Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Xu thế chống lại dự án đường sắt tốn kém tại Trung Quốc

Le Monde hôm nay chú ý đến những tin tức bên lề vụ Bộ trưởng Bộ Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân (Liu Zhijun) bị cách chức hồi đầu tháng 2. Ông cũng là người đứng đầu dự án đường sắt cao tốc đầy tham vọng kể từ năm 2003. Sự kiện này cho thấy xu thế phát triển ào ạt hệ thống đường sắt cao tốc đang bị đặt thành vấn đề.

Nhân viên lái tàu cao tốc trên tuyến Vũ Hán - Quảng Châu (Reuters)
Nhân viên lái tàu cao tốc trên tuyến Vũ Hán - Quảng Châu (Reuters)
Quảng cáo

Ngày 12/02/2011 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc đã có kết luận về việc nguyên Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân bị nghi ngờ là "phạm kỷ luật nghiêm trọng". Theo tuần báo trên mạng Economic Observer, dẫn một nguồn tin ẩn danh, có quan hệ chặt chẽ với Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân đã bị đặt dưới sự theo dõi đặc biệt từ năm 2010. Người kiến thiết dự án đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã bị tình nghi dính líu đến việc « phân bổ thầu » trong quá trình phát triển của mạng lưới đường sắt khổng lồ của Trung Quốc với 110 000 cây số, trong đó có 13 000 cây số đường cao tốc, dự kiến được thực hiện vào năm 2012.

Hiện tại, cơ quan an ninh đang tiến hành điều tra hai doanh nghiệp liên quan. Doanh nghiệp thứ nhất là một tập đoàn hoạt động trong ngành vận tải than và lắp đặt trang thiết bị tại các ga. Tập đoàn này, nhờ các quan hệ mờ ám, mà nhận được các hợp đồng cung cấp các tấm cách ly dọc các đường sắt cao tốc nối liền Vũ Hán và Quảng Châu. Vụ thứ hai liên quan đến một cựu giám đốc một công ty vận tải đường sắt, nguyên thư ký văn phòng đường sắt Bắc Kinh cho đến năm 2007.

Như vậy, ông Lưu Chí Quân là nhân vật chính trị cao cấp nhất tại Trung Quốc bị hạ bệ vì tham nhũng, kể từ vụ Bí thư Thượng Hải bị bắt năm 2006. Người kế nhiệm Bộ trưởng Đường sắt đã cam đoan rằng các kế hoạch phát triển đường sắt sẽ vẫn được tiếp tục, nhưng phải bảo đảm được an toàn, chất lượng và hiệu quả xây dựng.

Tuy nhiên, cơn sốt đường cao tốc, được siêu kế hoạch chấn hưng kinh tế năm 2008 tạo điều kiện, kể từ một vài tháng nay, đã trở thành đối tượng của nhiều tranh luận. Mùa thu năm ngoái, một nhóm các chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã gửi một báo cáo đến Chính phủ Trung Quốc để đả phá chính sách ưu tiên quá mức cho « các dự án hạ tầng cơ sở khổng lồ ». Trong báo cáo này, các chuyên gia đã cho thấy một nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng. Đó là mức nợ lên rất cao, mà theo báo cáo của UBS Securities, nợ của Bộ Đường sắt Trung Quốc đạt đến mức khoảng 130 tỷ euro vào cuối năm 2009.

Bên cạnh vụ đường sắt cao tốc, một tố cáo khác liên quan đến chất lượng nhựa đường được sử dụng để làm các đường tàu điện ngầm tại thành phố Quảng Châu cũng được chính quyền tỉnh chú ý. Tố cáo này do một kỹ sư về hưu 68 tuổi, cựu thanh tra xây dựng, đưa lên trang blog cá nhân. Một biến cố khác là, vào ngày thứ Hai (14/02/2011) vừa qua, một báo cáo của Tòa án xử các vụ việc tài chính Trung Quốc đưa ra kết luận, theo đó 20% dự án chào thầu tại 23 công trình làm sân bay trên toàn quốc « là có vấn đề » tham nhũng.

Le Monde kết luận, các vụ việc mới đây kể trên dường như cho thấy, có một chuyển hướng tại Trung Quốc trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, có lợi cho những người tố cáo các nhũng lạm của nhà nước Trung Quốc trong những năm gần đây. Cũng bởi, cái giá của những nhũng lạm này ngày càng trở nên không thể chịu đựng nổi.

