Vào nội dung chính
INDONESIA

Indonesia phá vỡ một âm mưu tấn công vào đại sứ quán Miến Điện

Nguồn tin từ cơ quan chống khủng bố Indonesia hôm nay 03/05/2013 cho biết, hai nghi can đã bị bắt vì bị tình nghi là chuẩn bị một vụ tấn công khủng bố vào đại sứ quán Miến Điện ở Jakarta.

Người Hồi giáo  Indonesia biểu tình gần sứ quán Miền Điện tại Jakarta, ngày 03/05/2013, bầy tỏ sự phẩn nộ trước các sự kiện bài hồi giáo ở Miến Điện.
Người Hồi giáo Indonesia biểu tình gần sứ quán Miền Điện tại Jakarta, ngày 03/05/2013, bầy tỏ sự phẩn nộ trước các sự kiện bài hồi giáo ở Miến Điện. REUTERS/Beawiharta
Quảng cáo

Phát ngôn viên cơ quan cảnh sát chống khủng bố Indonesia, Boy Rafli Amar thông báo, hai người đàn ông trên bị bắt giữ vào chiều tối qua lúc đang chạy xe gắn máy trong một khu dân cư ở phía nam thủ đô Jakarta, mang theo năm quả bom tự tạo.

Một nguồn tin giấu tên từ giới điều tra nói rằng hai người tình nghi trên là Sefa Riano, 28 tuổi, và Achmad Taufiq, 21 tuổi, dự định tiến hành tấn công vào hôm nay. Người đứng đầu cơ quan cảnh sát chống khủng bố Indonesia, Ansyaad Mbai xác nhận với AFP đại sứ quán Miến Điện tại Jakarta là mục tiêu nhắm đến của âm mưu khủng bố, và nếu không can thiệp kịp thời thì vụ tấn công đã xảy ra. Một phụ nữ có lẽ là vợ của một trong hai nghi can đã được giữ lại với tư cách nhân chứng.

Bạo động tại miền trung Miến Điện nhắm vào một đền thờ Hồi giáo và hàng chục cửa hàng đã làm cho một người thiệt mạng trong tuần qua, làm bật lên tâm lý bài Hồi giáo trong một đất nước đang có nhiều biến chuyển từ khi tập đoàn quân sự cầm quyền tự giải tán vào tháng 3/2011.

Đại đa số người dân Miến Điện theo đạo Phật, chỉ có 4% dân số theo đạo Hồi.

Tháng 3/2013, các vụ bạo động tôn giáo đã làm cho 43 người chết tại Meiktila ở miền trung, nhiều khu phố Hồi giáo đã bị thiêu hủy hoàn toàn, chính quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp và quân đội được gởi đến để can thiệp. Trước đó vào năm 2012 ở miền tây, các vụ xung đột giữa người Rakhine theo đạo Phật và người Rohingya theo đạo Hồi đã làm cho khoảng 200 người thiệt mạng và 140.000 người phải đi tị nạn nơi khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.