Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Xung đột với Israel : Iran chọn thời điểm để « giương nanh vuốt »

Giờ đã điểm. Dường như Israel đã bắt đầu « phản công », « trả đũa » Iran. Trang chủ tất cả các báo Paris liên tục cập nhật tình hình theo thời sự thì trên các tờ báo giấy ngày 19/04/2024 Iran và Israel làm lu mờ bầu cử Quốc Hội Ấn Độ, báo động của CIA về khả năng « Ukraina bị thua ngay trong năm 2024 »,  lại càng hiếm hơn nữa những bài viết về chiến lược mới của Liên Âu thúc đẩy công nghiệp tránh để bị thua Mỹ và Trung Quốc.

Military personnel stand guard at a nuclear facility in the Zardanjan area of Isfahan, Iran, April 19, 2024, in this screengrab taken from video.
Binh lính đứng gác tại một cở sở hạt nhân trong vùng Zardanjan, Isfahan, Iran, ngày 19/04/2024. Ảnh chụp lại từ video. via REUTERS - WANA
Quảng cáo

Chỉ riêng nhật báo Le Monde đến tay độc giả từ chiều qua đã có gần một chục bài về Trung Cận Đông qua các tựa đề : « Israel bị cuốn vào mặt trận ở phương bắc » với Syria và Liban, « Thế đi dây của các nước vùng Vịnh giữa Israel và Iran », « Hạt nhân Iran, phông nền của cuộc đối đầu với Israel ». Sau biến cố 13 tháng Tư khi mà hàng trăm drone và tên lửa Iran nhắm về Israel, « Một liên minh quân sự chống Iran có thể được hình thành ? » 

Trực tiếp « Tấn công Israel hôm 13/04/2024 là dấu hiệu chính quyền Teheran đang muốn tỏ ra cứng rắn », tựa lớn của tờ báo mở đầu phần trang quốc tế.

Từ hơn 10 năm nay Israel nhắm vào các cơ sở của Iran tại Syria vậy tại sao sau lần này, sau vụ một tòa nhà thuộc sứ quán Iran ở Syria bị oanh tạc hôm 01/04/2024, Teheran lại trực tiếp thách thức cỗ máy quân sự đồ sộ của Israel ?  Le Monde đưa ra 3 yếu tố trả lời cho câu hỏi này.

Xung đột Iran-Israel : Hệ quả từ việc Mỹ xé bỏ hiệp ước hạt nhân

Thứ nhất, phe chủ trương « cứng rắn » giờ đây cho rằng sự « kiên nhẫn » của Iran là dấu hiệu « mềm yếu ». Chiến thuật trang bị cho những cánh tay nối dài như các phong trào Hamas của Palestine, Hezbollah ở Liban hay Houthi của Yemen để khuynh đảo Nhà nước Do Thái không còn cho phép thu về những « hiệu quả mà Teheran mong muốn ».

Nhưng vụ oanh kích hôm 01/04 chỉ là cái cớ để phe bảo thủ ở Iran « giương nanh vuốt ». Cựu ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, người từng dẫn đầu phái đoàn Iran đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với nhóm Lục Cường (5 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức), từ 2021 đã nhìn nhận « Tất cả những hồ sơ về quân sự, an ninh, về chiến lược trong khu vực » đều trong tay Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo. Bộ Ngoại Giao không có thực quyền.

Thỏa thuận hạt nhân đạt được tại Vienne năm 2015 vốn đã không mấy được cánh bảo thủ Iran đánh giá cao vì cho rằng thỏa thuận đó trái ngược với lợi ích quốc gia. Cánh diều hâu Iran lại càng « lên ngôi » khi cựu tổng thống Donald Trump, năm 2018 đơn phương rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, sự bội ước đó châm thêm củi lửa cho thành phần chủ trương một nước Iran khép kín. « Đa số các nhà lãnh đạo Iran hiện nay không muốn lập lại sai lầm » của thời kỳ hòa hoãn với phương Tây như một chuyên gia về Trung Cận Đông đã ghi nhận.

Cái cớ để thúc đẩy chương trình hạt nhân

Lý do thứ hai là xung đột lần này với Israel có thể là cái cớ cho phép Teheran tiến gần hơn nữa đến giải pháp « hạt nhân ».  

