Vào nội dung chính
CAM BỐT - PHILIPPINES

Đại sứ Cam Bốt tại Manila vẫn "cáo bệnh" sau khi chỉ trích Philippines và Việt Nam

Nhiều ngày sau khi được gọi lên bộ Ngoại giao Philippines để giải thích về các cáo buộc nhắm vào nước chủ nhà và Việt Nam, trong vụ ASEAN không ra được thông cáo chung do vấn đề Biển Đông, đại sứ Cam Bốt Hos Sereythonh vẫn cáo bệnh, « không xuất đầu lộ diện » và « im hơi lặng tiếng ».

Đại sứ Cam Bốt tại Philippines, Hos Sereythonh
Đại sứ Cam Bốt tại Philippines, Hos Sereythonh DR
Quảng cáo

Một nguồn tin thân cận với bộ Ngoại giao Philippines nói là Manila sẵn sàng chờ đợi cho đến khi đại sứ Hos khỏi bệnh và lên bộ Ngoại giao để gặp thứ trưởng Erlinda Basilio, phụ trách hồ sơ chính trị.

Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh rằng đại sứ Cam Bốt không thể bỏ qua các yêu cầu của chính phủ Manila, bởi vì đây có thể là lý do để phía Philippines tuyên bố « personna non grata – nhân vật không được hoan nghênh » đối với đại sứ Cam Bốt. Tuy nhiên, Manila trấn an ngay là tình hình chưa đến mức « tệ hại » như vậy.

Một nhà ngoại giao nói với báo Philippines The Star: « Theo thông lệ ngoại giao, bạn sẽ phải lên bộ Ngoại giao nếu như được mời. Bất kỳ một nhà ngoại giao nào cũng đều biết đến hậu quả nếu như người đó không đến bộ Ngoại giao sau khi được triệu tập. Vai trò của một vị đại sứ là làm bạn và có được bạn bè ủng hộ nước mình. Hãy chờ xem, hãy để cho vị đại sứ đó có thời gian ».

Manila cho rằng đại sứ Cam Bốt đã hành xử không thích hợp, cụ thể là ra một thông cáo bày tỏ sự phẫn nộ đối với nước chủ nhà mà lại không gặp, trao đổi trước với bộ Ngoại giao Philippines.

Ngày 30/07/2012 đại sứ Cam Bốt tại Manila Hos Sereythonh đã gửi thư đến báo The Star của Philippines. Trong thư, ông cho rằng Philippines và Việt Nam đã « phá hoại và lũng đoạn » bản dự thảo thông cáo chung sau cuộc họp của các Ngoại trưởng ASEAN hồi đầu tháng Bẩy, làm cho khối này, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, không ra được bản thông cáo chung. Vị đại sứ Cam Bốt không ngần ngại tố cáo Manila và Hà Nội có những trò « chính trị bẩn thỉu ».

Ngay lập tức, bộ Ngoại giao Philippines đã mời gọi đại sứ Hos lên giải thích, nhưng ông từ chối với lý do bị cúm. Hôm sau, 31/07, Manila tiếp tục triệu tập đại sứ Cam Bốt. Lần này, người đứng đầu sứ quán Cam Bốt vẫn nêu lý do sức khỏe và cử người thứ hai của sứ quán là ông Tan Chandaravuth đi thay.

Trong cuộc gặp này, thứ trưởng Ngoại giao Philippines Basilio đã trao cho đại diện sứ quán Cam Bốt công hàm phản đối các cáo buộc của đại sứ Hos và nhấn mạnh là Manila đòi đích thân vị đại sứ này phải giải thích tại sao ông đã đưa ra những lời lẽ như vậy trong bức thư được đăng trên tờ The Star.

Mặt khác, Philippines cũng yêu cầu đại sứ Cam Bốt, nước đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN trong năm nay, cho phép công bố các bằng chứng nhằm chấm dứt những tin đồn đại về những gì đã xẩy ra trong các cuộc thảo luận ở Phnom Penh hồi tháng Bẩy mà chính Cam Bốt đã chống lại việc ra thông cáo chung. Phía Philippines nhấn mạnh là thứ trưởng Basilio là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm. Bà đã có mặt trong tất cả các cuộc thảo luận ở Phnom Penh, còn đại sứ Cam Bốt Hos thì không.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết sẽ tiếp tục triệu đại sứ Cam Bốt lên để làm rõ sự việc. Tình thế này quả là khó xử cho chính quyền Phnom Penh và ông đại sứ Hos.

Thông thường, các đại sứ phải tham khảo ý kiến chính phủ nước mình trước khi bày tỏ lập trường về một vấn đề nào đó, đặc biệt là liên quan đến nước chủ nhà. Nếu đại sứ Hos không tham khảo ý kiến Phnom Penh trong việc cáo buộc Philippines và Việt Nam làm cho hội nghị ASEAN không ra được thông cáo chung, thì chắc chắn, ông bị triệu hồi về nước. Dường như cả vị đại sứ và chính quyền Cam Bốt không ngờ tới phản ứng mạnh mẽ của Philippines và đặc biệt là việc Manila đề nghị công bố biên bản các cuộc thảo luận nội bộ của ASEAN để làm rõ trắng đen.

Một nhà ngoại giao Philippines đã nghỉ hưu, xin dấu tên, nói với báo The Star rằng vị đại sứ Cam Bốt có thể bị cảnh cáo nếu không lên bộ Ngoại giao, khi được mời. « Ông đại sứ nêu lý do sức khỏe nhưng điều này cần phải có bằng chứng. Ông ta không thể nêu lý do sức khỏe để bỏ qua yêu cầu của chính phủ nước chủ nhà ».

Thái độ của Philippines và sự im lặng của đại sứ Cam Bốt cũng đã nói lên được sự thật của vấn đề. Có thể đại diện chính phủ hai nước đang thảo luận một cách không chính thức với nhau để dàn xếp vụ việc. Bởi vì cả Philippines và Cam Bốt đều không muốn bị quy trách nhiệm gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.