Trang nhất các nhật báo Pháp

Những chuyển động trong thế giới Ả Rập tiếp tục là mối quan tâm của Le Monde, dùng câu hỏi "Mô hình chính trị nào cho các dân tộc Ả Rập ?"  để chạy tựa trên trang nhất. Le Monde giới thiệu 2 hồ sơ về Ai Cập và Bahrain, và những phân tích về mô hình Thổ Nhĩ Kỳ.

Les Echos hôm nay đặc biệt chú ý đến chỉ trích của Ủy ban Châu Âu đối với chính sách trợ giá cho việc xây dựng các căn hộ mới của chính phủ Pháp, với thông báo « Lĩnh vực nhà ở : Bruxelles tấn công vào chế độ trợ giá của Pháp ». Les Echos mô tả thái độ bất đồng của Paris đối với quyết định của Ủy ban Châu Âu, bị coi là vô lý, trong bối cảnh nước Pháp bị thiếu đến 600 000 căn hộ mới.

Với hàng tựa « Tổng thống Sarkozy tái khởi động cuộc tranh luận về đạo Hồi tại nước Pháp », Le Figaro cho biết, đầu tháng 4 tới, đảng UMP cầm quyền tại Pháp sẽ tổ chức cuộc tranh luận về chế độ thế tục tại Pháp và vị trí của Hồi giáo. Các nhật báo Libération và L’Humanité thì tiếp tục chú ý đến vụ việc liên quan đến Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Michèle Alliot-Marie, sau khi báo chí đưa ra các chi tiết mới những kỳ nghỉ của bà Alliot-Marie tại Tunisia.

Cũng về nước Pháp, trang nhất của La Croix đưa bạn đọc đến với một hiện tượng ngày càng phổ biến tại Pháp : những người về hưu được kêu gọi trở lại làm việc trong các ngành tư pháp, cảnh sát, giáo dục và y tế, để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực.

Trung Quốc lo ngại vì thiếu lúa mì do hạn hán

Cũng tại Trung Quốc, nạn hạn hán trong những tháng gần đây liệu có dẫn đến việc sản lượng lúa mì bị sụt giảm nghiêm trọng ? Đây là câu hỏi được Les Echos nêu ra hôm nay về tình trạng hạn hán tại Trung Quốc, tiếp theo các thảm họa xảy ra tại Úc và Nga trong năm vừa qua. Tuy nhiên, theo nhà khí hậu học Jim Dale, thuộc một tổ chức nghiên cứu Anh Quốc, đề cập đến vấn đề này bây giờ là quá muộn. Trên thực tế, thiệt hại đã xảy ra rồi.

Tại miền bắc Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã, 2,8 triệu người không có nước dùng. Diện tích bị khô hạn chiếm tới 36% các vùng trồng lúa mì ở Trung Quốc. Còn ở Bắc Kinh, phải đợi đến tháng 2 vừa rồi mới thấy những bông tuyết đầu tiên. Đây là điều chưa từng có trong vòng 60 năm trở lại đây. Tất cả các tỉnh phía nam Bắc Kinh, như  Sơn Đông, Sơn Tây, Giang Tô, An Huy đều lâm vào tình trạng thiếu nước tương tự. Thêm vào đó, miền nam Trung Quốc lại bị nạn rét đe dọa khiến các cây trồng bị ảnh hưởng.

Khủng hoảng thiếu nước sạch tại Ấn Độ

Cũng tại Châu Á, nhìn về Ấn Độ, Le Monde chú ý đến thành phố Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu, với 9 triệu dân, lâm vào tình trạng thiếu nước sạch từ năm 2003 đến nay, do dân số tăng nhanh cùng với sự phát triển của nhiều khu công nghiệp. Theo Le Monde, tình trạng tại thành phố này cũng là vấn nạn chung thiếu nước sạch hiện nay tại quốc gia lục địa này. So với những năm 1990, tỷ lệ người có nước dùng tại Ấn Độ đã tăng hơn nhiều, với 89% cư dân có nước dùng. Tuy nhiên, số người được dùng nước sạch vẫn rất thấp, với tỷ lệ trung bình 28%, trong đó, một nửa số dân cư tại thành phố có nước dùng, trong khi ở các khu vực nông thôn, con số này là dưới 20%.