Le Monde trích lời Mohammad Ali Shabani tổng biên tập trang thông tin Amwaj, trụ sở đặt tại Luân Đôn. Trang mạng này chuyên theo dõi tình hình tại Iran, Irak và các nước trong vùng Vịnh Ba Tư. Ông Shabani cho rằng đương nhiên là Iran đã cân nhắc kỹ trước khi trực diện khiêu khích Israel, bởi biết rằng Tel Aviv sẽ trả đũa và sẽ nhắm vào lãnh thổ Iran. Nhưng « im lặng » sau vụ tòa đại sứ ở Syria bị tấn công sẽ tạo đà cho Israel thừa thắng xông lên và « điều đó sẽ mở đường cho một cuộc chiến » sau này. Và trong giả thuyết chiến tranh, liệu rằng Iran có đủ sức đối phó với vũ khí của Israel hay không ? Là một quốc gia rộng lớn, hệ thống phòng không của Iran quá hạn chế để bảo vệ bầu trời, như ghi nhận của một chuyên gia thuộc viện nghiên cứu quan hệ quốc tế và an ninh SWP của Đức. Vậy thì, « giải pháp còn lại là chương trình hạt nhân ». Khả năng răn đe của Iran qua đó lại càng có trọng lượng hơn.

Lý do thứ ba khiến Iran chọn giải pháp đáp trả mạnh mẽ Israel lần này là bởi « Những mối căng thẳng luôn nuôi dưỡng phe diều hâu », qua đó cho phép chặn đứng mọi ý đồ manh nha muốn cởi trói cho xã hội Iran. Một doanh nhân Iran được Le Monde trích dẫn ghi nhận thay đổi đầu tiên từ khi xung đột với Israel khai mào là sự hiện diện dày đặc hơn của lực lượng cảnh sát đạo đức trên đường phố truy lùng những phụ nữ không đeo khăn choàng đầu « đúng theo cung cách ».

Ukraina kêu cứu

Về chiến tranh Ukraina, Libération dành trọn trang bìa với hình ảnh một người lính mệt mỏi, đôi mắt nhắm nghiền, tay cầm súng. Ở phía dưới là hàng tựa nổi bật « Ukraina, lời kêu cứu » : những người lính trên chiến trường « kiệt sức, thiếu đạn dược và tuyệt vọng đợi chờ phương Tây tăng viện ».

Xã luận của tờ báo đặt câu hỏi « Phương Tây còn đợi gì nữa ? ». Báo kinh tế Les Echos trích lời giám đốc tình báo Mỹ CIA ông William Burns : « Không có 61 tỷ đô la viện trợ của Hoa Kỳ, Ukraina có thể thua Nga từ nay đến cuối năm ». Tờ Le Figaro gắn liền phát biểu hôm 18/04/2024 của giám đốc CIA với sự kiện trong hai ngày nữa Hạ Viện Mỹ biểu quyết về gói viện trợ quân sự cho Ukraina.

Libération cay đắng hộ cho Kiev với nhận định : phải đợi đến lúc tình hình trở nên nguy kịch ở nhiều nơi trên mặt trận miền Đông, Hạ Viện Mỹ mới bắt đầu « nhúc nhích » và hiện tại tất cả mới chỉ là hy vọng vì phải đợi đến ngày 20/04/2024 Hạ Viện Hoa Kỳ với đa số thuộc về bên đảng Cộng Hòa mới biểu quyết về gói viện trợ 61 tỷ đô la cho Ukraina cho cả năm.

Điểm sáng duy nhất là tới nay « khúc mắc nằm ở chỗ cái bóng của Donald Trump quá lớn » ở Hạ Viện, nhưng dường như ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa bắt đầu đổi ý.

Liên Âu đi tìm lực đẩy mới cho kinh tế

Kết thúc hai ngày họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu, lãnh đạo 27 thành viên « tiếp tục đi tìm những nguồn đầu tư để khởi động lại cỗ máy kinh tế ».

