Vào nội dung chính
NHẬT BẢN

Nhật sắp đưa một nhân vật diều hâu trở lại chức thủ tướng: Bắc Kinh đau đầu

Hàng trăm ứng viên dự tranh một chiếc ghế trong Hạ viện Nhật Bản đã dồn mọi sức lực còn lại vào hôm nay 15/12/2012, để thuyết phục cử tri. Một hôm trước ngày bầu cử, các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy là Đảng Dân chủ Tự do trong phe đối lập có nhiều triển vọng chiến thắng, giành lại chính quyền từ tay Đảng Dân chủ Nhật Bản của Thủ tướng Noda.

Ông Yoshihiko Noda, Đảng Dân chủ và ông Shinzo Abe, thuộc Đảng Dân chủ Tự do (REUTERS)
Ông Yoshihiko Noda, Đảng Dân chủ và ông Shinzo Abe, thuộc Đảng Dân chủ Tự do (REUTERS)
Quảng cáo

Lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Shinzo Abe, được dự đoán sẽ trở lại làm thủ tướng nước Nhật, một trọng trách từng được ông đảm nhiệm trong hai năm 2006- 2007. Việc một người nổi tiếng là diều hâu như ông Abe trở lại cầm quyền ở Tokyo, sẽ làm cho Bắc Kinh phải nhức đầu, ít ra là trong thời gian trước mắt, nhất là trong bối cảnh quan hệ Nhật Trung đang càng lúc càng căng thẳng trên vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. 

Vào thời còn làm Thủ tướng Nhật Bản từ tháng Chín 2006 đến tháng 9 năm 2007, ông Abe đã nỗ lực thúc đẩy cơ chế gọi là Sáng kiến Tứ giác, một kiểu thỏa thuận đối tác chiến lược giữa bốn nước Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Úc. Sáng kiến này nhằm mục tiêu tăng cường hợp tác chiến lược và tập trận hải quân giữa bốn cường quốc dân chủ trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương.. 

Tuy nhiên, cố gắng của ông Abe không thành, vì vào thời đó, các nước chưa thấy lo ngại lắm về sự vươn lên của Trung Quốc, và không muốn tỏ ra có thái độ bị Bắc Kinh cho là khiêu khích. 

Gần đây, trong cuộc vận động tranh cử, ông Shinzo Abe đã cho biết là ông sẽ theo đuổi một chiến lược liên minh kiên quyết, đặc biệt là với Mỹ. Ông hàm ý sẽ xem xét lại những hạn chế mà Tokyo từng tự áp đặt trước đây, theo đó chi tiêu quân sự Nhật Bản không quá 1% GDP.

Thậm chí còn có tin đáng tin cậy cho rằng ông sẽ tăng cường khả năng quân sự vốn đã khá mạnh của Nhật Bản, với các phương tiện mới như tên lửa đạn đạo, oanh tạc cơ chiến lược và các đơn vị đổ bộ. 

Theo một số nhà quan sát, Nhật Bản không thể nào tiếp tục duy trì quan hệ căng thẳng với Trung Quốc – do liên kết kinh tế chặt chẽ giữa hai cường quốc kinh tế số hai và số ba thế giới, và nhất là đảng Dân chủ Tự do được coi là thân giới chủ nhân, không muốn công việc làm ăn của họ với Bắc Kinh bị ảnh hưởng. 

Cho dù vậy, Bắc Kinh chắc chắn cũng sẽ bị nhức đầu – ít ra là trong một vài tháng tới đây - vì Nhật Bản sẽ còn bầu Thượng viện vào mùa hè năm 2013, và đảng Dân chủ Tự do không thể bỏ qua xu hướng hiện nay của công luận Nhật Bản là ngày càng không muốn Tokyo khấu đầu trước Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.