Nạn thiếu nước sạch tại nhiều khu vực không phải là do khô hạn, mà là do hệ thống sông ngòi bị chèn lấp đến mức nước khô kiệt và ô nhiễm đến mức không thể sử dụng được nữa.

Trở lại thành phố Chennai, chính quyền đang có kế hoạch xây dựng hệ thống lọc nước biển để có đủ nước sạch. Theo một số chuyên gia, lựa chọn một giải pháp như kiểu các tiểu vương quốc Ả Rập là hơi vội, cần phát triển các hình thức dự trữ nước mưa tự nhiên để giải quyết vấn nạn này, tuy nhiên mực nước sông xuống rất thấp do được dùng quá nhiều cho nông nghiệp và công nghiệp. Chính quyền thành phố cũng tính tới việc buộc dân cư phải trả tiền nước dùng, tuy nhiên, có nhiều e ngại đây là một quyết định chính trị mạo hiểm, vì có nguy cơ sẽ dẫn đến nạn tham nhũng và gian lận.

Hiện tại, kế hoạch lọc nước biển cho thành phố Chennai đang được tiến hành với hai nhà máy, có công suất 200 triệu lít một ngày.

François Nourrissier, cây đại thụ của nền văn học Pháp vừa qua đời

Phần lớn các nhật báo Pháp hôm nay đều đưa tin nhà văn François Nourrissier từ trần. Theo tờ báo thiên hữu Le Figaro, sự ra đi của cây đại thụ François Nourrissier khiến văn học Pháp mất đi một « vị quân sư » tài ba. Nhật báo Thiên chúa giáo La Croix gọi François Nourrissier là « ông hoàng của chủ nghĩa bi quan ». Tờ báo cộng sản l’Humanité lại dành cho ông lời ngợi ca là « nhà phê bình soi sáng ». Báo kinh tế Les Echos thì mệnh danh nhà văn là « vị giáo chủ của nền văn chương Pháp ».

Mất đi ở tuổi 83, François Nourrissier, nguyên chủ tịch giải thưởng văn học Goncourt, đã dành gần như trọn cuộc đời mình cho văn học và vì văn học, chỉ ngừng viết và ngừng tham gia vào các hoạt động văn học cách đây ba năm vì bệnh tật nặng nề. Sự vắng mặt của François Nourrissier, ngay từ khi ông chưa mất, đã để lại một khoảng trống lớn trong đời sống văn học Pháp.

Nói với Le Figaro về nhà văn bậc thầy, đương kim nữ chủ tịch giải Goncourt, văn sĩ Edmonde Charles-Roux đã dành những lời gan ruột để kể về người tiền nhiệm, và cũng là người đã phát hiện ra tài năng văn học của bà từ rất sớm với tiểu thuyết đầu tay, « Oublier Palerme », xuất bản năm 1966, và nhận được giải thưởng Goncourt ngay sau đó.

Trong cuộc trò chuyện với L’Humanité, nữ văn sĩ Edmonde Charles-Roux cho biết : François Nourrissier là người đại diện cho văn học Pháp. Ông có tất cả những ưu điểm tiêu biểu cho tiểu thuyết Pháp : đó là tính chất nghiêm túc, độc lập, văn phong của ông trong sáng, ngộ nghĩnh và nhẹ nhõm. Bậc thầy lớn này là người mà theo bà đã đặt tình yêu tiếng Pháp lên cao nhất. Trong thời gian ông ngự trị trên văn đàn, điều quan trọng cần nhắc tới là, ông đã không hề núp bóng vào bất cứ một trường phái văn học nào. François Nourissier là con người hoàn toàn tự do.

Có một chi tiết là, bản thân cựu chủ tịch Goncourt lại chưa bao giờ nhận được giải Goncourt. Chính thi hào Louis Aragon năm nào đã đóng sập cánh cửa, từ bỏ Viện Hàn lâm Goncourt, vì tổ chức này không chấp nhận trao giải thưởng cho người rất xứng đáng - François Nourrissier. Và cũng chính François Nourrissier là người gần đây đã phát hiện và bảo vệ đến cùng tài năng Michel Houellebecq. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.