một tác nhân chủ chốt trong khu vực.

Theo bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, trong dự án chế tạo tiêm kích tàng hình J-20, có thể Trung Quốc đã đạt được một trình độ cao hơn mức mà tình báo Hoa Kỳ phán đoán.

Chuyên gia về hàng không Gareth Jennings, của tạp chí Jane’s, chuyên về quốc phòng nhấn mạnh, sự xuất hiện gần đây của máy bay J-20 cho thấy dường như Trung Quốc có một bước nhẩy vọt về công nghệ quân sự, tuy nhiên, các hình ảnh cũng không thể phản ánh được một cách rõ ràng và đầy đủ về khả năng này. Cho đến nay, quân đội Trung Quốc vẫn giữ bí mật về các chương trình quân sự trong lúc ngân sách dành cho quốc phòng tăng đều đặn khoảng 10% mỗi năm.

Theo tạp chí Quốc phòng Jane’s, về mặt chính thức, trong lĩnh vực công nghệ quân sự, Trung Quốc chậm sau Hoa Kỳ từ 20 đến 30 năm. Bắc Kinh luôn luôn nói rằng việc hiện đại hóa quân đội chỉ nhằm mục đích duy nhất là quốc phòng. Thế nhưng, các hành động trên thực tế đi ngược lại những tuyên bố của Trung Quốc, ví dụ Bắc Kinh có chương trình chế tạo, ít nhất là một hàng không mẫu hạm, phương tiện cho phép mở rộng sức mạnh quân sự ra những nơi xa lãnh thổ Trung Quốc.

Một chuyên gia quân sự phương Tây nói với AFP, là quân đội Trung Quốc có các thiết bị quân sự không liên quan gì đến hoạt động phòng thủ. Họ ngày càng có nhiều máy bay đủ khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt đất, tất cả vũ khí này giúp ích gì cho quốc phòng ?

Năm 2007, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công bắn tên lửa phá hủy vệ tinh. Tháng giêng 2010, quân đội Trung Quốc bắn chặn được tên lửa trên không. Hiện nay, Bắc Kinh đang phát triển loại tên lửa đạn đạo có thể tấn công các hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương.

Ngày 12/01, đô đốc Mỹ Mike Mullen tố cáo là các chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc là nhằm chống lại Hoa Kỳ. Liệu tương quan lực lượng có bị đảo lộn hay không tại châu Á-Thái Bình Dương, nơi có nhiều nguy cơ bất ổn như vấn đề Đài Loan, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hay các tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông.

Theo giới phân tích, không thể tránh khỏi một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực bởi vì hiện nay, không ai có thể biết một cách chính xác quân đội Trung Quốc sẽ triển khai bao nhiêu máy bay tàng hình J-20 hay tên lửa đạn đạo. Đồng thời, cũng không thể dự báo được là trong 4 hoặc 5 năm nữa, quy mô và thành phần lực lượng quân sự Mỹ và các các đồng minh của Hoa Kỳ sẽ ra sao.

Ông Dean Chang, thuộc tổ chức tư vấn Heritage Foundantion cảnh báo là để tự bảo vệ trước các khả năng quân sự mới của Trung Quốc, chính quyền Washington vẫn còn có đủ thời gian để đưa ra các biện pháp điều chỉnh liên quan đến hệ thống vũ khí cũng như đối với các thiết bị quân sự mà Hoa Kỳ cung cấp cho Đài Loan.

Đây cũng là ý kiến của chuyên gia Rick Fisher, thuộc International Assessment and Strategy Center, theo ông, nếu không sớm hành động, “Washington có thể ở vào tình thế chạy theo Trung Quốc thay vì chủ động tiến hành chạy đua vũ trang”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.