Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Tổng thống Pháp báo động về một Liên Hiệp Châu Âu suy yếu

Bài phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày, 25/04, tại trường đại học Sorbonne, Paris trình bày các quan điểm của ông về hiện trạng Liên Hiệp Châu Âu đã thu hút nhiều sự chú ý của các tờ báo ra ngày hôm nay. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại đại học Sorbonne, Paris, Pháp, ngày 25/04/2024.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại đại học Sorbonne, Paris, Pháp, ngày 25/04/2024. AFP - CHRISTOPHE PETIT TESSON
Quảng cáo

Trong bài phát biểu, ông Macron đã có rất nhiều đánh giá, kêu gọi định hướng lại để tránh cho Châu Âu không bị thoái lui, tụt hậu và để xây dựng một Châu Âu tự chủ vững mạnh về kinh tế, quốc phòng đủ sức cạnh tranh vững vàng trong một thế giới đầy biến động về địa chính trị như hiện nay.

Le Figaro nhận định tóm tắt : « sức mạnh, thịnh vượng, tinh thần nhân đạo » : Macron chứng tỏ là người chủ thi công trên công trường lớn Châu Âu ». Đi vào chi tiết, tờ báo có bài : « Emmanuel Macron : Từ Châu Âu tự chủ đến Châu Âu hùng mạnh ». Ngay từ khi đắc cử tổng thống 2017, Châu Âu luôn là cột sống trong chính sách đội ngoại của chình quyền Macron. Từ đó đến giờ, tình hình quốc tế đã có những chuyển biến xấu đi rõ rệt  và « luật chơi đã thay đổi », theo ông Macron. Le Figaro cũng ghi nhận, các cuộc tấn công chống lại các nền dân chủ tự do ngày càng gia tăng, Ukraina suy yếu trước Nga, Trung Đông có nguy cơ bùng nổ, Trung Quốc ngày càng là mối đe dọa. Ông Macron nói: “Châu Âu bị bao vây » và đang đứng trước nguy cơ  tụt hậu vô cùng lớn. Ông nhấn mạnh: “Châu Âu ngày nay đang tiêu vong ”. Tất cả phụ thuộc vào sự lựa chọn của Liên Âu trong những năm tới. « Chính lúc này thách thức đặt cho lục địa này là hòa bình hay chiến tranh. » 

Nhấn mạnh những khó khăn của Châu Âu để kêu gọi những giải pháp phương hướng tránh nguy cơ lớn, nhưng các báo cũng nhận thấy rõ ràng tổng thống Pháp, trong vai một nhà chiến lược tầm Châu Âu, vạch ra những hướng đi tương lai cho EU, nhưng mục tiêu vẫn là hướng về cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào ngày 09/06 tới đây mà đảng của ông đang gặp khó khăn. Le Figaro nhận định : « Tại Sorbonne, Macron bi kịch hóa thách thức Châu Âu nhằm cố thức tỉnh phe mình ».

Xã luận của La Croix đặt câu hỏi : « Liệu bài thuyết trình dài này có tác động đến người Pháp, những người mà năm này qua năm khác luôn nghi ngờ Liên Hiệp Châu Âu hay không? Nguyên thủ quốc gia thuyết giảng cho những người đã bị thuyết phục chứ không nỗ lực thuyết phục những người còn do dự .»

Mỹ chuyển gấp vũ khí tầm xa - Ukraina trước nguy cơ vỡ trận

Chuyển qua với thời sự nóng Ukraina. Chiếm trang nhất của nhật báo le Monde :  « Washington cung cấp các vũ khí cốt tử cho Ukraina đang kiệt lực quân sự ».

Tờ báo cho hay trong gói viện trợ 61 tỷ đô la cho Ukraina vừa mới được Quốc Hội thông qua, đợt viện trợ quân sự đầu tiên trị giá 1 tỷ đô la đã được giải ngân. Nhà Trắng đã quyết định đưa vào các loại đạn có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa 300 km, với độ chính xác vài chục mét.

Trong khi đó tại Ukraina, « quân đội Kiev trên bờ vực sụp đổ ở nhiều nơi ». Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan trước báo giới tại Nhà Trắng hôm thứ Tư đã không loại trừ khả năng “Nga có thể giành thêm được những lợi thế chiến thuật trong những tuần tới” ở miền đông Ukraina, do những thua thiệt về nhân lực và vật chất mà Kiev hiện đang phải gánh chịu.

Tình hình hiện tại trên chiến trường đang làm dấy lên lo ngại sẽ đến lúc tuyến phòng thủ của quân đội Ukraina bị phá thủng. Thành phố Kharkiv, nằm ở phía đông bắc đất nước và có 1,4 triệu dân trước chiến tranh, đang hứng chịu hỏa lực hàng ngày của quân Nga, theo nhật báo Pháp.

Đợt viện trợ vũ khí lần này cũng bao gồm các các loại đạn pháo 155mm mà quân đội Ukraina đang thiếu trầm trọng để đối phó với pháo binh Nga lớn gấp 10 lần về hỏa lực. Le Monde phân vân bao lâu thì vũ khí khí tài mới này được chuyển tới Ukraina. Tổng thống Joe Biden hứa là « trong những giờ tới ». Theo nhiều nguồn tin khác nhau, một phần số vũ khí trên đang nằm tại Đức và Ba Lan, có thể sẽ được chuyển giao nhanh nhất cho Kiev.

Trong một bài viết khác, Le Monde cho hay, ngoài những thiết bị quân sự  trong gói viện trợ quân sự mới của Mỹ, Ukraina đặt nhiều hy vọng đưa các chiến đấu cơ F-16 vào chiến đấu sớm. Hàng chục các phi công Ukraina đang được đào tạo tại nhiều nước Châu Âu để sử dụng loại máy bay này. Tuy nhiên, các phi công đó không thể kết thúc khóa huấn luyện trước năm 2024 này.

