Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - THÁI LAN

Thái Lan cho phép LHQ tiếp xúc với người tỵ nạn Rohingya

Bangkok hôm nay, 16/01/2013 cho biết đã cho phép Phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc HCR tiếp xúc với hàng trăm người tỵ nạn Miến Điện bị bắt những ngày qua tại Thái Lan. Trong số này, có thể có rất nhiều người Rohingya theo Hồi giáo. Quyết định của Thái Lan được nhằm trấn an nỗi quan ngại của các tổ chức phi chính phủ về điều kiện sống cũng như số phận của những người này.

Một trại tỵ nạn dành cho người Rohingyas trên đất Thái (REUTERS /Soe Zeya Tun)
Một trại tỵ nạn dành cho người Rohingyas trên đất Thái (REUTERS /Soe Zeya Tun)
Quảng cáo

Theo hãng tin Pháp AFP, phát ngôn viên Phủ Cao ủy Tỵ nạn, bà Vivian Tan, cho biết : « Thái Lan đã chấp nhận trên nguyên tắc để chúng tôi tiếp xúc với nhóm người này. Chúng tôi đang thúc đẩy hồ sơ để gặp được họ càng sớm càng tốt. » 

Theo bà Vivian Tan, đã có khoảng 850 người bị câu lưu trong 3 chiến dịch bố ráp, nhưng bà chưa thể xác nhận danh tánh của họ, và cần phải gặp họ, rồi sau đó mới có thể đánh giá được tình hình một cách cụ thể. Chính quyền Thái Lan cũng đã xác nhận việc cho phép Phủ Cao ủy Tỵ nạn đến gặp những người bị bắt. 

Tướng Paradorn Pattanatabut, Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan cho biết : « Cảnh sát tập trung trên các vấn đề nhập cư trái phép vào đất Thái, cầm giữ trái phép và đón người nhập cư trái phép ». Tuy nhiên, nhân vật này không nói gì đến khả năng có việc buôn người. 

Theo AFP, trong lúc các tổ chức phi chính phủ đang lo ngại trước sự kiện ngày có nhiều trẻ em trong số các thuyền nhân Rohingya, Tướng Pattanatabut xác nhận là đã có 160 thiếu niên bị tách khỏi nhóm người lớn, vốn đang bị giữ trong 2 trung tâm giam giữ và tại 4 đồn cảnh sát. 

Số 850 người nói trên bị bắt tại tỉnh Songkhla, gần biên giới Malaysia. Gần đây các nguồn tin cảnh sát Thái đã gợi đến việc họ là những người nhập cư trái phép và sẽ bị trục xuất. 

Tại Miến Điện có khoảng 800.000 người Rohingya, theo đạo Hồi, sống chủ yếu ở bang Rakhine, miền Tây. Các vụ xung đột giữa người Hồi giáo và Phật giáo tại đây đã làm ít nhất 180 người chết và 115.000 người phải tản cư vào năm ngoái, 2012.

Theo AFP, Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu các quốc gia lân cận đón tiếp họ, nhưng cho đến nay thì chỉ được duy nhất Malaysia đáp ứng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.