Vào nội dung chính
CAM BỐT

Cựu Ngoại trưởng Khmer Đỏ Ieng Sary qua đời

Đang trong tiến trình bị xét xử về tội ác chống nhân loại trong thời gian Khmer Đỏ cầm quyền tại Cam Bốt trong thập niên 1970, cựu Ngoại trưởng Ieng Sary đã qua đời tại Phnom Penh vào hôm nay, 14/03/2013. Cái chết của ông đã khiến cho Tòa án xét xử tội ác diệt chủng của chế độ Pol Pot trước đây mất đi một bị cáo quan trọng.

Cựu Ngoại trưởng Ieng Sary thời chế độ Pol Pot trước Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ.
Cựu Ngoại trưởng Ieng Sary thời chế độ Pol Pot trước Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ. REUTERS/Print Samrang/Pool/Files
Quảng cáo

07:27

Thông tín viên Phạm Phan tại Phnom Penh (Cam Bốt)

Mai Vân

Từ Phnom Penh, thông tín viên Phạm Phan cho biết thêm chi tiết về nhân vật bị coi là một trong những tên đồ tể của chế độ Khmer Đỏ :

Phạm Phan : Theo vị luật sư của bị cáo Ieng Sary, thì Ieng Sary 89 tuổi đã chết vào lúc 8g55 phút sáng 14/3/2013 trong lúc đang được chữa trị tại bịnh viện.

Trong thời gian qua, bị cáo Ieng Sary được cho phép tạm ngưng bị xét xử để đưa đi điều trị vì căn bịnh viêm dạ dày lâu năm, khiến cho đương sự cứ ăn vào rồi lại nôn mửa.

Cái chết của Ieng Sary đã được tiên liệu trước đây một tuần khi bịnh tình của bị cáo ngày một nặng thêm. Tuy nhiên nhiều nạn nhân của chế độ diệt chủng vẫn không hài lòng vì cho rằng một trong các trọng phạm đã thoát được lưới pháp luật.

Còn phía Trung Tâm Tài Liệu Cam Bốt thì cho rằng đây là một tổn thất rất lớn cho Tòa Án Xử Tội Ác Diệt Chủng vì mất đi một bị cáo quan trọng.

Ieng Sary sinh ngày 24/10/1924 tại huyện Châu Thành tỉnh Trà Vinh thuộc Nam Việt Nam, tên lúc nhỏ là Kim Trang (có tài liệu ghi là Thạch Rẹm). Bản thân Kim Trang mang dòng máu Khmer về phía cha, và mẹ có nguồn gốc Trung Hoa di dân đến Việt Nam.

Kim Trang mang tên Ieng Sary khi tham gia Cộng Sản. Trước khi rời Cam Bốt du học tại Pháp, Ieng Sary đính hôn với Khieu Thirith.

Ieng Sary và Saloth Sar (Pol Pot) cùng du học tại Pháp. Trong thời gian ở đây, hai người cùng thuê mướn phòng ở trong khu Latin, nơi được coi là khu vực trú ngụ của thành phần trẻ cực đoan. Sary và Saloth Sar có gặp các trí thức Pháp và sau đó thành lập một chi bộ Cộng Sản.

Ieng Sary làm lễ cưới với Khieu Thirith vào mùa Hè năm 1951 trong tòa thị sảnh ở Paris, từ đó Khieu Thirith có tên mang họ chồng là Ieng Thirith.

Sau khi trở về Cam Bốt, Ieng Sary được đưa vào Ủy Ban Trung Ương Đảng Lao Động Cam Bốt vào tháng 9/1960.

Sau khi chế độ Cộng Hòa Khmer bị lật đổ vào tháng 4/1975, Ieng Sary theo chỉ thị đảng đưa ra lời kêu gọi thành phần trí thức Cam Bốt ở nước ngoài về quê hương góp bàn tay xây dựng đất nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Nhiều người vì lòng yêu nước nhưng nhẹ dạ đã trở về, thế nhưng vừa bước chân ra khỏi máy bay đã bị công an nhân dân bắt giữ, và sau đó bị chế độ Cộng Sản hành hình trong các trại giam tàn bạo theo mô hình gulag của Cộng Sản Liên Xô.

Ieng Sary là nhân vật quyền lực của Khmer Đỏ, vừa giữ chức Phó Thủ Tướng, vừa nắm giữ ghế Ngoại Trưởng từ 1975 đến 1979, khi tàn quân Khmer Đỏ chạy đến căn cứ địa Anlong Veng sát biên giới Thái, Ieng Sary cũng vẫn còn nắm các chức vụ quan trọng của Cộng Sản Cam Bốt cho đến khi ra đầu hàng chính quyền Hoàng Gia năm 1996 và được Quốc Vương Sihanouk ban lịnh ân xá theo luật lúc đó. 