Chiến tranh Gaza : Bóng ma phong trào phản chiến 1968 trở lại Mỹ

Trong một diễn biến khác liên quan đến nước Mỹ. Vẫn trên nhật báo Le Monde có bài : « Cuộc huy động của các trường đại học Mỹ ủng hộ Gaza biến thành cái bẫy bầu cử cho Joe Biden ».

Tờ báo cho biết, chỉ còn vài tuần nữa các trường đại học kết thúc năm học, các cuộc biểu tình và tọa kháng của các sinh viên ủng hộ người Palestine liên tiếp diễn ra ở tại các trường đại học trên khắp nước Mỹ. Tờ báo ghi nhận : «  nước Mỹ bị chia rẽ vì cuộc chiến tranh ở Gaza. Khuôn viên trường Đại học Columbia, phía bắc Manhattan, New York đang trở thành tâm chấn. Giữa chiến dịch bầu cử tổng thống, các lãnh đạo chính trị từ thủ đô Washington đang bị cuốn vào sự kiện này. Làn sóng phản kháng này có thể phá hỏng chiến dịch tranh cử tổng thống của Joe Biden khiến ông có thể mất đi một lượng cử tri trẻ hoặc một phẩn cử tri gốc Do Thái ».

Le Monde lưu ý, phong trào chống Israel tấn công vào dải Gaza, ủng hộ người Palestine có quy mô đang lang rộng này gợi nhắc lại phong trào chống chiến tranh Việt Nam ở Mỹ năm 1968. Chính quyền và các lãnh đạo trường đại học đang rất lúng túng trước phong trào của sinh viên hiện nay. Trong khi đó úng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa Donald Trump không bỏ lỡ cơ hội này để tấn công  đối thủ Joe Biden.

Israel chuẩn bị tấn công Rafah

Bài báo của Le Figaro cho hay, quân đội Israel sẵn sàng chuyển sang hành động ở Rafah. Đây là thông điệp được bộ tổng tham mưu quân đội Israel gửi hôm thứ Năm (25/04) tới Nội các Chiến tranh do Benjamin Netanyahu lãnh đạo. Ông là người quyết định có bật đèn xanh cho một cuộc xâm lược trên bộ vào thành phố nằm ở biên giới với Ai Cập này hay không. Điều chắc chắn duy nhất: Thủ tướng đã nhiều lần khẳng định mục tiêu “chiến thắng toàn diện” trước Hamas. Và ông  khẳng định Israel chỉ có thể đạt được điều đó sau khi tiêu diệt Hamas ở Rafah. Để chứng minh rằng mình đã sẵn sàng hành động, người đứng đầu chính phủ Israel gần đây khẳng định rằng thời hạn đã được ấn định cho hoạt động như vậy mà không đưa ra thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào.

Trên thực địa, đang có rất nhiều dấu hiệu quân đội Israel mở tấn công vào Rafah. Tuy nhiên thủ tướng, Benjamin Netanyahu buộc phải tính đến tác động quốc tế nếu quân đội Israel tràn vào Rafah. Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục tuyên bố phản đối hoạt động như vậy trong khi Mỹ vừa thông qua khoản viện trợ khổng lồ hơn hai chục tỷ đô la cho Israel, đồng thời tiếp tục cung cấp vũ khí, đạn dược không hạn chế cho quân đội Israel.

Đuốc Olympic rời Hy Lạp về Pháp bằng thuyền buồm Belem

Hôm nay, đuốc Olympic rời Hy Lạp về Pháp. Cùng 16 người rước đuốc, ngọn lửa Olympic được đưa xuống con thuyền buồm cổ Belem về cảng Marseille vào ngày 08/05 tới  bắt đầu hành trình rước đuốc vòng quanh nước Pháp cho tới lễ khai mạc Thế vận hội, dự kiến diễn ra trên sông Seine giữa thủ đô Paris vào ngày 26/07 tới.

Nhân sự kiện này, trang Thể thao của Le Figaro có bài phóng sự dài về Belem chiếc thuyền buồm cổ 3 cột buồm được mang sứ mệnh chuyển ngọn lửa thiêng về Paris.

Chiếc thuyền buồm có chiều dài 51m, rộng 8,8m. Cột buồm chính cao 38 mét  với 21 cánh buồm có tổng diện tích 1200m2 và khoảng 70km dây thừng và 200 ròng dọc để giúp vận hành con thuyền.

Thuyền buồm Belem là biểu tượng thành công của ngành thương mại hàng hải Pháp, một công trình lịch sử được xếp hạng. Được đóng bằng gỗ và sắt thép trong sáu tháng ở thành phố Nantes, hạ thủy năm 1896, Belem chỉ là một tàu hàng, dùng để vận chuyển hạt ca cao của công ty chế biến sô-cô-la Pháp Menier. Belem mang cờ Pháp cho đến năm 1914, sau đó đã nhiều lần được chuyển cờ hiệu nước ngoài nhiều lần . Đến năm 1979, ngân hàng Pháp Caisse d’Epargne mua lại và biến con thuyền buồm thành một bảo tàng di động. Năm 1984 Belem là công trình lịch sử được xếp hạng.

Việc chọn thuyền Belem chuyển đuốc Olympic về Paris vì là phương tiện không phát thải ô nhiễm. Về lịch sử, con thuyền buồm ra đời cùng với với Pierre de Coubertin, bá tước Pháp khai sinh phong trào Olympic hiện đại năm 1896.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.