Libération dành một bài báo dài ghi nhận Liên Âu đang bị kẹt giữa hai ông khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc. « Mỗi năm 300 tỷ tiền tiết kiệm của châu Âu chạy sang Hoa Kỳ, đó là chưa kể 67 % các khoản chi tiêu quân sự của khối này đều ưu tiên dành để làm giàu cho các nhà máy sản xuất vũ khí của Uncle Sam. Lại cũng châu Âu ồ ạt mua vào khí hóa lỏng của Mỹ để thay thế cho khí đốt của Nga. »

Như vậy có nghĩa là « Liên Âu đang tài trợ cho cỗ máy kinh tế của Hoa Kỳ, đang nuôi dưỡng tăng trưởng của nước Mỹ và qua đó đào sâu thêm khoảng cách » giữa mình với đồng minh thân thiết ở bên kia bờ Đại Tây Dương.

Thế còn với Trung Quốc, như chính chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đã phải thốt lên rằng « những doanh nghiệp nhiều hứa hẹn nhất của châu Âu không thể phát triển đúng mức do bị các đối thủ Mỹ hay Trung Quốc thâu tóm ». Trả lời báo Libération kinh tế trưởng hãng bảo hiểm Allianz, Ludovic Subran phân tích vì saoTrung Quốc thành công trong tiến trình chuyển đổi năng lượng, Mỹ thành công trong việc làm sống lại cỗ máy công nghiệp, nhưng Liên Âu thì không. Theo chuyên gia này, câu trả lời khá đơn giản cả Washington lẫn Bắc Kinh cùng không cứng nhắc trong việc hạn chế chi tiêu. Chỉ có Liên Âu đau đáu với mục tiêu giữ thâm hụt ngân sách nhà nước dưới ngưỡng 3 % GDP.

Chính những sai lầm này dẫn tới hậu quả là Liên Hiệp Châu Âu mất khả năng cạnh tranh, để rồi không chỉ có hàng rẻ của Trung Quốc tràn vào châu Âu, mà cả pin mặt trời và ô tô điện made in China đang giết chết các ngành công nghiệp đầy hứa hẹn của Liên Âu

Thế Vận Hội Paris 2024 tủ kính của Nike và Puma

Ngót trăm ngày trước Olympic Paris, trả lời báo kinh tế Les Echos chủ tịch tổng giám đốc Nike giải thích vì sao Thế Vận Hội lần này là một « khúc quanh, một thời khắc mang tính quyết định » đối với tập đoàn trang thiết bị thể thao hàng đầu thế giới này. Vào lúc doanh thu có phần đi xuống, Nike thông báo kế hoạch cắt giảm chi tiêu đến 2 tỷ đô la trong thời gian sắp tới, thế Nike kỳ vọng Paris 2024 sẽ là tủ kính để trình làng những « phát minh mới », bởi theo ông John Donahoe, « nước Pháp và nhất là Paris là biểu tượng của một phong cách sống trẻ trung và tình yêu thể thao ».

Nike luôn gắn bó với kinh đô ánh sáng : năm 1987 nhà tạo mẫu Tinker Hatfield đã lấy nguồn cảm hứng từ Trung Tâm Văn hóa Pompidou quận 1 Paris để thiết kế gam dầy thể thao Air Max1. Thành thử giờ đây trở lại Paris để giới thiệu gam dầy mới Air Max Dn với những sáng tạo mới, đây cũng là cơ hội để Nike trở lại với mối tình đầu.

Lãnh đạo tập đoàn Nike còn cho biết thêm đã triển hạn hợp đồng với đội tuyển bóng đá quốc gia Pháp cho giai đoạn hậu 2026.

Cũng trên nhật báo kinh tế les Echos, tập đoàn Puma, đứng hạng ba trên thế giới trong cùng lĩnh vực với Nike đã chọn Paris là nơi ra mắt một chiến dịch quảng cáo mới rất hoành tráng. Nhãn hiệu con báo đen hôm 10/04/2024 đã quy tụ một dàn sao sáng chói trong giới điền kinh như nữ vận động viên bóng rổ Breanna Stewart, ông vua nhảy xa Jonathan Edwards, hay nhà vô địch ở môn nhảy rào 110 mét Colin Jackson …. với khẩu hiệu « Forever. Faster. See the game like we do » như để hưởng ứng khẩu hiệu của Olympic : Nhanh Hơn, Cao Hơn và Xa Hơn !

Trong mùa Thế Vận Hội lần này, Puma độc quyền cung cấp trang thiết bị cho các vận động viên của 17 quốc gia và hàng trăm vận động viên tranh tài. Chắc chắn là Paris2024 cũng là một tủ kính của nhãn hiệu Đức con báo đen Puma. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.