Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Anh ra luật trục xuất di dân sang Rwanda: Tiền lệ ‘‘đáng lo’’ và ‘‘nguy hiểm’’

Nhiều dấu hiệu kinh tế châu Âu phục hồi sau 18 tháng trì trệ. Bộ Tài Chính Pháp trình dự luật với 50 biện pháp ‘‘đơn giản hóa’’ thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, được giới chủ hoan nghênh. Báo cáo 500 trang của Amnesty International tố cáo tội ác chống thường dân của Israel tại Gaza với sự ‘‘đồng lõa’’ của nhiều nước phương Tây. Luân Đôn ra luật cho phép đưa dân nhập cư bất hợp pháp vào Anh sang Rwanda. Trên đây là một số chủ đề trang nhất của báo chí Pháp hôm nay.

Một chuyến tàu đưa người vượt eo biển Manche sang Anh : ảnh chụp tại bãi biển Gravelines, gần Dunkerque, bắc nước Pháp, ngày 12/10/2022.
Một chuyến tàu đưa người vượt eo biển Manche sang Anh : ảnh chụp tại bãi biển Gravelines, gần Dunkerque, bắc nước Pháp, ngày 12/10/2022. AFP - SAMEER AL-DOUMY
Quảng cáo

‘‘Luật Rwanda’’ của Anh là chủ đề được nhiều báo Pháp đưa tin và bình luận. Nhật báo Le Figaro cho biết: ‘‘sau hai năm tranh đấu về chính trị và pháp lý, nhiều tuần lễ đá qua đá lại giữa lưỡng viện, luật đã được Hạ Viện Anh Quốc thông qua trong đêm ngày thứ hai 22 qua ngày 23 tháng 4. Luật sẽ cho phép trục xuất về quốc gia Đông Phi này những người xin tị nạn nhập cư bất hợp pháp vào Anh.’’ Nhật báo thiên hữu nhấn mạnh: ‘‘đây là biện pháp tiêu biểu của chính phủ (Anh) trong cuộc chiến chống nạn nhập cư lậu’’, và đây cũng là một chủ đề quan trọng trong cuộc tranh cử Nghị Viện mà thủ tướng Sunak đang gặp khó khăn.

Chuyển toàn bộ dân nhập cư lậu ra khỏi Anh là giải pháp mà chính phủ đảng bảo thủ lựa chọn để ngăn chặn làn sóng vượt eo biển Manche, mà Luân Đôn và các đối tác châu Âu gần như bất lực. Năm 2022, có đến 45.000 người liều thân vượt biển đến được miền đất hứa. Năm 2023, có khoảng 30.000 người. Từ đầu năm đến nay, số người vượt biển gia tăng trở lại. Theo Le Figaro, di dân người Việt vượt biên sang Anh thông qua các băng đảng tội phạm là một lý do chính khiến số lượng này gia tăng.

Tư pháp Anh và châu Âu nhiều lần ngăn chặn ‘‘kế hoạch Rwanda’’

‘‘Kế hoạch Rwanda’’ của chính phủ Anh từng bị Tòa án Nhân quyền châu Âu (CEDH) ngăn chặn hồi tháng 6/2022. Liên tiếp trong hai năm, tòa án nhiều cấp của Anh Quốc đã đưa ra các quyết định ngăn chặn. Tháng 11/2023, tòa phúc thẩm Anh Quốc ra phán quyết khẳng định kế hoạch này là ‘‘bất hợp pháp’’, vì dân di cư có thể sẽ bị Rwanda trục xuất về bản quán, nơi các đương sự có thể bị đàn áp. Đạo luật mà Hạ Viện Anh vừa thông qua bác bỏ quan điểm này, khi khẳng định Rwanda là một ‘‘quốc gia an toàn’’.

Luật này cũng cho phép chính phủ Anh không tuân thủ phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu (mà Anh là thành viên), yêu cầu Luân Đôn ‘‘tránh trục xuất.’’ Thủ tướng Anh tuyên bố chắc nịch : ‘‘Không một tòa án nước ngoài nào có thể ngăn chặn’’ các chuyến bay trục xuất. Le Figaro cho biết, ngay sau khi Anh ra luật Rwanda, Hội đồng Toàn Châu Âu, và nhiều định chế Liên Hiệp Quốc đã lên án mạnh mẽ quyết định của Anh. Đảng Lao Động đối lập, được dự báo sẽ thắng trong cuộc bầu cử mùa thu tới, khẳng định sẽ chống lại ‘‘kế hoạch Rwanda’’.