RFI : Thưa anh, hiện nay Tòa án Khmer Đỏ còn lại các bị cáo nào khác, và tình trạng sức khỏe của họ ra sao ? 

Phạm Phan : Hiện nay sau khi Ieng Sary chết thì chỉ còn hai bị cáo trọng phạm là Nuon Chea và Khieu Samphang. Nuon Chea cũng thường xuyên đau yếu vì tuổi già, đương sự đã vài lần được cho tạm ngưng nghe xét xử để vào bịnh viện điều trị chứng sưng cuống phổi. Công luận lo ngại Nuon Chea có thể sẽ chết nay mai cũng như Ieng Sary.

Còn Khieu Samphang thì khỏe mạnh hơn hai bị cáo nói trên, tuy nhiên Khieu Samphang lại ngoan cố phủ nhận mọi tội ác mà đương sự nhúng tay vào khi còn giữ chức Chủ Tịch nước Kampuchea Dân Chủ.

Một bị cáo thứ ba còn lại là bà Ieng Thirith 81 tuổi, nguyên Bộ Trưởng Xã Hội của Khmer Đỏ, và cũng là vợ của Ieng Sary. Tuy nhiên hồi tháng 9/2012, Tòa đã cho phép bà Ieng Thirith được tự do vì mắc bịnh tâm thần không hội đủ khả năng đứng trước Tòa nghe xét xử, thế nhưng những cáo trạng về tội ác của bà thời kỳ năm 1975- 1979 vẫn được giữ nguyên, đó là những tội ác chống lại nhân loại.

Cái chết của Ieng Sary xảy ra vào lúc Tòa Xử Tội Diệt Chủng đang có dự tính thực hiện các phiên tòa phụ để xử các bị cáo trọng phạm với mục đích có thể sớm đưa ra từng phán quyết cho mỗi bị cáo trước khi họ chết hoặc không còn khả năng đứng trước Tòa. 

RFI : Cái chết của Ieng Sary như vậy làm cho Tòa án xét xử tội ác diệt chủng tại Cam Bốt mất đi một bị cáo quan trọng. Tòa án này hiện còn gặp khó khăn nào nữa ? 

Phạm Phan : Ngày 21/6/1997, hai vị đồng Thủ Tướng Cam Bốt là Hoàng Tử Norodom Ranaridh và Hun Sen yêu cầu Liên Hiệp Quốc giúp tổ chức tiến trình thành lập Tòa án Xét xử Khmer Đỏ.

Ngày 12/12/1997, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đề ra Nghị Quyết (A/RES/52/135) về tình trạng nhân quyền tại Cam Bốt:

Đoạn 16 viết: Yêu cầu Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc xem xét thỉnh cầu (do chính quyền Cam Bốt đưa ra nhằm đáp ứng với các vi phạm nghiêm trọng luật pháp Cam Bốt và quốc tế trong quá khứ), bao gồm có thể bổ nhiệm (do Tổng Thư Ký chịu trách nhiệm) một nhóm chuyên viên lượng định các chứng cứ hiện hữu và đề nghị thêm biện pháp, như là phương tiện đem đến hòa giải dân tộc, củng cố nền dân chủ và đề cập đến vấn đề trách nhiệm cá nhân.

Ngày 28/3/2005, Hội Nghị Cam Kết Tài Trợ Tòa Án Khmer Đỏ được Liên Hiệp Quốc tổ chức tại New York. 13 nước đồng ý đóng góp tiền với tổng số 38.477.033 triệu Mỹ Kim, bao gồm: Nhật (21,6 triệu), Pháp (4,8 triệu), Úc (2.351.097 triệu), Canada (1.612.903 triệu), Đức (1 triệu), Hòa Lan (1.981.506 triệu), Đan Mạch (531.914 ngàn), Luxembourg (66.050 ngàn), Áo (360.000 ngàn), Thụy Điển (150.000 ngàn), Anh Quốc (2.873.563 triệu), Na Uy (1triệu), và Hàn Quốc (150.000 ngàn). Sau này nhiều nước đóng góp thêm và quỹ hoạt động của Tòa cũng mở rộng.

Các diễn biến lúc ban đầu của Tòa án Khmer Đỏ có dấu hiệu lạc quan, tuy nhiên tình hình hiện nay dường như đi ngược lại.

Ngân sách năm 2013 chưa được cứu xét vì nhiều nước chưa chịu đóng góp tiếp, cạnh đó là nhiều nhân viên Cam Bốt lại tổ chức đình công vì không có lương, và chính quyền luôn mang tiếng là gây sức ép chính trị lên các phiên xử, một số giới chức quan trọng thuộc thành phần người nước ngoài của Tòa án đưa đơn từ nhiệm. Tất cả điều này tác động mạnh đến tương lai Tòa án xử tội diệt chủng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.