Vào nội dung chính
ĐÔNG BẮC Á

Chủ nhân quần đảo Senkaku mệt mỏi về tranh chấp chủ quyền Nhật-Trung

Bốn trong số năm hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Senkaku là thuộc sở hữu tư nhân. Thế nhưng, đây là biểu tượng trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của các bên liên quan tại vùng Đông Á : Thống đốc Tokyo muốn giữ bằng bất cứ giá nào, chính phủ Nhật Bản kiên quyết bảo vệ, Đài Loan tuyên bố thuộc chủ quyền của mình, còn Trung Quốc thì coi việc khẳng định chủ quyền ở đây là một « ưu tiên quốc gia ». Do vậy, gia đình Kurihara, chủ nhân của những hòn đảo không người ở này, giờ đây chỉ muốn một điều : Nhượng lại các hòn đảo cho thành phố Tokyo để thoát ra khỏi cuộc tranh cãi về chủ quyền giữa các Nhà nước liên quan.

Đảo Uotsuri, thuộc quần đảo Senkaku, nơi tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Đảo Uotsuri, thuộc quần đảo Senkaku, nơi tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc. REUTERS/Kyodo
Quảng cáo

Ông Hiroyuki Kurihara, em của chủ nhân các hòn đảo ở Senkaku nói với AFP : « Cuộc xung đột ngày càng nghiêm trọng. Chúng tôi lo ngại là chính phủ Nhật Bản không đủ khả năng đối phó với tình hình liên quan đến các hòn đảo này ».

Quả thực là trong những tuần gần đây, tình hình ngày càng xấu đi trong khu vực quần đảo Senkaku mà Trung Quốc và Đài Loan cũng cho là có chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Quần đảo này nằm cách Tokyo khoảng 2.000 km và cách Đài Loan 200 km. Tại đây, gia đình Kurihara sở hữu bốn đảo : Uotsuri, Kitako, Minamiko và Kuba từ nhiều thập niên. Hòn đảo thứ năm do Nhà nước Nhật quản lý.

Các hòn đảo này không có người ở, nhưng trong tuần qua, đã liên tiếp có nhiều người đặt chân tới. Ngày 15/08, một nhóm người ủng hộ Bắc Kinh đã đổ bộ lên để cắm cờ Trung Quốc. Đáp lại, hôm nay, khoảng 20 tàu chở 150 người Nhật Bản, có tư tưởng dân tộc chù nghĩa, trong đó bao gồm một số dân biểu, đến đây, hơn một chục người trong số này đã bơi vào đảo Uotsuri và cắm cờ Nhật Bản.

Bên ngoài vị trí chiến lược, khu vực biển thuộc quần đảo Senkaku được đánh giá là dồi dào nguồn hải sản và đáy biển có thể có trữ lượng lớn về dầu khí.

Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố Trung Quốc đã làm chủ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trong vòng 5 thế kỷ, Tokyo đáp lại là ngay từ cuối thế 19, một doanh nhân Nhật Bản đã đến các hòn đảo không có người ở này, để lập cơ sở sản xuất : Ông Tatsuhiro Koga đã thành lập hai phân xưởng nhỏ, sơ chế thịt cá ngừ và thu thập lông hải âu.

Sau khi quân đội Nhật Hoàng bại trận, các hòn đảo này, trực thuộc địa phận thành phố Okinawa, phía nam, được đặt dưới sự quản lý của quân đội Mỹ. Đến năm 1972, khi quân đội Mỹ trả lại đảo Okinawa cho chính quyền Nhật Bản quản lý, thì quần đảo Senkaku cũng được trả lại cho ông Zenji, con trai ông Tatsuhiro Koga, chủ sở hữu. Do không có người kế thừa, ông Zenji đã bán lại cho gia đình Kurihara giầu có, vốn là chỗ thân quen từ lâu đời.

Hiện nay, ông Kunioki, con cả trong gia đình Kurihara sở hữu 3 hòn đảo và cho chính phủ Nhật Bản thuê với giá 25 triệu yên (250 000 euro) mỗi năm. Hòn đảo thứ tư thuộc sở hữu của em gái ông Kunioki và cho bộ Quốc phòng Nhật Bản thuê.

Gia đình Kurihara cho biết, họ đã hứa với gia đình Koga là không bao giờ bán lại các hòn đảo này cho người lạ, vì muốn duy trì những kỷ niệm của chủ nhân đầu tiên là ông Tatsuhiro Koga.

Bốn thập niên sau, các cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan về quần đảo này đã làm cho gia đình Kurihara rất đau đầu. Mặt khác, trên khía cạnh tài chính, lo ngại là hậu thế sẽ phải gánh chịu thuế kế thừa cực kỳ lớn, các chủ nhân trong gia đình Kurihara muốn bán ngay các hòn đảo này, nhưng không bán cho tư nhân.

Do vậy, cách nay vài tháng, thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara, một chính trị gia có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, bày tỏ ý định mua lại các hòn đảo nhằm ngăn chặn mọi ý đồ xâm chiếm của Trung Quốc. Dự án của thống đốc Tokyo đã làm dấy lên một làn sóng ủng hộ và số tiền quyên góp để mua các đảo đã lên tới 14 triệu euro, tức là hơn 2/3 giá chào bán được đăng trên báo chí Nhật Bản.

Lúng túng trước sáng kiến của thống đốc Tokyo, chính phủ Nhật Bản, trong tháng Sáu, tuyên bố dự tính giành quyền ưu tiên trong việc mua lại các hòn đảo này. Ngay lập tức, Trung Quốc lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Theo giới phân tích, quần đảo Senkaku cho dù hiện nay thuộc sở hữu tư nhân, nhưng chính quyền Tokyo phải bảo vệ bằng mọi giá, vì nếu để rơi vào tay Trung Quốc, chính sách quốc phòng của Nhật Bản sẽ mất đi ý nghĩa của nó : Đó là bảo vệ lãnh thổ quốc gia.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.