''Những chuyến bay ô nhục''

‘‘Luật Rwanda’’ của Anh là chủ đề trang nhất của Libération. Nhật báo thiên tả bày tỏ thái độ phản đối dữ dội với hàng tựa: ‘‘Dân di cư : Những chuyến bay ô nhục’’, với nhận định ‘‘nhiều quốc gia châu Âu khác cũng có thể sẵn sàng rớt xuống vực thẳm thảm họa đạo lý này’’. Xã luận Libération, với tựa đề ‘‘Phi nhân tính’’, thì mỉa mai : bỏ ra hàng trăm triệu euro để trục xuất sang Rwanda những người xin tị nạn, điều tưởng như không thể có ngay cả trong một cuốn truyện khoa học viễn tưởng, vậy mà đang diễn ra trước mắt chúng ta. Xứ Rwanda, châu Phi, giờ đây đã trở thành một nơi ‘‘an toàn’’, cho phép Luân Đôn trục xuất cả những người Afghanistan, đã từng cộng tác với Quân đội Anh.

Với Libération, chính quyền Anh Quốc và nhiều quốc gia đã lựa chọn một xử sự ‘‘phi nhân tính’’ đối với những người phải chạy trốn đói khát và chiến tranh. Libération lên án phe bảo thủ cầm quyền tại Anh ‘‘không chỉ dối trá với người dân Anh về viễn cảnh tươi sáng khi rời khỏi Liên Âu (Brexit), điều mà nhiều người đã hối tiếc sau đó, mà giờ đây đang tiếp tục biến nước Anh thành một pháo đài, để có thể tiếp tục duy trì quyền thống trị tại những nơi mà họ còn có uy quyền’’.

''Vô nhân tính'' và phi lý

Nhật báo thiên tả vạch ra tính chất vừa phi lý, vừa vô nhân tính của kế hoạch Rwanda của thủ tướng Anh Sunak : ‘‘Có một sự ngẫu nhiên quái ác, đó là ít nhất 5 người di cư đã bị chết đuối tại eo biển Manche chính trong đêm ngày thứ hai qua ngày thứ ba (vào thời điểm Hạ Viện Anh thông qua luật). Khi người ta đã phải sẵn sàng liều mạng sống đến như vậy, liệu họ có chùn bước chỉ vì lo sợ bị gửi sang Rwanda hay không ?’’.

‘‘Điều đáng buồn nhất’’ theo Libération là đã không có nhiều người Anh xuống đường để bày tỏ sự phẫn nộ. ‘‘Điều đáng lo nhất là Liên Âu cũng đang từng bước dựng lên các hàng rào ngăn chặn dân tị nạn’’, và ‘‘điều nguy hiểm nhất là tất cả các giá trị cho phép chúng ta đoàn kết lại đang mất dần đi, do sự vô cảm’’. 

Từ bỏ thái độ ‘‘đạo đức giả’’ để tìm giải pháp tận gốc

Bài xã luận của nhật báo Công giáo La Croix, nhan đề ‘‘Đạo đức giả’’, cũng nhấn mạnh đến nguy cơ nhiều nước châu Âu đang sẵn sàng ‘‘vượt qua lằn ranh đỏ’’, noi theo Anh Quốc, ‘‘phản bội lại các nguyên tắc’’ của các xã hội dân chủ, tôn trọng nhân quyền. Hành động như vậy, không sớm thì muốn các quốc gia châu Âu sẽ trượt vào con đường của ‘‘chế độ toàn trị’’, như cảnh báo của triết gia Đức Hanna Arendt trước đây.

Nhật báo Công giáo không đơn thuần lên án hành xử của nước Anh về mặt đạo lý. La Croix muốn hướng đến xem xét triệt để hơn vấn đề di dân trong kỷ nguyên của ‘‘siêu toàn cầu hóa’’, với những dòng người di cư lớn, và sự thao túng của các băng đảng mafia, là điều mà Công ước Geneve về người tị nạn hồi 1951 chắc chắn đã không thể dự kiến được.

