Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Bà Aung San Suu Kyi bắt đầu công du Châu Âu

Hãng tin AFP cho biết, hôm nay 13/6/2012, bà Aung San Suu Kyi đã rời Rangun lên đường đi Châu Âu, bắt đầu chuyến công du hơn 15 ngày đến một số nước đã ủng hộ sự nghiệp chính trị của bà từ bấy lâu nay. Chuyến công du này dự trù kéo dài trong hơn hai tuần lễ, cho đến ngày 30 tháng Sáu.

Bà Aung San Suu Kyi trên đường đến sân bay quốc tế Yangon (REUTERS)
Bà Aung San Suu Kyi trên đường đến sân bay quốc tế Yangon (REUTERS)
Quảng cáo

Theo lịch trình, bà San Suu Kyi sẽ đến Genève vào tối nay. Tại văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Genève, bà sẽ phát biểu về vấn đề lao động cưỡng bức. Sau đó, bà sẽ đến Anh, nơi bà từng theo học tập và lập gia đình. Tiếp đó bà sẽ đến Dublin và Paris. Ngày 19, tại Oslo Na Uy, bà sẽ có một cuộc họp chính thức về giải Nobel mà bà đã được bầu chọn cách đây 21 năm (năm 1991).

Chuyến công du của bà San Suu Kyi bị mờ nhạt do diễn ra trong bối cảnh bạo lực đẫm máu trong mấy ngày qua giữa cộng đồng Phật Giáo và Hồi Giáo ở miền nam Miến Điện. Tuy nhiên, bà đã không thay đổi lịch trình. Trước khi khởi hành, bà đã tuyên bố với báo giới rằng : « Tôi muốn làm hết sức mình vì lợi ích của nhân dân Miến Điện ». Phái đoàn của bà lần này có 5 người, trong đó không có nhân vật nào thuộc thế hệ tham gia thành lập Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (LND).

Kể từ năm 1988, bà Aung San Suu Kyi luôn sống trong cảnh tù tội và bị quản thúc tại gia. Đến năm 2010, bà được trả tự do. Rồi tháng Tư vừa qua, bà trúng cử đại biểu quốc hội. AFP nhận định, tổng thống Thein Sein chấp nhận cho bà trở lại chính trường vì muốn nhờ vào uy tín và ảnh hưởng của bà để thoát khỏi các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế và để vực dậy nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, bà San Suu Kyi không quá lạc quan về những cải cách vừa qua ở Miến Điện. Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên tại Thái Lan vừa rồi, bà đã lên tiếng kêu gọi các nhà đầu tư nên giữ một thái độ thận trọng đối với chế độ hiện tại ở Miến Điện.

Còn trong chuyến công du Châu Âu lần này, một nhà nghiên cứu Úc được AFP dẫn lời cho rằng, bà San Suu Kyi sẽ cố gắng làm cho những đối tác của mình hiểu rằng, tại Miến Điện, tiến trình cải cách chính trị và kinh tế chỉ mới bắt đầu. Hãng tin này cũng dự đoán, để tránh rắc rối khi trở về nước, bà San Suu Kyi sẽ phải cân nhắc từng lời trong các buổi nói chuyện tại Châu Âu. Chuyến công du của bà Aung San Suu Kyi đến Châu Âu sẽ kết thúc vào ngày 30 tháng Sáu này.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.