Xem xét lại để tìm ra các giải pháp thực tế hơn. Theo La Croix, rõ ràng là các nước châu Âu một mặt vẫn cần bảo vệ các thành quả liên quan đến ‘‘quy chế người tị nạn’’, nhưng mặt khác, hoàn cảnh mới đòi hỏi các quốc gia châu Âu có thêm các biện pháp khác, để cho phép ‘‘điều chỉnh dòng người di cư bất hợp pháp’’. La Croix thừa nhận, không chỉ có nước Anh, mà giờ đây Thỏa ước Liên Âu về nhập cư cũng dự kiến phải tính đến ‘‘việc xử lý (hồ sơ người tị nạn) ngoài biên giới Liên Âu’’, như tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia, hay Albani.

Tập trận Baliktan đối phó với Trung Quốc: Lần đầu tiên Pháp tham gia

Cuộc tập trận hải quân Balikatan tại Biển Đông giữa Mỹ và các đồng minh là một chủ đề trang nhất của Le Figaro. Mục tiêu của cuộc tập trận ngoài khu vực lãnh hải 12 hải lý của Philippines trước hết là để siết chặt liên minh quân sự Mỹ -Philippines, và là một tín hiệu mạnh gửi đến Trung Quốc. 85 năm sau trận chiến của Mỹ giành lại đảo Palawan từ tay đế quốc Nhật trong Thế chiến Hai, Philippines lại trở thành điểm nóng, nhưng lần này là để chống lại các tham vọng bành trướng của Trung Quốc.  

Le Figaro chú ý đến việc Pháp lần đầu tiên tham gia của cuộc tập trận Balikatan, với một tàu chiến và khoảng một trăm binh sĩ. Một trong các bài tập chính của cuộc tập trận là tái chiếm đảo bị vây hãm, và oanh kích tàu chiến tại phía bắc đảo Luzon, cách Đài Loan chỉ vài trăm cây số. Theo Le Figaro, một hỏa tiễn do tập đoàn MBDA Pháp sản xuất sẽ được bắn thử trong dịp này. Nhà nghiên cứu Edcel Ibarra, Đại học Philippines nhấn mạnh ‘‘đây là cuộc tập trận Balikatan quy mô lớn chưa từng có, và trọng tâm chuyển từ đất liền sang bảo vệ an ninh trên biển. Và đây là điều mà Trung Quốc căm ghét’’.

Ấn Độ - Thái Bình Dương: Pháp, Đức, Tây Ban Nha tập trận không quân

Pháp không chỉ tham gia tập trận Hải quân. Theo Le Figaro, Pháp cùng Đức và Tây Ban Nha đang chuẩn bị đợt diễn tập không quân chung tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cuộc diễn tập mang tên Pacific Skies 24 sẽ diễn ra từ ngày 26/06 đến 15/08, với sự tham gia của 10 phi cơ Pháp (trong đó có 4 máy bay phản lực Rafale), 28 phi cơ Đức (trong đó có 8 chiến đấu cơ Eurofighter) và 6 phi cơ Tây Ban Nha. Mục tiêu của cuộc diễn tập là cho phép khẳng định không quân châu Âu có khả năng triển khai nhanh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Cuộc diễn tập này là một tín hiệu ‘‘ngoại giao’’ mạnh gửi đến các đồng minh, đối tác tại khu vực, cho thấy châu Âu sẵn sàng can thiệp hỗ trợ, tương tự như việc các nước ngoài châu Âu, như Úc, tham gia hỗ trợ Ukraina. Tư lệnh Không quân Pháp, tướng Stéphane Mille, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ‘‘ưu thế về không quân’’ trong trường hợp chiến tranh bùng nổ. Trong những thập niên gần đây, phương Tây chiếm ưu thế tuyệt đối về mặt này, nhưng giờ đây tương quan lực lượng đang thay đổi mạnh mẽ với sự lên ngôi của drone, chiến tranh điện tử và sức mạnh gia tăng của ‘‘nhiều cường quốc cạnh tranh’’.

Tội ác chiến tranh Gaza: Ân Xá Quốc Tế tố cáo phương Tây ‘‘đồng lõa’’

Báo cáo dài 500 trang của Ân Xá Quốc Tế về các tội ác chiến tranh của quân đội Israel ở Gaza công bố hôm qua. Bài giới thiệu của Libération về báo cáo này nhấn mạnh đến trách nhiệm của phương Tây : chưa bao giờ mà các hứa hẹn về tính phổ quát của các quyền con người căn bản, mà phương Tây cổ vũ, lại bị thách thức đến như vậy. Để trả đũa cuộc tấn công khủng bố của tổ chức Hamas trên đất Israel khiến hơn 1.100 người thiệt mạng, Israel đã tiến hành cuộc can thiệp quân sự kéo dài hơn 6 tháng tại dải Gaza.

Theo báo cáo của Ân Xá Quốc Tế, cuộc can thiệp quân sự của Israel với mục tiêu tiêu diệt tổ chức Hamas cũng là một cuộc chiến trừng phạt chống lại người dân Palestine tại Gaza, với các cuộc oanh kích hoặc bừa bãi, hoặc cố tính nhằm với thường dân và các cơ sở hạ tầng dân sự, ngăn chặn viện trợ nhân đạo và cố tính đẩy xã hội Gaza vào nạn đói. Ít nhất 34.000 người, trong đó một phần ba là trẻ em thiệt mạng. Điều mà báo cáo của tổ chức Ân Xá Quốc Tế nhấn mạnh là thái độ bị lên án là ‘‘đồng lõa’’ của nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, trước các hành động xâm phạm trắng trợn các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Genève, Công ước ngăn ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng và luật pháp quốc tế về nhân quyền.

Thủ tướng Israel lo ngại bị Tòa án quốc tế truy tố

Về chiến tranh tại Gaza, nhật báo kinh tế Les Echos cho biết thủ tướng Israel đang lo ngại về khả năng Tòa án quốc tế truy tố. Nhiều bộ trưởng và quan chức cao cấp trong Quân đội Israel cũng có thể bị nhắm đến. Theo Les Echos, cho đến nay việc thủ tướng Israel có thể bị kết án vì tội ác chiến tranh, bị tòa án quốc tế truy nã chỉ là ước mơ của một số quốc gia hay các tổ chức phi chính phủ phản đối Israel, thế nhưng giờ đây, chính ông Benyamin Netanyahu đang ‘‘xem xét rất nghiêm túc’’ khả năng này.

Trong những ngày gần đây, thủ tướng Israel đã tổ chức một cuộc họp khẩn với một số thành viên chính phủ. Mục tiêu là chuẩn bị các bào chữa để chống lại các khả năng bị Tòa án Hình sự Quốc tế, có trụ sở tại La Haye, truy tố. Theo truyền thông Israel, văn phòng thủ tướng đã nhận được thông tin về việc tòa án đang chuẩn bị phát lệnh truy nã một số thủ phạm Israel can dự vào các tội ác chiến tranh tại Gaza. Nhà cầm quyền Israel cũng bị cáo buộc đã cố tình gây ra các thảm họa nhân đạo, hoặc ít nhất là đã không cố gắng để ngăn chặn. 

Đầu mùa hè: Nhiệt độ 45°C tại nhiều nước Đông Nam Á

Trong lĩnh vực khí hậu, môi trường, Le Monde cho biết khu vực Đông Nam Á đang đối mặt với đợt nóng ghê gớm. Tại Thái Lan, Miến Điện và Việt Nam hay Philippines, nhiệt độ nhiều nơi lên đến 40°C, thậm chí 45°C. Nhiệt độ nhiều nơi vượt quá kỷ lục năm ngoái. Lễ hội cổ truyền té nước đầu năm Songkran của Thái Lan ngày 13/04 thiếu nước. Cơ quan khí tượng Thái Lan dự báo nhiệt độ cao đến 43°C tại nhiều tỉnh phía nam trong suốt tháng 4, mới là tháng đầu của mùa khô, nóng.

Cuộc chiến khí hậu : Viện tư vấn Pháp đề xuất biện pháp  thu hút người dân

Biến đổi khí hậu khiến thời tiết trở nên ngày càng khắc nghiệt hơn không chỉ là vấn đề riêng của Đông Nam Á, hay châu Á, mà là của toàn cầu. Viện tư vấn Pháp Jean Jaurès hôm qua công bố một báo cáo, gửi đến các lãnh đạo chính trị châu Âu, để khuyến nghị các chính sách giúp cho chiến lược chuyển sang nền kinh tế xanh có thể thu hút được sự tham gia nhiều hơn của người dân.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.